TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 14/09/2020 10:17

Dự thảo sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14 đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Dự thảo Luật sửa đổi gồm 8 chương và 79 điều, (giảm 1 điều so với Luật hiện hành); bãi bỏ 8 điều, bổ sung 9 điều và sửa đổi, bổ sung 70 điều.

Sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi

Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được ban hành năm 2006, có hiệu lực lực thi hành từ ngày 01-7-2007. Sau 13 năm thi hành, Luật đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc trong thực tiễn như: cần sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài; về quyền, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; còn thiếu các quy định về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước… Đồng thời, việc sửa Luật còn đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các văn bản luật được ban hành trong thời gian qua; điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân.

Những nội dung chính được sửa đổi, bổ sung

Về chính sách đối với người lao động (NLĐ) sau khi về nước: Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung các quy định mới về chính sách đối với NLĐ sau khi về nước nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật hiện hành, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, hỗ trợ của địa phương đối với NLĐ sau khi về nước. Tuy nhiên, các quy định này cần phải được đánh giá tác động một cách đầy đủ, toàn diện, làm rõ trách nhiệm, tính khả thi về quản lý, nhân lực, khả năng của ngân sách nhà nước trung ương và địa phương.

Về thời hạn Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Việc quy định thời hạn của giấy phép là cần thiết để đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp nhưng đồng thời cũng cần nghiên cứu để quy định thời hạn hợp lý, tránh làm phát sinh thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Với việc Dự thảo bổ sung các quy định yêu cầu doanh nghiệp hoạt động dịch vụ phải duy trì các điều kiện hoạt động dịch vụ đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong suốt quá trình hoạt động… đã bảo đảm được tính chặt chẽ trong hoạt động quản lý. Đồng thời, cần quy định theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đồng thời cần nghiên cứu về vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc tham gia quản lý, giám sát, đánh giá, phân loại năng lực, chất lượng hoạt động của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ để có quy định phù hợp.

Về việc chuẩn bị nguồn lao động sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp dịch vụ và tạo cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm để bổ túc tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động, tránh lãng phí và tận dụng được cơ sở vật chất, khả năng cung ứng của các cơ sở này.

Về các hành vi bị nghiêm cấm: Dự thảo Luật đã bổ sung Phụ lục với danh mục các công việc và khu vực người lao động không được đi làm việc ở nước ngoài là cần thiết. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đã có quy định riêng về danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, cân nhắc để quy định cho phù hợp./.

                                                                                                                                                     Phạm Liên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

           

                                        

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn