TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 21/02/2022 10:01

Nâng cao trách nhiệm phòng, chống bạo lực gia đình của các cấp,  các ngành và toàn xã hội

 Sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Sau 14 năm thi hành Luật, nhận thức của người dân, cộng đồng và chính quyền các cấp đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn diễn biến phức tạp. Một số địa phương vẫn xảy ra các vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

 Vừa qua, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các đại biểu dự họp đều nhất trí về việc ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là thực sự cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, đồng thời thống nhất quan điểm: Mọi hành vi bạo lực gia đình đều bị lên án và xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Tiếp tục hoàn thiện nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 7 chương, 79 điều. So với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, dự thảo Luật tăng 1 chương và 33 điều. Nội dung chính của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

 Tại cuộc họp, đa số các đại biểu nhất trí với nội dung dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đồng thời góp ý đối với từng nội dung cụ thể nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính tương thích, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên...

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh  bày tỏ sự nhất trí cao với mục đích, định hướng, quan điểm xây dựng dự thảo Luật. Về trình tự, thủ tục của dự thảo Luật đã tuân thủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhưng cần tiếp tục rà soát về nội dung báo cáo đánh giá tác động, báo cáo về thủ tục hành chính, báo cáo về lồng ghép giới... Thứ trưởng cũng nêu rõ: Do nội dung dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có liên quan đến nhiều văn bản luật ở các lĩnh vực khác nhau (như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Hòa giải ở cơ sở, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em...) nên cần rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp, thống nhất với nội dung các Luật có liên quan. Đồng thời, cần bổ sung, làm rõ thêm về sự tham gia của các tổ chức ngoài nhà nước trong công tác hỗ trợ, bảo vệ cho nạn nhân bạo lực gia đình...

Thảo Nguyên

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn