TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 24/01/2022 10:38

Quy định về định danh và xác thực điện tử

 Ngày 08/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/2021/QĐ-TTg quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/11/2021.

Trang Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật “Trả lời bạn đọc” về những nội dung cơ bản của Quyết định này.

Hỏi: Danh tính điện tử là gì? Định danh điện tử là gì?

Trả lời:

- Danh tính điện tử là tập hợp dữ liệu số trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh cho phép xác định duy nhất một cá nhân trên môi trường điện tử.

- Định danh điện tử là hoạt động thu thập, tạo lập, gắn danh tính điện tử cho cá nhân và hoạt động quản lý danh tính điện tử.

Hỏi: Danh tính điện tử của công dân Việt Nam, danh tính điện tử của người nước ngoài bao gồm những yếu tố nào?

Trả lời:

1. Danh tính điện tử của công dân Việt Nam bao gồm: Số định danh cá nhân; Họ, tên đệm và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Ảnh chân dung và vân tay.

2. Danh tính điện tử của người nước ngoài bao gồm: Số hộ chiếu hoặc số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; Họ, tên đệm và tên; Ngày, tháng, năm sinh; Giới tính; Quốc tịch; Ảnh chân dung và vân tay (nếu có).

Hỏi: Quy định của pháp luật về đăng ký tài khoản định danh điện tử?

Trả lời:

Đăng ký tài khoản định danh điện tử được quy định như sau:

- Cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng định danh điện tử.

- Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

- Đối với người được giám hộ khác thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của người giám hộ.

- Các thông tin cần khai báo được thực hiện trên thiết bị điện tử khi cá nhân đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm: a) Số định danh cá nhân; số hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế (đối với người nước ngoài); b) Họ, tên đệm và tên; c) Ngày, tháng, năm sinh; d) Giới tính; đ) Quốc tịch (đối với người nước ngoài); e) Số điện thoại, email; g) Trường hợp đăng ký cho người chưa đủ 14 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì kê khai thêm thông tin quy định tại các điểm (a), (b), (c), (d) và (đ).

Hỏi: Việc cập nhật danh tính điện tử được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời:

Việc cập nhật danh tính điện tử được quy định như sau:

1. Khi có thay đổi thông tin danh tính điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh cập nhật, đồng bộ thông tin về Hệ thống định danh và xác thực điện tử và thông báo cho cá nhân có danh tính điện tử.

2. Trường hợp thay đổi thông tin danh tính điện tử chưa được điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh thì thực hiện điều chỉnh theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Tài khoản định danh điện tử được khóa trong những trường hợp nào?

Trả lời:

Việc khóa tài khoản định danh điện tử được thực hiện khi thuộc một trong những trường hợp nêu sau:

- Khi chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khóa tài khoản định danh điện tử của mình.

- Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ.

- Khi chủ thể danh tính điện tử vi phạm điều khoản dịch vụ đã thỏa thuận với cơ quan cấp tài khoản định danh điện tử.

- Khi thực hiện xác lập lại hoặc hủy số định danh cá nhân.

- Khi chủ thể danh tính điện tử chết.

Hỏi: Việc khôi phục tài khoản định danh điện tử đã khóa được thực hiện trong trường hợp nào?

Trả lời:

Khôi phục tài khoản định danh điện tử đã khóa được thực hiện:

- Khi chủ thể danh tính điện tử yêu cầu khôi phục tài khoản định danh điện tử mã trước đó đã yêu cầu khóa theo quy định.

- Khi cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan chức năng có thẩm quyền hoặc bên sử dụng dịch vụ yêu cầu khôi phục tài khoản định danh điện tử mà trước đó đã yêu cầu khóa quy định.

- Khi chủ thể danh tính điện tử đã khắc phục vi phạm theo quy định và yêu cầu khôi phục tài khoản định danh điện tử.

Hỏi: Bên sử dụng dịch vụ có những quyền và nghĩa vụ như thế nào?

Trả lời:

Quyền và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ:

1. Đối với cá nhân đăng ký định danh điện tử, có tài khoản định danh điện tử:

- Tuân thủ quy định về đăng ký định danh điện tử và xác thực điện tử; sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và các giao dịch điện tử khác;

- Cung cấp và chịu trách nhiệm về các giấy tờ, thông tin đã cung cấp cho cơ quan chức năng để tạo tài khoản định danh điện tử;

- Quản lý, bảo mật thông tin tài khoản định danh điện tử, không được cho người khác sử dụng tài khoản định danh điện tử của mình, bảo đảm sử dụng tài khoản định danh điện tử an toàn;

- Chịu trách nhiệm về các giao dịch đã thực hiện và quy định của các bên có liên quan đối với các giao dịch điện tử;

- Được thông báo về tình trạng hoạt động của tài khoản định danh điện tử.

2. Đối với tổ chức, cá nhân khác sử dụng tài khoản định danh điện tử hoặc xác thực điện tử:

- Bảo đảm hạ tầng công nghệ, an toàn, bảo mật để kết nối sử dụng dịch vụ xác thực điện tử;

- Lựa chọn mức độ của tài khoản định danh điện tử đối với từng dịch vụ cung cấp trên môi trường điện tử;

- Bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

Hỏi: Trách nhiệm của Bộ Công an trong việc quản lý, sử dụng tài khoản định danh điện tử?

Trả lời:

Bộ Công an có trách nhiệm:

- Xây dựng, quản lý, bảo vệ và vận hành Hệ thống định danh và xác thực điện tử bảo đảm thông suốt, liên tục, ổn định, an toàn, an ninh trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

- Thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về danh tính điện tử, hoạt động định danh và xác thực điện tử.

- Thanh tra, kiểm tra việc sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an cung cấp.

- Giải quyết khiếu nại, tố cáo, hướng dẫn cho cá nhân về đăng ký, quản lý định danh và xác thực điện tử.

- Dừng cung cấp dịch vụ xác thực điện tử khi hệ thống của bên sử dụng dịch vụ không bảo đảm hạ tầng công nghệ kết nối và an toàn, bảo mật.

- Kết nối, tích hợp Hệ thống định danh và xác thực điện tử với nền tảng trao đổi định danh điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định pháp luật.

- Chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin đối với Hệ thống định danh và xác thực điện tử.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng đánh giá an toàn mật mã đối với bên sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử.

- Bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để thống nhất phương án kết nối, chia sẻ để sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử được cung cấp, tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; bảo đảm bảo mật, an toàn, an ninh thông tin.

Hỏi: Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc quản lý, sử dụng tài khoản định danh điện tử?

Trả lời:

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

- Hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin trong hoạt động định danh và xác thực điện tử.

- Phối hợp với Bộ Công an trong thực hiện các biện pháp quản lý hoạt động định danh và xác thực điện tử.

Hỏi: Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc quản lý, sử dụng tài khoản định danh điện tử?

Trả lời:

 Bộ Quốc phòng có trách nhiệm:

- Hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mật mã dân sự sử dụng trong hoạt động định danh và xác thực điện tử.

- Phối hợp với Bộ Công an bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin đối với Hệ thống định danh và xác thực điện tử.

- Phối hợp với Bộ Công an để sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử trong việc cung cấp dịch vụ chữ ký số chuyên dùng.

Hỏi: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý, sử dụng tài khoản định danh điện tử?

Trả lời:

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

- Bảo đảm sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

- Phối hợp với Bộ Công an để thống nhất phương án kết nối, chia sẻ để sử dụng danh tính điện tử, tài khoản định danh điện tử được cung cấp, tạo lập bởi Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an; bảo đảm bảo mật, an toàn, an ninh thông tin.

Thành Đức

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn