Đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị
Bộ Xây dựng đang đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đang đăng tải toàn văn và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Tại dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nêu:
1. Mục tiêu xây dựng chính sách
Một là, thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam và nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, xây dựng hệ thống quy phạm pháp luật trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ và hiệu lực của hệ thống pháp luật. Kế thừa, phát huy và luật hóa các quy định đã được chứng minh là phù hợp, có hiệu quả trong thực tiễn. Tham khảo có chọn lọc quy định pháp luật của một số quốc gia và tổ chức quốc tế trên thế giới phù hợp với thực tiễn tình hình phát triển của Việt Nam và xu thế hội nhập quốc tế.
Ba là, phát triển hệ thống đô thị bền vững theo mạng lưới, phân bổ hợp lý, phù hợp với từng vùng, miền, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền; đô thị hình thành, xây dựng mới, vận hành, phát triển, cải tạo chỉnh trang, tái thiết có trật tự, theo quy hoạch và có kế hoạch, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị phải đi trước một bước; bảo vệ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên tự nhiên, nhất là tài nguyên đất đai.
Bốn là, tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh; hình thành và phát triển đô thị đáng sống đối với cư dân và hấp dẫn đối với nhà đầu tư, có vai trò, vị thế động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội.
Năm là, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về phát triển đô thị.

2. 03 chính sách của đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị
- Chính sách 1. Phân loại đô thị và quản lý phát triển hệ thống đô thị.
- Chính sách 2. Quản lý phát triển các khu vực, không gian đô thị và cung cấp hạ tầng đô thị đồng bộ
- Chính sách 3. Nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị bền vững.
Các nhóm chính sách nêu trên được xây dựng để hướng tới mục tiêu giải quyết những vấn đề bất cập nổi bật hiện nay trong công tác quản lý phát triển đô thị. Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả pháp lý trong thực thi pháp luật, các chính sách cần được quy định trong một luật thống nhất về quản lý phát triển đô thị. Bên cạnh đó, hiệu lực, hiệu quả pháp lý của luật sẽ khắc phục được những mâu thuẫn căn bản về thực thi giữa các pháp luật liên quan và tạo khuôn khổ pháp lý để thống nhất các hoạt động trong lĩnh vực phát triển đô thị.
3. Kiến nghị Quốc hội ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị với các nội dung chủ yếu:
- Hoàn thiện và luật hóa các quy định về phân loại đô thị.
- Quy định về hình thành mới các đô thị; kiểm soát sự phát triển về quy mô, số lượng, tỷ lệ đô thị hóa; hình thành mạng lưới đô thị quốc gia.
- Quy định về quản lý phát triển đô thị theo chương trình và kế hoạch.
- Quy định về xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang và tái phát triển các khu vực, không gian đô thị.
- Quy định về quản lý phát triển, cung cấp hạ tầng đô thị (bao gồm cả hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội).
- Quy định về phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị.
- Quy định về các yêu cầu phát triển đô thị bền vững.
- Quy định về các biện pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển đô thị.
- Quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý phát triển đô thị.
Phương Thành