TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 20/05/2022 16:47

Tìm hiểu về hành vi vi phạm quy định về quảng cáo, kiểm nghiệm thực phẩm, an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc đối với thực phẩm không an toàn

1. Hành vi vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 23 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (Nghị định số 115/2018/NĐ-CP) và Khoản 2 Điều 72 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2021 (Nghị định số 38/2021/NĐ-CP), hành vi vi phạm quy định về quảng cáo, thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi không cung cấp thông tin về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 100.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

+ Phát hành tài liệu, ấn phẩm thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật;

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thu hồi tài liệu, ấn phẩm đã phát hành;  Buộc tiêu hủy tài liệu, ấn phẩm.

+ Đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thông tin về an toàn thực phẩm không chính xác, không đúng sự thật.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin

2. Hành vi vi phạm quy định về kiểm nghiệm thực phẩm và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu bị xử phạt như thế nào?

 Trả lời:

Theo Điều 24 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP và Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 (Nghị định số 124/2021/NĐ-CP) quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức, từ 7.500.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân khi thực hiện một trong các hành vi sau đây:

- Đưa thông tin sai về năng lực kiểm nghiệm hoặc phạm vi được công nhận chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của cơ sở kiểm nghiệm;

- Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin đối với hành vi đưa thông tin sai về năng lực kiểm nghiệm hoặc phạm vi được công nhận chỉ định kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của cơ sở kiểm nghiệm.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi sau đây:

- Cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm không lưu trữ hồ sơ kiểm nghiệm, thử nghiệm theo quy định của pháp luật;

- Cơ quan kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu không lưu trữ hồ sơ kiểm tra theo quy định của pháp luật.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức, từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện hành vi đánh tráo hoặc giả mạo mẫu thực phẩm dùng để kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu từ 06 tháng đến 12 tháng

4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổ chức, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân thực hiện một trong các hành vi sau đây:

a) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung giấy chứng nhận kết quả phân tích phiếu kết quả kiểm nghiệm, thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc các giấy tờ khác có liên quan đến kiểm nghiệm thực phẩm và kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu;

Hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu từ 06 tháng đến 12 tháng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại giấy tờ đã bị sửa chữa, tẩy xóa. 

b) Cố ý làm sai kết quả kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu;

Hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu từ 06 tháng đến 12 tháng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu.

c) Cung cấp kết quả kiểm nghiệm, kết quả kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm sai sự thật;

Hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu từ 06 tháng đến 12 tháng.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu.

d) Không thực hiện việc kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhưng vẫn cấp giấy chứng nhận kết quả phân tích, phiếu kết quả kiểm nghiệm kết quả kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động kiểm nghiệm, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu từ 06 tháng đến 12 tháng

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ kết quả kiểm nghiệm, thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu.

3. Hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm và thực hiện các giải pháp hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 25 Nghị định 115/2018/NĐ-CP,  hành vi vi phạm quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm và thực hiện các giải pháp hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm bị xử phạt như sau:

- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi không thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện sự cố an toàn thực phẩm.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn sự cố về an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các giải pháp hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm.

4. Hành vi vi phạm quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn bị xử phạt như thế nào?

Trả lời:

Theo Điều 26 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP và Khoản 14 Điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP, hành vi vi phạm quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không bảo đảm an toàn bị xử phạt như sau:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi không lưu trữ thông tin hoặc lưu trữ không đầy đủ thông tin để truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sau đây:

- Không thực hiện thông báo lô sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

-  Không thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm hoặc có thiết lập nhưng không đầy đủ thông tin; không thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn theo quy định;

- Không tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các biện pháp xử lý lô sản phẩm không bảo đảm an toàn;

- Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm theo quy định của pháp luật;

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn không phù hợp quy định của pháp luật hoặc không đúng nội dung yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi không thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện sản phẩm của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng mà không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật hoặc có chỉ tiêu an toàn thực phẩm không phù hợp với mức quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định của pháp luật tương ứng hoặc mức công bố; sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu tạo nên công dụng của sản phẩm không phù hợp với mức công bố.

5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi không thực hiện thu hồi theo quy định của pháp luật đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn.

6. Phạt tiền từ 01 lần đến 02 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với tổ chức thực hiện hành vi buôn bán sản phẩm hoặc lô sản phẩm đã có thông báo ngừng, tạm ngừng lưu thông hoặc quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật; tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 20 tháng đến 24 tháng đối với sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm.

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm không còn; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm đối với sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm.

Vương Minh

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn