TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/10/2021 14:58

Sở Tư pháp triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù

Đối tượng đặc thù là những người có nhận thức pháp luật, môi trường tiếp xúc pháp luật còn hạn chế. Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 đã xác định 6 nhóm đối tượng đặc thù đó là: người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật; người đang chấp hành hình phạt tù, người đang bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị phạt tù được hưởng án treo.

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù luôn được Đảng và Nhà nước dành sự quan tâm, ưu tiên hàng đầu. Với vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, trong nhiều năm qua, công tác phổ biến pháp luật cho đối tượng đặc thù được Sở Tư pháp chủ động triển khai và đã đạt được nhiều kết quả với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, cụ thể:

Sở Tư pháp đã ký kết nhiều Chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ thành phố, Thành đoàn Hải Phòng, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, Tòa án nhân dân thành phố để tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến các tầng lớp nhân dân nói chung và cho đối tượng đặc thù nói riêng.

Hàng năm, Sở Tư pháp đều trang bị cho tủ sách pháp luật tại các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn những đầu sách pháp luật, tài liệu mới đảm bảo phù hợp, thiết thực, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ thực thi công vụ, công việc chuyên môn của cán bộ, công chức và nhu cầu tiếp cận thông tin, tìm hiểu, giải đáp pháp luật của cán bộ, công chức, Nhân dân.

Đối với người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, Sở Tư pháp đã trực tiếp biên soạn, in và phát hành hàng trăm nghìn tài liệu tuyên truyền pháp luật về lao động, phát hành qua đầu mối Liên đoàn lao động thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội…  để chuyển đến tận tay người sử dụng lao động, người lao động trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Sở Tư pháp đã thực hiện được hàng chục cuộc tuyên truyền cho công nhân trong khu công nghiệp, khu chế xuất; phối kết hợp với Liên đoàn lao động thành phố, Chi nhánh Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban Dân vận Thành ủy, Sở Tư pháp đã trực tiếp tuyên truyền về Bộ luật Lao động, Luật Bầu cử và nhiều vấn đề người lao động quan tâm.

- Đối với Nhân dân vùng biên giới, biển, hải đảo, với phương châm hướng về cơ sở, Sở Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng thành phố tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động tại nhà bè cho ngư dân, kết hợp tặng sách, tài liệu, tờ gấp pháp luật. Những vấn đề được Báo cáo viên lựa chọn là những nội dung trọng tâm, trọng điểm liên quan thiết thực đến nhân dân vùng biển, đảo, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho ngư dân nói riêng và nhân dân vùng biển, hải đảo nói chung.

- Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến pháp luật được Sở Tư pháp quan tâm thông qua việc xây dựng và vận hành Trang Thông tin điện tử PBGDPL thành phố với tên miền http://pbgdpl. haiphong.gov.vn, đến nay được 750 tin, bài, qua đó "mềm hóa" các văn bản pháp luật vốn được xem là khô khan giúp cho nhân dân tiếp cận pháp luật một cách nhanh nhất và thuận tiện nhất, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến thu hút đông đảo sự tham gia của các nhóm đối tượng đặc thù.

Một số khó khăn và định hướng đổi mới công tác phổ biến pháp luật cho đối tượng đặc thù

Cùng với những kết quả đã đạt được thì khó khăn lớn nhất đối với công tác phổ biến pháp luật cho đối tượng đặc thù là nhận thức pháp luật chưa đồng đều và còn hạn hẹp do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như: một số đối tượng thường còn có tâm lý e ngại khi tiếp xúc với cán bộ tuyên truyền (ví dụ như nạn nhân bạo lực gia đình, người đang chấp hành hình phạt tù, đang cai nghiện bắt buộc…)

Thứ hai, nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù dù đã có nhiều đổi mới nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chưa được triển khai thường xuyên và sâu rộng. Hiện nay, việc PBGDPL cho đối tượng đặc thù mới chỉ đến người lao động, người dân ở, vùng biên giới, hải đảo mà chưa tiếp cận, mở rộng đối tượng tới người khuyết tật, phạm nhân đang cải tạo tại trại giam, người đang cai nghiện tại các trung tâm giáo dục lao động xã hội.

Thứ ba, kỹ năng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn thành phố còn chưa đồng đều;

Thứ tư, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù chưa thường xuyên, đặc biệt trong 02 năm gần đây do ảnh hưởng của dịch covid-19.

Để tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho đối tượng đặc thù, thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp từng nhóm đối tượng đặc thù, lựa chọn vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm cải tiến nội dung, nhất là những các chế độ, chính sách sửa đổi, bổ sung, mới ban hành và có liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ cho đối tượng đặc thù; nhiều địa bàn là điểm "nóng" về các vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội, tài nguyên môi trường... Vận dụng linh hoạt các hình thức, phương thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp để huy động sức mạnh tổng hợp trong công tác tuyên truyền pháp luật.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là cải tiến nội dung chuyên trang về PBGDPL để người dân có thể thực hiện việc tương tác với chính quyền, cơ quan nhà nước. Tăng cường triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật qua ứng dụng mạng xã hội, công nghệ viễn thông, thông tin như facebook, zalo, youtube và các mạng xã hội khác…;

Tuấn Hưng

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn