TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/11/2022 08:21

BÀI HỌC ĐẦU ĐỜI

Biện pháp xử lý hành chính được áp dụng đối với cá nhân vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm, bao gồm: giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

“Giáo dục tại xã, phường, thị trấn” là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 nhằm để giáo dục, quản lý đối tượng tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.

Tiểu phẩm pháp luật “Bài học đầu đời” giới thiệu tới bạn đọc một số quy định của Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính “giáo dục tại xã, phường, thị trấn”.

 

I. Nhân vật

- Bà Lan

- Hà: Con gái bà Lan

- Minh: Con trai bà Lan

- Ông Dân

II. Nội dung tiểu phẩm

         Mấy hôm nay nhà bà Lan buồn như đưa đám, thằng con trai duy nhất của bà mới 16 tuổi nhưng đã đua đòi với đám bạn xấu đi trộm cắp nhà người khác. Đang nằm ủ rũ trên giường thì bà nghe thấy tiếng con gái lớn lấy chồng ở xa đã về, bà vội vã ngồi dậy:

Bà Lan: Hà về đấy hả con?

          Vừa nhìn thấy bà, chị Hà vội chạy lại đỡ mẹ:

          Chị Hà: Mẹ còn mệt cứ nằm trong nhà nghỉ ngơi, con về đây rồi.

          Đỡ mẹ ngồi dậy, lấy cho mẹ cốc nước ấm, chị Hà nói:

Chị Hà: Chuyện cũng đã xảy ra rồi, mẹ đừng lo nghĩ nhiều mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế em Minh đâu rồi mẹ?

Uống ngụm nước ấm, bà Lan rưng rưng:

Bà Lan: Cũng may là con đã về rồi, em nó đang trong phòng đấy! Mấy hôm trước, cán bộ của Ủy ban nhân dân xã xuống đọc quyết định của Chủ tịch xã, người ta nói thằng Minh còn ít tuổi, mới vi phạm lần đầu, hành vi nhẹ nên bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, nên bây giờ nó cứ ở nhà con ạ, chẳng dám đi đâu.

Chị Hà: Thằng Minh nhà mình còn nhỏ, lại theo lũ bạn xấu lôi kéo nên mới hư hỏng, cũng may nó chỉ bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thôi mẹ ạ.

          Nghe con gái nói mà bà Lan thấy lòng nhẹ nhàng hơn đôi chút, nén tiếng thở dài bà nói:

Bà Lan: Thời gian trước đây mẹ thấy em nó biểu hiện khác lắm, không nói chuyện với mẹ, suốt ngày kêu con có hẹn với bạn, thấy nó có tiền mua điện thoại mới, mẹ cũng cứ nghĩ nó xin được đi làm ở khu công nghiệp nên mới có tiền, chứ mẹ không nghĩ em nó lại dại dột đi ăn cắp của người ta thế này. Lỗi cũng tại mẹ, không sát sao với nó nên mới ra nông nỗi này.

Nói đến đây, không kìm được, nước mắt bà Lan lại lăn dài. Chị Hà cũng không biết động viên mẹ thế nào cho phải nên cũng im lặng một hồi. Bà Lan thì thương con, xót con, còn chị Hà thì vừa giận, vừa thương thằng em dại của mình. Chị cũng thấy tiếc cho cậu em trai mà chị yêu quý nhất. Mặc dù học hành thông minh nhanh trí, nhưng vì thương mẹ già yếu và thương chị lấy chồng xa vất vả, em trai chị đang học lớp 10 thì nghỉ học, xin đi làm thêm ở khu công nghiệp, mong muốn đỡ đần phần nào cho mẹ và chị. Nào ai có ngờ đâu… Nghĩ đến đây chị Hà lo lắng nhìn mẹ, hỏi:

Chị Hà: Mẹ ơi, trong thời gian này hay nhà mình xin cho em đi học trở lại mẹ nhỉ?

Bà Lan nhíu mày suy nghĩ. Nhưng rồi bà thở dài:

Bà Lan: Mẹ cũng nghĩ tới rồi, nhưng mẹ hỏi thằng Minh thì nó lại nhất quyết không đi học, nó bảo bây giờ nó không dám trở lại trường lớp nữa.

Quá hiểu về tính cách của cậu em trai mình, chị Hà và bà Lan cũng hiểu rằng, không thể ép Minh đi học trở lại được nữa, một khi đã không muốn thì có ép cỡ nào cũng không thể học được.

Chị Hà: Nhưng em con mới 16 tuổi, lại đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thế này, liệu ở đâu người ta dám nhận em ấy đi làm chứ?

Tình huống này bà Lan cũng đã từng nghĩ đến. Vừa lo cho con, vừa sợ người ta dị nghị, điều qua tiếng lại, sợ nhất là con lại không biết tìm bạn mà chơi, ngựa quen đường cũ nữa thì bà cũng không thiết tha gì sống trên đời. Hàng trăm câu hỏi cứ xoay vần trong đầu óc mà không sao trả lời được khiến bà Lan bế tắc. Chợt nhớ ra, bà nói với con gái:

Bà Lan: Con với mẹ sang bác Dân nhé, mẹ phải gặp bác ấy hỏi chút việc cho yên tâm mới được, nhất định bác ấy sẽ có cách.

Chưa hiểu chuyện gì, chị Hà lo lắng hỏi:

Chị Hà: Mẹ sang bác Dân để hỏi gì hả mẹ?

Bà Lan: À, bác Dân vừa là Trưởng thôn, vừa là bác cả trong dòng họ nhà mình nên xã người ta phân công cho bác ấy có trách nhiệm giúp đỡ, giáo dục em Minh trong thời gian em con chấp hành hình phạt.

Chị Hà: Vậy hả mẹ, thế thì mẹ con mình yên tâm rồi ạ. Nhưng mẹ vừa mới bị ốm, mẹ có đi được không, hay để con sang thôi ạ?

Không để chị Hà nói hết câu, vừa với cái nón treo trên tường bà Lan vừa nói:

Chị Hà: Mẹ đi được, hai mẹ con mình cùng sang nhà bác ấy. Mẹ muốn gặp trực tiếp bác ấy để xem có cách gì giúp cho em con không.

Chị Hà vội vã bước theo bà Lan. Hai mẹ con ra đến sân thì thấy Minh cũng đuổi theo gọi với.

Minh: Mẹ với chị cho con sang gặp bác với! Mấy hôm nay con cũng suy nghĩ nhiều rồi. Giờ con không sợ và cũng không ngại mọi người chê cười nữa. Việc con đã làm con phải đối diện thôi. Rồi mọi việc cũng sẽ qua, có ai cười mình được mãi đâu.

Chị Hà: Con thấy em nói đúng đấy mẹ ạ, nên cho em nó đi cùng để nghe bác Dân tư vấn, giảng giải. Biết đâu, em nó hiểu biết hơn và cũng là cơ hội cho em được làm lại từ đầu.

Vừa bước chân vào sân nhà bác Dân, bà Lan đã rơm rớm nước mắt:

          Bà Lan: Chào bác, cũng chỉ vì thằng con của em nông nổi, dại dột hôm nay ba mẹ con em sang đây phiền bác.

          Nhìn thấy mấy mẹ con bà Lan sang là ông Dân như đã hiểu có chuyện gì, bác trấn an:

          Bác Dân: Tôi hiểu, mấy mẹ con vào nhà, ngồi uống nước, có gì bình tĩnh nói chuyện.

          Cố gắng ngăn sự xúc động, bà Lan nói:

          Bà Lan: Chuyện cháu Minh vi phạm pháp luật đang bị xử phạt bác cũng đã biết rồi. Mấy hôm nay cháu nó cũng suy nghĩ nhiều, ở nhà giúp mẹ cơm nước, không đua đòi theo lũ bạn xấu trộm cắp rồi chơi game nữa rồi. Có điều em nghĩ cứ để cháu ở nhà thế này cũng không ổn lắm bác ạ.

          Chị Hà nói thêm cùng mẹ:

          Chị Hà: Bác ạ, ngoài việc nhà ra, mẹ con cháu cũng muốn tìm công việc gì đó cho em cháu làm, vừa làm vừa học chứ cứ ở nhà mãi cháu sợ em nó lại buồn chán, theo bạn cũ hư hỏng thì lúc bấy giờ không còn cách cứu vãn nữa.

          Bác Dân: Thế ý thằng cháu Minh như thế nào?

          Minh: Vâng ạ, mấy hôm nay cháu cũng suy nghĩ nhiều, cháu đã nhận thấy cái sai của mình khi chơi bời, lêu lổng, a dua theo bạn bè. Cháu sẽ quyết tâm thay đổi, làm lại cuộc đời, còn làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ cháu nữa.

          Bác Dân tươi cười: Cháu nghĩ được như vậy là tốt. Ai cũng có thể phạm phải sai lầm trong cuộc sống của mình dù là vô tình hoặc cố ý. Khi người khác phạm sai lầm với bản thân mình nhưng biết nhận lỗi và sửa đổi thì họ xứng đáng nhận được sự tha thứ. Các cụ ta đã có câu "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại". Tôi cũng định mấy hôm nữa, cho tinh thần cháu Minh ổn sẽ sang nói chuyện thêm với thím về chuyện này.

          Bà Lan: Ôi thế thì tốt quá bác ạ. Nhưng em chỉ sợ cháu nó bị “vết” như thế thì không ai người ta dám nhận vào làm thôi bác ạ.

          Chị Hà níu tay mẹ nói nhỏ: Mẹ cứ nghe bác nói đã, chắc chắn sẽ có cách.

          Ông Dân rót nước mời mấy mẹ con bà Lan, rồi ông nói tiếp:

          Bác Dân: Mấy mẹ con chắc là không biết rồi, mặc dù cháu Minh đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính là giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng theo quy định của pháp luật thì cháu vẫn có quyền được học tập, lao động, sinh hoạt tại nơi cư trú, đặc biệt là còn được tạo điều kiện tìm việc làm, được tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề, các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương được nêu tại Nghị định số 120/2021/NĐ-CP ngày 24/12/2021 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Tiện đây bác cũng giải thích thêm về quyền và nghĩa vụ của cháu Minh trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn để cháu nắm rõ được và thực hiện cho đúng nhé.

Điều 36 Nghị định số 120/2021/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Quyền của người được giáo dục:

a) Được lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú, được hướng dẫn thực hiện thủ tục khai báo tạm vắng, đăng ký thường trú, tạm trú;

b) Được tạo điều kiện tìm việc làm; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương trong trường hợp là người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn;

c) Được tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề; các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống phù hợp được tổ chức tại địa phương;

d) Được đề đạt nguyện vọng, kiến nghị của mình đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Trưởng Công an cấp xã, tổ chức xã hội, nhà trường và người được phân công giúp đỡ;

đ) Được vắng mặt tại nơi cư trú hoặc thay đổi nơi cư trú theo quy định;

e) Khiếu nại, khởi kiện quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và các hành vi hành chính khác trong quá trình chấp hành quyết định.

2. Nghĩa vụ của người được giáo dục:

a) Chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Tích cực tham gia lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy định của địa phương nơi cư trú;

c) Chịu sự giáo dục, quản lý của cơ quan và tổ chức xã hội và người được phân công giúp đỡ; người chưa thành niên được giáo dục còn nhận sự giáo dục, quản lý của gia đình và nhà trường;

d) Thực hiện nghiêm nội dung đã cam kết;

đ) Có mặt khi người có thẩm quyền yêu cầu;

e) Thông báo, báo cáo về lý do, thời gian vắng mặt tại nơi cư trú và nơi đến lưu trú trong trường hợp được vắng mặt tại nơi cư trú theo quy định”.

          Ba mẹ con bà Lan nhìn nhau, như trút bỏ được nỗi sợ trong lòng bấy lâu nay.

Chị Hà: Nói như vậy, có nghĩa là em cháu vẫn có thể đi làm, đi học trong thời gian này ạ?

Bác Dân: Tất nhiên rồi. Bác tính, cũng phải tìm cho thằng Minh cái nghề gì đó ổn định như nghề may trong khu công nghiệp chẳng hạn. Bác đã đề nghị với Ủy ban xã để họ có đề nghị sang Ban Giám đốc khu công nghiệp may của xã để tạo điều kiện hỗ trợ cho Minh được học nghề và nhận vào làm việc.

          Minh: Cháu biết mình sai rồi bác ạ, cháu đã làm mẹ và chị cháu khổ nhiều. Cháu nhất định sẽ học nghề giỏi và chịu khó làm việc để đỡ đần cho mẹ và chị bác ạ.

          Nghe Minh nói, ông Dân cũng rất tin tưởng, vừa uống nước, vừa gật đầu:

          Bác Dân: Cháu nhận thức được như vậy là rất tốt, ngoài các quyền trên, cháu cũng phải có nghĩa vụ, trách nhiệm phải chấp hành pháp luật, không sa vào con đường sai trái nữa, phải chịu khó học tập, lao động cũng như các nội dung mà cháu đã cam kết trước đó.

          Chăm chú lắng nghe ông Dân nói, bà Lan thở nhẹ ra như đã hiểu:

Bà Lan: Vậy là em cũng bớt lo hơn rồi, cũng may còn có bác Dân con à, con nhớ phải nghe mọi người con nhé!

          Minh: Vâng, thưa mẹ.

Mẹ con bà Lan cảm ơn ông Dân rồi ra về, trong lòng như gỡ được gánh nặng đeo đẳng suốt mấy ngày qua. Sau sáu tháng, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với Minh hết hiệu lực thi hành, Minh đã học được nghề may và được nhận vào làm việc tại xưởng may giày của khu công nghiệp trên địa bàn của xã. Nhìn con trai rắn rỏi, trưởng thành hơn bà Lan biết, đứa con trai của mình đã quyết tâm và bản lĩnh vượt qua sai trái, bản ngã của mình thế nào. Bà tin rằng con trai mình sau này chắc chắn sẽ là một công dân tốt.

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn