TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/06/2022 11:18

Tìm hiểu một số quy định về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự

Việc tham gia tố tụng của người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết các vụ án dân sự, đặc biệt trong trường hợp đương sự không tự thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Những quy định về người đại diện của đương sự được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015.

1. Khái niệm người đại diện trong tố tụng

Người đại diện của đương sự tham gia tố tụng dân sự là người thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự trước Tòa án.

Căn cứ Điều 85 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự.”

Dựa vào vào ý chí của đương sự, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành chia người đại diện thành hai loại: Người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo uỷ quyền. Ngoài ra, người đại diện trong tố tụng dân sự còn có thể do Tòa án chỉ định.

2. Vai trò của người đại diện trong tố tụng

Người đại diện của đương sự tham gia vào quá trình giải quyết vụ việc dân sự có một ý nghĩa rất lớn:

- Việc tham gia tố tụng của người đại diện của đương sự có tác dụng đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nhất là trong trường hợp họ là người bị hạn chế hoặc bị mất năng lực hành vi tố tụng dân sự.

- Việc tham gia tố tụng của người đại diện của đương sự còn có tác dụng nhất định trong việc làm rõ sự thật về vụ việc dân sự.

3. Người đại diện theo pháp luật

a. Căn cứ phát sinh quan hệ đại diện

Người đại diện theo pháp luật được quy định tại khoản 2, Điều 85 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 như sau: “Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật.”

Những người đại diện theo pháp luật của đương sự bao gồm: Cha, mẹ của con chưa thành niên; Người giám hộ của người được giám hộ; Người đứng đầu cơ quan, tổ chức; Chủ hộ gia đình và cá nhân, tổ chức khởi kiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

b. Phạm vi tham gia tố tụng

Người đại diện theo pháp luật của đương sự đương nhiên được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự khi xét thấy cần thiết. Khi tham gia tố tụng họ chỉ phải xuất trình những tài liệu để chứng minh mình là cha, mẹ, người giám hộ của đương sự hay là người đứng đầu pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác...

Như vậy, phạm vi tham gia tố tụng của đại diện theo pháp luật của đương sự không bị hạn chế trong các loại việc.

c. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật

Pháp luật tố tụng dân sự quy định quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật như sau: “Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện” (khoản 1, Điều 86 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).

Như vậy, đối với người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích cho đương sự là người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự do bản thân đương sự không thể tự thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình cho nên người đại diện theo pháp luật được thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự mà họ đại diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự.

d. Căn cứ chấm dứt quan hệ đại diện và hậu quả pháp lý

Tùy thuộc vào tính chất của mỗi loại đại diện, đương sự được đại diện mà căn cứ chấm dứt mỗi loại đại diện khác nhau. Theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015:  “ Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự”

  Khoản 4, Điều 140 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: Đại diện theo pháp luật chấm dứt trong trường hợp sau đây:

“a) Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục;

b) Người được đại diện là cá nhân chết;

c) Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

d) Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.”

Đối với đại diện theo pháp luật của đương sự là cá nhân thì quan hệ đại diện sẽ chấm dứt khi: Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc đã được khôi phục năng lực hành vi dân sự, người đại diện hoặc người được đại diện chết, người đại diện mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Đối với đại diện theo pháp luật của đương sự là pháp nhân thì quan hệ đại diện sẽ chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt. Pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân hợp nhất, sáp nhập, chia, giải thể hoặc tuyên bố phá sản theo quy định của Luật phá sản. Khi đó, quan hệ đại diện theo pháp luật của cá nhân đương nhiên sẽ không còn tồn tại.

Việc chấm dứt đại diện theo pháp luật của đương sự sẽ dẫn đến hậu quả pháp lý như sau: “Trường hợp chấm dứt đại diện theo pháp luật mà người được đại diện đã thành niên hoặc đã khôi phục năng lực hành vi dân sự thì người đó tự mình tham gia tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự theo thủ tục do Bộ luật này quy định”. (khoản 1, Điều 90 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).

4. Người đại diện theo ủy quyền

a. Căn cứ phát sinh quan hệ đại diện

Theo quy định tại khoản 4, Điều 85 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người đại diện theo ủy quyền: “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự”.

Theo đó, người đại diện theo ủy quyền là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự ủy quyền của đương sự. Quan hệ đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự được hình thành do thỏa thuận giữa bên ủy quyền và bên được ủy quyền, là cơ sở để người đại diện theo ủy quyền tham gia vào quan hệ tố tụng dân sự để bảo vệ quyền lợi cho bên mà mình đại diện.

b, Phạm vi tham gia tố tụng

Người đại diện theo ủy quyền có thể tham gia tố tụng trong các loại việc, người đại diện theo ủy quyền có thể thay đương sự thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ của họ hoặc cũng có thể thực hiện một phần nếu được ủy quyền một phần

Đương sự là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, trừ một số trường hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 138 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện” . Đương sự không có, mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi tố tụng dân sự thì không thể tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ, do vậy họ cũng không thể ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.”

Pháp nhân ủy quyền tham gia tố tụng (thông qua văn bản ủy quyền do người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ký), thì bên ủy quyền trong trường hợp này là pháp nhân chứ không phải người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó. Người đại diện theo ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác, trừ trường hợp được người ủy quyền lúc đầu đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định.

Pháp luật tố tụng dân sự chưa quy định cụ thể về việc ủy quyền phải được lập thành văn bản nhưng tại khoản 2 Điều 68, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 có quy định: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền”. Như vậy, theo quy định này thì việc ủy quyền này phải được lập thành văn bản.

c. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo ủy quyền

Theo khoản 2, Điều 86 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự theo nội dung văn bản ủy quyền”. Như vậy người đại diện theo ủy quyền có các quyền, nghĩa vụ của đương sự tùy thuộc vào nội dung, phạm vi ủy quyền và có thể khẳng định người đại diện theo ủy quyền của đương sự chỉ được thực hiện những quyền và nghĩa vụ tố tụng thay cho đương sự trong phạm vi ủy quyền. Tùy theo địa vị tố tụng của đương sự ủy quyền là nguyên đơn, bị đơn hay người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà người đại diện theo ủy quyền của họ có các quyền và nghĩa vụ tố tụng tương ứng quy định tại các Điều 70,71,72,73 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Bên cạnh đó, người đại diện theo ủy quyền phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự, không lệ thuộc vào người khác, không được làm đại diện cho những đương sự khác trong cùng vụ án nhưng quyền lợi đối  lập nhau, không có ảnh hưởng với người tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ việc.

d. Căn cứ chấm dứt và hậu quả pháp lý

Theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định của Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2015:

- Theo thỏa thuận;

- Thời hạn ủy quyền đã hết;

- Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

- Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;

- Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;

- Người đại diện không còn đủ Điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Dân sự;

- Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.”

Các giao dịch vượt quá phạm vi đại diện thì sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo ủy quyền đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện theo ủy quyền đồng ý hoặc biết mà không phản đối (Điều 139 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Tuy chưa quy định được cụ thể như pháp luật tố tụng của các nước nhưng Điều luật này cũng đã quy định được những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người đại diện. Ý nghĩa của quan hệ đại diện theo ủy quyền: Khẳng định nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự; Vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, vừa giúp cho việc giải quyết vụ việc được nhanh gọn, chính xác và đúng thời hạn, hạn chế sự hao tốn về thời gian, tiền bạc của xã hội.

5. Người đại diện theo tòa án chỉ định

a, Căn cứ phát sinh quan hệ đại diện

Người đại diện do Tòa án chỉ định là người đại diện tham gia tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự theo sự chỉ định của Tòa án.Theo Điều 88 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự được quy định như sau:

"1. Khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng.

2. Đối với vụ việc lao động mà có đương sự thuộc trường hợp quy định nêu trên hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện theo quy định nêu trên thì Tòa án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó."

Tòa án chỉ định người đại diện mang tính tức thì trong vụ việc dân sự mà Toà án đang giải quyết nhưng không có ai làm người đại diện theo pháp luật cho người bị người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Đồng thời, Tòa án cũng không được chỉ định những người thuộc diện không được làm người đại diện theo pháp luật của đương sự. Người đại diện do Tòa án chỉ định tham gia tố tụng từ khi có quyết định của Tòa án chỉ định họ đại diện cho đương sự, việc tòa án chỉ định người đại diện cho đương sự bảo đảm quyền bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp của đương sự trước tòa án.

b. Phạm vi tham gia tố tụng

Người đại diện do Tòa án chỉ định tham gia tố tụng từ khi có quyết định của Tòa án chỉ định họ đại diện cho đương sự. Phạm vi tham gia tố tụng của người đại diện do Tòa án chỉ định không bị hạn chế trong các loại việc.

c. Quyền và nghĩa vụ của người đại diện

Theo Điều 86 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về quyền, nghĩa vụ của người đại diện như sau:

“1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện.

2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền.”

Người đại diện của đương sự tham gia tố tụng bảo vệ quyền, lợi ích cho đương sự là người không có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Do bản thân đương sự không thể thực hiện được các quyền và nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích của mình cho nên người đại diện theo pháp luật và người đại diện do toà án chỉ định được thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự theo Điều 70 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

d. Các căn cứ chấm dứt và hậu quả pháp lý

Điều 89 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định về chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự, theo đó: “Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự”.

Theo khoản 4 Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn đại diện, theo đó đại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, người được đại diện đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục.

Thứ hai, người được đại diện chết; Đại diện theo pháp luật của pháp nhân chấm dứt khi pháp nhân chấm dứt, đại diện theo pháp luật của cá nhân và pháp nhân cũng chấm dứt trong trường hợp khác theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.

Hậu quả pháp lý của việc chấm dứt đại diện trong tố tụng dân sự do Tòa án chỉ định trong trường hợp người được đại diện đã khôi phục năng lực hành vi dân sự thì người đó tự mình tham gia tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự theo thủ tục do Bộ luật này quy định (khoản 1, Điều 90 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015).

Lượt truy cập: 761028
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn