TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 04/03/2024 10:54

Tăng cường quản lý, phòng ngừa hàng giả, hàng nhái

Hiện nay, các hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh tăng cường thanh, kiểm tra của lực lượng chức năng, người tiêu dùng cần lựa chọn địa chỉ có uy tín để mua hàng, chủ động thông tin tới đơn vị quản lý nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái.

Khó phân biệt thật giả

Chị Nguyễn Hải Như ở phố Văn Cao, phường Đằng Giang (quận Ngô Quyền) thấy nhiều trang bán hàng trên facebook giảm giá các loại mỹ phẩm nên đặt mua 1 lọ dưỡng chất của hãng Estee Lauder, xuất xứ Hoa Kỳ dạng 50 ml giá 1,6 triệu đồng để dưỡng da trong khi giá gốc là 3,7 triệu đồng. Song, khi mua về, chị nghi ngờ đây là hàng nhái. Chị Như phản ánh: Hàng không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Vỏ hộp khá giống với sản phẩm chính hãng nhưng dung dịch trong sản phẩm có màu sáng và loãng hơn loại chị đang dùng. “Không dùng thì tiếc tiền mà dùng thì lo ngại sản phẩm giả”- Chị Như cho biết thêm.

Những trường hợp mua hàng như chị Như không hiếm khi các hình thức thương mại điện tử bùng nổ hiện nay. Gần đây nhất có thể kể đến vụ việc ngày 26/12/2023, khi Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội phối hợp với Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiểm tra kho hàng ở Khu đô thị Đô Nghĩa, thuộc phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) phát hiện nhiều mỹ phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc. Chủ kho hàng này chuyên bán hàng qua nền tảng Facebook, Shopee, TikTok... Vụ việc đang tiếp tục được điều tra làm rõ.

Còn tại Hải Phòng, theo thống kê của Cục Quản lý thị trường thành phố, năm 2023, cơ quan kiểm tra 773 vụ (tăng 11,87% so với năm 2022). Tổng số vụ xử lý là 423 vụ (tăng 50% so với năm 2022). Số tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 3,5 tỷ đồng (tăng 110,18% so với năm 2022). Trong đó, riêng công tác chống sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ, có 56 vụ bị xử lý, tổng số tiền phạt hơn 687 triệu đồng; công tác kiểm tra, xử lý kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc có 6 vụ bị xử lý, tổng số tiền phạt là hơn 626 triệu đồng. Đơn cử, vụ hàng nghìn đôi giày, dép các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hàng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng tại cửa hàng ở phố Cát Bi (quận Hải An) được Đội QLTT số 7 phát hiện tháng 3-2023 hiện đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Văn K, ở xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng) về tội về hành vi buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu để bảo đảm xử lý nghiêm theo pháp luật.

Cần sự phối hợp từ người dân

Bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực không ngừng của các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn. Ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Cục trưởng Cục QLTT thành phố cho biết: Các hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng giả xuất hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi tập trung nhiều vào các mặt hàng điện tử, quần áo, túi xách, giày dép… Nhiều người lợi dụng hình thức mua sắm online trà trộn hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc để mua bán, kinh doanh. Thời gian tới, Cục QLTT thành phố kết hợp với các Sở, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Cục thuế, Bộ đội biên phòng nâng cao hiệu quả trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Để ngăn ngừa công tác buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngày 25/12/2023, Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị số 16/CT-BCT. Theo đó, lực lượng QLTT tập trung, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, trong đó có hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tăng cường rà soát các mạng xã hội, sàn giao dịch, ứng dụng thương mại điện tử phát hiện, phối hợp với các lực lượng chuyên ngành thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 33 tội danh, trong đó có tội về sản xuất buôn bán hàng giả… Vì vậy, ngoài việc nhanh chóng phát hiện, xử phạt cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng cần xem xét xử lý hình sự đối với pháp nhân thương mại khi đủ yếu tố cấu thành tội phạm để tạo sự răn đe nghiêm khắc.

Công tác đấu tranh chống hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc là nhiệm vụ lâu dài và vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, với nỗ lực, quyết tâm trong công tác đấu tranh, sự đồng thuận của xã hội, sự phối hợp có hiệu quả của nhiều cơ quan, ban, ngành, sự thông tin từ người dân, tin rằng, vấn nạn này sẽ ngày một hạn chế, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

 

Cán bộ Cục QLTT thành phố kiểm tra phát hiện giáy dép giả thương hiệu tại phố Cát Bi,
quận Hải An tháng 3-2023 (Ảnh: Cơ quan Quản lý thị trường cung cấp)

Phạm Hải Vân

(Phóng viên Báo Hải Phòng)

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn