TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:25

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT VÌ ĐÂU NÊN SỰ ĐAU LÒNG

Yêu thương, che chở, đùm bọc con cái là điều mà bất cứ ông bố, bà mẹ nào cũng nên làm và cần làm. Tuy nhiên, việc yêu thương con phải đúng cách để con được phát triển một cách toàn diện và trở thành người có ích cho xã hội. Nhiều bậc cha mẹ vì quá nuông chiều con cái mà không hề biết điều đó đã vô ý để lại những hậu quả nghiêm trọng đối với con.

Hậu quả của việc nuông chiều con cái chính là ngòi nổ dẫn đến sự thay đổi lớn về các mặt nhân cách, hành vi, lời nói của trẻ mà khi phụ huynh không sớm nhận ra sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về sau. Dân gian Việt Nam có câu: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà”. Quan niệm trên cũng xuất phát từ một thực tế đó là thiên chức của người phụ nữ là nuôi dạy con cái, một số người mẹ đã yêu thương, nuông chiều con quá mức để rồi “Bé không vin, cả gãy cành”. Người mẹ sinh ra đứa con, luôn yêu thương con hết mực bằng tình mẫu tử mà quên đi rằng cần phải giáo dục con cái bằng cả con tim và lý trí.

Tiểu phẩm pháp luật “Vì đâu nên sự đau lòng” xin giới thiệu đến người đọc, người nghe để chúng ta thấu hiểu hơn trách nhiệm và bổn phận trong việc giáo dục con cái.

I. Nhân vật:

- Ông Nghiêm

- Bà Hường (vợ ông Nghiêm)

- Hải: con gái ông Nghiêm

- Hùng: con trai ông Nghiêm

- Chủ tọa phiên tòa

II. Nội dung tiểu phẩm

  Trong nhà, ông Nghiêm đang sốt ruột đi đi lại lại mà chưa biết phải làm thế nào để giải quyết việc thằng Hùng con trai ông đang bị Công an tạm giữ về hành vi gây rối trật tự công cộng, đầu ông như muốn nổ tung lên rồi. Thấy chồng như vậy, bà Hường lo lắng lên tiếng:

 Bà Hường: Bây giờ làm thế nào hả ông…

  Không để vợ nói hết câu ông Nghiêm đã gắt lên:

  Ông Nghiêm: Làm thế nào là làm thế nào? Bà tự hỏi mình ấy. Mọi việc cũng tại bà hết, trên đời này tôi chưa thấy người mẹ nào chiều con như bà đâu, nó đi đến bước đường này cũng đều là tại bà. Có đời thủa nhà ai nó cứ thích cái gì là chiều nó cái đấy, dung túng cho nó mọi thói hư tật xấu, bây giờ bà còn hỏi tôi à?

  Thấy chồng giận dữ, bà Hường ngồi xuống ghế thút thít khóc. Nhà chồng bà mấy đời độc đinh, chồng bà là trưởng họ Nguyễn. Bà sinh con đến lần thứ ba vẫn là con gái, áp lực gia đình bằng mọi giá phải có được con trai để nối dõi tông đường. Dù sức khỏe không tốt nhưng bà vẫn nung nấu ý định sinh thêm con để có được mụn con trai. Khó khăn lắm bà mới sinh được thằng Hùng khi tuổi đã gần 40. May mà phúc lớn, không thì lần sinh nở ấy cả bà và thằng Hùng cũng không qua khỏi.

  Biết mình lỡ lời làm vợ buồn, ông Nghiêm đến gần vỗ về, động viên an ủi vợ:

Ông Nghiêm: Thôi được rồi, bà cũng đừng cuống lên làm cho tôi rối không nghĩ được gì. Theo tôi, lần này cứ để cho Công an xử phạt thằng Hùng  theo quy định, xử phạt thật nghiêm khắc đi, tôi mệt mỏi với nó lắm rồi. Từ bé đã quậy phá, nghịch ngợm, coi trời bằng vung. Nó cứ nghĩ nó đi gây họa rồi khắc có người dọn dẹp nên mới ngông cuồng thế.

  Nghe thấy chồng nói vậy, bà Hường hoảng loạn lắc đầu:

  Bà Hường: Không được đâu ông ơi, nó sung sướng từ bé làm sao mà chịu được cảnh tù đày, mà nó cũng là giọt máu của ông đấy, ông không xót nhưng mà tôi xót… Nhà này nó là cháu đích tôn, nó mà có làm sao thì ông đi mà nói chuyện với các cụ đấy.

  Vừa nói bà Hường vừa hu hu khóc làm cho ông Nghiêm càng rối hơn. Ông ân hận vì đã nghe vợ chiều con không rèn giũa con nên người ngay từ tấm bé, giờ chỉ trách bản thân ông không nghiêm khắc với con nên dẫn đến cơ sự ngày hôm nay.

Hai ông bà đang không biết phải làm như thế nào thì chị Hải, cô con gái cả của ông bà đẩy cửa bước vào, nhìn không khí gia đình lúc này thật là căng thẳng. Thấy mặt bố đăm chiêu, mẹ đang khóc, chị Hải trấn an bố mẹ:

  Chị Hải: Con vừa vào trại tạm giam thăm em về. Nó đã bình tĩnh lại rồi, nó hối hận về việc đã làm và lo lắng cho bố mẹ ở nhà. Con cũng hỏi bên công an rồi, họ bảo hành vi của nó không đến mức quá nghiêm trọng nhưng phải xử lý nghiêm khắc để làm gương cho người khác ạ.

  Nghe con gái nói, bà Hường rất sốt ruột cho thằng con quý tử, liền hỏi:

  Bà Hường: Con xem có cách nào làm giảm nhẹ nhất tội cho em không? Giá nào mẹ cũng chịu, chỉ cần thằng Hùng bình an trở về thì mẹ chấp nhận hy sinh tất cả.

  Bà Hường vừa dứt lời, ông Nghiêm đập bàn quát:

  Ông Nghiêm: Bà, bà quá lắm rồi đấy, giờ thằng Hùng ra nông nỗi này mà bà vẫn còn muốn dung túng cho nó hay sao? Hay là để nó cầm dao đi giết người rồi mới dạy dỗ lại?

Bà Hường thấy chồng quát mắng mình thì òa khóc nức nở. Chị Hải vừa an ủi mẹ, vừa trấn an bố:

  Chị Hải: Bố mẹ phải bình tĩnh thì mới giải quyết được việc, cứ loạn thế này thì không còn tỉnh táo mà suy nghĩ được đâu.

  Ông Nghiêm: Bố quyết định rồi, lần này để tự thằng Hùng giải quyết chuyện của nó, để pháp luật trừng trị nó. Nó phải hiểu rằng sống trong xã hội này thì phải có ý thức, chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Vi phạm pháp luật thì phải bị trừng phạt, thế thôi.

  Rồi ông đi vào phòng nằm vật xuống giường, nhớ lại chuyện Hùng lớn lên và ăn học, bây giờ ông mới nhận thấy mình có trách nhiệm không nhỏ khi đã buông lỏng trong dạy dỗ con cái, cho nên mới tạo nên tính cách ngông cuồng của đứa con trai mình.

Vài ngày sau, chị Hải về nhà gặp bố mẹ, chìa trong tay tờ giấy đưa cho bố:

Chị Hải: Bố mẹ, có giấy triệu tập của Tòa án rồi, 8 giờ sáng mai sẽ xét xử vụ án của em Hùng ạ. Vụ việc gây rối trật tự công cộng em Hùng nhà mình tham gia bố mẹ đừng nghĩ cách xin giảm án cho em làm gì, sẽ không thể can thiệp được đâu.

Bà Hường vội ngẩng đầu lên hỏi con gái:

Bà Hường: Nhanh vậy sao con? Đã xét xử rồi à? Con có biết tội của nó bị xử phạt như thế nào không? Mà con làm ở Ủy ban nhân dân phường, con có nhờ được bạn bè giúp cho em qua được lần này không con?

Hải nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh ôm lấy vai mẹ rồi trả lời:

Chị Hải: Vâng ạ, con nghe thông tin bên công an họ nói đây là vụ án làm điểm gì đó. Vụ việc cũng rõ ràng nên việc điều tra cũng không mất nhiều thời gian đâu ạ. Hành vi của em con khép vào tội Gây rối trật tự công cộng mẹ ạ. Đây là hành vi xâm phạm tình trạng ổn định trong sinh hoạt chung của xã hội.

Con cũng đã tìm hiểu và được biết Điều 12 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định: người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Thằng Hùng nhà mình năm nay tròn 19 tuổi, nó phải chịu trách nhiệm về những việc đã làm. Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm. Hùng nhà mình mới bị đưa lên công an phường xử phạt vi phạm hành chính xong, lần này lại gây gổ nên không tránh được việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Con đã khuyên can em nhiều lần mà nó vẫn chứng nào tật ấy.

Ông Nghiêm: Mấy hôm nay bố cũng đã suy nghĩ rất nhiều về việc của em con. Đây không phải là lần đầu tiên nó quậy phá bên ngoài. Tuy chưa lần nào nó gây ra chuyện lớn như lần này, nhưng cũng nên để cho pháp luật trừng trị nó. Nếu nhà mình mỗi khi nó gây chuyện lại đi giải quyết hậu quả ngay thì sẽ chẳng bao giờ làm cho nó thức tỉnh ra được. Mà con có nắm được mức xử phạt đối với hành vi của nó như thế nào không?

Chị Hải: Con đã tìm hiểu và được biết Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2021) quy định mức xử phạt đối với Tội gây rối trật tự công cộng như thế này:

"1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.”

  Nghe đến đây bà Hường lại khóc nấc lên từng tiếng, quay ra níu tay áo chồng:

Bà Hường: Tôi xin ông, hãy cứu con trai đi, lần này mà ra hầu tòa là đi tù đấy ông ơi chứ không phải chỉ xử phạt như mọi lần đâu. Tôi hứa với ông sau lần này tôi sẽ dạy dỗ con nghiêm khắc…

  Ông Nghiêm thừ người trên ghế, ông cũng xót con, nhưng để bảo ông đi chạy chọt, xin xỏ cho nó thoát tội thì ông không làm được. Nó coi thường kỷ cương xã hội, không tôn trọng pháp luật thì phải để pháp luật giải quyết. Nghĩ vậy ông quay ra bảo con gái:

  Ông Nghiêm: Sáng mai con đến đón bố mẹ đi dự phiên tòa.

  Tại phòng xử án Tòa án nhân dân quận, cả nhà ông Nghiêm có mặt đông đủ. Hùng và nhóm bạn bị xử tội gây rối trật tự công cộng. Nhìn thấy thằng Hùng gầy đi rất nhiều, nhìn về phía bố mẹ với khuôn mặt lộ rõ vẻ buồn rầu. Bà Hường nhìn con đau lòng cứ thế thút thít khóc, ông Nghiêm phải cầm tay bà vỗ vỗ để trấn an.

  Sau các bước xét hỏi, đối chất, Chủ tọa phiên tòa nhận định:

  Chủ tọa: Khoảng 19 giờ 30 phút Nguyễn Văn Hùng cùng với Trần Minh Nghĩa và một số đối tượng khác đã tụ tập tại quán Sao Mai để tổ chức sinh nhật cho các bạn gái. Quá trình ăn uống đã có mẫu thuẫn với nhóm của Lê Văn Nam ngồi bàn bên cạnh. Sau khi ăn uống xong, cả 2 nhóm đều ngà ngà say rượu nên tiếp tục chửi bới, la lối và gây gổ, đuổi đánh nhau. Chủ nhà hàng thấy vậy liền yêu cầu giải tán nếu không sẽ báo công an đến. Thấy vậy hai nhóm liền kéo nhau ra ngoài nhà hàng để tiếp tục gây chiến.

Nguyễn Văn Hùng dẫn đầu nhóm đã có hành vi la lối, trực tiếp chỉ đạo vụ ẩu đả, cung cấp hung khí là gậy và gạch đá cho nhóm của mình. Hai bên lấy gạch, đá ném nhau, đuổi đánh nhau trên đường phố, chỉ đến khi lực lượng chức năng đến thì mới dừng lại. Hành vi “Gây rối trật tự công cộng” của Hùng và các đối tượng khác diễn ra trong khu dân cư, mức độ ảnh hưởng xấu và nghiêm trọng đến tình hình an ninh, trật tự xã hội của địa phương, tuy nhiên không để lại hậu quả thương tích về người.

Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân quận truy tố Nguyễn Văn Hùng và Lê Văn Nam về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng quy định của pháp luật. Xét hành vi phạm tội của các bị cáo là cùng nhau tiếp nhận ý chí, trực tiếp thực hiện tội phạm, nhưng thuộc trường hợp phạm tội giản đơn, mang tính chất bột phát, không có tổ chức, phân công với từng bị cáo, các bị cáo đều là người thực hành, xét về vai trò thì các bị cáo ngang nhau. Do vậy cần thiết phải có hình phạt tương xứng áp dụng đối với hành vi phạm tội của bị cáo mới có đủ tác dụng cải tạo, giáo dục thành người có ích cho xã hội và phòng ngừa làm gương cho người khác biết tôn trọng pháp luật… Hành vi của bị cáo gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương nơi xảy ra vụ việc, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng Nhân dân

  Nghe thấy chủ tọa đọc đến đây, bà Hường run rẩy, nghĩ đến con trai sẽ phải chịu cảnh tù tội, lòng bà đau như cắt. Như vậy con bà làm gì còn có tương lai. Nó mới 19 tuổi, năm vừa rồi thi trượt đại học bà còn đang động viên con cố gắng ôn thi năm tới, học hành tốt để còn kiếm được công ăn việc làm đàng hoàng cho bố mẹ khỏi phải lo lắng. Nó mới hứa với bà, vậy mà…

Chủ tọa phiên tòa tuyên hình phạt của Hùng: Khi xem xét, quyết định mức hình phạt đối với bị cáo, Hội đồng xét xử xét thái độ của bị cáo tại phiên tòa thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải với hành vi phạm tội của mình. Xét nhân thân của các bị cáo chưa tiền án, xét hành vi vi phạm pháp luật của các bị cáo, bị cáo phạm tội trong tình trạng bị hạn chế khả năng điều khiển hành vi của mình.

Đề nghị của đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa về điều luật áp dụng, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và về xử lý vật chứng phù hợp các quy định của pháp luật nên được Chủ tọa phiên tòa chấp nhận.

Căn cứ vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, áp dụng khoản 1 Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 tuyên phạt Nguyễn Văn Hùng 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Văn Nam 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo…”.

Lời của Chủ tọa phiên tòa còn chưa dứt, ông Nghiêm và bà Hường đã vội ôm lấy nhau. Thằng Hùng được hưởng án treo nghĩa là ông bà còn cơ hội để dạy dỗ con trai mình. Ông cũng biết hành vi phạm tội lần này của Hùng là bài học đắt giá cho bản thân Hùng và cho cả ông bà với trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ. Sự khoan hồng của Nhà nước làm trong tim ông le lói một chút hy vọng vào tương lai.

 

 

 

 

 

 

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn