TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 08/02/2021 10:17

Những vướng mắc, khó khăn trong xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em

Trẻ em là thế hệ tương lai của đất nước, là “mầm xanh” cần được bảo vệ, bồi dưỡng, một tác động tiêu cực dù là nhỏ nhất cũng có thể để lại nhiều hậu quả khôn lường. Vì vậy vấn đề an toàn cho trẻ em, nhất là nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội, an toàn trên môi trường mạng cần phải được xem là trọng tâm cần tập trung để giảm tội phạm xâm hại trẻ em.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để xét xử nghiêm các vụ xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục thường gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Kết quả khảo sát của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, trong quá trình điều tra các vụ án xâm hại trẻ em, một số cán bộ chưa được đào tạo, tập huấn, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng tâm lý, kỹ năng làm việc với trẻ em trong quá trình tiếp nhận khi họ thông báo, tố giác về tội phạm xâm hại trẻ em. Từ đó, dẫn đến việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo còn chậm trễ, để kéo dài, có trường hợp do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng nên không nhanh chóng xử lý được tài liệu chứng cứ ban đầu từ nguồn tin báo, không có sự hướng dẫn giải thích phù hợp khiến người bị hại hoặc gia đình họ chưa tin tưởng từ đó chưa tích cực cộng tác trong quá trình xác minh, giải quyết vụ việc.

Trong khi đó, nhận thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, tâm lý xấu hổ, mặc cảm… nên khi vụ việc xảy ra họ thường ngại tố giác, trình báo hoặc trình báo không đầy đủ, khách quan. Quá trình khởi tố, điều tra tội phạm xâm hại trẻ em gặp khó khăn từ khâu xác minh, điều tra, thu thập chứng cứ bởi hầu hết vụ xâm hại trẻ em xảy ra nơi vắng vẻ, hoặc biệt lập. Đặc biệt tại các vùng nông thôn sông nước, miền núi hẻo lánh thường được phát hiện muộn nên vụ việc rơi vào tình trạng thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ nhanh bị phân hủy nên rất khó thu thập. Trong khi đó, nạn nhân còn nhỏ tuổi, lại bị sang chấn tâm lý bởi hành vi xâm hại nên lời khai thường không đầy đủ, thiếu chính xác, thậm chí hay thay đổi lời khai, hoặc khai theo ý của người đại diện (cha, mẹ) nên khó thu thập tài liệu chính xác. Có trường hợp trình báo muộn, hoặc có sự dàn xếp, thỏa thuận tự xử lý nội bộ giữa gia đình nạn nhân và đối tượng nên vụ việc không được trình báo. Hoặc sau một thời gian khi việc dàn xếp, thỏa thuận không thành mới tố giác nên khó khăn cho việc xác minh điều tra, thu thập tài liệu chứng cứ. Cũng có những trường hợp đối tượng và gia đình đối tượng mua chuộc, gây áp lực, đe dọa thách thức nạn nhân hoặc những người biết việc khác ngại việc cộng tác, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc.

Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không có người làm chứng trực tiếp do đối tượng lựa chọn thời gian, địa điểm kín đáo mới thực hiện hành vi phạm tội, hoặc đối tượng đe dọa nạn nhân phải giữ kín nên hầu hết chỉ được phát hiện khi người thân tiếp xúc, phát hiện các dấu hiệu như: Hoảng loạn hoặc có dấu vết tổn thương  bộ phận sinh dục hoặc các bộ phận khác trên cơ thể, nhiều trường hợp khi nạn nhân có thai mới được phát hiện.

Thực tiễn công tác đấu tranh tội phạm xâm hại tình dục trẻ em cho thấy, không ít đối tượng triệt để lợi dụng các phương tiện công nghệ cao, các trang mạng xã hội để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt nên chứng cứ điện tử dễ bị tiêu hủy nên việc thu thập dữ liệu điện tử nhằm giám định, sử dụng làm chứng cứ mới còn khó khăn.

Từ những nguyên nhân nêu trên,  chúng ta cần phải nhìn nhận rằng bảo vệ an toàn cho trẻ em nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội; an toàn trên môi trường mạng là vấn đề cấp bách được đặt ra và cần sự chung tay của toàn xã hội để giải quyết thông qua một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về xâm hại tình dục trẻ em và hậu quả của nó. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật này phải có kế hoạch, chương trình ngắn hạn, dài hạn cụ thể, trong đó chú trọng đến việc lồng ghép nội dung truyền thông vào trong sinh hoạt của thôn, ấp, tổ dân phố; trong sinh hoạt ngoại khóa của các cấp học và sinh hoạt chuyên đề của các tổ chức, đoàn thể các cấp để từ đó nâng cao ý thức tự bảo vệ của trẻ trước những nguy cơ trẻ bị xâm hại. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư.

Thứ hai, chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và cộng đồng dân cư về kỹ năng bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại. Tập trung hoạt động truyền thông - giáo dục vào những phường, xã trọng điểm, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và những nhóm đối tượng còn hạn chế trong thực hiện trách nhiệm của mình đối với trẻ em.

Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cha mẹ và người thân nhằm xây dựng thiết chế gia đình bền vững. Cha mẹ cũng cần phải trang bị cho con cái biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại. Cố gắng chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn. Không chủ quan giao con còn nhỏ cho người khác.

Thứ tư, đối với các nhà trường cần tổ chức nói chuyện chuyên đề về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản phòng chống xâm hại cho học sinh. Thầy cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung, cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn để trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ bản thân

Hồng Điệp

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn