TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 23/12/2021 10:53

Các tình huống hỏi - đáp pháp luật về là người lao động trong các doanh nghiệp

Câu 1. Anh T được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty giày da P theo hợp đồng lao động thời hạn 24 tháng với vị trí kiểm tra chất lượng sản phẩm (KCS). Tuy nhiên, đã 3 tháng kể từ ngày vào làm việc tại công ty, anh T được bố trí làm việc tại bộ phận giao nhận hàng hóa và phải làm việc ca đêm. Anh T nhiều lần kiến nghị với Giám đốc công ty đề nghị bố trí công việc theo đúng hợp đồng lao động nhưng không được chấp nhận. Xin hỏi, anh T có được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty P hay không? Pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?

Khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động quy định: Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động;

- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi cách khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn;

- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định;

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định của Bộ luật Lao động làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Khoản 1 Điều 29 Bộ luật Lao động quy định: Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh thì người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm; trường hợp chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 01 năm thì chỉ được thực hiện khi người lao động đồng ý bằng văn bản.

Như vậy, Công ty P đã điều chuyển anh T làm công việc khác quá 60 ngày mà không được sự đồng ý bằng văn bản của anh T. Do đó, anh T có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Công ty P.

Câu 2. Anh Q đang làm việc tại Công ty xây dựng M theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại công ty. Thời gian gần đây anh Q hay bị đau đầu, chóng mặt và đã có lần ngất xỉu trong khi đang làm việc. Khi đi khám bệnh tại bệnh viện, bác sĩ kết luận anh bị bệnh rối loạn tiền đình và cần phải nhập viện để điều trị với thời gian điều trị tại bệnh viện ít nhất là 15 ngày. Vậy anh Q có được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội không? Điều kiện để người lao động được hưởng chế độ này quy định như thế nào?

          Theo quy định tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, ốm đau là một trong 05 chế độ thuộc loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc  (Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí; Tử tuất). Đối tượng áp dụng chế độ ốm đau là người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

          Anh Q hiện đang làm việc với Công ty xây dựng M theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn và có đóng bảo hiểm xã hội, như vậy anh Q được hưởng chế độ ốm đau theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

          Về điều kiện hưởng chế độ ốm đau quy định như sau: Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau: “Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế” .

          Điều 3 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định về điều kiện hưởng chế độ ốm đau như sau: “Người lao động bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động hoặc điều trị thương tật, bệnh tật tái phát do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế” .

Câu 3. Tôi tham gia bảo hiểm y tế đã được 7 năm. Tôi muốn biết khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến theo quy định, mức hưởng bảo hiểm y tế của tôi được quy định như thế nào?

Theo Khoản 1 Điều 14 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến theo quy định mức hưởng bảo hiểm y tế như sau:

a) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với những đối tượng sau:

- Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

- Cựu chiến binh tham gia kháng chiến từ ngày 30/ 4/ 1975 trở về trước và sau ngày 30/4/1975 theo quy định tại Nghị định 157/2016/NĐ-CP ngày 24/11/2016  sửa đổi, bổ sung Nghị định 150/2006/NĐ-CP ngày 12/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Cựu chiến binh);

- Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội;

- Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác;

- Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;

- Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

b) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với:

- Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945;

- Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

- Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát;

- Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Trẻ em dưới 6 tuổi.

c) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;

d) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở;

đ) 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến;

e) 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với:

- Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

- Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;

- Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

- Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 và các quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.

g) 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các đối tượng khác;

h) Người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì được quỹ bảo hiểm y tế chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng theo quy định nêu trên.

Do bạn không nói rõ mình thuộc đối tượng nào, bạn có thể đối chiếu với các quy định nêu trên để được biết mức hưởng bảo hiểm y tế của mình khi khám chữa bệnh đúng tuyến theo quy định.

Câu 4. Tôi là công nhân của công ty sản xuất da giày làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn đã được ba năm. Gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, công ty không có đơn hàng gia công nên đã cho công nhân nghỉ việc không lương 3 tháng. Nay do không thể hoạt động trở lại, công ty thông báo sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với công nhân. Xin hỏi trong trường hợp này tôi có được nhận trợ cấp thất nghiệp hay không? Điều kiện để được nhận được bảo hiểm thất nghiệp?.

Khoản 1 Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 quy định người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c) Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp trừ các trường hợp sau:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Như vậy, bạn phải đối chiếu với quy định nêu trên để xem mình có đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không.

Câu 5. Tôi làm việc trong lĩnh vực may mặc và đã ký kết hợp đồng lao động với công ty nơi tôi làm việc. Trong hợp đồng lao động tôi không thấy có nội dung liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động. Xin cho biết, người lao động có những quyền gì về an toàn, vệ sinh lao động?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có những quyền sau:

- Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;

- Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;

- Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Ngọc Châu

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn