TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/01/2021 14:48

Đoàn thanh niên với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng, là “cầu nối” để đưa pháp luật vào đời sống, là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong những năm qua, các cơ quan, đoàn thể, địa phương đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân, trong đó không thể không nói đến vai trò của Đoàn thanh niên với công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho thanh niên.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”, ngày 23/3/2018, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 87/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn thành phố Hải Phòng đến năm 2020. Cùng với việc triển khai Đề án này, thành phố Hải Phòng đã triển khai Chương trình phát triển thanh niên thành phố với sự vào cuộc của nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương điển hình như Sở Tư pháp thành phố phối hợp với Thành đoàn Hải Phòng ký kết Chương trình phối hợp số 143 - KH/TĐTN-STP ngày 05/3/2019 về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh thiếu nhi giai đoạn 2019 - 2022 .

Phát huy vai trò xung kích của Đoàn thanh niên trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên trên địa bàn thành phố, bám sát sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền của địa phương, sự phối hợp hiệu quả các ngành, các cấp đã góp phần làm cho công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh niên đáp ứng yêu cầu đề ra. Nhiều cách làm, hình thức sáng tạo sinh động, phong phú phù hợp với từng nhóm đối tượng được áp dụng, cụ thể như sau:

- Với kiến thức chuyên môn và khả năng am hiểu pháp luật của đội ngũ công chức trẻ, Sở Tư pháp thành phố trong đó lực lượng chủ công là Đoàn thanh niên Sở trực tiếp tổ chức nhiều hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật, tọa đàm chuyên sâu về Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đất đai, phòng chống ma túy, hội nhập quốc tế... thu hút hàng trăm lượt đối tượng thanh, thiếu niên tham gia. Đồng thời, Đoàn thanh niên Sở Tư pháp đã phối hợp với Đoàn thanh niên các sở, ban, ngành tổ chức nhiều Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật mới ban hành hoặc các văn bản có liên quan trực tiếp đến thanh, thiếu niên như: Hiến pháp; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự; Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Hòa giải cơ sở... Đoàn thanh niên tại các ban, ngành, tổ chức xã hội, đoàn thể như Sở Nội vụ,  Sở Văn hoá - Thông tin, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội liên hiệp phụ nữ  thành phố, Hội luật gia thành phố, Liên đoàn Lao động thành phố, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố tổ chức nhiều hình thức PBGDPL phong phú như: tổ chức các cuộc thi, ra quân hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống ma túy, Lễ ra quân hưởng ứng Tháng An toàn giao thông, cuộc thi “Đội tuyên truyền thanh niên về Luật Giao thông đường bộ, Phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”… Ngày hội thanh niên với văn hóa giao thông liên tục từ năm 2018 đến năm 2020 thu hút trên 65.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia. Toàn thành phố đã tổ chức được trên 1.400 buổi giao lưu văn nghệ, truyền thông phòng chống ma túy, HIV/AIDS, an toàn giao thông thu hút trên 120.000 lượt thanh niên tham gia; tổ chức cho 100% các cơ sở Đoàn ký giao ước thi đua, học sinh các trường THCS, THPT ký cam kết chấp hành luật giao thông đường bộ, duy trì hoạt động của 25 đội thanh niên tình nguyện tham gia tuyên truyền, giữ gìn trật tự an toàn giao thông.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống truyền thanh công cộng: Thành Đoàn Hải Phòng thường xuyên tuyên truyền giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên trên website Thành đoàn, tờ tin “Tuổi trẻ Hải Phòng” phát hành 2.500 tờ/tháng cho các chi đoàn trên địa bàn khu dân cư; phát hành băng catsét về phòng, chống ma tuý; Sở Nội vụ, Sở Tư pháp và Sở Văn hoá-Thông tin tổ chức phát hành hàng nghìn băng cátsét, pa nô, áp phích tuyên truyền pháp luật.

Đoàn thanh niên Sở Tư pháp tiếp tục xây dựng, duy trì và nâng cao chất lượng Tờ Phụ trương "Pháp luật thành phố Hải Phòng" phát hành vào thứ năm hằng tuần cùng với Báo Hải Phòng hàng ngày; hệ thống loa truyền thanh công cộng ở cơ sở hoạt động có hiệu quả kịp thời tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương. Các quận, huyện đã tăng thời lượng phát thanh hàng nghìn buổi với thời lượng từ 15 đến 30 phút một buổi với nhiều chuyên đề như: an toàn giao thông, nghĩa vụ quân sự, phòng chống tệ nạn xã hội… Bên cạnh đó, Đoàn thanh niên Sở Tư pháp phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình Hải Phòng thực hiện nhiều chương trình phát thanh và truyền hình như chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống”, chuyên mục “Bàn tròn pháp luật”… tuyên truyền nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến thanh niên như Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên… thu hút đông đảo người theo dõi.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc biên soạn và phát hành các loại tài liệu: Sở Tư pháp đã in và phát miễn phí hàng trăm nghìn tờ gấp pháp luật, cụ thể: 15.000 tờ gấp “Tìm hiểu về Luật Dân quân tự vệ và Luật Lực lượng dự bị động viên”; 20.000 tờ gấp “Một số quy định của pháp luật hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội”; 20.000 tờ gấp “Tìm hiểu về Luật Trẻ em”; 20.000 tờ gấp “Một số quy định pháp luật về chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho người lao động”; 10.000 tờ gấp “Tìm hiểu những điểm mới của Bộ luật Hình sự (sửa đổi)”… phát hành miễn phí tới các Sở, Ban, Ngành, thành viên Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố và quận, huyện, xã, phường, thị trấn, phát trực tiếp tại các hội nghị, lớp tập huấn… làm tài liệu để các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị chủ động nhân rộng, triển khai tuyên truyền, phổ biến ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình và phát cho thanh, thiếu niến tại các trường THCS và THPT trên địa bàn thành phố

Thành Đoàn Hải Phòng đã biên tập bộ câu hỏi tìm hiểu Hiến pháp năm 2013 và triển khai tuyên truyền rộng khắp tại các trường học và các tổ chức đoàn cơ sở trên địa bàn thành phố; phát hành 20.000 đĩa CD tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ.

- Phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù: Cùng với các hình thức PBGDPL truyền thống, thành phố Hải Phòng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng đặc thù, góp phần vào sự chuyển biến về nhận thức, hành vi của thanh thiếu niên. Nổi bật có các mô hình Câu lạc bộ tuyên truyền giáo dục, cảm hóa đối tượng tại gia đình, cộng đồng dân cư không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; tổ chức đối thoại pháp luật với thanh niên…  Toàn thành phố hiện có trên 150 mô hình Câu lạc bộ pháp luật với hàng nghìn hội viên hoạt động theo chủ đề tháng, quý… tiêu biểu như Câu lạc bộ S-A phường Gia Viên (quận Ngô Quyền) gồm 30 thành viên là những thanh niên cai nghiện tại cộng đồng, tái hòa nhập cuộc sống; Câu lạc bộ “Bạn giúp bạn” phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng tổ chức giúp đỡ thanh niên chậm tiết, Câu lạc bộ “Đồng đẳng” phường Lạc Viên, quận Ngô Quyền gồm các thành viên là những thanh niên mắc nghiện ma túy, nhiễm HIV tổ chức sinh hoạt, trao đổi thông tin pháp luật về phòng chống ma túy…

Các quận, huyện cũng duy trì nhiều mô hình sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Toàn thành phố có hơn 20 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, huyện Vĩnh Bảo thành lập Câu lạc bộ gia đình văn hóa, Câu lạc bộ tiền hôn nhân, Câu lạc bộ Tuổi trẻ phòng chống tội phạm… thường xuyên lồng ghép nội dung văn bản pháp luật vào các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ. Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật” ở phường Tràng Cát, quận Hải An tạo điều kiện cho chị em phụ nữ trên địa bàn được trao đổi, nâng cao kiến thức pháp luật cho bản thân.

Nhìn chung, bằng các cách thức phổ biến giáo dục pháp luật khác nhau đã tác động lớn vào ý thức của các đối tượng thanh, thiếu niên trong việc chấp hành và tuân thủ pháp luật, giúp điều chỉnh hành vi ứng xử của thanh thiếu niên phù hợp với quy định của pháp luật, với truyền thống đạo đức trong tất cả các mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau, với gia đình, người thân và cộng đồng, góp phần cho xã hội thêm văn minh và tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận thanh thiếu niên nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhưng lại lười lao động, không có nghề nghiệp, sống buông thả, không có mục đích, thiếu ý thức trách nhiệm với gia đình, xã hội; đặc biệt là không tuân thủ pháp luật dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí có những trường hợp vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

Từ thực tế kết quả công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên, để tiếp tục hoàn thiện các mục tiêu và yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện các biện pháp sau:

- Cấp ủy, lãnh đạo địa phương cần quan tâm và nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò của công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay; xác định đây là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội.

- Tăng cường phối hợp mở các lớp dạy nghề cho thanh, thiếu niên ở địa phương, tạo điều kiện cho họ có công việc làm và thu nhập ổn định, sẽ giúp cho thanh niên định hướng, nhận thức xã hội tốt hơn, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật; xây dựng các chuyên mục “Người tốt việc tốt”, “Thanh niên lập nghiệp” trong việc thực hiện pháp luật và phấn đấu vươn lên của thanh niên để nêu gương.

- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên phải được triển khai thực hiện sâu rộng, mang tính thường xuyên, liên tục, ổn định, bền vững; cần có những mô hình PBGDPL cho thanh, thiếu niên thuộc nhóm đối tượng có biểu hiện và nguy cơ vi phạm pháp luật cao do dễ bị tác động bởi hoàn cảnh, điều kiện sống  (như thanh thiếu niên sống tự do, bỏ học sớm, không có việc làm, thanh thiếu niên xuất thân từ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ…).

- Cần chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy môn học giáo dục công dân trong nhà trường, bằng hình thức trực quan sinh động kết hợp với lý thuyết qua sách vở, bài giảng với thực tiễn cuộc sống để góp phần giáo dục ý thức đạo đức, hình thành nhân cách sống, ý thức tự giác và trang bị vốn kiến thức pháp luật nhất định cho thanh thiếu niên là học sinh.

- Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác PBGDPL, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đáp ứng yêu cầu, thực sự năng động, nhiệt tình, tâm huyết, nắm vững kiến thức pháp luật.

- Địa phương cần quan tâm bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, điều kiện đủ để đáp ứng yêu cầu triển khai công tác PBGDPL cho thanh niên; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và điển hình tiến tiến trong công tác PBGDPL cho thanh niên.

Hồng Điệp

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn