TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 27/11/2023 09:24

Vai trò, ý nghĩa của pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

1. Giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong việc tìm kiếm, tra cứu các quy định của pháp luật.

Pháp điển là việc sắp xếp các quy phạm pháp luật (QPPL) vào các đề mục trong các chủ đề với phạm vi nội dung được xác định rõ ràng, ổn định, có tính hệ thống cao. Theo quy định của Pháp lệnh Pháp điển năm 2012, Bộ pháp điển của Việt Nam được cấu trúc theo chủ đề, hiện nay, Bộ pháp điển có 45 chủ đề được đánh số thứ tự từ số 1 đến số 45, trong đó, mỗi chủ đề chứa đựng QPPL điều chỉnh các nhóm quan hệ xã hội nhất định được xác định theo lĩnh vực.

Trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục, mỗi đề mục chứa đựng các QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Bộ pháp điển chứa đựng 271 đề mục thuộc 45 chủ đề.

Ví dụ: Chủ đề số 1. An ninh quốc gia (bao gồm 10 đề mục như: An ninh quốc gia; Bảo vệ bí mật nhà nước; Bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia; Biên giới quốc gia; Biển Việt Nam; Công an nhân dân; Cơ yếu; Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Phòng, chống khủng bố; Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam);

Chủ đề số 2. Bảo hiểm (bao gồm 03 đề mục như: Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm y tế; Kinh doanh bảo hiểm);

Chủ đề số 3. Bưu chính, viễn thông (bao gồm 05 đề mục như: Bưu chính; Công nghệ thông tin; Giao dịch điện tử; Tần số vô tuyến điện; Viễn thông).

Trong trường hợp cần thiết và phù hợp, Chính phủ quyết định bổ sung chủ đề mới và Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung đề mục mới theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Trong mỗi đề mục có thể có các phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm và nội dung các QPPL được đưa vào bởi các văn bản sử dụng để pháp điển. Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản QPPL có giá trị pháp lý cao nhất được pháp điển vào đề mục đó (mỗi một đề mục chỉ có một văn bản có giá trị pháp lý cao nhất).

Mỗi đề mục trong Bộ pháp điển là tập hợp các QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định. Các QPPL này tồn tại ở nhiều văn bản khác nhau được sắp xếp theo một trật tự nhất định như: sắp xếp các điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; trường hợp có nhiều điều của một văn bản cùng quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành lần lượt theo số thứ tự của các điều trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; trường hợp một điều của văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhiều điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đầu tiên; đối với các điều còn lại thì được chỉ dẫn đến điều quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã được sắp xếp ở trên; trường hợp có nhiều điều của nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một điều của văn bản có giá trị pháp lý cao hơn thì sắp xếp các điều này ngay sau điều được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thứ bậc hiệu lực pháp lý từ cao xuống thấp hoặc theo thứ tự về thời gian ban hành đối với các văn bản có cùng hình thức; trường hợp trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có điều không hướng dẫn cụ thể điều nào của văn bản được quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì sắp xếp điều này ngay sau điều có nội dung liên quan nhất của văn bản được quy quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành…

Đối với các trường hợp QPPL có nội dung liên quan đến nhau nhưng lại được pháp điển ở hai vị trí cách xa nhau trong một đề mục hoặc thậm chí trong các đề mục/các chủ đề khác nhau thì được chỉ dẫn là “Điều này có nội dung liên quan đến điều…”. Với cấu trúc và tính chất của Bộ pháp điển như vậy đã góp phần tích cực, hiệu quả, giúp người dân, doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước dễ dàng, thuận tiện trong tìm kiếm, tra cứu các QPPL đang còn hiệu lực.

2. Bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật và góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật

Theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), các văn bản QPPL được ban hành đều được đăng trên Công báo điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (trừ văn bản mật). Đây là vấn đề bảo đảm tính công khai của hệ thống pháp luật.

Bộ pháp điển được xây dựng theo quy định của Pháp lệnh pháp điển là Bộ pháp điển chính thức của Nhà nước, do Nhà nước giữ bản quyền. Trong đó, Bộ pháp điển chỉ bao gồm các quy định do cơ quan nhà nước ở Trung ương ban hành đang có hiệu lực, do đó, người dân có thể tin tưởng rằng tất cả các quy định do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành đang có hiệu lực đều nằm trong Bộ pháp điển; khi cần tìm hiểu để áp dụng pháp luật trong một lĩnh vực nhất định, về cơ bản, người dân chỉ cần tìm hiểu các quy định trong các chủ đề, đề mục nhất định của Bộ pháp điển. Qua đó, Bộ pháp điển góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật cũng như góp phần nâng cao sự tin tưởng của người dân vào hệ thống pháp luật.

Bộ pháp điển được đăng tải công khai trên môi trường mạng internet và được sử dụng miễn phí (đăng trên Cổng thông tin điện tử pháp điển - phapdien.moj.gov.vn). Đây là Cổng thông tin độc lập, đăng tải Bộ pháp điển, do Nhà nước giữ bản quyền và giao Bộ Tư pháp thống nhất quản lý, duy trì hoạt động.

3. Góp phần nâng cao tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống QPPL cũng như tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Các QPPL từ cấp Thông tư trở lên đang còn hiệu lực (trừ Hiến pháp và các quy định thuộc về bí mật nhà nước) được thực hiện pháp điển theo một quy trình nhất định, bảo đảm các QPPL đang có hiệu lực được tập hợp đầy đủ, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, phù hợp, từ đó phát hiện những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp để có các biện pháp xử lý kịp thời góp phần bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ của hệ thống QPPL cũng như tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật như sau:

- Pháp điển góp phần phát hiện các QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế để kịp thời sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ, thay thế cho phù hợp:

Thực trạng hiện nay, một văn bản QPPL của cấp trên ban hành kèm theo rất nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành của cơ quan có thẩm quyền ở cấp dưới đã làm cho hệ thống pháp luật trở nên quá đồ sộ, chưa kể đến việc các cơ quan hành pháp thường xuyên ban hành các văn bản để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình. Với một lượng lớn các chủ thể có thẩm quyền ban hành văn bản QPPL như trên tương ứng với các hình thức văn bản nhất định dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp giữa các văn bản là điều không tránh khỏi. Trong khi đó, pháp điển là việc sắp xếp các QPPL vào các đề mục trong các chủ đề với phạm vi nội dung được xác định rõ ràng, có lôgic và có tính hệ thống cao. Với việc thực hiện pháp điển như vậy dễ dàng giúp chúng ta phát hiện những quy định trái pháp luật, có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không phù hợp với thực tế để có các biện pháp xử lý kịp thời, góp phần bảo đảm hệ thống pháp luật được thống nhất, đồng bộ, không có những quy định mâu thuẫn, chồng chéo nhau đang còn hiệu lực.

Cụ thể, Điều 10 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP quy định: “Trường hợp phát hiện có QPPL mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong văn bản do mình ban hành hoặc trong văn bản liên tịch do mình chủ trì soạn thảo, thì cơ quan thực hiện pháp điển xử lý theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản QPPL trước khi sắp xếp các QPPL vào đề mục”; “Trường hợp phát hiện có QPPL mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế trong các văn bản không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thì cơ quan thực hiện pháp điển vẫn tiến hành việc pháp điển, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các QPPL mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản QPPL”.

- Pháp điển góp phần phát hiện những khoảng trống pháp luật để kịp thời ban hành văn bản bổ sung cho phù hợp, đầy đủ:

Hiện nay, hệ thống pháp luật ở cấp Trung ương có hơn 08 nghìn văn bản QPPL đang còn hiệu lực do hơn 30 cơ quan/người có thẩm quyền ban hành với gần 20 hình thức văn bản khác nhau. Đây là hệ thống văn bản tương đối đồ sộ, phức tạp, nhiều tầng nấc dễ tạo ra các khoảng trống pháp luật - các quan hệ xã hội chưa có QPPL điều chỉnh. Trong khi đó, pháp điển là việc các cơ quan rà soát, tập hợp, sắp xếp các QPPL theo một trật tự lôgic nhất định nên có thể thấy rằng, pháp điển giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, toàn diện về thực trạng hệ thống pháp luật cũng như dễ dàng phát hiện những khoảng trống pháp luật để kịp thời có sự sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đầy đủ.

- Pháp điển góp phần phát hiện các văn bản không còn được áp dụng trên thực tế để kịp thời ban hành văn bản bãi bỏ theo quy định:

Theo quy định của pháp luật, khi các văn bản của cấp trên như Luật, Nghị định được ban hành, các Bộ, ngành có trách nhiệm thực hiện rà soát kịp thời các văn bản QPPL do mình ban hành hoặc chủ trì soạn thảo để kịp thời xử lý/kiến nghị xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều văn bản QPPL không còn được áp dụng nhưng chưa có văn bản nào tuyên bố các văn bản đó hết hiệu lực theo quy định tạo lên sự lúng túng cho người áp dụng pháp luật. Qua việc pháp điển, các Bộ, ngành đã rà soát và phát hiện nhiều văn bản trong tình trạng như vậy và đã kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hiệu lực văn bản theo quy định.

- Pháp điển hệ thống QPPL tạo thuận lợi trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật:

Ngoài việc pháp điển góp phần phát hiện các QPPL có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp với thực tế để giúp các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời xử lý, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ pháp điển còn đóng góp không nhỏ trong việc xây dựng các văn bản QPPL cụ thể. Mỗi đề mục là tập hợp các QPPL điều chỉnh một nhóm quan hệ xã hội nhất định được sắp xếp với nhau một cách hợp lý, lôgic (gần nhau hoặc chỉ dẫn có liên quan), qua đó, việc pháp điển giúp các cơ quan ban hành văn bản dễ dàng nhận diện toàn bộ các QPPL điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội trong một lĩnh vực cần xây dựng văn bản mà không cần phải rà soát, kiểm tra các văn bản phân tán trong hệ thống pháp luật như hiện nay. Đồng thời giúp các cơ quan ban hành văn bản phân định thẩm quyền ban hành của mỗi chủ thể đối với từng QPPL, từng quan hệ xã hội cụ thể để xây dựng văn bản bảo đảm phù hợp, đúng thẩm quyền cũng như bảo đảm tính đầy đủ của văn bản nói riêng và tính hoàn thiện của hệ thống pháp luật nói chung.

(theo tài liệu Hướng dẫn kỹ thuật thực hiện pháp điển và cách thức khai thác, sử dụng Bộ Pháp điển)

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn