TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 08/08/2022 15:49

Quy định của pháp luật về bệnh nghề nghiệp

Bệnh nghề nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến cho sức khỏe của người lao động bị suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng lao động. Vậy pháp luật quy định như thế nào về bệnh nghề nghiệp?

Bệnh nghề nghiệp là gì?

Khoản 9 Điều 3 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 đã định nghĩa về bệnh nghề nghiệp như sau: “Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động”.

Theo đó, bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến sức khỏe của người lao động.

Có thể thấy, bệnh nghề nghiệp không phải là loại bệnh lý thông thường mang tính bẩm sinh hoặc phát sinh từ môi trường sống ngoài xã hội mà phải xuất phát từ yếu tố độc, hại của “nghề nghiệp”.

Bệnh nghề nghiệp có thể ra cấp tính hoặc từ từ. Một số bệnh nghề nghiệp thậm chí còn không chữa khỏi và để lại di chứng sau này. Tuy nhiên, bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được nhờ việc khám phát hiện bệnh nghề nghiệp định kì hằng năm.

Bệnh nghề nghiệp được phân loại thế nào?

Hiện nay, Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội quy định 34 bệnh nghề nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) thanh toán chế độ bệnh nghề nghiệp khi đủ điều kiện. Cụ thể:

1. Bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp.

2. Bệnh bụi phổi amiăng nghề nghiệp.

3. Bệnh bụi phổi bông nghề nghiệp

4. Bệnh bụi phổi talc nghề nghiệp.

5. Bệnh bụi phổi than nghề nghiệp.

6. Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp.

7. Bệnh hen nghề nghiệp.

8. Bệnh nhiễm độc chì nghề nghiệp.

9. Bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do benzen và đồng đẳng.

10. Bệnh nhiễm độc thủy ngân nghề nghiệp.

11. Bệnh nhiễm độc mangan nghề nghiệp.

12. Bệnh nhiễm độc trinitrotoluen nghề nghiệp.

13. Bệnh nhiễm độc asen nghề nghiệp.

14. Bệnh nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật nghề nghiệp.

15. Bệnh nhiễm độc nicotin nghề nghiệp.

16. Bệnh nhiễm độc cacbon monoxit nghề nghiệp.

17. Bệnh nhiễm độc cadimi nghề nghiệp.

18. Bệnh điếc nghề nghiệp do tiếng ồn.

19. Bệnh giảm áp nghề nghiệp.

20. Bệnh nghề nghiệp do rung toàn thân.

21. Bệnh nghề nghiệp do rung cục bộ.

22. Bệnh phóng xạ nghề nghiệp.

23. Bệnh đục thể thủy tinh nghề nghiệp.

24. Bệnh nốt dầu nghề nghiệp.

25. Bệnh sạm da nghề nghiệp.

26. Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm.

27. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc môi trường ẩm ướt và lạnh kéo dài.

28. Bệnh da nghề nghiệp do tiếp xúc với cao su tự nhiên, hóa chất phụ gia cao su.

29. Bệnh Leptospira nghề nghiệp.

30. Bệnh viêm gan vi rút B nghề nghiệp.

31. Bệnh lao nghề nghiệp.

32. Nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

33. Bệnh viêm gan vi rút C nghề nghiệp.

34. Bệnh ung thư trung biểu mô nghề nghiệp.

Khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp

Theo khoản 2 Điều 7 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, phía doanh nghiệp sử dụng lao động có nghĩa vụ tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Việc tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động.

2. Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người lao động thì thời gian khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo đề nghị của tổ chức hoặc cá nhân yêu cầu.

Khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định:

Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

Như vậy, mỗi năm, người sử dụng lao động đều phải tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp định kì cho người lao động có tiếp xúc với yếu tố có hại hoặc làm công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cụ thể:

- Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi: Được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ít nhất 06 tháng/lần.

- Người lao động khác: Được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp ít nhất 01 năm/lần.

- Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nghề nghiệp cấp tính hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người lao động: Được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo số lần yêu cầu.

Trần Khánh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn