TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 13/05/2022 16:49

Quyền hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật

Hỏi:  Ông bà ngoại tôi không có con nên nhận mẹ tôi làm con nuôi từ lúc mẹ tôi còn rất nhỏ. Đến khi trưởng thành, mẹ tôi lập gia đình, sinh ra tôi và vẫn ở cùng chăm sóc cho ông bà. Xin cho tôi biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, mẹ tôi có được hưởng thừa kế từ ông bà ngoại tôi hay không? Tôi là cháu nuôi có được hưởng thừa kế từ ông bà hay không?

                                                                               (Ngọc Anh, Tiên Lãng)

Trả lời:

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi trao đổi như sau:

Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định: “Cha mẹ nuôi là người nhận con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký. Con nuôi là người được nhận làm con nuôi sau khi việc nuôi con nuôi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký”.

Như vậy, giữa con nuôi và cha mẹ nuôi mặc dù không xảy ra sự kiện sinh nhưng có mối quan hệ nuôi dưỡng và đã được đăng ký hợp pháp với cơ quan có thẩm quyền.

Về quyền hưởng thừa kế của con nuôi, có 02 trường hợp sau đây:

- Cha mẹ nuôi có để lại di chúc: Việc định đoạt phần tài sản của mình hoàn toàn dựa vào ý chí của cha mẹ nuôi. Do đó, nếu trong di chúc, cha mẹ nuôi đã chỉ định phần di sản cho con nuôi hưởng thì người này được hưởng di sản thừa kế của cha mẹ nuôi.

- Cha mẹ nuôi không để lại di chúc: Khi cha mẹ nuôi không để lại di chúc, di sản thừa kế sẽ được chia theo pháp luật cho các hàng thừa kế. Trong đó, căn cứ điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, con nuôi của người chết là một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết.

Tất cả những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được ưu tiên hưởng thừa kế và được hưởng phần di sản bằng với những người thừa kế khác cùng hàng thừa kế thứ nhất gồm vợ, chồng cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ của người chết. Như vậy, theo quy định của pháp luật, mẹ bạn là con nuôi vẫn có quyền được hưởng thừa kế từ ông bà ngoại của bạn.

Cháu nuôi có được hưởng thừa kế từ ông bà nuôi không?

Hiện nay, trong Bộ luật Dân sự và Luật Nuôi con nuôi không có khái niệm về “cháu nuôi”. Hiện nay, pháp luật chỉ đặt ra quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi. Đồng thời, Điều 651 Bộ luật Dân sự quy định 03 hàng thừa kế bao gồm:

Hàng thứ nhất: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ và con nuôi.

Hàng thứ hai: Ông bà nội, ngoại; anh chị em ruột; cháu ruột gọi người chết là ông bà nội, ông bà ngoại.

Hàng thứ ba: Cụ nội, ngoại; bác chú cậu cô dì ruột; cháu ruột gọi người chết là bác chú cậu cô dì ruột; chắt ruột gọi người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Căn cứ các hàng thừa kế nêu trên, con của con nuôi không thuộc một trong các hàng thừa kế của ông, bà là cha mẹ nuôi của người này. Tuy nhiên, cháu nuôi vẫn có thể được hưởng thừa kế từ ông bà nuôi trong trường hợp sau đây:

- Hưởng theo di chúc: Nếu ông bà nuôi chỉ định người cháu nuôi được hưởng thừa kế trong di chúc hợp pháp của mình thì người cháu sẽ được hưởng phần di sản này.

- Hưởng theo thế vị: Theo Điều 653 Bộ luật Dân sự 2015, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi được hưởng thừa kế thế vị. Mặt khác, Điều 652 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thừa kế thế vị như sau:

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Căn cứ quy định trên, nếu người con nuôi chết trước hoặc cùng thời điểm với cha mẹ nuôi thì cháu nuôi sẽ được hưởng phần di sản thừa kế của ông bà nuôi mà lẽ ra người con nuôi kia được hưởng.

Như vậy, bạn là cháu nuôi vẫn có thể được hưởng thừa kế theo diện thừa kế thế vị (nếu mẹ nuôi chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông bà) hoặc hưởng thừa kế theo di chúc (nếu ông bà có lập di chúc chỉ định cho bạn được hưởng) từ phần di sản của ông bà nuôi.

Luật gia Phạm Liên

 

 

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn