Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Qua hơn 08 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, có thể khẳng định hoạt động công chứng có nhiều bước tiến mới. Đội ngũ công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng ở nước ta ngày càng phát triển (số lượng công chứng viên tăng khoảng gần 2,7 lần, số lượng tổ chức hành nghề công chứng tăng hơn 2 lần so với thời điểm Luật Công chứng năm 2014 bắt đầu có hiệu lực thi hành). Chất lượng đội ngũ công chứng viên ngày càng được nâng cao, quy mô, hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội, người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện Luật Công chứng năm 2014 cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Luật Công chứng hiện hành còn thiếu các quy định thể hiện rõ mô hình công chứng nước ta là công chứng nội dung (xác định tính hợp pháp, tính xác thực của hợp đồng, giao dịch). Việc xác định bản dịch thuộc phạm vi công chứng còn chưa đúng bản chất công chứng vì thực chất đây là việc thuộc phạm vi chứng thực - chứng thực chữ ký người dịch. Do đó, quy định về công chứng bản dịch chưa thực sự phát huy tác dụng trong thực tiễn.
Thứ hai, chất lượng đội ngũ công chứng viên còn chưa đồng đều, một bộ phận công chứng viên còn hạn chế về trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp chưa cao; còn tình trạng vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề, cạnh tranh không lành mạnh gây ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề công chứng và uy tín của đội ngũ công chứng viên trong xã hội. Việc hợp danh của công chứng viên tại Văn phòng công chứng ở một số địa phương còn mang tính hình thức. Quy định về chấm dứt tư cách thành viên hợp danh và bổ sung thành viên hợp danh mới tại Văn phòng công chứng còn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát và thực tế đã phát sinh không ít tranh chấp giữa các thành viên hợp danh trong một Văn phòng công chứng.
Thứ ba, định hướng và việc triển khai định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại các địa phương còn chưa nhất quán, có phần lúng túng, không đồng đều. Các Văn phòng công chứng được thành lập chưa gắn với địa bàn dân cư, hầu hết tập trung tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Một số Văn phòng công chứng chỉ có 01 Công chứng viên hành nghề thực tế, Công chứng viên hợp danh còn lại chỉ đứng danh.
Thứ tư, một số trình tự, thủ tục về công chứng không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn, vừa gây khó khăn cho cả công chứng viên trong quá trình thực hiện quy trình công chứng vừa không tạo thuận lợi cho tổ chức hành nghề công chứng và người dân, doanh nghiệp.
Thứ năm, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động công chứng tuy đã được thực hiện nhưng mới chỉ là bước đầu, chưa tương xứng với sự phát triển các nhu cầu giao dịch dân sự, kinh tế và sự chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực liên quan. Đến nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc; chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng thống nhất trong cả nước; việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng với các cơ sở dữ liệu liên quan chưa được thực hiện.
Thứ sáu, Luật Công chứng hiện hành chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số quy định về quản lý nhà nước còn chưa phù hợp; chưa có quy định rõ nét về vị trí, vai trò, nhiệm vụ quyền hạn của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức này... đã làm hạn chế hiệu quả công tác quản lý hoạt động công chứng.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, đồng thời tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế, việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014 là cần thiết.
Bổ sung quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên
Trên cơ sở kế thừa Điều 1 của Luật Công chứng năm 2014, dự án Luật đã bổ sung các quy định về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Theo đó, Luật Công chứng quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng.
Dự án Luật được xây dựng phù hợp với 05 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi), cụ thể như sau:
- Xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và phạm vi thẩm quyền của công chứng viên; tiếp tục đẩy mạnh quá trình xã hội hóa hoạt động công chứng, chứng thực theo lộ trình phù hợp.
- Phát triển đội ngũ công chứng viên theo hướng tập trung nâng cao chất lượng để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm số lượng phù hợp với nhu cầu công chứng và phát triển ổn định, bền vững.
- Phát triển các tổ chức hành nghề công chứng ổn định, bền vững, phù hợp với nhu cầu công chứng của xã hội và có sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước để hỗ trợ cho công chứng viên thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Xây dựng quy trình công chứng khoa học, gắn với trách nhiệm của công chứng viên, tạo lập cơ sở pháp lý cần thiết để triển khai việc chuyển đổi số trong hoạt động công chứng theo lộ trình phù hợp.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động công chứng.