TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 07/03/2023 08:44

Kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2023

 

Ngày 16/02/2023, Ban Chỉ đạo 799 thành phố ban hành Kế hoạch số 47/KH-BCĐ799 thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2023 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

1. Mục tiêu và yêu cầu

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng. Xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm các Sở, Ban, ngành, địa phương và nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống mua bán người. Thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong phòng, chống mua bán người. Khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm mua bán người và những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống mua bán người đã được chỉ ra trong năm 2022.

- Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan tội phạm mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ điều tra, khám phá các vụ án mua bán người đạt trên 90% tổng số án khởi tố; 95% số vụ án mua bán người hằng năm được giải quyết và truy tố; 90% số vụ án mua bán người được giải quyết, xét xử.

- Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tăng cường hợp tác quốc tế để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm mua bán người.

2. Công tác truyền thông, phòng ngừa tội phạm mua bán người

- Công tác truyền thông và phòng ngừa xã hội

+ Tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7” phủ hợp với thông điệp quốc tế về phòng, chống mua bán người năm 2023 (Công an thành phố chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

+ Xây dựng sản phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình, tin bài, phóng sự về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, chính sách, pháp luật và kết quả đấu tranh phòng, chống mua bán người của các lực lượng chức năng,... trên các kênh của Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng và các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn thành phố (Công an thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Sở Thông tin và Truyền thông và các Sở, Ban, ngành, địa phương thực hiện).

+ Tuyên truyền về công tác bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng các tài liệu hướng dẫn, phóng sự, tờ rơi về hỗ trợ nạn nhân (Sở Lao động -Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành, địa phương thực hiện).

+ Lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật và thực hiện phong trào xây dựng tổ dân phố văn hóa; tổ chức hội thảo, tuyên truyền, triển lãm phòng, chống mua bán người gắn với triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

+ Tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong các cơ sở giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

+ Nghiên cứu ứng dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người (Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ trì, phối hợp các Sở, Ban, ngành, địa phương thực hiện).

+ Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, truyền thông phòng, chống mua bán người hướng đến cơ sở và các đối tượng có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người; lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người với phòng, chống tội phạm, phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống HIV/AIDS. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người gắn với xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và phong trào toàn dân bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia bằng nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về công tác phòng, chống mua bán người.

+ Lồng ghép nội dung phòng ngừa tội phạm mua bán người vào trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề an sinh xã hội, an dân (như: vấn đề về hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo,...) không để nhóm yếu thế này trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người (các Sở, Ban, ngành, địa phương thực hiện).

- Công tác phòng ngừa nghiệp vụ

+ Lực lượng Công an, chủ công là lực lượng Cảnh sát Hình sự phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng các cấp tổ chức thực hiện tốt công tác nghiệp vụ cơ bản; bám sát địa bàn, tăng cường thu thập thông tin trên “không gian mạng”.

+ Chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến, phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng theo phương châm “Lấy phòng ngừa làm trọng; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với chủ động tấn công, đánh trúng, đánh đúng, đánh vào gốc các loại tội phạm mua bán người” theo tinh thần “tích cực, khẩn trương, hiệu quả”. Chú trọng công tác phòng ngừa mua bán người trong nội địa, mua bán bộ phận cơ thể người, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, mua bán người để cưỡng bức lao động,..

+ Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự. Tăng cường công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn thành phố; quản lý ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như: các cơ sở kinh doanh, cho thuê lưu trú, nhà hàng, quán bar, karaoke, massage, vũ trường, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí,... mà tội phạm mua bán người có thể lợi dụng để hoạt động phạm tội hoặc sử dụng làm nơi tập kết nạn nhân trước khi bán ra nước ngoài để chủ động phòng ngừa, phát hiện tội phạm mua bán người và nạn nhân bị mua bán.

+ Khai thác, phát huy tối đa giá trị, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Căn cước công dân và kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030” phục vụ công tác phòng, chống mua bán người.

(Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng phối hợp các Sở, Ban, ngành, địa phương thực hiện)

3. Công tác đấu tranh, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người

- Sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây, tổ chức, cá nhân có biểu hiện nghi vấn hoạt động mua bán người, mua bán người trong nội địa, mua bán bộ phận cơ thể người, tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, các hoạt động lợi dụng tổ chức đưa người trốn ra nước ngoài trái phép để mua bán, cưỡng bức lao động,... Mở cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người, thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết 30/9/2023.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác điều tra, xử lý tội phạm bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, phòng chống sai phạm, tiêu cực trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm mua bán người.

- Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng truy tố, xét xử các vụ án mua bán người; thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng, đảm bảo các phán quyết của Tòa án đúng pháp luật, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động truy tố, xét xử tội phạm mua bán người.

- Các cơ quan tiến hành tố tụng phối hợp, thống nhất xác định các vụ án điểm về mua bán người được dư luận xã hội quan tâm để tập trung điều tra, truy tố, nhanh chóng đưa ra xét xử đảm bảo nghiêm minh, đúng pháp luật và phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe, phòng ngừa chung.

(Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân thành phố và các Sở, Ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện)

4. Công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán

- Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân theo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm; thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ theo quy định của pháp luật. Triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

- Tư vấn, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, duy trì vận hành mô hình Nhà bình yên (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương thực hiện).

5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người

Tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện: Hiệp định hợp tác phòng, chống mua bán người với Campuchia, Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc AiLen về hợp tác phòng, chống mua bán người, Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ về triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương thực hiện).

Chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong trong việc trao đổi kinh nghiệm, đào tạo nâng cao năng lực phòng, chống mua bán người, hỗ trợ các dự án về tuyên truyền phòng ngừa, đấu tranh, tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân, hoàn thiện chính sách pháp luật theo đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta (các Sở, Ban, ngành thực hiện).

Đình Khải

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn