TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/12/2023 10:59

Hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9/11/2022 Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.

Ngày 12/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Với những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hướng tới xây dựng một Nhà nước của dân, do dân và vì dân; đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tổ chức hoạt động và quản lý xã hội trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật; tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân và thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ quyền lực Nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 đã quy định "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".

Kiểm soát quyền lực là một quy luật tất yếu, một yêu cầu khách quan tự thân của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không có kiểm soát quyền lực hoặc kiểm soát quyền lực yếu thì quyền lực tất yếu bị lạm dụng, phục vụ cho lợi ích riêng, lợi ích nhóm, quyền lực bị tha hóa dẫn đến quan liêu, tiêu cực, tham nhũng; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành sẽ thấp. 

Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là mục tiêu lớn của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn Việt Nam sẽ phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ yêu cầu xây dựng đất nước Việt Nam phồn thịnh, hạnh phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thanh tra thành phố Hải Phòng là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân thành phố, giúp Ủy ban nhân dân thành phố quản lý nhà nước về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân thành phố; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Với vị trí, vai trò là cơ quan thanh tra nhà nước kiểm soát việc thực hiện quyền lực trong hoạt động hành chính nhà nước chủ yếu thông qua việc tiến hành các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong những năm qua, công tác thanh có trọng tâm, trọng điểm và bám sát, đáp ứng được các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường công tác quản lý nhà nước, trong đó tập trung vào các lĩnh vực nhiều bức xúc của người dân và dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý thuế, thu chi tài chính, ngân sách…,

Kết quả cụ thể như sau:

1. Về công tác thanh tra:

Từ năm 2021 đến năm 2023, toàn ngành đã tiến hành 397 cuộc thanh tra hành chính, 12.114 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.

Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 2.857 đơn vị, cá nhân sai phạm về kinh tế với số tiền 217,657 tỷ đồng.

Đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 86,809 tỷ đồng, kiến nghị xử lý bằng hình thức khác 130,848 tỷ đồng; đã thu hồi: 51,263 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 03 vụ.

Thường xuyên đôn đốc các kết luận thanh tra, nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của các kết luận thanh tra theo quy định pháp luật. Từ năm 2021 đến năm 2023, toàn thành phố đã tiến hành đôn đốc 366 kết luận thanh tra, tổng số tiền thu hồi về ngân sách nhà nước với số tiền 85,136 tỷ đồng, đã thu hồi về ngân sách nhà nước số tiền 56,216 tỷ đồng; tổng số tiền kiến nghị xử lý khác là 203,751 tỷ đồng, tổng số đất phải xử lý khác là 5.012m2, xử lý hành chính 93 cá nhân, 123 tổ chức.

(Thanh tra Thành phố Hải Phòng công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại quận Lê Chân)

(2) Về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo:

Từ năm 2021 đến năm 2023, toàn thành phố tiếp 13.033 lượt với 10.675 vụ việc, trong đó có 575 đoàn đông người (số người 8.246 người), 540 vụ việc, tiếp nhận 28.020 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, đơn đủ điều kiện xử lý là 19.284 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.

 Số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền là 1.500 vụ việc (khiếu nại: 931 vụ, tố cáo: 567 vụ) đã giải quyết 1.335 vụ việc bằng 89% vụ.

- Vụ khiếu nại thuộc thẩm quyền là 931 vụ, đã giải quyết xong 817 vụ đạt tỷ lệ 87,75% vụ. Trong đó: Khiếu nại đúng: 28; Khiếu nại sai: 500; Khiếu nại có đúng, có sai: 8, công dân rút đơn 245, công nhận kết quả giải quyết lần đầu: 40.

-  Vụ tố cáo thuộc thẩm quyền: 569 vụ, đã giải quyết xong 518 vụ, đạt tỷ lệ 90,1% vụ. Trong đó: Tố cáo đúng: 14, Tố cáo sai: 390, Tố cáo có đúng, có sai: 14, không có cơ sở giải quyết, rút đơn: 110 vụ, đình chỉ không do rút đơn: 01 vụ, tố cáo đúng: 03 vụ việc.

Qua giải quyết tố cáo đã phát hiện sai phạm, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong quá trình xem xét quyền của công dân trong quá trình thực hiện quy định pháp luật, chuyển 02 vụ sang cơ quan điều tra, xử lý hành chính 01 vụ.

(Một buổi công bố Quyết định xác minh nội dung khiếu nại của thanh tra thành phố Hải Phòng)

2. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực:

Thực hiện công khai, minh bạch trong các hoạt động; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công sở; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức phòng ngừa tham nhũng.

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế quản lý, chế độ, định mức, tiêu chuẩn các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản; y tế, thuế, hải quan, quản lý thị trường; công tác cán bộ. Tiếp tục triển khai công tác kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử trong việc phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng theo chỉ đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.

Công tác kê khai, công khai tài sản, thu nhập năm 2021, 2022 đã được triển khai, thực hiện theo Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/10/2020 của Chính phủ. 

Kết quả: Năm 2021: Thanh tra thành phố đã thu nhận 10.056 bản kê khai tài sản lần đầu của các đối tượng kê khai tài sản, thu nhập.

Năm 2022: toàn thành phố có 2.320 người thuộc thẩm quyền kiểm soát của Thanh tra thành phố đã thực hiện kê khai, nộp bản kê khai theo quy định.

Năm 2023, Thanh tra thành phố tiến hành xác minh tài sản thu nhập đối với 64 đối tượng tại 16 đơn vị, đã ban hành kết luận xác minh 12 đối tượng.

(Thanh tra thành phố Hải Phòng tổ chức bốc thăm chọn cán bộ được xác minh tài sản, thu nhập)

Với kết quả đạt được, cùng với việc xác định vị trí của cơ quan thanh tra, việc hoàn thiện các quy định pháp luật, phát huy vai trò của hoạt động thanh tra nhằm đáp ứng các yêu cầu trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân cũng là vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra hiện nay… Hoạt động thanh tra tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, với vai trò của thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước, thông qua tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước của dân, do dân và vì dân, hướng đến phục vụ Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, thì mục đích của hoạt động thanh tra cũng không nằm ngoài mục đích, bản chất của Nhà nước, hướng việc thực hiện các nhiệm vụ này để bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, tạo điều kiện và bảo đảm cho công dân tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Thứ hai, thanh tra thông qua tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên cơ sở đó đảm bảo các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật, bảo đảm cho Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.

Qua đó, thể hiện sự tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp, đảm bảo tính pháp chế, tính tối thượng của pháp luật trong tổ chức, hoạt động của Nhà nước, góp phần phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thứ ba, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và tự do công dân thông qua việc tổ chức tiếp công dân hiệu quả, lắng nghe những ý kiến, phản ánh, khiếu nại, tố cáo của người dân. Giải quyết khiếu nại, tố cáo phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật nhưng phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo nguyên tắc “thấu tình, đạt lý”, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Thứ tư, thanh tra là chức năng thiết yếu của quản lý nhưng xét trong tổng thể, thanh tra cũng là công cụ để bảo đảm thực hiện quyền lực Nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân và vì dân, qua đó để tránh sự tha hóa quyền lực, lộng quyền, lạm quyền hoặc từ bỏ quyền lực trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy nhà nước.

Thứ năm, trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra giúp cho Thủ trưởng cơ quan quản lý kịp thời phát hiện những quyết định hành chính, hành vi hành chính có vi phạm pháp luật, để chỉnh sửa, thay thể, bổ sung, bảo vệ được lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Đặc biệt, qua thanh tra cũng phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác phòng, chống tham nhũng của các ngành, địa phương. Đồng thời, thanh tra cũng phát hiện ra những hành vi tiêu cực, tham nhũng để xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền, qua đó phát huy vai trò phòng ngừa tham nhũng và ngăn chặn vi phạm pháp luật trong yêu cầu kiểm soát quyền lực nhà nước.

Bên cạnh việc kiến nghị thu hồi tiền, tài sản vi phạm, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan thì hoạt động thanh tra còn đưa ra những kiến nghị để chấn chỉnh cơ chế quản lý, kiến nghị khắc phục sơ hở, thiếu sót của cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước.

Vì vậy, hoạt động thanh tra góp phần đảm bảo cho pháp luật được tuân thủ đúng đắn, đảm bảo cho pháp luật giữ vị trí tối thượng - đây là một trong những đòi hỏi căn bản của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; chính vậy muốn xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì ngoài việc cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, thì rất cần có sự phân định rạch ròi trong việc tổ chức và thực thi quyền lực Nhà nước, cũng như tạo ra một cơ chế hữu hiệu để kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, trong đó vị trí, vai trò của công tác thanh tra tiếp tục được khẳng định là chức năng thiết yếu của quản lý nhà nước, là một cơ chế quan trọng không thể thiếu trong việc kiểm soát quyền lực Nhà nước góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Đồng Văn Nam

Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Thanh tra thành phố Hải Phòng

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn