TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/11/2022 08:21

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, tiếp nối truyền thống tốt đẹp và đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn” của dân tộc.

Ngày 09/12/2020, Quốc hội ban hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và ngày 30/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022. Theo đó, người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi thường xuyên hằng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nghị định đã bổ sung, mở rộng một số đối tượng người có công với cách mạng; chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, tôn vinh đúng đối tượng; xác định theo nguyên tắc tùy từng đối tượng người có công và thân nhân người có công được hưởng các chế độ ưu đãi và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, bảo đảm mức sống của người có công với cách mạng bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Tiểu phẩm pháp luật “Chính sách đối với người có công với cách mạng” giới thiệu đến quý bạn đọc một số quy định liên quan về các chính sách ưu đãi đối với bệnh binh mà người dân cần lưu ý để đảm bảo quyền lợi của mình.

I. Nhân vật

- Ông Quý

- Ông Bằng: Hàng xóm

- Ông Trúc: Hàng xóm

- Ông Thành: Phụ trách việc phát lương hưu

- Anh Hòa: Báo cáo viên pháp luật

II. Nội dung tiểu phẩm

Đang đứng ở sân, thấy ông Quý đi ngang qua nhà, ông Bằng lên tiếng:

Ông Bằng: Ông Quý đi lĩnh lương đấy à?

Ông Quý (dừng lại): Vâng, thế ông đã lĩnh lương chưa?

Ông Bằng: Tôi chưa.

Ông Quý liền rủ: Vậy đi cùng tôi cho vui đi, tiện thể tôi với ông đến nhà thăm ông Trúc luôn một tý. Hôm qua ông ấy vừa ở bệnh viện về, nghe nói yếu không đi lại được nữa.

Ông Bằng: Thế ông đợt tôi tý.

Rồi ông vào nhà lấy chiếc mũ để cùng đi với ông Quý. Vừa đi hai ông vừa nói chuyện.

Ông Bằng: Giờ ông nói tôi mới biết ông Trúc về nhà rồi. Ông nói phải đấy, đến thăm động viên ông ấy chứ tuổi già như chiếc lá, biết đâu được.

Ông Quý: Ông ấy bị tái phát bệnh cũ thời chiến trường. Tiếc cho ông ấy là không được chính sách gì, tôi lấy làm lạ là người ta đi chiến trường thật, không bị thương những đã đi chiến đấu, chỉ vì có bệnh mà phải về chứ ai muốn. Giờ thời bình rồi, ít nhiều phải có chế độ để bù đắp cho họ, mà nghe đâu ông ấy còn bị thần kinh nữa.

Hai ông đến Nhà văn hoá, thấy một số người đang đợi lĩnh lương. Mấy năm trở lại đây, xã đã giao việc trả lương cho Hội hưu trí của làng, nên mọi người không phải vất vả đạp xe xuống tận xã nữa. Rồi làng nào, thôn nào cũng có hệ thống loa truyền thanh riêng, cứ đến mùng 5 hàng tháng lại được thông báo trên loa để cán bộ hưu trí, thương bệnh binh, gia đình chính sách đến lĩnh lương, tiền trợ cấp.

  Ông Bằng (hỏi bâng quơ): Vừa rồi tôi đọc báo thấy có chính sách mới đối với người có công, không biết có ai tìm hiểu kỹ xem có thêm ưu đãi gì không?

Vừa lúc đó ông Thành là cán bộ hưu trí được tín nhiệm phụ trách việc nhận và phát lương cho cán bộ hưu trí, gia đình chính sách của làng đến. Tay ông cầm cuốn sổ và một túi nhỏ, ông Thành cười vui vẻ:

Ông Thành: Chào các ông, các bà, các bác! Tôi có việc nên đến muộn một chút. Từ khi cái thằng cu Tý đi học mẫu giáo, bà ấy lại giao đưa đón nó đến trường, đâm ra sáng nào cũng vội vàng, giờ lại giống như người có con mọn ấy các ông, các bà ạ.

Ông Thành (đưa tay vuốt mồ hôi ở trán rồi nói tiếp): À, hình như ông Bằng vừa hỏi về chính sách mới đối với người có công. Tôi cũng có xem thời sự, rồi đọc thêm một số báo thì đúng như ông Bằng nói. Sắp tới có chính sách mới đấy!

Ông Bằng: Thế ông có nắm được cụ thể không thì giải thích cho mọi người ở đây biết?

Ông Thành: Sắp tới huyện tổ chức đợt tập huấn về nội dung này, chắc họ sẽ mời xã đi dự đấy! Qua tự tìm hiểu, tôi biết có một số chính sách, ưu đãi mới. Giờ con của liệt sỹ không thuộc diện hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng được nhà nước mua bảo hiểm y tế cho. Như nhà bà Hoan đây, mấy đứa con của anh Quang sẽ được bảo hiểm y tế mà không phải đóng tiền; tiêu chuẩn, điều kiện thương binh, bệnh binh cũng có thay đổi thì phải… Thôi để hôm sau đi hội nghị về, đến tháng phát lương tôi thông tin cụ thể để các bác hiểu thêm. (Rồi ông giở cuốn sổ và bắt đầu gọi tên từng người nhận tiền lương, tiền tuất hàng tháng).

Ông Quý: Nhân tiện đây cũng muốn nhờ ông, nếu ông có đi tập huấn thì hỏi xem trường hợp của ông Trúc làng mình nhé. Ông ấy cũng hoàn cảnh, đợt này sức khỏe yếu quá. Nếu có được chế độ cho ông ấy thì tốt quá.

Ông Thành: Ông yên tâm, trường hợp của ông Trúc nhất định tôi sẽ hỏi cụ thể để giúp cho ông ấy.

          Một tuần sau, ông Thành được mời đi dự hội nghị ở huyện để nghe tập huấn về chính sách, chế độ cho người có công. Hôm ấy, ông dậy sớm chuẩn bị tài liệu rồi dắt xe máy đi họp.

Tại hội nghị tập huấn của huyện, sau giờ giải lao, ông Thành tranh thủ hỏi anh Hòa - báo cáo viên pháp luật ở hội trường.

Ông Thành: Đồng chí báo cáo viên này, ở địa phương tôi có một trường hợp mà tôi muốn nhờ anh giải đáp giúp xem họ có được hưởng chế độ gì hay không?

Anh Hòa - báo cáo viên tuổi còn trẻ nhưng phong thái đĩnh đạc, tươi cười:

Anh Hòa: Chú cứ hỏi, nếu đơn giản cháu sẽ trả lời ngay, còn phức tạp chú cứ viết ra giấy để cháu nghiên cứu và trả lời cụ thể sau.

Ông Thành (gật đầu rồi thong thả trình bày): Ông này đã đi bộ đội, làm cứu thương, nhưng sau đó do sức ép của bom đạn và bị sốt rét triền miên nên sức khoẻ không đủ để phục vụ chiến đấu nữa. Người ta cho về địa phương, khi đó chưa được công nhận là bệnh binh. Thời gian gần đây ông ấy ốm suốt, bị sốt rét và có biểu hiện như người tâm thần vậy. Gia đình thì vô cùng khó khăn, nghèo lắm. Theo anh, trường hợp này, theo chính sách mới có được xem xét hưởng chính sách bệnh binh hay không?

Anh Hòa: Theo quy định tại Điều 26 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 quy định về điều kiện và tiêu chuẩn của bệnh binh như sau:

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ trong Quân đội nhân dân và sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong Công an nhân dân bị mắc bệnh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên khi làm nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm mà không đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí thì được cơ quan có thẩm quyền cấp “Giấy chứng nhận bệnh binh” khi thôi phục vụ trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân”.

Bên cạnh đó, Điều 46 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện, tiêu chuẩn công nhận bệnh binh như sau:

Nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm quy định tại khoản 1 Điều 26 Pháp lệnh là thực hiện các nhiệm vụ sau: chiến đấu, trực tiếp phục vụ chiến đấu; thực hiện nhiệm vụ có tính chất nguy hiểm khi: đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; trực tiếp trấn áp, bắt giữ tội phạm; cứu hộ, cứu nạn; ứng cứu thảm họa thiên tai”.

Ông Thành: Vậy quy trình công nhận là bệnh binh được quy định như thế nào?

Anh Hòa: Điều 51 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP quy định quy trình công nhận bệnh binh như sau:

Cá nhân có đơn đề nghị gửi cơ quan, đơn vị đang công tác kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều 48 Nghị định này gồm Kế hoạch công tác hoặc quyết định, danh sách phân công làm nhiệm vụ hoặc Giấy xác nhận giao nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người bị bệnh; Báo cáo xảy ra vụ việc của cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý người bị bệnh; Bản tóm tắt hồ sơ bệnh án trong ngày hoặc ngay sau ngày thực hiện nhiệm vụ thể hiện quá trình điều trị bệnh do có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm của bệnh viện tuyến huyện hoặc trung tâm y tế huyện hoặc tương đương trở lên (bao gồm cả bệnh viện quân đội, công an). Trường hợp chưa điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có phiếu khám sức khỏe định kỳ hoặc phiếu kiểm tra sức khỏe được xác nhận trong thời gian 01 năm sau khi thực hiện nhiệm vụ có ghi nhận tình trạng bệnh có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ cấp bách, nguy hiểm..

2. Cơ quan, đơn vị đang công tác trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận được đơn, có trách nhiệm chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để hoàn thiện hồ sơ và ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 63 Phụ lục I Nghị định này. Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên với bệnh tật đặc biệt nặng là: cụt hoặc liệt hai chi trở lên; mù hoàn toàn hai mắt; tâm thần nặng dẫn đến không tự lực được trong sinh hoạt được hưởng phụ cấp đặc biệt hàng tháng theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh.

Đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận bệnh binh theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này và di chuyển hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi bệnh binh thường trú.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, có trách nhiệm kiểm tra và tiếp tục thực hiện chế độ ưu đãi.

4. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình công nhận bệnh binh, thời gian xem xét, giải quyết không quá 70 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị”.

Ông Thành: Vậy thì tốt quá. Họp xong, về nhà tôi sẽ đến nhà ông ấy ngay. Để thông tin cho ông ấy mừng, giờ già rồi, giúp được người nào thì cứ giúp thôi anh ạ!

Anh Hòa: Trường hợp này bị mắc bệnh khi trực tiếp phục vụ chiến đấu. Mặc dù khi đó theo pháp luật, họ chưa đủ điều kiện để được xác nhận là bệnh binh. Nhưng chính sách mới hiện nay, bổ sung thêm tiêu chuẩn, điều kiện mới xác nhận bệnh binh. Tức là họ đã xuất ngũ mà bệnh cũ tái phát, lại có biểu hiện tâm thần thì được xem xét xác nhận là bệnh binh đấy!

Ông Thành: Vậy chế độ của người hưởng chính sách như bệnh binh được quy định như thế nào hả anh?

Anh Hòa: Bác ạ, Điều 27 Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định:

“Chế độ ưu đãi đối với bệnh binh

1. Trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đối với bệnh binh như sau:

a) Trợ cấp hằng tháng căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể;

b) Trợ cấp người phục vụ đối với bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình;

c) Phụ cấp hằng tháng đối với bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên;

d) Phụ cấp đặc biệt hằng tháng đối với bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên có bệnh đặc biệt nặng. Bệnh binh hưởng phụ cấp đặc biệt hằng tháng thì không hưởng phụ cấp hằng tháng.

2. Bảo hiểm y tế.

3. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm.

4. Chế độ ưu đãi quy định tại các điểm c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này”.

Điều 28 Pháp lệnh quy định về chế độ ưu đãi đối với thân nhân của bệnh binh như sau:

“1. Bảo hiểm y tế đối với những người sau đây:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;

b) Người phục vụ bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên sống ở gia đình.

2. Bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất như sau:

a) Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, con chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;

b) Cha đẻ, mẹ đẻ sống cô đơn, vợ hoặc chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động sống cô đơn, con mồ côi cả cha mẹ chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng và trợ cấp tuất nuôi dưỡng hằng tháng.

3. Chế độ ưu đãi quy định tại điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 5 của Pháp lệnh này đối với con của bệnh binh.

4. Trợ cấp một lần đối với thân nhân với mức bằng 03 tháng trợ cấp hằng tháng, phụ cấp hằng tháng hiện hưởng khi bệnh binh đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết.

5. Trợ cấp mai táng đối với người hoặc tổ chức thực hiện mai táng khi bệnh binh đang hưởng trợ cấp hằng tháng chết.”

Ông Thành đặt chén nước xuống bàn, bắt tay đồng chí báo cáo viên:

Ông Thành: Cảm ơn anh rất nhiều, sau cuộc họp này tôi sẽ về thông báo lại với gia đình ông Trúc. Hy vọng rằng ông ấy đủ điều kiện để công nhận là bệnh binh. Tôi sẽ thông tin lại với anh về trường hợp này của làng tôi, có gì khúc mắc tôi sẽ liên hệ nhờ anh hướng dẫn tiếp!

Anh Hòa: Bác yên tâm, nếu có thể giúp gì được bác Trúc thì cháu rất sẵn lòng. Trong quá trình giúp bác ấy, nếu có gì vướng thì bác cứ gọi điện cho cháu để cùng trao đổi thêm.

Rồi hai người bắt tay, chuông báo giờ tiếp tục hội nghị vang lên.

Ra về, ông Thành liền đến nhà ông Trúc ngay. Nghe theo lời anh báo cáo viên, ông hướng dẫn gia đình ông Trúc làm hồ sơ xin xác nhận bệnh binh. Sau hai tháng, xã thông báo kết quả, ông Trúc được hưởng chính sách bệnh binh. Ông Thành mừng lắm, có thêm một người đồng chí, đồng đội đã được đền đáp xứng đáng. Ông mỉm cười gật gù, chính sách của Nhà nước thật hợp lòng dân.

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn