TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 28/03/2022 16:55

Công sinh, công dưỡng công nào cũng cao

Người xưa có câu “ trẻ cậy cha, già cậy con” để mong khi tuổi cao, bố mẹ già yếu sẽ được sự chăm sóc, phụng dưỡng của các con, nhưng không phải gia đình nào cũng được như vậy.....

Theo lời kể của cụ Đào T, trước khi lấy cụ Lê X thì cụ X đã lấy cụ L và có 5 người con, cụ L mất sớm, thương hoàn cảnh gà trống nuôi con nên cụ T đã về ở và chăm sóc cụ X, nuôi dưỡng 5 người con riêng của cụ X. Mặc dù cụ X và T không tổ chức cưới hỏi, không có con chung nhưng hai cụ đều được sự ủng hộ của các con, của họ hàng nội ngoại, không bị chính quyền địa phương nhắc nhở, khi chung sống luôn được hàng xóm láng giềng yêu quý. Năm 2010, cụ X mất đột ngột, không có di chúc. Năm 2021 bà B (một trong năm người con riêng của cụ X) khởi kiện yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại và muốn được nhận phần diện tích cụ T đang quản lý, sử dụng.

Đau xót khi chứng kiến anh chị em trong gia đình tranh chấp với nhau, cụ T tâm sự với chúng tôi - những người thực hiện trợ giúp pháp lý, rằng bản thân bà không tranh chấp gì với các con. Cả đời bà chăm sóc cụ X, cùng cụ X dựng vợ gả chồng cho các con, chỉ mong những ngày cuối đời được sống an vui bên con cháu, gia đình hòa thuận, trong ấm ngoài êm, nhưng sự đời lại không được như mong muốn. Cụ T chỉ quản lý diện tích 136m2 trên tổng số hơn 1000m2 đất, cụ lại không có nơi ở nào khác mà bà B lại muốn nhận chính diện tích đất mà cụ đang ở. Cụ có nguyện vọng, nếu bà B muốn nhận phần diện tích đất này, cụ cũng đồng ý nhưng bà B phải có trách nhiệm chăm sóc cụ đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

Do cụ T là người khuyết tật nặng nên được Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố cử Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cụ. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, gặp gỡ cụ T, biết được tâm tư nguyện vọng của cụ, tại phiên tòa Trợ giúp viên pháp lý đã phân tích các quy định pháp luật, việc chung sống thực tế, tình cảm gia đình, công sức đóng góp của cụ T với cụ X trong việc quản lý, xây dựng nhà đất để khẳng định mối quan hệ của cụ X và cụ T được pháp luật thừa nhận, cụ T là một trong những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của cụ X, kỷ phần di sản cụ T được hưởng nhiều hơn phần diện tích cụ đang quản lý, sử dụng. Tuy vậy, nguyện vọng của cụ cũng chỉ mong nhận phần diện tích đang ở, nếu bà B phụng dưỡng thì cụ T sẽ cho bà B nhưng bà B không đồng ý, đề nghị chia theo pháp luật. Kết quả, Hội đồng xét xử tuyên cho cụ T được quản lý, sử dụng diện tích cụ đang ở là 136m2.

“Công sinh không bằng công dưỡng”, thực ra công nào cũng quan trọng, vì nếu không ai sinh thì ta chẳng thể tồn tại trên thế gian này, thế nhưng công dưỡng quan trọng không kém, vì không ai nuôi dưỡng thì ta cũng sẽ có nguy cơ bệnh tật và chết đi bất cứ lúc nào. Thực tế, nếu không được chăm sóc bằng tình yêu thì bất kể chúng ta là ai cũng khó có thể nên người. Chẳng biết sau phiên tòa này, bà B được những gì, nhưng ngoài pháp luật, thì lương tâm, đạo lý ở đâu? Người con trong “cuộc chiến tranh” giành tài sản có bao giờ dừng lại để tự hỏi - Đó có phải là điều mẹ cha mong muốn hay không?

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

                               Nguyễn Thị Hồng Thư

               Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước thành phố

 

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn