TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 16/11/2020 08:44

Có bắt buộc phải tiến hành hòa giải trong vụ án ly hôn đối với trường hợp không đăng ký kết hôn?

Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì sau khi thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Như vậy, việc hòa giải khi ly hôn là thủ tục bắt buộc.

Tại khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định:  “Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.

Như vậy, khi giải quyết tranh chấp ly hôn đối với trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận vợ chồng. Trong trường hợp có tranh chấp về con chung và tài sản thì tòa án tiến hành hòa giải về vấn đề con chung và tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nếu họ không có tranh chấp về con chung và tài sản thì Tòa án có bắt buộc phải tiến hành hòa giải không? Về vấn đề này hiện có nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Tòa án không phải tiến hành hòa giải, bởi lẽ:

Theo khoản 1 Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định về xử lý hậu quả của việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau: “Nam nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền và nghĩa vụ đối với con cái, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của luật này”. Như vậy, xuất phát từ việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa hai bên, không có giá trị pháp lý nên Tòa án không cần tiến hành hòa giải. Mặt khác, cũng xuất phát từ lý do: mục đích của việc hòa giải khi giải quyết ly hôn là động viên để các bên hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng. Vậy, việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn không có giá trị pháp lý nên không thể tiến hành hòa giải để họ quay lại với nhau.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Tòa án phải tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật, bởi trường hợp này không thuộc trường hợp không được hòa giải theo quy định của Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể là không thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.

Khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: “Kết hôn trái pháp luật là việc nam nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn theo quy định tại Điều 8 của Luật này”.

Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định về điều kiện kết hôn như sau:

“Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân thủ các điều kiện sau đây:Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; việc kết hôn do nam, nữ tự nguyện quyết định; không bị mất năng lực hành vi dân sự; việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”

Đối chiếu các quy định trên thì việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn không thuộc trường hợp vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Trong trường hợp này, luật chỉ quy định không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Do đó, Tòa án vẫn phải tiến hành hòa giải theo quy định.

Như vậy, một vấn đề tưởng chừng như đã được quy định rõ trong Luật nhưng thực tế áp dụng tại các Tòa lại có nhiều quan điểm khác nhau.

Về quan điểm của người viết đồng ý với quan điểm thứ nhất: khi xác định việc nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, về tài sản và con cái không có tranh chấp nên Tòa án không phải tiến hành hòa giải như các vụ án ly hôn khác.

Trần Thị Thúy-Trung tâm TGPLNN

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn