TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 05/01/2021 09:18

Phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức, đoàn thể trong công tác bảo vệ trẻ em

Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2011-2015, cả nước có khoảng 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Nếu như trước đây, trẻ bị xâm hại thường ở độ tuổi 13 đến 18, thì nay đã xuất hiện nhiều vụ việc trong lứa tuổi 5 đến 13. Thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng, liên tiếp xuất hiện những vụ việc về xâm hại tình dục trẻ em cho thấy sự mất nhân tính, vô cảm của tội phạm ngày càng gia tăng, trở thành vấn đề nghiêm trọng, đáng báo động trong toàn xã hội. Ðây chỉ là những vụ việc đã có báo cáo và thống kê, nghĩa là còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại vẫn chưa được phơi bày trước công lý.

Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân có trách nhiệm trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Ðiều 77, Chương V của Luật Trẻ em năm 2016 chỉ rõ: T.Ư Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em, với nhiệm vụ thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ em, chuyển tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết. Những năm qua, Đoàn Thanh niên các cấp luôn quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm đương trách nhiệm này. Nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, đạo đức; trao học bổng, tình nguyện hỗ trợ đồng bào, thanh, thiếu nhi gặp khó khăn do thiên tai; xây sân chơi, tổ chức câu lạc bộ, đội, nhóm cho thanh, thiếu nhi... đã được các cấp bộ Ðoàn triển khai rộng khắp.

Tuy vậy, để có thể bảo vệ trẻ em thiết thực và hiệu quả hơn, Ðoàn TN các cấp cần chủ động, sáng tạo hơn. Để bảo đảm tăng cường vai trò của của các tổ chức, đoàn thể, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em cần tăng cường các giải pháp sau:

Thứ nhất, Luật Trẻ em năm 2016 có nhiều quy định mới về quyền và bổn phận của trẻ em nhưng công tác truyền thông cho các tổ chức, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhà trường từ mầm non đến phổ thông và gia đình còn rất hạn chế. Do vậy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên phải có kế hoạch cụ thể về tuyên truyền, vận động thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, nhất là tuyên truyền về các quyền và bổn phận của trẻ em.  

Đối với các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học, nên lồng ghép nội dung quyền và bổn phận của trẻ em trong môn giáo dục công dân; đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện quyền này và vai trò của trẻ em trong việc giám sát các cơ quan nhà nước, các tổ chức, gia đình đảm bảo thực hiện quyền này.

Thứ hai, các tổ chức, đoàn thể và cơ sở giáo dục tổ chức nhiều các lớp kỹ năng cho các đối tượng khác nhau để đảm bảo thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em. Hội Phụ nữ mở các khóa học “truyền thông và kỹ năng làm mẹ”, Đoàn Thanh niên, nhà trường mở các lớp “truyền thông và các kỹ năng tránh xâm hại trẻ em”,… Thông qua các khóa học chính khóa hay ngoại khóa, việc nhận thức vai trò của cá nhân, gia đình và tổ chức trong việc bảo vệ trẻ em và chính trẻ em có được các thông tin, kỹ năng để tự bảo vệ mình được nâng cao. Xuất bản các cuốn “sổ tay” về “kỹ năng phòng tránh xâm hại” cho trẻ em.

Thứ ba, đưa nội dung giáo dục giới tính và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục vào các chương trình chính khóa hay ngoại khóa ở các trường phổ thông. Ðộng viên các cấp bộ Ðoàn, nhất là hệ thống cán bộ đoàn khu dân cư, chủ động tiếp xúc, lắng nghe, tổng hợp ý kiến của các em ngay tại địa phương đang sinh sống để xây dựng thành một phần của các chương trình sinh hoạt đoàn tại khu dân cư... Ngay tại những câu lạc bộ, đội, nhóm cho thanh, thiếu nhi sẵn có hiện nay, các thủ lĩnh thanh niên có thể phối hợp các chuyên gia, tổ chức xã hội uy tín, đưa thêm nội dung giáo dục giới tính, kiến thức, kỹ năng chống xâm hại thông qua những hình thức tuyên truyền phù hợp. Ngoài ra, cũng có thể lồng ghép, tăng cường sự xuất hiện của cha mẹ các em tại các buổi sinh hoạt này, nhằm tăng cường sự quan tâm, quản lý và giáo dục hai chiều giữa gia đình và tổ chức đoàn thanh niên đối với các em...

Thứ tư, nhiều gia đình còn hạn chế về kỹ năng, nhận thức. Các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đã được pháp luật quy định khá cụ thể trong các luật nhưng thực tiễn thực hiện còn là một khoảng cách. Các bậc phụ huynh thực hiện chăm sóc, giáo dục con theo cách riêng của mình nên nhiều trường hợp tác động xấu trong việc hình thành nhân cách của trẻ em. Do đó, cần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, tôn trọng lẫn nhau. Mọi tâm tư, nguyện vọng của con cái phải được lắng nghe, chia sẻ, nguyện vọng chính đáng phải được đáp ứng. Do đó, các thành viên trong gia đình phải thực sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn