Hỏi: Đề nghị cho biết giao dịch dân sự có được thể hiện bằng lời nói không? Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện có phải là một trong các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực? Giao dịch dân sự xác lập do bị nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp nào?
(Phạm Ánh, phường An Biên, quận Lê Chân)
Trả lời: Điều 119 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hình thức giao dịch dân sự như sau:
“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.
Như vậy, giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói. Tuy nhiên, một số trường hợp bắt buộc giao dịch dân sự thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký.
* Quy định về điều kiện có hiệu lực của một giao dịch dân sự?
Theo Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015, điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định như sau:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Như vậy, chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện là 01 trong các điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực.
* Giao dịch dân sự xác lập do bị nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp nào?
Điều 126 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn như sau:
“1. Trường hợp giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn làm cho một bên hoặc các bên không đạt được mục đích của việc xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Giao dịch dân sự được xác lập có sự nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được”.
Như vậy, giao dịch dân sự xác lập do bị nhầm lẫn không vô hiệu trong trường hợp mục đích xác lập giao dịch dân sự của các bên đã đạt được hoặc các bên có thể khắc phục ngay được sự nhầm lẫn làm cho mục đích của việc xác lập giao dịch dân sự vẫn đạt được.
Điều 132 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu như sau:
“1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:
a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;
b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;
c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;
d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;
đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
3. Đối với giao dịch dân sự quy định tại Điều 123 và Điều 124 của Bộ luật này thì thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu không bị hạn chế”.
Như vậy, thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn là 02 năm, kể từ ngày người bị nhầm lẫn biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn.