TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 12/04/2022 11:19

Cần sự chung tay giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội

Tình trạng trẻ em phạm tội ngày càng tăng ở Việt Nam, trong đó có thành phố Hải Phòng. Điều này là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm. Những vụ án có bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội không chỉ tăng về số lượng mà tuổi đời phạm tội của các bị cáo cũng trẻ hoá. Không ít vụ án các bị cáo là người dưới 18 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất là chung thân hoặc tử hình như tội: “Cố ý gây thương tích”, “Giết người”, “Cướp tài sản”, “Trộm cắp tài sản”...

 Theo thống kê số liệu của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố: 6 tháng cuối năm 2021 đã thụ lý 153 án hình sự, trong đó số lượng vụ việc bào chữa cho người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là 94 vụ (chiếm tỷ lệ 61,4%). Điển hình trong thời gian qua có những vụ phạm tội “Gây rối trật tự công cộng xảy ra trên địa bàn quận Kiến An với 19 đối tượng là người dưới 18 tuổi; trên địa bàn quận Dương Kinh với 19 đối tượng; trên địa bàn quận Hồng Bàng với 22 đối tượng... Điều đó đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự gia tăng số lượng người phạm tội dưới 18 tuổi phạm tội.

Vụ án cố ý gây thương tích diễn ra trên địa bàn quận Lê Chân cũng là một ví dụ mà người phạm tội vi phạm khi tuổi đời còn rất trẻ: Tối ngày 8/3/2020, Hoàng A, Nguyễn B, Phạm C đi chơi thì bị một nhóm thanh niên (không xác định được lai lịch) điều khiển xe Airblade cầm dao, kiếm đuổi ở khu vực cầu Hoàng Văn Thụ. B đã gọi cho Bùi D để nói lại sự việc. Bùi D đã tập hợp một số đối tượng là Đào Văn H, Hoàng Văn I, Trần K, Phạm M, Nguyễn N, Nguyễn Đ, Khắc A, Việt B, Trần T sang khu vực nội thành Hải Phòng tìm nhóm đã đánh Hoàng A, Nguyễn B, Phạm C. Khi đi Bùi D lấy một số gậy, tuýt sắt, đao, kiếm và 02 vỏ chai thủy tinh đưa cho Khắc A 01 gậy tuýt sắt; H và I mỗi người cầm 01 cây đao; K, M, N, Đ mỗi người lấy 01 tuýt sắt; Việt B lấy 01 cây kiếm. Khi sang khu vực nội thành thì cả nhóm nhìn thấy S đang đi cùng bạn trên xe Airblade, tưởng đây là nhóm đã đánh Hoàng A, Nguyễn B, Phạm C nên K đã chặn đầu xe khiến S bị ngã, Bùi D, H, K, M, N, Đ dùng đao, kiếm, tuýt sắt đánh vào chân, tay của S. S được đưa đi bệnh viện cấp cứu, bị suy giảm 18% sức khỏe.

Tại phiên tòa, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Trong vụ án này, do D và Việt B là người dưới 18 tuổi nên Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố đã cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa cho D và Việt B. Trợ giúp viên đã phân tích về nguyên nhân, hoàn cảnh phạm tội, thu thập các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Kết quả là D và Việt B bị xử phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

 Có thể nói, người dưới 18 tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống của họ hạn chế hơn so với người đã thành niên. Họ dễ bị kích động, rủ rê, lôi kéo tham gia vào các vụ việc vi phạm pháp luật mà không lường trước hậu quả mà mình có thể phải gánh chịu. Để phòng ngừa tình trạng tội phạm trẻ hóa, trước tiên cần đẩy mạnh giáo dục tại gia đình. Gia đình cần quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống; kiểm soát được các mối quan hệ xã hội của con em mình để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hành vi lệch lạc, sai trái.

Ngoài ra, giáo dục tại nhà trường cũng đóng vai trò rất quan trọng, giúp trẻ nhận thức được các giá trị của đạo đức, văn hóa. Việc giáo dục đạo đức phải kết hợp với giáo dục pháp luật và kỹ năng sống để những người trẻ phát triển toàn diện, không chỉ nhận thức được những kiến thức khoa học mà còn biết vận dụng, ứng xử trong đời sống xã hội. Nhà trường cần tổ chức các biện pháp quản lý,  giáo dục khoa học đối với học sinh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên trong việc chăm sóc, giáo dục học sinh và phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc trao đổi thông tin. Khi trẻ em được giáo dục ý thức tôn trọng, biết sẻ chia, sống có đạo lý thì nguy cơ trở thành tội phạm sẽ giảm đi rất nhiều.

Nhà nước cũng cần ban hành kịp thờitổ chức thực hiện các văn bản pháp luật để quản lý chặt chẽ các “nhà mạng”, quản lý những hoạt động kinh doanh hoặc trò chơi có tính bạo lực gây ảnh hưởng đến đạo đức, sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em...

                               Nguyễn Thị Hồng Thư

               Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn