TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 02/07/2021 14:50

Một số tình huống hỏi - đáp về Luật Khiếu nại năm 2011 và Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Khiếu nại

1. Ông  K không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND huyện X (do chủ tịch UBND huyện X ký) vì cho rằng nội dung bồi thường không thỏa đáng. Ông K có ý định khiếu nại quyết định nêu trên. Hỏi tổ chức/cá nhân nào có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của ông A?

Điều 18 Luật Khiếu nại 2011 quy định:

“Thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình.

2. Giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.”

Như vậy, trong trường hợp trên, Chủ tịch UBND huyện X có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại của ông K về quyết định thu hồi đất của UBND huyện X.

2. Chị A làm đơn khiếu nại về việc chuyên viên của phòng Tài nguyên Môi trường huyện Y không tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chị. Đơn khiếu nại đã được Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Y thụ lý giải quyết và ra quyết định giải quyết khiếu nại (lần đầu). Chị A đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại. Hỏi quyết định giải quyết khiếu nại trên của Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Y có hiệu lực pháp luật từ thời điểm nào?

Điều 44 Luật Khiếu nại 2011 quy định như sau:

“Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày, kể từ ngày ban hành mà người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.”

Trong trường hợp trên, theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Khiếu nại 2011, quyết định giải quyết khiếu nại  của Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Y  có hiệu lực pháp luật sau 30 ngày kể từ ngày ban hành mà chị A - người khiếu nại không khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày. Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật có hiệu lực thi hành ngay.

3. Anh P là chuyên viên phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh X nhận được quyết định kỷ luật buộc thôi việc do không hoàn thành nhiệm vụ. Anh T không đồng ý và muốn khiếu nại quyết định trên. Hỏi thời hiệu anh T có thể  thực hiện việc khiếu nại quyết định kỷ luật trên là bao lâu?

Theo quy định tại Điều 48 Luật Khiếu nại 2011 thì:

“Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 15 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định kỷ luật.

Thời hiệu khiếu nại lần hai là 10 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu; đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc thì thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày cán bộ, công chức nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.”

Như vậy trong tình huống trên, thời hiệu khiếu nại lần đầu đối với quyết định kỷ luật buộc thôi việc là 15 ngày kể từ ngày anh P nhận được quyết định kỷ luật. Thời hiệu khiếu nại lần hai là 30 ngày, kể từ ngày anh P nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu. Trường hợp anh P không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

4. Chị X là công chức Văn hóa - xã hội xã bị kỷ luật với hình thức hạ bậc lương. Chị X không đồng ý và đã gửi đơn khiếu nại lên Chủ tịch UBND xã. Hỏi thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại của chị X theo quy định của pháp luật là bao lâu?

Điều 50 Luật Khiếu nại 2011 quy định như sau:

“Thời hạn thụ lý và giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai như sau:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết.

Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.”

Như vậy trong tình huống trên, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, Chủ tịch UBND xã phải thụ lý để giải quyết và thông báo cho chị X biết. Thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

5.Bà A có đơn khiếu nại đến Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh X do không đồng ý với Quyết định thu hồi giấy phép hoạt động Trung tâm ngoại ngữ do bà làm Giám đốc. Tuy nhiên sau khi được giải thích, bà A đã hiểu quyết định của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo là có căn cứ. Do đó, bà A muốn rút đơn khiếu nại. Hỏi bà A có thể rút khiếu nại vào thời điểm nào và cần làm gì để rút đơn khiếu nại?

Điều 10 Luật Khiếu nại 2011 quy định về rút khiếu nại như sau:

“Người khiếu nại có thể rút khiếu nại tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình khiếu nại và giải quyết khiếu nại; việc rút khiếu nại phải được thực hiện bằng đơn có chữ ký hoặc điểm chỉ của người khiếu nại; đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi nhận được đơn xin rút khiếu nại thì đình chỉ việc giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đình chỉ giải quyết khiếu nại.”

Như vậy theo quy định trên, trong trường hợp này nếu bà A muốn rút khiếu nại, thì có thể rút khiếu nại tại bất kỳ thời điểm nào. Để rút khiếu nại, bà A phải làm đơn xin rút khiếu nại. Đơn xin rút khiếu nại phải gửi đến Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh X là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

6. Ông C khiếu nại lần hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế của Cục trưởng cục Thuế tỉnh A. Khiếu nại lần hai của ông C đã được người có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, ông C vẫn không đồng ý và tiếp tục khiếu nại. Hỏi đơn khiếu nại của ông C có tiếp tục được thụ lý không?

Khoản 7 Điều 11 Luật Khiếu nại 2011 quy định các khiếu nại không được thụ lý giải quyết, trong đó khiếu nại thuộc một trong các trường hợp sau đây không được thụ lý giải quyết: Khiếu nại đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai;

Trong trường hợp này, vụ việc khiếu nại của ông C đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Do đó, nếu ông C tiếp tục gửi đơn khiếu nại thì khiếu nại này thuộc trường hợp không được thụ lý giải quyết. Trong trường hợp này ông C vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính (tức là khởi kiện Cục thuế tỉnh A đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế).

7. Cục trưởng Cục thuế tỉnh X nhận được đơn khiếu nại của đại diện Công ty cổ phần A về việc khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, cho rằng việc xử phạt là không có căn cứ. Xin hỏi, Cục trưởng Cục thuế tỉnh X có thể xác minh nội dung khiếu nại bằng các hình thức nào?

Khoản 2 Điều 29 Luật Khiếu nại 2011 quy định về việc xác minh nội dung khiếu nại được thực hiện thông qua các hình thức như sau:

“2. Việc xác minh phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời thông qua các hình thức sau đây:

a) Kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh khiếu nại;

b) Kiểm tra, xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp;

c) Các hình thức khác theo quy định của pháp luật.”

Trong trường hợp trên, để xác minh nội dung khiếu nại của Công ty cổ phần A về việc cho rằng quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế là không có căn cứ, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh X phải xác minh thông qua các hình thức: Kiểm tra, xác minh trực tiếp tại địa điểm phát sinh khiếu nại; Kiểm tra, xác minh thông qua các tài liệu, chứng cứ mà người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp; hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

8. Không đồng ý với quyết định xử lý kỷ luật, anh A - công chức của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh X đã gửi đơn khiếu nại đến Giám đốc Sở. Sau khi giải quyết, Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh X chấp thuận đơn khiếu nại của anh A. Anh A đề nghị phải công khai quyết định giải quyết khiếu nại. Xin hỏi việc công khai này thực hiện bằng hình thức nào?

Công khai quyết định giải quyết khiếu nại là trách nhiệm của cơ quan/người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại. Khoản 3 Điều 29 Nghị định 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại như sau:

“3. Công khai quyết định giải quyết khiếu nại:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi có quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm công khai quyết định giải quyết khiếu nại theo một trong các hình thức sau:

a) Công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác

Thành phần tham dự gồm: người giải quyết khiếu nại, người khiếu nại hoặc người đại diện thực hiện việc khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trước khi tiến hành cuộc họp công khai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải có văn bản thông báo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan biết trước 03 ngày.

b) Niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại. Thời gian niêm yết quyết định giải quyết khiếu nại ít nhất là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

c) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng gồm báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm lựa chọn một trong các phương tiện thông tin đại chúng để thực hiện việc công khai. Trường hợp cơ quan của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử thì phải công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử. Số lần thông báo trên báo nói ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo hình ít nhất 02 lần phát sóng; trên báo in ít nhất 02 số phát hành liên tục. Thời gian đăng tải trên báo điện tử, trên cổng thông tin điện tử hoặc trên trang thông tin điện tử ít nhất là 15 ngày liên tục.”

Như vậy, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh X phải thực hiện công khai bằng một trong các hình thức nêu trên.

9. Bà N có đơn khiếu nại Quyết định của UBND huyện về việc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà. Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch UBND huyện, bà N không đồng ý và tiếp tục gửi đơn khiếu nại lần hai lên Chủ tịch UBND tỉnh. Tuy nhiên khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai, bà N cũng không đồng ý. Hỏi trong trường hợp này, bà N có thể khởi kiện ra tòa án không?

Điều 42 Luật Khiếu nại 2011 quy định tại về việc khởi kiện vụ án hành chính như sau: “Hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định mà khiếu nại không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.”

Căn cứ quy định trên, bà N không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai của Chủ tịch UBND tỉnh. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Bà N có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

10. T là sinh viên của Trường Đại học H (trường công lập) . Do nghỉ học vượt quá thời gian quy định nên Hiệu trưởng Trường Đại học H đã ra quyết định buộc thôi học đối với T. T không đồng ý với quyết định này vì cho rằng nhà trường chưa xem xét đầy đủ về lý do nghỉ học của mình và làm đơn khiếu nại. Hỏi ai là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của anh T?

Điều 14 Nghị định 124/2020/NĐ-CP quy định như sau:

“ Thẩm quyền giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập

1. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của viên chức do mình quản lý trực tiếp.

2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập cấp dưới đã giải quyết mà còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập không có đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp thì người đứng đầu cơ quan nhà nước quản lý đơn vị sự nghiệp công lập đó có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

3. Khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của đơn vị sự nghiệp công lập do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.”

Trong trường hợp này, quyết định buộc thôi học đối với T do Hiệu trưởng trường Đại học H ban hành. Trường Đại học H là đơn vị sự nghiệp công lập, do đó theo khoản 1 Điều 14 Nghị định 124/2020/NĐ-CP thì Hiệu trưởng trường Đại học H là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của T.

Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Hiệu trưởng trường Đại học H, anh M có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo - là người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại của anh M.

Ngọc Châu

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn