TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 05/04/2021 09:30

Giải phóng nguồn lực cho kinh tế tư nhân phát triển

Phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mục tiêu đã được nêu trong Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII.

Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10, khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước. Theo số liệu thống kê, hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập về thể chế, quản lý nhà nước về kinh tế tư nhân.

Nguyên nhân là bởi hệ thống pháp luật chưa cụ thể, minh bạch, thiếu hiệu lực, hiệu quả. Nguyên nhân nữa là còn sự phân biệt trong nhận thức dẫn tới sự phân biệt đối xử giữa khu vực kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác. Bên cạnh đó, bản thân nhiều doanh nghiệp tư nhân chưa đáp ứng được các yếu tố quyết định như chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực.

Để tháo gỡ, tạo điều kiện cho khu vực này phát triển hơn nữa cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của chính các doanh nghiệp. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ thảo luận Đề án về đổi mới toàn diện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế tư nhân. Để kinh tế tư nhân phát triển tốt hơn, bền vững hơn cần phải đổi mới quản lý nhà nước. Quản lý nhà nước phải tôn trọng yêu cầu, quy luật khách quan của thị trường trong phát triển kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân nhanh và bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đổi mới căn bản và toàn diện phương thức quản lý nhà nước theo hướng Chính phủ số, chuyển từ kiểm soát sang quản lý và kiến tạo. Các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kinh tế được xây dựng dựa trên nguyên tắc tôn trọng quy luật của thị trường, bảo đảm tính thống nhất, toàn diện; bảo đảm công khai, minh bạch và đối xử bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tổ chức không phân biệt thành phần kinh tế.

Kinh tế tư nhân đã và đang khẳng định là một trong những động lực kinh tế quan trọng của đất nước. Nhưng để khu vực này phát huy toàn diện hiệu quả, cần thiết phải có bước đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, bảo đảm hoạt động theo cơ chế thị trường.

Hồng Điệp

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn