TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 15/05/2023 07:58

Tìm hiểu về thẩm quyền cho trở lại quốc tịch Việt Nam

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, thẩm quyền cho trở lại quốc tịch Việt Nam là Chủ tịch nước. Chủ tịch nước sẽ xem xét, quyết định sau khi nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, người xin trở lại quốc tịch Việt Nam không nộp trực tiếp hồ sơ cho Thủ tướng Chính phủ để cơ quan này xin ý kiến của Chủ tịch nước mà hồ sơ xin trở lại quốc tịch sẽ được nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú trong nước của người yêu cầu. Trường hợp người yêu cầu cư trú ở nước ngoài thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại.

Sau khi Sở Tư pháp nhận được hồ sơ trở lại quốc tịch Việt Nam của công dân sẽ xác minh thông tin về nhân thân bằng cách gửi văn bản đề nghị tới cơ quan Công an cấp tỉnh. Trong thời gian đó, Sở Tư pháp sẽ tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam.

Sau khi nhận được văn bản trả lời của cơ quan Công an cấp tỉnh, Sở Tư pháp hoàn tất hồ sơ để trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh sau đó cơ quan này xem xét, kết luận, đề xuất gửi ý kiến lên Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp là cơ quan sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi xem xét, thẩm định lại hồ sơ.

Như vậy, có thể thấy, thẩm quyền cho trở lại quốc tịch Việt Nam là Chủ tịch nước. Nhưng trước đó, hồ sơ sẽ được nhiều cơ quan xem xét, thẩm tra, xác minh… từ Sở Tư pháp, Công an cấp tỉnh và Bộ Tư pháp.

Các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008, chỉ có người đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể trở lại quốc tịch Việt Nam. Theo đó, các trường hợp đã mất quốc tịch được trở lại quốc tịch Việt Nam gồm:

- Được thôi quốc tịch Việt Nam.

- Bị tước quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, đối tượng này phải sau 05 năm kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.

- Do cha mẹ thôi quốc tịch Việt Nam thì con chưa thành niên sống cùng cha mẹ cũng thay đổi quốc tịch theo cha mẹ mình.

- Trẻ em chưa đủ 15 tuổi tìm thấy cha mẹ mà cha mẹ chỉ có quốc tịch nước ngoài hoặc chỉ tìm thấy cha hoặc chỉ tìm thấy mẹ mà người đó chỉ có quốc tịch Việt Nam.

- Thực hiện đầu tư tại Việt Nam (trường hợp này phải có dự án đầu tư đã được cấp giấy tờ chứng nhận việc đầu tư này).

- Đã thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch của nước ngoài tuy nhiên không được nhập quốc tịch nước ngoài.

Tuy nhiên, sẽ không được xem xét quay trở lại quốc tịch Việt Nam nếu việc nhập quốc tịch Việt Nam làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Điều kiện để các đối tượng trên được trở lại quốc tịch Việt Nam

- Có đơn xin quay trở lại quốc tịch Việt Nam.

- Xin hồi hương về Việt Nam.

- Có vợ, chồng, cha mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam.

- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam.

- Sự quay trở lại quốc tịch Việt Nam có lợi cho Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ví dụ như người này có tài năng thực sự vượt trội trong một trong các lĩnh vực như giáo dục, thể thao, y tế…

Người xin quay trở lại quốc tịch Việt Nam phải lấy lại tên gọi Việt Nam đã dùng trước đây và trong quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam phải ghi rõ tên gọi này. Đồng thời, người này phải thôi quốc tịch nước ngoài (trong trường hợp đang giữ quốc tịch nước ngoài) trừ các đối tượng sau đây: Là vợ/chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ của công dân Việt Nam; có công lao trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Việt Nam; có lợi cho nước Việt Nam.

Tuấn Hưng

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn