TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/01/2024 14:12

Khắc phục tồn tại, hạn chế trong đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng và triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới

Ngày 28/12/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành Công văn số 3271/UBND-NCKTGS về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 và triển khai các nhiệm vụ trong thời gian tới. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện các nhiệm vụ sau:

1. Nhiệm vụ chung

- Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2022 (các nội dung đạt 100% thang điểm): Việc ban hành Kế hoạch phòng, chống tham nhũng; nội dung kế hoạch phòng, chống tham nhũng; kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hiện việc kiểm tra và theo dõi thi hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; việc chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; kết quả cải cách hành chính (PAR 2022); kết quả chuyển đổi số cấp tỉnh DTI năm 2022); kết quả thực Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, kết quả việc thực hiện định mức, chế độ, tiêu chuẩn; kết quả kiểm soát xung đột lợi ích; kết quả việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức, kết quả thực hiện quy tắc ứng xử; kết quả kiểm soát tài sản, thu nhập; kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; kết quả xử lý vi phạm Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; việc ban hành văn bản hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước; kết quả xử lý kỷ luật hành chính đối với cá nhân có hành vi tham nhũng; kết quả xử lý qua điều tra, truy tố, xét xử người có hành vi tham nhũng; kết quả xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng đối với hình thức cảnh cáo, cách chức; kết quả xử lý vi phạm quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; kết quả xử lý vi phạm quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; kết quả xử lý phạm quy định về chuyển đổi vị trí công tác; kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác giải quyết đơn tố cáo, phản ánh.

- Chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng, cụ thể:

 + Các nội dung thực hiện chưa tốt: Việc ban hành kế hoạch, kết quả thực hiện công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Việc ban hành kế hoạch, kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Việc tiếp dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Việc ban hành kế hoạch kiểm tra thực hiện định mức, chế độ, tiêu chuẩn. Việc ban hành kế hoạch kiểm soát xung đột lợi ích. Kết quả phát hiện hành vi tham nhũng qua điều tra, truy tố, xét xử. Kết quả xử lý qua xét xử người có hành vi tham nhũng. Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát thanh tra. Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác điều tra, truy tố xét xử.

+ Các nội dung thực hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế: Kết quả thực hiện công khai, minh bạch theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Kết quả giải quyết kiểm soát xung đột lợi ích. Việc tiếp nhận, xử lý kiến nghị, phản ánh thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Kết quả thanh tra việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước. Kết quả phát hiện hành vi tham nhũng qua kiểm tra, thanh tra, giám sát. Kết quả phát hiện hành vi tham nhũng qua phản ánh, tố cáo. Kết quả xử lý kỷ luật về đảng, xử phạt hành chính đối với tổ chức do để xảy ra tham nhũng. Kết quả xử lý hình thức khiển trách về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ vào mức độ của vụ việc tham nhũng. Kết quả xử lý vi phạm trong thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đơn vị. Kết quả xử lý vi phạm quy định về xung đột lợi ích. Kết quả xử lý vi phạm quy định về báo cáo, xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng. Kết quả xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập và xử lý hành vi vi phạm khác trong kiểm soát tài sản, thu nhập. Kết quả thu hồi tiền, tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án.

- Các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục chỉ đạo nâng cao năng lực, đổi mới cách thức thực hiện để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm với nhiệm vụ được giao; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện của các cơ quan, đơn vị và địa phương về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và địa phương trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác đánh giá phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2022 để tiến hành thực hiện công tác đánh giá phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh những năm tiếp theo. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật; bảo đảm đi vào chiều sâu, tính đa dạng, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả, hấp dẫn người thuộc mọi độ tuổi, tầng lớp, ngành nghề; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong công tác tuyên truyền. Chú trọng kết hợp với tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng với giáo dục đạo đức liêm chính, trách nhiệm nêu gương; tập trung vào các điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành…

Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động (nhất là trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường, giáo dục, tổ chức cán bộ, tài chính ngân sách, đấu thầu...) theo quy định.

Thực hiện nghiêm túc việc kê khai, công khai Bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức; thực hiện xác minh tài sản, thu nhập theo quy định.

Xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Đẩy mạnh hiệu quả công tác cải cách hành chính, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn.

Ban hành văn bản triển khai rà soát xung đột lợi ích và thực hiện giải quyết xung đột lợi ích theo quy định pháp luật, báo cáo kết quả xung đột lợi ích năm về Thanh tra thành phố.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác giám sát nhằm phát hiện các hành vi, vụ việc tham nhũng (nhất là qua tự kiểm tra nội bộ và hoạt động giám sát). Xử lý nghiêm theo quy định đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình quản lý. Tích cực thu hồi, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thu hồi tiền, tài sản tham nhũng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

2. Nhiệm vụ cụ thể

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Giám đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra theo quy định, không cần chờ kết thúc cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát lĩnh vực chuyên môn có liên quan đến doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước nếu thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước (bao gồm: không ban hành quy định; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp theo quy định; có thực hiện nhưng không kiểm tra, giám sát việc thực hiện theo quy định; có phát sinh giải quyết phản ánh, tố cáo về hành vi vi phạm trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng) thì chỉ đạo cơ quan thanh tra cùng cấp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền chỉ đạo thanh tra doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước theo thẩm quyền quy định.

- Thanh tra thành phố: Trên cơ sở định hướng xác minh tài sản, thu nhập của Thanh tra Chính phủ, Quyết định phê duyệt Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Thanh tra thành phố (Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thành phố) ban hành kế hoạch và tiến hành xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Nghị định số 130/2020/NĐ-CP ngày 30/7/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức. Nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức học tập kinh nghiệm tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đạt điểm cao, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

- Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố: Chỉ đạo Ban Tiếp công dân thành phố tham mưu công tác tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố đảm bảo đúng quy định pháp luật.

- Sở Nội vụ: Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện về việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm phòng ngừa tham nhũng theo quy định.

- Sở Tư pháp: Với vai trò là Cơ quan thường trực Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố hàng năm, tiếp tục tham mưu thực hiện nhiệm vụ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có nội dung phổ biến quy định Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Phối hợp tổ chức hội nghị tập huấn, tuyên truyền chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hằng năm với Thanh tra thành phố và các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Sở Tài chính: Thực hiện thanh tra, kiểm tra việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật.

- Sở Văn hóa và Thể thao: Chủ động xây dựng, tổ chức các chương trình nghệ thuật thuộc nhiều loại hình (sân khấu truyền hình, vở diễn, triển lãm, Truyền thông lưu động...) có chủ đề về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đạo đức liêm chính; tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh; về mảnh đất và con người Hải Phòng...

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Trên cơ sở chương trình giáo dục, sách, tài liệu do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, chỉ đạo thực hiện giảng dạy lồng ghép nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong môn Giáo dục công dân tại cấp Trung học phổ thông, các chương trình ngoại khóa nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh trung học phổ thông về mục đích, yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Từ đó xây dựng được thái độ, ý thức đấu tranh, bài trừ tệ nạn tham nhũng, tiêu cực cho giáo viên, học sinh.

- Sở Thông tin và Truyền thông: Phối hợp các cơ quan liên quan, các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường thông tin, truyền thông chính sách, pháp luật; trong đó, tập trung vào các nội dung chính như: Các quy định mới về hành vi tham nhũng, tiêu cực; các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước; giới thiệu các đơn vị, tấm gương tiêu biểu trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Chủ động tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo những vụ việc phức tạp được báo chí phản ánh liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại địa phương, đơn vị; đặc biệt là các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực để không trở thành điểm nóng về thông tin, truyền thông, gây dư luận không tốt trong cán bộ, Đảng viên và quần chúng Nhân dân. Phối hợp với Thanh tra thành phố trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập.

- Đài Phát thanh và Truyền hình: Tiếp tục đẩy mạnh xây dụng các chương trình, tin, bài, chuyên mục, chuyên trang, phóng sự phổ biến quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, gắn công tác phòng, chống tham nhũng với kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh, ý kiến của bạn nghe đài và xem truyền hình về quy định Luật Phòng, chống tham nhũng, về sai phạm trong các lĩnh vực đang được dư luận quan tâm hiện nay như: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; công tác quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng; đấu thầu; ... Kịp thời chuyển các phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan có trách nhiệm

Đề nghị Công an thành phố, Tòa án nhân dân thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, Cục thi hành án dân sự thành phố và các cơ quan liên quan: Đẩy mạnh công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng; nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng bằng biện pháp hành chính và biện pháp tư pháp. Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiêm túc tổ chức triển khai, thực hiện.

Quang Huy

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn