TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 15/10/2021 07:58

Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2027

Ngày 19/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1260/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2027”. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022.

Đây là vấn đề nhiều bạn đọc quan tâm, sau đây Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật xin trả lời bạn đọc những nội dung cơ bản của Quyết định này.

Hỏi: Mục tiêu chung của Quyết định số 1260/QĐ-TTg?

Đáp:

Mục tiêu chung của Quyết định số 1260/QĐ-TTg là nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây viết tắt là PBGDPL) trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp). Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm pháp luật; hình thành thói quen tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật; xây dựng lối sống, học tập, làm việc theo pháp luật của người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Hỏi: Quyết định số 1260/QĐ-TTg đặt ra những mục tiêu cụ thể nào?

Đáp:

Mục tiêu cụ thể của Quyết định số 1260/QĐ-TTg đó là:

- Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển được khoảng 2.000 giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học Pháp luật, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật theo bộ chương trình, tài liệu của Chương trình để trở thành đội ngũ hạt nhân thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

- Phấn đấu 90 - 100% cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức tuyên truyền, PBGDPL theo bộ chương trình, giáo trình, tài liệu PBGDPL cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động trong đơn vị. Bảo đảm nội dung tuyên truyền, PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng cơ sở; tập trung vào những vấn đề mà người học, xã hội quan tâm; kết hợp giữa công tác giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, trách nhiệm nghề nghiệp cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động;

- Phấn đấu 100% người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động trong các trường cao đẳng, trường trung cấp được tuyên truyền, phổ biến, thông tin đầy đủ, rộng rãi về pháp luật giáo dục nghề nghiệp, các nội dung pháp luật liên quan trực tiếp đến ngành, nghề đào tạo, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp nhằm giúp người học nhận thức và thực hiện tốt các quy định của pháp luật;

- Phấn đấu 100% người học trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thuộc đối tượng học xong đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và pháp luật nước sở tại trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đi sống, công việc, vị trí việc làm sẽ đảm nhận;

- Phấn đấu 100% trường cao đẳng, trường trung cấp triển khai công tác tuyên truyền, PBGDPL theo chương trình giáo dục chính khóa kết hợp với hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế tại các cơ quan, đơn vị thi hành pháp luật, cơ quan tư pháp; tích hp, lồng ghép nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bảo đảm phù hợp với hoạt động giáo dục chính trị đầu khóa, trong môn học Pháp luật và một số môn học khác theo chương trình đào tạo;

- Hoàn thành bộ chương trình, tài liệu tuyên truyền, PBGDPL theo từng nhóm đối tượng của Chương trình; rà soát chương trình môn học Pháp luật trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp. Công khai nội dung tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc Trang Thông tin điện tử Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;

- Phấn đấu 70% cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó 100% trường cao đẳng, trường trung cấp phát huy hiệu quả hoạt động hiện có của thư viện điện tử, tủ sách điện tử và học liệu được số hóa (bài giảng, tài liệu, sách tham khảo); thiết lập diễn đàn trao đổi trực tuyến về tuyên truyền, PBGDPL để phục vụ việc học tập, giảng dạy, nghiên cứu của người học, nhà giáo, viên chức, cán bộ quản lý, người lao động và phục vụ công tác tuyên truyền, PBGDPL trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Hỏi: Chương trình “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2027” gồm những đối tượng nào?

Đáp:

Đối tượng của Chương trình bao gồm:

 - Người học các chương trình đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp, trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

- Đội ngũ giảng viên, giáo viên giảng dạy môn học Pháp luật tại các trường cao đẳng, trường trung cấp và đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL.

-  Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động.

Hỏi: Kinh phí thực hiện Chương trình Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2027 được quy định như thế nào?

Đáp:

Kinh phí thực hiện Chương trình được quy định như sau:

- Nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách hiện hành;

- Nguồn tài chính của các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp;

- Tài trợ, viện trợ quốc tế và huy động từ xã hội, cộng đồng;

- Các nguồn hợp pháp khác.

Hằng năm, căn cứ nhiệm vụ tại Chương trình này, các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung vào dự toán ngân sách hằng năm của bộ, ngành trung ương và địa phương trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Hỏi: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm như thế nào trong việc thực hiện Chương trình?

Đáp:

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

- Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương; hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn hằng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai và đánh giá công tác PBGDPL cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động thuộc cơ sở mình theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo Chương trình;

- Huy động, tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn thể, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước tham gia các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng của Chương trình thông qua các chương trình phổ biến, tư vấn pháp luật, tư vấn tâm lý, tư vấn, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ tài liệu, trang thiết bị phục vụ tuyên truyền, PBGDPL,... theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, địa phương. Phát huy vai trò của gia đình, người có uy tín trong cộng đồng, các hội, nhóm tại khu dân cư trong quản lý, PBGDPL cho các đối tượng;

- Định kỳ hằng năm tổ chức đánh giá hoạt động của Chương trình tại địa phương và báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

(Còn tiếp)

Minh Anh

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn