TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:22

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT “TREO ĐẦU DÊ BÁN THỊT CHÓ”

Đại dịch Covid- 19 bùng phát thời gian qua là nỗi ám ảnh của toàn nhân loại. Ở nước ta, nhiều tỉnh, thành, vùng, miền bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid, làm xáo trộn các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng đồng hành với Nhà nước trong công tác phòng, chống dịch, trên khắp mọi miền đất nước, ở đâu ta cũng gặp những hành động thiết thực, thắm đượm nghĩa tình của người dân với đồng bào của mình cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, giúp đỡ nhau vượt qua đại dịch. Ngày càng xuất hiện nhiều những tấm gương sáng, những người dân bình dị sẵn sàng bỏ tiền của, công sức để chia sẻ với ý thức “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Đó là những hành động đẹp mang đầy tính nhân đạo, nhân văn mà chúng ta dễ dàng nhìn thấy trên đường phố hay được thông tin rộng rãi trên các trang mạng xã hội, như: “Nơi cung cấp phần ăn miễn phí cho người khó khăn”, “ATM gạo miễn phí”, “Bếp ăn từ thiện phục vụ cho các khu cách ly tập trung”, “Điểm phát cơm chay”, “Điểm phát khẩu trang miễn phí”, hay các cơ quan, tổ chức phát tặng khẩu trang, dung dịch rửa tay cho mọi người, ủng hộ một ngày lương... đã khiến cho mọi người vô cùng xúc động trong những ngày toàn dân chống chọi với đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, bên cạnh những nghĩa cử cao đẹp, đầy tính nhân văn của người dân, cũng gặp không ít trường hợp một số cá nhân lợi dụng dịch Covid-19 nhằm trục lợi bất chính thông qua việc nhập lậu, mua bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, làm giả thuốc, vật tư y tế, các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh. Nếu các hành vi vi phạm này được thực hiện trót lọt sẽ gây nhiều hệ lụy xấu đến sức khỏe của người dân cũng như kết quả phòng, chống dịch của Đảng và Nhà nước. Ðây là những hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội và cần phải được xử lý nghiêm minh.

Tiểu phẩm pháp luật “Treo đầu dê bán thịt chó” dưới đây xin được giới thiệu tới quý bạn đọc.

I. Nhân vật:                              

- Chú Song: Chủ cửa hàng tạp hóa;

- Hải: Nhân viên cửa hàng tạp hóa - cháu chú Song;

- Chị Minh: Người mua hàng;

- Anh Hoàng: Cán bộ phường.

II. Nội dung tiểu phẩm

Gần đây do ảnh hưởng của đại dịch Covid - 19, khẩu trang đang là mặt hàng rất cần thiết đối với tất cả mọi người, ở các hiệu thuốc khẩu trang y tế luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Nhân cơ hội đó, cửa hàng tạp hóa của chú Song đã nhập một lô khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc, không nhãn mác về để tự đóng gói và kinh doanh.

Chú Song (vẻ mặt phấn khởi): Hải ơi! Ra bê hàng vào. Nhanh lên, nhanh lên cháu ơi…

Hải (hớt hải chạy ra): Cháu ra ngay đây. Ôi! Nhiều hàng vậy chú Song.

Chú Song: Bê hết vào nhà đi rồi nói. Nhanh tay nhanh chân lên cháu.

Hải (thắc mắc): Nhìn thùng hàng to thế này mà nhẹ tênh chú ạ. Thế cái gì mà chú lại nhập nhiều vậy?.

Chú Song: Bê vào nhà, cháu bóc ra là biết ngay. Cháu xếp các thùng hàng này vào tận cuối kho nhé. Để riêng ra cho dễ lấy hàng.

Hải: À! Khẩu trang y tế hả chú? Mà sao chú nhập nhiều thế? Nhà mình từ trước đến nay có bán khẩu trang giấy bao giờ đâu? Chú nhập mặt hàng này về nhiều như thế, cháu sợ không bán được hết ấy.

Chú Song: Cháu không phải lo. Phải có tầm nhìn xa thì mới biết mà nhập mặt hàng này về đấy. Thiên thời địa lợi chúng ta phải biết mà tận dụng chứ. Không có chuyện không bán hết đâu. Chú còn lo không có hàng để bán đây này.

Hải: Thế nhưng sao khẩu trang lại không có hộp hả chú, cái này sản xuất ở đâu mà cháu không thấy ghi nơi sản xuất, thế này thì ai người ta mua.

Chú Song (chỉ tay vào cuối xe hàng): Hộp ở đằng kia kìa. Cháu chẳng hiểu gì cả. Người ta chỉ sản xuất khẩu trang thôi, chú phải đi mua vỏ hộp gia công ở chỗ khác. Bây giờ mình phải tự đóng hộp chứ còn chờ ai đóng cho.

Hải: À, hộp đây rồi. Nhưng chú ơi! Chú không sợ làm thế này là vi phạm pháp luật à?.

Chú Song: Chưa đến lượt cháu phải lo. Đây là khẩu trang giấy, dùng một lần là bỏ đi ngay. Chỗ này bán mấy ngày là hết, có khi người ta còn chưa kịp biết đây là hàng giả. Ngoài mấy cái hiệu thuốc cũng nhãn mác như này, họ bán mấy chục nghìn một hộp. Nhà mình cứ bán rẻ đi so với giá hiệu thuốc 5.000 đồng/hộp, khách họ thấy rẻ hơn sẽ mua nhiều ngay.

Thôi cháu đi đóng hộp, sau đó ra cửa hàng pho tô làm ngay cho chú cái biển ghi ở đây bán khẩu trang y tế. Nhanh, làm luôn để còn kịp bán. Chú thấy mọi người ai cũng đang tìm mua khẩu trang y tế đấy.

Hải: Vâng, vâng cháu làm ngay đây.

Buổi tối hôm đó, Hải và chú Song cùng vài đứa nhỏ trong nhà đã đóng được khá nhiều hộp khẩu trang. Nhìn hình thức và bên trong hộp khẩu trang y tế do cửa hàng chú Song đóng không khác gì khẩu trang y tế được bán ngoài hiệu thuốc, ngay cả tem mác cũng đầy đủ cả. Chú Song bày khẩu trang y tế ở chỗ dễ nhìn thấy nhất trong cửa hàng để thu hút khách hàng. Nhiều ngày sau đó…

Hải: Khẩu trang bán chạy hàng chú nhỉ? Mới có 3 ngày mà đã hết hơn 500 hộp rồi.

Chú Song: Chú đã bảo rồi, chỉ cần bán rẻ hơn các hiệu thuốc là người ta mua nhiều lắm. Mà bây giờ ai cũng cần khẩu trang, họ sợ dịch bùng phát mạnh hơn, không biết bao giờ hết dịch nên mỗi người đã mua là mua hẳn vài hộp để nhà tích trữ ấy chứ.

Hải (cười lớn): Chú Song đúng là “chuyên gia”.

Hai ngày sau…

Hải (quay sang nói nhỏ): Chú Song ơi! Sắp hết khẩu trang rồi chú ạ!

Chú Song: Trong kho còn bao nhiêu hộp?

Hải: Còn chừng chưa đến 50 hộp chú ạ. Chú có định nhập thêm hàng nữa không?

Chú Song: Có chứ nhưng chú đang nghĩ mình nên nhập thêm bao nhiêu đây. Dạo này, cán bộ phường với công an kiểm tra gắt quá, thấy đi suốt ngày.

Hải: Cháu nghe ngóng thấy có mấy hiệu thuốc bán phá giá nên bị cho đóng cửa luôn rồi. Chắc mình không sao chú nhỉ.

Chú Song: Mình không bán phá giá nhưng mình không được kinh doanh cái này đâu, đây là hàng sản xuất lậu đấy, mình lại đặt nhãn mác của công ty tự đóng hộp, đây là mình buôn bán hàng giả, kém chất lượng. Mà để đề phòng bất trắc xẩy ra, cháu cất cái biển và những hộp khẩu trang còn lại đi, ai hỏi thì mới mang ra bán.

Hải: Vâng. Mà chú ơi, hôm qua cháu chưa kịp nói với chú, có mấy người ra quán mình phàn nàn khẩu trang chất liệu không được tốt, dây hay đứt chú ạ.

Chú Song: Thôi kệ họ, cháu cứ nói là nhà mình mua về như thế nào thì bán như thế thôi. Mình có sản xuất được đâu.

Một lát sau, chị Mai, người từng mua khẩu trang tại cửa hàng tạp hóa của chú Song đến phàn nàn về chất lượng sản phẩm:

Chị Mai (tức giận, hét lớn): Chủ quán đâu, bác Song đâu rồi? Làm ăn kiểu gì vậy? Bán hàng cho khách kiểu gì đây? Khẩu trang y tế mà 10 cái thì đến 9 cái lỗi thế này à? Sao dám bảo khẩu trang y tế hàng loại 1. Treo đầu dê bán thịt chó à? Bác đi ra đây giải thích cho tôi.

Chú Song (đứng nép trong nhà): Hải, cháu ra nói chuyện với chị ta đi!. Chị ta có hỏi thì bảo chú không có nhà. Mà bảo chị ta bình tĩnh, có gì thì giải quyết, làm sao phải ầm ĩ làm gì. Mà chắc gì chị ta mua khẩu trang ở cửa hàng nhà mình. Cháu cứ nói nhà chúng ta nhập khẩu trang như thế nào thì bán ra như thế, chúng ta không sản xuất được đâu. Nói nịnh chị ta để chị ta về đi.

Hải (gọi chị Mai đang đứng ở cửa quán): Chị Mai ơi, có gì thì chị đi vào nhà rồi nói. Chị đừng làm ầm ĩ cả xóm lên như thế.

Chị Mai (sầm sầm bước vào, đặt mạnh 5 hộp khẩu trang lên bàn): Đây xem đi! Tôi mua 5 hộp khẩu trang ở đây thì cả 5 hộp lỗi, cái không đứt thì bị lệch, cái không lệch thì lỗi, cái to cái bé…. Buôn bán như này có chấp nhận được không?, nhà này định làm ăn kiểu gì đây? Đã nhập hàng về bán cho mọi người thì phải biết rõ chất lượng của hàng chứ.

Mà tôi nói cậu nghe nhé, người mua hàng ở cửa hàng nhà cậu chủ yếu là bà con, hàng xóm lân cận là chính, nhà cậu chỉ thấy có lợi là mua về bán mà không biết đến chất lượng à!. Hỏi buôn bán như vậy, các người còn có lương tâm, có tình người không hả?.

Hải: Chị có chắc chị mua ở cửa hàng của chúng tôi không? Nhà chúng tôi bán đã có ai đến phản ánh bao giờ đâu? Hay chị mua chỗ khác xong mang đến cửa hàng tôi bắt đền hả?.

Chị Mai (bực bội, đứng dậy, chỉ vào mặt Hải): Này, đừng có lươn lẹo nhá, xung quanh nhà tôi và cả cái xóm này, ai mua khẩu trang ở cửa hàng này cũng bị như thế, không ít thì nhiều. Đã thế tôi đi gọi tất cả mọi người đến đây để nói chuyện với chú cháu nhà cậu? Hôm nay tôi phải làm cho ra nhẽ. Không nói nhiều, gọi ông Song ra đây giải quyết.

Hải (bắt đầu thấy sợ, xoa dịu chị Mai để tìm cách bàn với chú Song cách giải quyết): Chị ngồi uống nước, chờ tôi chút tôi vào gọi điện cho chú Song về. Hôm nay chú ấy không có ở nhà.

Hải vào nhà và hỏi ông Song cách giải quyết. Ông Song bảo Hải trả tiền lại cho chị Mai nhưng chỉ được trả một nửa vì lý do đã quá 3 ngày rồi chị mới mang hàng đến bắt đền thì chỉ được đền bù như vậy thôi.

Hải (có chút sợ hãi, cố gắng bình tĩnh, ấp úng nói): Cửa hàng chúng tôi chấp nhận hoàn lại nửa số tiền chị đã mua khẩu trang y tế ở đây. Vì đã quá 3 ngày chị mới quay lại để bắt đền nên chúng tôi không thể biết rõ chị có trộn lẫn hàng kém chất lượng khác vào hay không.

Chị Mai: Á à! còn muốn giở trò này với tôi à? Được thôi, chú cháu nhà cậu cứ đợi đấy.

Ngay khi chị Mai rời khỏi, ông Song đi ra và bảo Hải đóng cái chỗ hộp chị Mai mang đến rồi để xem tình hình ra sao rồi sẽ bán tiếp. Một lát sau, chị Mai quay lại và đi cùng là anh cán bộ phường, anh Hoàng.

Anh Hoàng: Chào chú Song! Cháu là cán bộ Ủy ban nhân dân phường, chúng cháu đã nhận được nhiều sự phản ánh của người dân về việc cửa hàng nhà mình bán khẩu trang nhái, khẩu trang lậu, không đủ điều kiện tiêu chuẩn về chất lượng. Hôm nay, cháu nhận được đơn đề nghị của chị Mai nên đến đây để lấy thông tin làm rõ sự việc.

Chú Song: Ôi, cô Mai này cứ làm quá lên. Chúng tôi chỉ nhập về một chút khẩu trang vì thấy nhu cầu người dân sử dụng cao thôi. Bán nốt chỗ này là chúng tôi không nhập nữa mà. Mà chúng tôi cũng có sản xuất được đâu, nhập hàng như thế nào chúng tôi bán như thế. Nhà tôi cũng vừa bán vừa dùng thôi mà anh.

Anh Hoàng: Theo phản ánh của mọi người thì chú đang có hành vi vi phạm hành chính về trang thiết bị y tế đấy ạ. Chú lại còn chưa đăng ký giấy phép kinh doanh loại mặt hàng này nên đây thực sự là vấn đề rất lớn đấy chú.

Theo quy định tại Điều 75 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, mức xử phạt đối với việc vi phạm các quy định về mua bán trang thiết bị y tế như sau:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện các biện pháp kiểm soát nội bộ để duy trì chất lượng trang thiết bị y tế theo quy định của chủ sở hữu số lưu hành;

b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, không kịp thời cho người sử dụng các thông tin về hướng dẫn sử dụng trang thiết bị y tế; các điều kiện bảo đảm an toàn, bảo quản, hiệu chuẩn, kiểm định, bảo dưỡng bảo trì trang thiết bị y tế;

c) Không thông báo hoặc thông báo không đầy đủ, không kịp thời cho người sử dụng về trang thiết bị y tế có lỗi;

d) Không duy trì hồ sơ theo dõi trang thiết bị y tế, truy xuất nguồn gốc, thu hồi trang thiết bị y tế theo quy định của pháp luật;

đ) Không thông báo hoặc thông báo không kịp thời với chủ sở hữu số lưu hành và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các trường hợp trang thiết bị y tế có lỗi.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không thực hiện lại thủ tục công bố đủ điều kiện mua bán khi có sự thay đổi liên quan đến hồ sơ công bố trước đó theo quy định của pháp luật;

b) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng mẫu, không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật đến Sở Y tế khi phát hiện nhầm lẫn, thất thoát trang thiết bị y tế có chứa chất ma túy và tiền chất; nguyên liệu là chất ma túy và tiền chất;

c) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng mẫu hoặc không đúng thời hạn gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, chuyển nhượng trang thiết bị y tế có chứa chất ma túy và tiền chất, nguyên liệu sản xuất trang thiết bị y tế là chất ma túy và tiền chất;

d) Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng mẫu hoặc không đúng thời hạn gửi theo quy định của pháp luật về việc xuất, nhập, tồn kho, sử dụng trang thiết bị y tế có chứa chất ma túy và tiền chất, nguyên liệu có chứa chất ma túy và tiền chất.

3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không đáp ứng một trong các điều kiện của cơ sở mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D;

b) Mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D khi chưa thực hiện thủ tục công bố đủ điều kiện mua bán theo quy định của pháp luật;

c) Tài liệu trong hồ sơ công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D không bảo đảm tính hợp pháp theo quy định của pháp luật;

d) Tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do cho trang thiết bị y tế sản xuất trong nước không bảo đảm tính hợp pháp theo quy định của pháp luật.

4. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, d khoản 1, điểm a khoản 2 và các điểm a, c, d khoản 3 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D đối với hành vi quy định tại điểm c khoản 3 Điều này;

b) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận lưu hành tự do cho trang thiết bị y tế sản xuất trong nước đối với hành vi quy định tại điểm d khoản 3 Điều này”.

Ngoài ra, Điều 76 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định mức xử phạt đối với các quy định về nhập khẩu trang thiết bị y tế như sau:

“1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Tài liệu trong hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế không bảo đảm tính hợp pháp theo quy định của pháp luật;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu trang thiết bị y tế khi không đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi nhập khẩu trang thiết bị y tế khi chưa có số đăng ký lưu hành hoặc giấy phép nhập khẩu theo quy định của pháp luật.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp không áp dụng biện pháp này thì buộc tiêu hủy;

b) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này”.

Anh Hoàng: Bây giờ cháu mong chú cùng hợp tác để chúng cháu tiến hành xem xét hàng hóa để có căn cứ đưa ra mức phạt tương ứng. Mong chú sẽ rút kinh nghiệm cho những lần sau, bây giờ xin mời chú về phường để lập biên bản về sự việc này. Cháu mong chú hợp tác để chúng cháu hoàn thành nhiệm vụ. Xin mời chú.

Chú Sáu im lặng đi cùng anh Hoàng lên phường. Sau khi được anh Hoàng phân tích cụ thể hành vi vi phạm và các quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, chú Sáu đã nhận ra hành vi vi phạm của mình và ký cam kết không tái phạm và thực hiện kinh doanh đúng quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng hàng hóa theo quy định nhất là khẩu trang y tế để cùng toàn dân chung tay phòng, chống dịch covid-19.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn