TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 06/03/2024 09:19

Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 203/QĐ-TTg ngày 28/02/2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể:

1. Các nhóm nhiệm vụ trọng tâm

- Nhiệm vụ thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật về quy hoạch: Tổ chức công bố quy hoạch, tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quy hoạch, hệ thống sơ đồ, bản đồ quy hoạch; triển khai thực hiện lưu trữ Hồ sơ quy hoạch theo quy định; cung cấp các dữ liệu quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; Báo cáo, đánh giá việc thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy định kỳ hằng năm, 05 năm hoặc đột xuất theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền…

- Nhiệm vụ hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về phòng cháy và chữa cháy: Nghiên cứu đề xuất sửa đổi, ban hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, quản lý, khai thác, bảo trì hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; Hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm thu hút nhân lực phục vụ chuyên nghiệp trong lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

- Nhiệm vụ phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy.

2. Chính sách, giải pháp thực hiện Kế hoạch

- Thu hút nguồn vốn cho phát triển hạ tầng:

+ Tập trung, bố trí đủ nguồn vốn cho công tác quy hoạch để đảm bảo tiến độ thực hiện quy hoạch; xây dựng cơ chế thu hút, tiếp nhận nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập quy hoạch để giảm bớt áp lực ngân sách;

+ Ưu tiên cân đối ngân sách nhà nước, bố trí đủ nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng phòng cháy và chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

+ Huy động đa dạng các nguồn lực từ ngân sách và ngoài ngân sách, nguồn lực trong nước và ngoài nước để thực hiện công tác quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo quy hoạch;

+ Huy động nguồn vốn đầu tư cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ từ các nguồn ngân sách nhà nước, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ, nguồn đóng góp tự nguyện...

- Phát triển nguồn nhân lực:

+ Điều chỉnh chỉ tiêu, nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Đại học phòng cháy, chữa cháy phù hợp nhu cầu hàng năm và từng thời kỳ;

+ Chú trọng tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học, trung học và công nhân lành nghề ngoài ngành Công an phù hợp với chuyên môn cần thiết cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

+ Đổi mới và đa dạng hóa hình thức, chương trình đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện ở trong nước và nước ngoài để nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ;

+ Củng cố và phát triển lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành và dân phòng; nghiên cứu tổ chức lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tình nguyện để tăng cường nguồn nhân lực phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

+ Nghiên cứu đề xuất bổ sung, hoàn thiện chế độ, chính sách nhằm thu hút nhân lực phục vụ chuyên nghiệp, nhất là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và lái xe chữa cháy.

- Phát triển khoa học và công nghệ:

+ Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong phát triển ngành phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ;

+ Đảm bảo hệ thống thông tin đồng bộ, thống nhất, có khả năng kết nối, chia sẻ, tích hợp với hệ thống thông tin chỉ huy ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từ trung ương đến địa phương; hoàn thành chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công mức độ cao nhất trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy;

+ Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, chế tạo, sản xuất các loại phương tiện, khí tài, chất chữa cháy chủ yếu.

- Bảo đảm nguồn lực tài chính:

+ Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tài chính phù hợp để đáp ứng đủ nhu cầu về vốn đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng phòng cháy và chữa cháy theo quy hoạch;

+ Kinh phí thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch này được bố trí trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước của các bộ, ngành liên quan, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật, sử dụng tiết kiệm hiệu quả và đảm bảo về thời hạn, tiến độ thực hiện;

+ Tiếp tục nghiên cứu cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để triển khai quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, Hiệp hội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam và các tổ chức xã hội khác.

Vũ Giang

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn