TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 05/04/2021 09:35

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử

Câu 1. Anh X có sở thích sưu tầm tem. Mấy hôm trước anh X có nhận được tin nhắn của một người bạn cùng sở thích muốn bán cho anh một số mẫu tem hiện đã bị đình bản, thu hồi. Vì muốn sở hữu những con tem hiếm và độc đáo nên anh rất muốn mua những con tem này. Xin hỏi, việc anh X thực hiện mua bán những mẫu tem này có vi phạm pháp luật không ?

Việc mua bán tem đã bị thu hồi, đình bản là hành vi vi phạm pháp luật. Điểm a khoản 6 Điều 14 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 (gọi tắt Nghị định 15/2020/NĐ-CP) quy định về việc xử lý hành vi vi phạm này như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có quyết định đình bản, đình chỉ, thu hồi;

Khoản 8 Điều 14 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định chi tiết hơn đối với một số hành vi vi phạm cụ thể:

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền tem bưu chính có nội dung, hình ảnh, ký hiệu, dấu hiệu gây kích động, thù hằn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo; có nội dung sai trái về chủ quyền lãnh thổ quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra, còn có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung:

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm;

- Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm.

Câu 2. Hành vi vi phạm các quy định về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin được quy định như thế nào?

Việc xử lý đối với những hành vi vi phạm các quy định về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin được quy định tại Điều 74 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi công bố không đầy đủ nội dung thông tin số trên sản phẩm hoặc trên bao gói của sản phẩm theo quy định khi tham gia sản xuất, cung cấp gói sản phẩm nội dung thông tin số hoàn chỉnh.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không công bố nội dung thông tin số trên sản phẩm hoặc trên bao gói của sản phẩm theo quy định khi tham gia sản xuất, cung cấp gói sản phẩm nội dung thông tin số hoàn chỉnh.

3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Chuyển giao, bán, chuyển nhượng công nghệ, giải pháp phát triển sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm do Nhà nước đầu tư khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;

b) Công bố thông tin không chính xác về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước để được hưởng ưu tiên trong đầu tư, mua sắm khi sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

c) Cung cấp thông tin không chính xác để đáp ứng các điều kiện nhằm tham gia chương trình phát triển các sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm do Nhà nước đầu tư;

d) Gian lận trong việc tổ chức, sát hạch và cấp chứng chỉ đáp ứng chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của tổ chức nước ngoài sử dụng tại Việt Nam.

4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi không hoàn thành đúng thời hạn quy định việc xây dựng hạ tầng cơ sở khu công nghệ thông tin tập trung.

5. Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Triển khai hoạt động khu công nghệ thông tin tập trung không đúng mục tiêu hoặc không đúng chức năng, nhiệm vụ;

b) Triển khai hoạt động khu công nghệ thông tin tập trung không đáp ứng hoặc đáp ứng không đầy đủ các tiêu chí của khu công nghệ thông tin tập trung.

6. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu quyết định công nhận chứng chỉ công nghệ thông tin của tổ chức nước ngoài sử dụng ở Việt Nam do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

          7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được

do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và d khoản 3 và điểm a, c

khoản 5 Điều này.

Câu 3. Việc xử lý những vi phạm quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được quy định như thế nào?

Căn cứ để xử lý các vi phạm quy định về bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và hỗ trợ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được quy định tại Điều 77 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020, cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi che giấu tên của mình hoặc giả mạo tên của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thông tin trên môi trường mạng.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không có biện pháp ngăn ngừa trẻ em truy nhập thông tin không có lợi trên môi trường mạng khi cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin;

b) Không có dấu hiệu cảnh báo đối với sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin mang nội dung không có lợi cho trẻ em.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Tạo ra hoặc cài đặt hoặc phát tán chương trình vi rút máy tính hoặc phần mềm gây hại vào thiết bị số của người khác;

b) Sản xuất hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin kích động dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục của dân tộc.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc tiêu hủy sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

       

Câu 4. Những vi phạm về các quy định đảm bảo an toàn thông tin và ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng sẽ được xử lý như thế nào ?

Tại Điều 78 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 đã quy định rõ việc xử lý những vi phạm đảm bảo an toàn thông tin và ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không công bố thông tin về địa chỉ tiếp nhận sự cố trên Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử;

b) Không khai báo hồ sơ, cung cấp, cập nhật thông tin về đầu mối ứng cứu sự cố, nhân lực kỹ thuật an toàn thông tin, ứng cứu sự cố thuộc phạm vi quản lý tới cơ quan điều phối quốc gia;

c) Cập nhật thông tin về đầu mối ứng cứu sự cố không đúng thời gian quy định khi có thay đổi;

d) Vi phạm quy chế hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia hoặc không tuân thủ các yêu cầu điều phối của cơ quan điều phối;

đ) Không báo cáo sự cố an toàn thông tin mạng tới chủ quản hệ thống thông tin, đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp, Cơ quan điều phối quốc gia đúng thời gian quy định kể từ khi phát hiện sự cố.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không báo cáo với Cơ quan điều phối quốc gia khi tiếp nhận thông tin, phát hiện sự cố đối với hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý;

b) Không phản hồi cho tổ chức, cá nhân đã gửi thông báo hoặc báo cáo ban đầu về sự cố;

c) Không triển khai ngay các hoạt động ứng cứu sự cố và báo cáo theo quy định;

d) Không tiến hành phân tích, xác minh, đánh giá tình hình, sơ bộ phân loại sự cố và triển khai ngay các hoạt động ứng cứu sự cố và báo cáo theo quy định;

đ) Không báo cáo về sự cố, diễn biến tình hình ứng cứu sự cố, đề xuất hỗ trợ ứng cứu sự cố hoặc nâng cấp nghiêm trọng của sự cố cho chủ quản hệ thống thông tin, Cơ quan điều phối quốc gia và đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không tổng hợp, báo cáo Cơ quan điều phối quốc gia về diễn biến sự cố khi được yêu cầu;

b) Không thành lập hoặc không chỉ định đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng hoặc không thành lập Đội ứng cứu sự cố;

c) Không ghi nhận hoặc không tiếp nhận thông báo hoặc không báo cáo sự cố an toàn thông tin mạng theo đúng quy trình;

d) Không xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố bảo đảm an toàn thông tin mạng;

đ) Cung cấp không đầy đủ thông tin trong thời gian chưa khắc phục triệt để sự cố;

e) Không tổng hợp, xây dựng báo cáo định kỳ 06 tháng, 01 năm;

g) Thực hiện không đầy đủ các yêu cầu điều phối ứng cứu sự cố của Cơ quan điều phối quốc gia.

4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không cử đầu mối thực hiện các hoạt động phối hợp ứng cứu sự cố hoặc không tham gia mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia;

b) Không thực hiện các yêu cầu điều phối ứng cứu sự cố của Cơ quan điều phối quốc gia;

c) Không bố trí mặt bằng, cổng kết nối và các điều kiện kỹ thuật cần thiết theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an;

d) Không tổ chức hoạt động ứng cứu sự cố trong lĩnh vực, địa bàn, phạm vi mình quản lý;

đ) Không phối hợp với Cơ quan điều phối quốc gia, các nhà cung cấp dịch vụ và các cơ quan chức năng khôi phục một số hoạt động, dữ liệu hoặc kết nối cần thiết nhất để giảm thiểu thiệt hại đối với hệ thống thông tin hoặc gây ảnh hưởng xấu tới xã hội;

e) Không phối hợp trong thời gian chưa khắc phục triệt để sự cố;

g) Không xử lý các hậu quả do sự cố hệ thống thông tin của mình gây ra ảnh hưởng đến người dân, cơ quan, tổ chức khác;

h) Không lưu trữ hoặc không cung cấp thông tin liên quan đến các địa chỉ IP thuê bao, máy chủ, thiết bị IOT, các log file, nhật ký dịch vụ phân giải tên miền DNS trong phạm vi quản lý;

i) Không thiết lập môi trường để lắp đặt thiết bị quan trắc, lấy mẫu và cung cấp luồng dữ liệu mạng;

k) Không thiết lập đầu mối thường trực 24/7 hoặc không bố trí nhân lực, vật lực sẵn sàng phối hợp, triển khai các giải pháp nhằm ứng cứu, khắc phục hậu quả sự cố trong trường hợp nguồn tấn công được xác định xuất phát từ thuê bao thuộc doanh nghiệp mình hoặc khi được yêu cầu từ Cơ quan điều phối quốc gia.

Câu 5. Ông D là kế toán trưởng của doanh nghiệp X nên được cấp chữ ký số để ký xác nhận trên các văn bản điện tử trong quá trình thực hiện giao dịch của công ty. Gần đây ông D bị thất lạc thiết bị dùng để ký số, sau khi kiểm tra camera an ninh của công ty đã phát hiện được người lấy trộm. Xin cho biết việc xử lý hành vi chiếm đoạt và sử dụng chữ ký số của người khác được pháp luật quy định như thế nào ?

Tại điểm a khoản 2 Điều 79 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 đã quy định việc xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định về an toàn, an ninh trong giao dịch điện tử sử dụng chữ ký số, chứng thư số như sau:

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi trộm cắp, gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép khóa bí mật của người khác;

Câu 6. Công ty A có một website để giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Thời gian gần đây khách hàng phản ánh việc truy cập vào website của công ty rất chậm và có thời điểm không thể thực hiện được. Đại diện công ty A sau khi kiểm tra đã phát hiện ra một công ty đối thủ đang thực hiện tấn công hạn chế quyền truy cập vào website của công ty A. Xin cho biết căn cứ pháp luật xử lý công ty đối thủ của công ty A trong trường hợp này ?

Theo điểm c và d khoản 2 Điều 80 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định việc xử lý những hành vi vi phạm về việc cung cấp, sử dụng trái phép thông tin trên mạng, cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin;

- Ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, trừ trường hợp pháp luật cho phép;

Đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm.

 

Câu 7. Gần đây chị X phát hiện ra tài khoản ngân hàng của mình phát sinh những giao dịch mà chị không thực hiện. Sau khi tiến hành trình báo cơ quan công an và phối hợp với ngân hàng để xác minh, chị X đã tìm được người thực hiện những giao dịch trái phép nêu trên. Xin hỏi, người thực hiện hành vi sử dụng trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của chị X trong trường hợp trên sẽ bị xử phạt như thế nào?

Tại điểm a và c khoàn 2 Điều 81 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định việc xử lý hành vi sử dụng trái phép thông tin tài khoản ngân hàng của người khác được quy định, cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2.000.000 đồng;

- Trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2.000.000 đồng.

Ngoài ra còn có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.

Cũng như áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

          Câu 8. Gần đây, anh Q nhận được nhiều tin nhắn, email, cuộc gọi giới thiệu mua nhà từ công ty kinh doanh tư vấn bất động sản G. Anh Q cảm thấy bị làm phiền nhưng không có cách nào để từ chối tiếp nhận những thông tin này gửi đến mình. Theo bạn, pháp luật quy định xử lý như thế nào đối với hành vi này của công ty G ?

Tại điểm a khoản 1 Điều 82 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi này như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa được người tiếp nhận đồng ý hoặc khi người tiếp nhận đã từ chối;

- Không có phương thức để người tiếp nhận thông tin từ chối việc tiếp nhận thông tin.

Câu 9. Gần đây, một số cá nhân, tổ chức tìm cách thu thập, lưu trữ thông tin, dữ liệu người dùng trên internet và đăng bán trên các trang mạng xã hội. Một số cá nhân, doanh nghiệp đã tiến hành mua những dữ liệu này để có được cơ sở dữ liệu khách hàng với mục đích quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp. Xin hỏi, việc thu thập, sử dụng, mua bán thông tin, dữ liệu người dùng của các đối tượng trên có vi phạm pháp luật không?

Điểm c khoản 2 Điều 84 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định việc kinh doanh thông tin cá nhân của người khác là trái pháp luật, cụ thể như sau:

-Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân;

- Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân;

- Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm.

Câu 10. Thời gian gần đây, nhiều công ty thực hiện việc quảng bá sản phẩm của mình bằng hình thức gửi tin nhắn, email trực tiếp đến các thuê bao di động và các địa chỉ email mà họ thu thập được. Xin hỏi, hành động này có vi phạm pháp luật không? Và nếu có thì pháp luật quy định xử lý đối với những hành vi này như thế nào ?

Việc gửi tin nhắn, email trực tiếp đến các thuê bao di động với mục đích quảng cáo khi chưa được phép là hành vi trái pháp luật.

Điều 94 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định việc xử lý hành vi vi phạm liên quan tới thư điện tử, tin nhắn cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ, cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp số điện thoại liên hệ trong các biển quảng cáo, rao vặt được treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, bờ tường, cây xanh, nơi công cộng.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:

a) Gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo đến người nhận nhưng chưa được sự đồng ý của người nhận;

b) Gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo không đúng hoặc không đầy đủ theo quy định.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không gắn nhãn thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo theo quy định;

b) Không lưu lại thông tin đăng ký nhận quảng cáo, thông tin yêu cầu từ chối và thông tin xác nhận yêu cầu từ chối thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo;

c) Gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, tin nhắn qua mạng Internet khi chưa được cấp mã số quản lý hoặc có mã số quản lý không đúng mã số quản lý được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không cung cấp miễn phí cho người sử dụng cơ chế tiếp nhận và xử lý các thông báo về thư rác;

b) Không có biện pháp để tránh mất mát và ngăn chặn sai thư điện tử của người sử dụng dịch vụ;

c) Không phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet trong nước và quốc tế, nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn trong và ngoài nước để hạn chế, ngăn chặn thư rác;

d) Không gửi ngay hoặc gửi thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối thư điện tử, tin nhắn không bảo đảm các yêu cầu theo quy định;

đ) Không có biện pháp giới hạn số lượng, tốc độ và tần suất nhắn tin;

e) Không giới hạn tần suất nhắn tin từ mỗi nguồn gửi hoặc không ngăn chặn các tin nhắn có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin theo quy định;

g) Gửi thư điện tử quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo nhưng không gửi bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông;

h) Che giấu tên, địa chỉ điện tử của mình khi gửi thư điện tử, tin nhắn;

i) Không chấm dứt việc gửi đến người nhận thư điện tử quảng cáo hoặc tin nhắn quảng cáo ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối của người nhận;

k) Không phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông di động trong và ngoài nước ngăn chặn tin nhắn rác;

l) Không thực hiện biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

m) Không ngăn chặn tin nhắn rác giả mạo nguồn gửi trước khi gửi tới người sử dụng dịch vụ;

n) Không ngừng cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn khi khách hàng yêu cầu;

o) Thực hiện không đầy đủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác.

5. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không tuân thủ các yêu cầu điều phối, ngăn chặn, xử lý tin nhắn rác;

b) Không thực hiện yêu cầu xử lý các thông báo, phản ánh tin nhắn rác của Bộ Thông tin và Truyền thông;

c) Không thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế thư điện tử rác theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

d) Không cung cấp thông tin và ngăn chặn các nguồn phát tán thư điện tử rác hoặc phần mềm độc hại theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Không thực hiện các biện pháp đánh giá tình trạng tin nhắn rác trên mạng viễn thông di động của nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

6. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không có đầy đủ các hình thức từ chối nhận thư điện tử quảng cáo hoặc từ chối nhận tin nhắn quảng cáo;

b) Gửi hoặc phát tán thư điện tử rác, tin nhắn rác, phần mềm độc hại;

c) Tạo hàng loạt cuộc gọi nhỡ nhằm dụ dỗ người sử dụng gọi điện thoại, nhắn tin đến các số cung cấp dịch vụ nội dung để trục lợi hoặc để cung cấp thông tin, quảng cáo;

d) Khai thác, sử dụng các số dịch vụ, số thuê bao viễn thông không đúng mục đích;

đ) Số dịch vụ gọi tự do, số dịch vụ gọi giá cao được mở chiều gọi đi hoặc để gửi tin nhắn hoặc nhận tin nhắn.

7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo bằng thư điện tử hoặc quảng cáo bằng tin nhắn hoặc cung cấp dịch vụ nhắn tin qua mạng Internet nhưng không có hệ thống tiếp nhận, xử lý yêu cầu từ chối của người nhận.

8. Phạt tiền từ 180.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi không ngăn chặn, thu hồi số thuê bao được dùng để phát tán tin nhắn rác.

9. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, e và h khoản 4, các khoản 6 và 7 Điều này;

b) Tước quyền sử dụng mã số quản lý, tên định danh từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 3, các điểm d, g, h, i và o khoản 4, các điểm a và b khoản 6 Điều này.

10. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hoàn trả hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và đ khoản 6 Điều này;

b) Buộc thu hồi đầu số, kho số viễn thông do thực hiện hành vi vi phạm tại điểm h khoản 4, các điểm b và c khoản 5 và khoản 6 Điều này.

Câu 11. Nhà cung cấp dịch vụ mạng viễn thông H cho phép người dùng đăng ký và sử dụng một số dịch vụ có trả phí khác (nhạc chờ, hộp thư thoại…) do mình cung cấp bằng cách đăng ký qua trang web hoặc nhắn tin theo cú pháp gửi đến tổng dài. Sau khi đăng ký dịch vụ, máy điện thoại của khách hàng chỉ nhận được thông báo “Bạn đã đăng ký thành công” mà không có các thông tin liên quan đến gói dịch vụ đó. Việc tự động gia hạn sử dụng và thông báo khi khách hàng tiến hành hủy dịch vụ cũng được nhà cung cấp thực hiện một cách âm thầm mà không có bất kỳ thông tin nào phản hồi để khách hàng biết. Theo bạn đối với hành vi phạm nêu trên, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông H sẽ bị xử phạt như thế nào ?

Việc xử lý hành vi vi phạm nêu trên của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông H được quy định tại điểm c, g và h khoản 6 Điều 96 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Không thông báo bằng tin nhắn ngắn gửi tới người sử dụng các thông tin “Bạn đã đăng ký thành công”, “Tên dịch vụ vừa đăng ký”, mã, số cung cấp dịch vụ, chu kỳ cước, giá cước, cách hủy, tổng đài hỗ trợ tư vấn người sử dụng dịch vụ nhưng đã cung cấp dịch vụ theo định kỳ;

+ Không gửi tin nhắn ngắn tới thuê bao đã đăng ký sử dụng dịch vụ định kỳ để thông báo về việc tự động gia hạn các dịch vụ;

+ Không gửi tin nhắn thông báo về kết quả xử lý tin nhắn yêu cầu hủy dịch vụ nội dung thông tin của thuê bao;

Đối với những vi phạm của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông H còn buộc phải thực hiện hình thức xử phạt bổ sung:

- Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đăng ký dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động từ 3 tháng đến 5 tháng.

Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hoàn trả hoặc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; Buộc thu hồi mã, số cung cấp dịch vụ đã thực hiện hành vi vi phạm.

          Câu 12. Lợi dụng tnh tò mò và thiếu hiểu biết của một bộ phận người dùng internet, hiện nay một số trang thông tin điện tử của tư nhân đang có hành vi chia sẻ đường dẫn đến những trang web có nội dung xấu (bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan…) giúp những trang này có thêm người truy cập và từ đó kiếm thêm tiền quảng cáo. Các trang thông tin điện tử này thường chỉ có địa chỉ email liên lạc mà không có thông tin của đơn vị quản lý cụ thể. Anh/chị hãy cho biết pháp luật quy định xử lý như thế nào đối với những trang thông tin điện tử có hành vi nêu trên?

Khoản 1 và các điểm a, b khoản 2 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định về các mức phạt của những trang thông tin điện tử vi phạm các hành vi nêu trên như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp không đầy đủ hoặc không chính xác thông tin về tên của tổ chức quản lý trang thông tin điện tử, tên cơ quan chủ quản (nếu có), địa chỉ liên lạc, thư điện tử, số điện thoại liên hệ, tên người chịu trách nhiệm quản lý nội dung trên trang chủ của trang thông tin điện tử.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung vi phạm quy định của pháp luật;

+ Tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

Ngoài ra, chủ sở hữu các trang thông tin điện tử vi phạm cần thực hiện

biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến những thông tin vi phạm pháp luật;

- Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm các quy định về trang thông tin điện tử.

Câu 13. Do mâu thuẫn cá nhân giữa chị H và anh A,  chị H đã đăng tải lên mạng xã hội những thông tin sai sự thật, nhằm bôi nhọ danh dự anh A cùng những hình ảnh bạo lực. Anh A đã tố cáo hành vi sai trái này của chị H với cơ quan chức năng. Xin cho biết, hành vi nêu trên của chị H sẽ bị cơ quan chức năng xử lý như thế nào ?

Theo điểm a, b và c khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP việc làm sai trái của chị H sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

- Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;

- Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;

Ngoài ra, chị H phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả: bằng cách gỡ bỏ toàn bộ những thông tin sai sự thật nêu trên.

          Câu 14. Để thu hút người chơi, hiện nay một số nhà cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng đã sử dụng nhiều chiêu trò nhằm lôi kéo người tham gia. Rất nhiều trò chơi được thiết kế các nhân vật có trang phục hở hang, kịch bản có tính chất bạo lực, rùng rợn…Đặc biệt, một số trò chơi còn tạo ra các gian hàng ảo cho phép người chơi mua bán, chuyển đổi điểm hoặc những vật phẩm ảo trong trò chơi thành tiền. Xin hỏi, mức xử phạt các nhà cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng này như thế nào?

Tại khoản 3 và khoản 6 Điều 104 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định mức phạt đối với hành vi vi phạm nêu trên của những nhà cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng như sau:

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 có nội dung kịch bản có hình ảnh hoặc âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, thú tính, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam; phá hoại truyền thống lịch sử; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; miêu tả các hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố, hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em, đánh bạc và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác.

- Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

           + Quy đổi vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng được thành tiền hoặc thẻ thanh toán hoặc phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử dưới bất kỳ hình thức nào;

- Ngoài ra còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung:

+ Tước quyền sử dụng Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1, Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng từ 22 tháng đến 24 tháng.

+ Tịch thu tang vật, phương tiện dùng để thực hiện các hành vi vi phạm.

Câu 15. Đối diện cửa trường trung học phổ thông K có một cơ sở cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Để thu hút sự chú ý của các em học sinh, cơ sở này đã bố trí ngay cửa ra vào một bảng điện tử với đèn nháy nhiều màu thay cho biển hiệu. Cơ sở cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử này hoạt động đã lâu nhưng hiện vẫn không có nội quy hoạt động và thường mở bất cứ khi nào có khách mà không kể giờ giấc. Xin cho biết, cơ sở cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng nêu trên sẽ bị xử lý như thế nào đối với những vi phạm của mình ?

Căn cứ vào điểm a,b và c khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều 105 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP cơ sở cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử nêu trên có thể phải chịu những phạt như sau về những vi phạm của mình:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Thiết lập điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng cách cổng trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông dưới 200 m;

+ Không thể hiện đầy đủ các thông tin trên biển hiệu theo quy định;

c) Không niêm yết nội quy sử dụng dịch vụ trò chơi điện tử công cộng;

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

+ Hoạt động ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ sáng đến 22 giờ đêm hàng ngày;

          Hồng Điệp

Lượt truy cập: 761100
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn