TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/02/2022 10:57

Tập trung nguồn lực phổ biến pháp luật  cho các đối tượng yếu thế, đối tượng khó khăn trong tiếp cận pháp luật

 Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội thảo “Trao đổi kinh nghiệm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Việt Nam và Nhật Bản” do Bộ Tư pháp chủ trì, được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Đồng chí Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và chuyên gia pháp lý Bộ Tư pháp Nhật Bản, chuyên gia của Dự án JICA đồng chủ trì Hội thảo.

Nhiều thành quả đạt được sau 09 năm thực hiện Luật PBGDPL

Theo báo cáo tại Hội thảo, sau 09 năm thực hiện Luật PBGDPL, công tác PBGDPL trên toàn quốc đã đạt được nhiều kết quả, cụ thể như: Sau khi Luật PBGDPL được thông qua và có hiệu lực, trung ương, có 19 văn bản quy phạm pháp luật về công tác PBGDPL được ban hành; ở địa phương, hiện có 46/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc Quyết định của UBND cấp tỉnh quy định về bảo đảm nguồn lực cho công tác PBGDPL.

Hoạt động PBGDPL được thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, sáng tạo, quan tâm hơn đến nhóm đối tượng đặc thù. Theo thống kê, từ năm 2013 đến hết năm 2021, cả nước đã tổ chức hơn 8,6 triệu cuộc phổ biến pháp luật trực tiếp dưới nhiều hình thức thu hút hàng trăm triệu lượt người tham dự; tổ chức hơn 104.000 cuộc thi tìm hiểu pháp luật thu hút hơn 61 triệu lượt người tham gia; phát hành hơn 444 triệu bản tài liệu pháp luật. Ngoài các hình thức truyền thống, các cơ quan, tổ chức chú trọng hơn đến ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL như: tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến; đối thoại, tư vấn văn bản pháp luật trực tuyến; PBGDPL qua mạng xã hội; giải đáp pháp luật qua thư điện tử, gửi ý kiến giải đáp qua đường bưu điện; giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp và người dân trên Cổng Thông tin điện tử, qua điện thoại…

Tính đến 31/12/2021, cả nước có 1.624 báo cáo viên pháp luật trung ương, 7.368 báo cáo viên cấp tỉnh, 17.548 báo cáo viên cấp huyện và 145.531 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Một số ngành còn xây dựng, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên pháp luật của ngành (lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân). Đội ngũ giáo viên dạy môn pháp luật, môn giáo dục công dân từng bước được bổ sung và chuẩn hóa, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số địa phương, công tác PBGDPL chưa được xác định là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị. Nội dung PBGDPL đôi khi chưa bám sát yêu cầu thực tiễn; việc tham mưu xây dựng, theo dõi, đôn đốc thực hiện một số chương trình, đề án về PBGDPL chưa bảo đảm hiệu quả; chất lượng hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL còn chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương.

Những nhiệm vụ trọng tâm

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, các đại biểu dự Hội thảo đã đề ra một số giải pháp trọng tâm nêu sau:

- Tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL, qua đó xác định những tồn tại, hạn chế, bất cập để nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách về công tác PBGDPL nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế và phù hợp với bối cảnh, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL theo hướng tăng cường trách nhiệm tự tìm hiểu pháp luật của người dân, Nhà nước ưu tiên bố trí, tập trung nguồn lực PBGDPL cho các đối tượng yếu thế, đối tượng gặp khó khăn trong việc tiếp cận pháp luật.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật PBGDPL theo hướng:

+ Tăng cường công tác phối hợp giữa Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương và Hội đồng phối hợp PBGDPL các Bộ ngành, địa phương; giữa Bộ Tư pháp với các Bộ, ngành khác trong công tác PBGDPL, bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh để điều chỉnh cho phù hợp.

+ Tạo hành lang pháp lý phù hợp cho chuyển đổi số trong PBGDPL. Cần sớm xây dựng Đề án chuyển đổi số trong PBGDPL.

+ Bổ sung quy định của Luật về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động PBGDPL, yêu cầu đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng, tập huấn, phổ biến pháp luật gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các lĩnh vực.

- Tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản, coi đây là giải pháp quan trọng để gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với công tác tổ chức thi hành pháp luật; chú trọng PBGDPL về lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội; ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL. Đổi mới hoạt động PBGDPL theo hướng lấy người dân làm trung tâm, hướng về cơ sở; có trọng tâm, trọng điểm. Nội dung, hình thức PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; ưu tiên các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội.

- Tiến hành đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực có chuyên môn, nắm vững kỹ năng tác nghiệp trên môi trường số. Thực hiện đào tạo bổ sung kiến thức về công nghệ thông tin để đội ngũ làm công tác PBGDPL chủ động ứng dụng các công nghệ số trong hoạt động. Trước mắt nên hình thành bộ phận giỏi công nghệ làm hạt nhân để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực PBGDPL ở mỗi cơ quan, đơn vị…

Thành Đức

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn