TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 14/04/2021 08:15

Tìm hiểu về Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.

Theo Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất (Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).

Với các chế độ này, người tham gia có thể đảm bảo cuộc sống cho mình khi không thể tiếp tục làm việc.

Có thể thấy, so với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm tự xã hội tự nguyện được hưởng ít quyền lợi, không có chế độ ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động. Tuy nhiên, với những lợi ích lớn mà loại hình bảo hiểm này đem lại thì mọi người vẫn nên tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nếu không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Theo Khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng do mình lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Theo quy định mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm:

* Chế độ hưu trí:

Lương hưu hàng tháng (Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):

 Từ ngày 01/01/2016 Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành cho đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật Bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 73 của Luật Bảo hiểm xã hội được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 79 của Luật Bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

 Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.

Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 57 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (Điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):

Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.

 Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.

- Bảo hiểm xã hội một lần (Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):

Chỉ áp dụng với một số trường hợp nhất định, mức hưởng tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được:

+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng Bảo hiểm xã hội (đóng trước năm 2014);

+ 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng Bảo hiểm xã hội (đóng từ năm 2014 trở đi);

+ Đóng chưa đủ 01 năm thì hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng Bảo hiểm xã hội.

* Chế độ tử tuất:

Trợ cấp mai táng (Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):

Những người sau đây khi chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng:

 Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 60 tháng trở lên;

 Người đang hưởng lương hưu.

Trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người quy định tại khoản 1 Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội chết.

 Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp mai táng.

Trợ cấp tuất (Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2014):

Đối với thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng, cứ mỗi năm:

+ 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng trước năm 2014);

+ 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH (đóng từ năm 2014 trở đi);

+ Tối đa 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH nếu đóng chưa đủ 01 năm;

+ Tối thiểu 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng BHXH nếu tham gia cả BHXH bắt buộc và tự nguyện.

Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:

+ 48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu;

+ Cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng nếu chết vào những tháng sau đó.

Hiện nay có tất cả 06 phương thức tham gia mà người tham gia có thể lựa chọn: Đóng hàng tháng; Đóng 03 tháng một lần; Đóng 06 tháng một lần; Đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần; Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm.

Hải Bình

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn