TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 05/01/2021 09:12

Có được ủy quyền giải quyết tranh chấp về tài sản, con chung trong các vụ án ly hôn

Trong vụ án ly hôn thì đương sự có quyền được ủy quyền cho người khác tham gia việc giải quyết tranh chấp tài sản, nghĩa vụ về tài sản và phần con chung trong tố tụng được không? Về vấn đề này thì hiện nay có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm 1 cho rằng: Trong vụ án ly hôn, đương sự ngoài việc không được phép ủy quyền cho người khác giải quyết ly hôn thì đương sự cũng không được phép ủy quyền cho người khác để giải quyết phần tranh chấp tài sản, nghĩa vụ về tài sản và con chung trong vụ án hôn nhân và gia đình.

Quan điểm này giải thích rằng theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 thì đối với việc ly hôn, đương sự không được quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình thì họ là đại diện. Do vậy, từ quy định trên thì quan điểm 1 cho rằng đối với vụ án ly hôn (bao gồm cả các phần tranh chấp khác) thì đương sự không được ủy quyền cho người khác mà phải tự đương sự tham gia tố tụng.

Quan điểm 2 cho rằng: đối với vụ án ly hôn thì đương sự chỉ không được quyền ủy quyền cho người khác ly hôn nhưng đối với các tranh chấp khác như tài sản, nghĩa vụ tài sản, con chung thì đương sự vẫn có quyền ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, người ủng hộ quan điểm này giải thích rằng:

Theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về giải thích từ ngữ thì hôn nhân được giải thích là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Còn gia đình được giải thích là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này. Do đó, theo cách giải thích trên thì hôn nhân gia đình bao gồm nhiều vấn đề như kết hôn, ly hôn, quan hệ cha mẹ con... Vì vậy, đối chiếu với quy định tại Điều 85 BLTTDS năm 2015 thì chỉ không cho phép được ủy quyền đối với ly hôn còn các vấn đề khác của hôn nhân thì vẫn cho phép đương sự được ủy quyền.

Đối với vấn đề tranh chấp ly hôn thì bắt buộc đương sự không được ủy quyền vì để Tòa án căn cứ giải quyết cho đương sự được ly hôn thì bắt buộc đương sự phải tự trình bày về mối quan hệ hôn nhân của đương sự. Chính đương sự là người hiểu rõ mối quan hệ phát sinh với bên còn lại trong quá trình chung sống của vợ chồng. Do đó, việc ủy quyền khi đương sự ly hôn sẽ không có tác dụng và không giải quyết thấu đáo của Tòa án về mối quan hệ hôn nhân của các bên đương sự. Tuy nhiên đối với vấn đề về con chung, tài sản, nghĩa vụ về tài sản trong hôn nhân gia đình thì đương sự có thể ủy quyền bởi việc ủy quyền trên không ảnh hưởng đến việc giải quyết của Tòa án về vấn đề đó.

Theo ý kiến cá nhân, quan điềm 2 là hợp lý bởi vì luật chỉ không cho phép đương sự ủy quyền khi ly hôn còn các nội dung khác trong quá trình giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình thì đương sự vẫn có quyền ủy quyền. Hơn nữa, các nội dung khác ngoài vấn đề ly hôn mà đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng vẫn không ảnh hưởng đến giải quyết toàn diện vụ án của Tòa án.

Từ những quan điểm nêu trên cho thấy, hoạt động tố tụng dân sự là hoạt động đặc thù khi Tòa án giải quyết vụ việc dân sự nên pháp luật cần quy định cụ thể hơn về việc ủy quyền nói chung và ủy quyền giải quyết tranh chấp về tài sản, con chung trong các vụ án ly hôn nói riêng nhằm đảm bảo tính thống nhất khi Tòa án áp dụng vào thực tế giải quyết vụ án.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn