TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 25/05/2021 16:01

Thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích trong Bộ luật Lao động năm 2019

Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019  gồm 17 chương, 220 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 với nhiều nội dung thay đổi liên quan đến cả người lao động và người sử dụng lao động. Trong đó, các quy định về thẩm quyền và trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích gắn liền với đình công đã có những thay đổi với cơ chế linh hoạt hơn, tạo thuận lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể:

Thứ nhất, giải quyết tranh chấp lao động thể về lợi ích tại Hội đồng trọng tài lao động không còn là thủ tục bắt buộc. Đối với tranh chấp lao động tập thể (gồm tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích), thì Bộ luật Lao động năm 2012 và Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ 2019) đều quy định giải quyết thông qua hoà giải viên lao động là thủ tục đầu tiên và bắt buộc. Trường hợp hoà giải viên lao động hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp tiếp theo tuỳ theo loại tranh chấp lao động tập thể.

 BLLĐ 2019 quy định: Đối với tranh chấp lao động tập thể về quyền là yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Toà án giải quyết (khoản 2 Điều 192); đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích là yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết hoặc tiến hành thủ tục đình công (khoản 3 Điều 196). Đây là một trong những điểm mới và là sự thay đổi căn bản trong trình tự giải quyết tranh chấp lao đông tập thể về lợi ích; cho phép người lao động lựa chọn thực hiện thủ tục để đình công mà không bắt buộc phải thông qua Hội đồng trọng tài lao động. Khi hoà giải giữa người lao động và người sử dụng lao động không đạt được sự thống nhất, thì việc tiếp tục hoà giải ở một cơ quan khác là không cần thiết, gây tốn thời gian và công sức của các bên. Người lao động có thể lựa chọn đình công như một trong các công cụ hữu hiệu để thúc đẩy quá trình thương lượng với người sử dụng lao động. Hội đồng trọng tài chỉ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích khi có sự đồng thuận của các bên tranh chấp. Nếu một trong các bên không đồng ý đưa vụ tranh chấp ra Hội đồng trọng tài lao động, thì thẩm quyền của cơ quan này không phát sinh.

Thứ hai, thời hạn giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích của Hội đồng trọng tài

Bộ luật Lao động năm 2012 quy định thời hạn để Hội đồng trọng tài giải quyết là 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu. Tuy nhiên, với thời hạn này, thì BLLĐ 2019 quy định chỉ là thời hạn để Hội đồng trọng tài lao động thành lập ban trọng tài lao động (khoản 2 Điều 197). Theo đó, ban trọng tài lao động thành lập có số lượng tối thiểu là một trọng tài (trong trường hợp các bên tranh chấp lựa chọn cùng một trọng tài viên) (điểm c khoản 4 Điều 185); tối đa là ba trọng tài viên, làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số. Tuy nhiên, BLLĐ 2019 chưa quy định chi tiết về việc thành lập và hoạt động của ban trọng tài lao động như cách thức bên tranh chấp chọn trọng tài viên, nhiệm vụ, quyền hạn của trọng tài viên…. Do đó, Chính phủ cần ban hành nghị định quy định chi tiết về vấn đề này.

Thứ ba, chủ thể lãnh đạo đình công

Theo Điều 201 Bộ luật Lao động năm 2012, ở những nơi có tổ chức công đoàn cơ sở, đình công phải do tổ chức công đoàn cơ sở tổ chức và lãnh đạo đình công; ở những nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở thì đình công do tổ chức công đoàn cấp trên tổ chức và lãnh đạo đình công theo đề nghị của người lao động. Điều 198 BLLĐ 2019 quy định tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công. Tổ chức đại diện người lao động bao gồm công đoàn và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Trải qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung, thì đây lần đầu tiên Bộ luật Lao động quy định thêm một tổ chức có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động bên cạnh hệ thống công đoàn. Theo đó, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh quyền thành lập, gia nhập công đoàn thuộc hệ thống Công đoàn Việt Nam theo Luật Công đoàn. Sự thay đổi này đã làm cho chủ thể tổ chức và lãnh đạo đình công cũng có sự thay đổi, góp phần hạn chế các cuộc đình công bất hợp pháp vốn đã tồn tại lâu nay do có sự vi phạm về chủ thể tổ chức và lãnh đạo đình công.

Thứ tư, các trường hợp đình công bất hợp pháp

Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại do đình công bất hợp pháp gây ra cho người lao động, người sử dụng lao động và cho cả nền kinh tế, pháp luật lao động luôn quy định ranh giới rõ ràng giữa đình công hợp pháp và đình công bất hợp pháp. Điều 215 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định 05 trường hợp đình công bất hợp pháp là: (i) Đình công không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; (ii) Đình công vượt ra ngoài phạm vi doanh nghiệp; (iii) Vi phạm quy định về thời điểm đình công; (iv) Đình công tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định; (v) Đình công khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công. Điều 204 BLLĐ 2019 quy định 06 trường hợp đình công bất hợp pháp: (i) Đình công không thuộc trường hợp người lao động có quyền đình công; (ii) Đình công không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công; (iii) Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công; (iv) Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; (v) Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công; (vi) Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, BLLĐ 2019 quy định khi đình công không thuộc trường hợp người lao động có quyền đình công thì đó là đình công bất hợp pháp. Người lao động chỉ có quyền đình công đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích khi các bên tranh chấp đã đưa ra hoà giải viên lao động giải quyết mà tranh chấp vẫn còn hoặc khi các bên đã thống nhất đưa vụ tranh chấp ra Hội đồng trọng tài mà tranh chấp vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.

BLLĐ 2019 có nhiều điểm mới về thẩm quyền và trình tự giải quyết tranh chấp tập thể về lợi ích so với Bộ luật Lao động năm 2012. Những điểm mới này đã tạo tính linh hoạt, đơn giản hoá và tạo thuận lợi hơn cho các bên trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích - loại tranh chấp luôn tiềm ẩn nguy cơ hình thành đình công. Với những thay đổi trong BLLĐ 2019, tranh chấp lao động tập thể về lợi ích sẽ được giải quyết hiệu quả, hạn chế nguy cơ hình thành đình công, nhất là đình công bất hợp pháp.

Minh Anh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn