TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 16/11/2022 09:49

Triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022

Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đã trở thành sự kiện quan trọng hàng năm thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng vào cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS. Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 (Từ ngày 10/11/2022 - 10/12/2022), Việt Nam chọn chủ đề “Chấm dứt dịch AIDS - Thanh niên sẵn sàng!”.

Để huy động sự tham gia của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng cùng tham gia phòng, chống HIV/AIDS để tiếp tục tiến tới mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tăng cường các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV, xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm HIV/AIDS, đảm bảo việc tham gia bảo hiểm y tế của người nhiễm HIV, cung cấp các dịch vụ toàn diện về phòng, chống HIV/AIDS cho người dân đặc biệt cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, ngày 08/11/2022, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành kế hoạch số 255/KH-UBND về tổ chức Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022, các hoạt động chủ yếu như sau:

Ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo

Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022 phù hợp với điều kiện, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương trong tình hình diễn biến mới của dịch COVID-19.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo

Tùy từng điều kiện cụ thể, các đơn vị, địa phương tổ chức các hội nghị, hội thảo với số người tham gia và hình thức tổ chức phù hợp. Cụ thể như sau:

 - Các hội nghị, hội thảo tập trung phổ biến về các nội dung:

+ Tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam: Dịch bệnh AIDS tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát. Đặc biệt, các dịch bệnh mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam và có nguy cơ lây nhiễm cao ở các nhóm đối tượng này.

+ Các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS.

+ Tư vấn và xét nghiệm HIV bao gồm: Xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và xét nghiệm nhiễm mới HIV. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP. Điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV)).

+ Điều trị các bệnh đồng nhiễm cho người nhiễm HIV: Tỷ lệ nhiễm HIV đồng mắc các bệnh như lao, viêm gan vi rút, các bệnh lây truyền qua đường tình dục đang được quan tâm hỗ trợ điều trị góp phần giảm tỷ lệ tử vong.

+ Các giải pháp vượt qua các thách thức trong đại dịch COVID-19 để tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV liên tục. Công tác phòng, chống HIV/AIDS tại nơi làm việc và trong trường học.

+ Thông tin, truyền thông về bệnh đậu mùa khỉ, đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, đặc điểm nhận diện bệnh đậu mùa khỉ, các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ. Thông tin, truyền thông về các thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tấm gương thầy thuốc, cơ sở y tế, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

 - Tổ chức gặp mặt, sinh hoạt, hội thảo với những người nhiễm HIV, người dễ bị tổn thương với HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV để người có hành vi nguy cơ thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng; lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV sớm; lợi ích điều trị sớm HIV/AIDS; không phát hiện = không lây truyền (K=K); điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); lợi ích của bảo hiểm y tế với người nhiễm HIV, vận động người nhiễm HIV chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh cũng như các hoạt động giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV trong cơ sở y tế.

- Các hội thảo chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình có hiệu quả.

Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động trong Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS

- Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2022. Thời điểm tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS cần được thực hiện trước hoặc trong ngày mở đầu Tháng hành động (ngày 10/11/2022).

- Tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12.

- Lễ mít tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12 năm 2022 tổ chức tập trung tại cấp thành phố.

- Khuyến khích các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức các cuộc mít tinh hoặc các sự kiện thích hợp tại đơn vị, trường học, khu công nghiệp và cộng đồng dân cư để huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng người dân tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị và tình hình diễn biến mới của dịch COVID-19. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 01/12.

* Truyền thông đại chúng: Tổ chức sản xuất và phổ biến các tin, bài, chương trình, chuyên đề, chuyên mục, phóng sự, phim ngắn về phòng, chống HIV/AIDS … trên Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, các Đài phát thanh, truyền hình quận, huyện, thị xã cũng như hệ thống truyền thanh xã, phường. Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài viết... trên các báo in, báo điện tử của địa phương. Sử dụng các trang thông tin điện tử của hệ thống ngành y tế và các cơ quan đơn vị như là một kênh thông tin chính thức cung cấp tin tức, kiến thức và tài liệu phục vụ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

* Truyền thông qua mạng xã hội: Truyền thông trực tuyến qua mạng xã hội: Tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như (Facebook, Zalo, TikTok, Youtube, Viber, Lotus…); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng Internet; thông qua các thông điệp hiệu quả cao như: Infographic, videoclip, audioclip.

* Truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện: Tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm về HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng. Lấy lực lượng y tế xã và thôn làm nòng cốt, giao nhiệm vụ và định kỳ kiểm tra, giám sát kết quả và hiệu quả các hoạt động truyền thông. Lồng ghép và đẩy mạnh truyền thông, tư vấn qua cơ sở cung cấp dịch vụ y tế nhất là các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Cung cấp thông tin cho đội ngũ phóng viên, cán bộ truyền thông viết về HIV/AIDS…

* Sản xuất và nhân bản tài liệu truyền thông: Sản xuất nhân bản các tài liệu truyền thông dưới các hình thức thích hợp chuyển cho các cơ sở cung cấp dịch vụ, các tuyên truyền viên, cộng tác viên truyền thông phòng, chống HIV/AIDS để phân phối cho các đối tượng đích.  Xây dựng và phổ biến các thông điệp phòng, chống HIV/AIDS qua các phương tiện và tài liệu truyền thông khác.

Triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS khác

- Giới thiệu, quảng bá rộng rãi về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ xét nghiệm HIV nhất là xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm; dự phòng, dịch vụ PrEP; chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương, đơn vị, bao gồm cả các dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến để mọi người dân, đặc biệt là những người dễ tổn thương, người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS dễ dàng tiếp cận và sử dụng.

- Mở rộng việc cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; điểm cấp phát thuốc Methadone; điểm cấp phát thuốc ARV tại các trạm y tế xã cũng như cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

- Truyền thông vận động chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV nhất là với trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV. Vận động các doanh nghiệp tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS cho người lao động; căn cứ tình hình thực tế để nghiên cứu, xem xét việc nhận người lao động là người nhiễm HIV, người sau cai, người đang được điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế...

- Tổ chức các chương trình vận động các tổ chức, cá nhân và gia đình tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ủng hộ gây quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nhiễm HIV và tổ chức thăm hỏi người nhiễm hoặc nhóm người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS tại địa phương. Kiện toàn, củng cố hệ thống chuyển tiếp, chuyển tuyến, đặc biệt là dịch vụ cung cấp các phương tiện dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, chất bôi trơn, bơm kim tiêm sạch cho mọi người dân có nhu cầu tại cộng đồng…

Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 250.000 người nhiễm HIV, trong đó có gần 220.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện và đang còn sống. Trong những năm qua, với những nỗ lực triển khai toàn diện và hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong do HIV/AIDS so với 10 năm trước đây.

Tỷ lệ nhiễm HIV giảm nhanh ở nhóm nghiện chích ma túy (từ 28,6% năm 2004 xuống 12,7% năm 2019) và phụ nữ bán dâm (từ 5,9% năm 2002 xuống 3,1% năm 2020); Việt Nam giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3% (hiện ước đạt 0,26%), giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, đại dịch HIV/AIDS vẫn còn diễn biến phức tạp, nguy cơ quay trở lại còn cao. Số liệu giám sát cho thấy dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng ở một số địa phương; tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy vẫn còn ở mức trên 12%; đặc biệt, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) có xu hướng tăng rất nhanh trong những năm gần đây (từ 3,9% năm 2011, lên 5,1% năm 2015 và 13,3% năm 2020). Số MSM chiếm khoảng 50% trong số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020, chủ yếu ở độ tuổi trẻ, đặc biệt là công nhân các khu công nghiệp và học sinh, sinh viên (cá biệt có tỉnh chiếm đến 80% tổng số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện).

Cũng trong số liệu giám sát phát hiện hàng năm, nhiễm HIV đang được trẻ hóa nhanh và đường lây chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới nam. Nhóm tuổi 15-24 tăng nhanh trong số phát hiện mới, từ 4,0% năm 2012, đến 12,9% năm 2019 và 25,6% năm 2021. Phân tích đường lây trong nhóm tuổi này năm 2021 cho thấy, 89,8% lây qua đường tình dục, trong đó lây qua quan hệ tình dục đồng giới nam chiếm 74,6%.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phan Hương

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 761148
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn