TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:16

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT: HÃY CẢNH GIÁC VỚI NHỮNG NGƯỜI BUÔN BÁN BẤT LƯƠNG

Thưa cùng Quý vị!

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý không ít các vụ việc về nhập khẩu, pha chế, làm giả xăng, dầu. Một số cá nhân, tổ chức kinh doanh xăng dầu không đảm bảo điều kiện theo quy định đã bị xử phạt hành chính, rút giấy phép kinh doanh, thậm chí là bị xử lý nghiêm khắc theo các quy định của pháp luật hình sự.  Tuy nhiên, vì lợi nhuận, một số đối tượng vẫn tiếp tay cho việc buôn bán, làm giả mặt hàng thiết yếu này.

Việc sử dụng xăng, dầu kém chất lượng để lại những hậu quả nghiêm trọng khôn lường nhưng người tiêu dùng rất khó để phát hiện. Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng nên mua xăng ở những địa chỉ tin cậy, có thương hiệu, không nên mua xăng trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Các lực lượng chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện xử lý các hành vi vi phạm, góp phần đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng gian lận thương mại trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Hãy cảnh giác với những người buôn bán bất lương” giúp người đọc có thêm những thông tin về vấn đề này.

I. Nhân vật:

- Lan: người mua xăng

- Hiền: người bán xăng

- Anh thanh niên

- Đức: Công an.

II. Nội dung tiểu phẩm:

Ban trưa, trời nắng như đổ lửa. Lan học xong tiết cuối thì vội vàng về nhà. Cô muốn đi nhanh để tránh cái nắng gay gắt. Đang đi bỗng dưng xe chết máy. Dừng lại kiểm tra mới biết xe hết xăng. Cô tự trách mình không kiểm tra xe cẩn thận trước lúc đi. Đoạn đường này không có cây xăng nào. Cô phải rong bộ một lúc mới tìm thấy một quán bán xăng bán lẻ ven đường nhưng không thấy ai ở đó.

Lan (gọi to): Ai bán xăng đấy ạ? Cho em mua xăng với!

Hiền (đang trông quán trà đá, nghe thấy người gọi mua xăng vội vã chạy ra): Chị đây! Chị đây! Xăng của nhà chị bán đấy.

Lan (vừa dựng chân chống xe vừa hỏi): Chị bán bao nhiêu tiền một lít xăng ạ?

Hiền: Cô em cẩn thận thế, nhà chị bán lẻ nhưng giá xăng chỉ bằng đúng giá ở cây xăng thôi. Cô cứ yên tâm nhé! Mà em đổ bao nhiêu?

Lan: Em đổ đầy bình ạ!

Hiền (vồn vã): Ừ, đổ đầy bình nhé! Đằng nào cũng phải đi, đổ đầy cho tiện.

Lan: Dạ vâng. Chị đổ luôn cho em đi! Trời nắng quá!

Hiền đang cúi xuống, định đổ xăng vào xe cho Lan thì một anh thanh niên dựng xe, ào tới.

Anh thanh niên (vội chạy đến ngăn Hiền lại): Này, chị kia, chị dừng lại đã. (Rồi quay sang Lan, anh nói): Này em, chị này bán xăng kém chất lượng đấy, lừa đảo đấy, đừng đổ xăng mà hỏng xe đấy em…

Hiền (giọng khó chịu): Ơ hay cái anh này! Anh “mọc” từ đâu chạy ra mà lại bảo tôi lừa đảo. Tôi lừa đảo gì ai? Anh liệu liệu mà ăn nói cho cẩn thận nhé!

Anh thanh niên: Tôi “mọc” ra ở đâu à? Tôi mới mua xăng của chị sáng nay đấy mà chị đã quên nhanh thế. Mà tôi “nói có sách, mách có chứng”, chứ không nói vu vơ đâu nhé!

Hiền (nói to): Làm gì có chuyện đấy. Tôi nói cho anh biết, cửa hàng nhà tôi làm ăn có uy tín, chất lượng bao lâu nay. Tôi buôn bán nhưng luôn lấy đạo đức, lương tâm lên hàng đầu đấy. Làm gì có chuyện xăng kém chất lượng như anh vừa nói? Anh đừng có mà vu khống là không xong với tôi đâu nhé!

Anh thanh niên: Thôi! Thôi! Chị không cần phải to tiếng đâu. Sáng nay, xe tôi hết xăng, tôi qua mua xăng của chị. Tôi vẫn còn giữ nguyên chiếc vỏ chai xăng chị bán. Trước lúc đổ xăng, xe tôi vẫn đi trơn tru bình thường. Từ lúc đổ xăng của chị vào, xe đi chết máy liên tục, thậm chí có đoạn còn không đi được nữa. Tôi mang đến hàng sửa xe, người ta kiểm tra và bảo nguyên nhân do xăng kém chất lượng. Đây, hóa đơn sửa xe còn nguyên đây. Bây giờ chị tính sao?

Hiền: Này, nếu chỉ có vậy thì anh không đủ cơ sở để khẳng định xăng của nhà tôi kém chất lượng nhé. Anh nói năng không cẩn thận là tôi sẽ kiện anh về tội vu khống đấy.

Anh thanh niên: Tôi muốn góp ý chân thành với chị chứ cũng không muốn đôi co mất thời gian. Chị đã làm sai nhưng lại bảo thủ, không nhận lỗi. Xăng nhà chị bán có đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng hay không thì chỉ cần lấy mẫu đi kiểm tra là biết ngay thôi. Tôi cũng mời Công an đến đây rồi.

Vừa lúc đó một người mặc sắc phục công an cùng hai người khác đi tới.

Đức: Chào chị!

Hiền (đang hùng hổ nói bỗng trở nên lúng túng): Dạ..., dạ…. em chào các anh ạ!

Đức: Theo phản ánh của người dân, ở đây có hiện tượng bán xăng kém chất lượng nên chúng tôi lập đoàn kiểm tra tới đây.

Hiền: Không…. Không phải đâu anh ạ! Là một chút hiểu nhầm thôi anh.

Đức: Theo nguồn tin chúng tôi nhận được, không chỉ có một mình người dân này gọi điện tới cung cấp thông tin mà còn nhiều người khác cũng phản ánh tình trạng cửa hàng của chị bán xăng kém chất lượng. Đề nghị chị cho chúng tôi lấy mẫu xăng đi kiểm tra để làm rõ.

Hiền (kéo anh thanh niên ra, giọng trở nên mềm mỏng): Này, này anh gì ơi, anh bỏ qua cho tôi đi. Tôi sẽ gửi lại tiền sửa xe cho anh. Anh nói đỡ với anh Công an giúp tôi một tý.

Lại gần Đức, Hiền nói, giọng năn nỉ:

- Anh ơi, anh cho em trình bày một chút. Anh cứ giơ thật cao, nhưng mà anh đánh khẽ khẽ thôi nhé! Tất cả cũng chỉ vì hoàn cảnh xô đẩy thôi, vì bát cơm manh áo, vì mưu sinh cuộc sống. Em một nách hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, đi học đi hành. Trước đây, em trông vào quán trà đá này cũng thêm được đồng rau, đồng mắm. Từ năm ngoái đến nay, do ảnh hưởng Covid-19, chồng em thất nghiệp, hàng hóa ế ẩm, đóng cửa suốt. Em phải buôn bán nhì nhằng thêm mỗi thứ một tý cho các cháu nó ăn học. Anh ơi, em xin anh, đây là lần đầu vi phạm, anh tha cho em ạ!

Anh thanh niên: Khó khăn thì khó khăn chung, đâu phải riêng mình chị. Buôn bán thì có lãi nhưng cũng phải có cái tâm, chị chẳng vừa nói với tôi buôn bán phải lấy lương tâm, đạo đức lên hàng đầu đấy thôi!

Hiền: Thôi được rồi, được rồi... Chị gửi lại tiền sửa xe cho chú đây (vừa nói, vừa rút tiền giúi vào túi áo anh thanh niên). May quá, cô này chưa đổ...

Lan: Nếu anh này không đến kịp thời thì chị đã đổ xăng vào xe của em rồi và còn tiếp tục bán cho người khác nữa.

Hiền (nhăn nhó): Ơ, em ơi, làm gì mà nặng lời thế...

Đức: Chị có biết nếu tiếp tay cho việc tiêu thụ xăng giả sẽ để lại hậu quả rất nặng nề hay không? Khi dùng xăng kém chất lượng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phương tiện vận tải. Ở mức độ nhẹ thì phương tiện bị chết máy nhưng nếu dùng trong một thời gian dài, các bộ phận kim loại bị ăn mòn, làm rò rỉ nhiên liệu. Nếu gặp điều kiện nhiệt độ cao, việc rò rỉ này sẽ gây chập điện, thậm chí gây cháy, nổ xe, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tham gia giao thông. Pháp luật của nước ta cho phép cá nhân kinh doanh nhưng phải dựa trên khuôn khổ của pháp luật, không được làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Lan: Người tiêu dùng cũng được pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp có phải không anh?

Đức: Đúng đấy! Nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định cụ thể tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác”.

Lan: Vậy người tiêu dùng có những quyền và nghĩa vụ như thế nào ạ?

Đức: Theo quy định tại Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì người tiêu dùng có quyền:

- Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

- Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

- Lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thỏa thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

- Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

- Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

- Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

- Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Mọi người lặng yên nghe. Dừng lại một chút, Đức nói tiếp:

Ngoài các quyền nêu trên, người tiêu dùng cũng có nghĩa vụ:

- Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

- Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Như vậy, người tiêu dùng cũng cần biết rõ các quy định của pháp luật để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình chứ không chỉ trông chờ vào các cơ quan chức năng. Đối với mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, để đảm bảo an toàn, người tiêu dùng nên mua xăng ở những địa chỉ tin cậy, có thương hiệu, không nên mua xăng trôi nổi, không rõ nguồn gốc...

Lan: Vâng, vâng, em cảm ơn anh công an! Nhờ anh mà em biết được thêm rất nhiều thông tin bổ ích.

Đức (quay sang phía Hiền): Còn chị có biết đối với người kinh doanh thì pháp luật nghiêm cấm những gì không?

Hiền: Dạ, dạ... Em cũng chưa rõ anh ạ!

Đức: Nhân đây, tôi cũng thông tin để mọi người nắm được pháp luật nước ta nghiêm cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có các hành vi sau đây:

- Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác.

- Quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn của người tiêu dùng từ 02 lần trở lên hoặc có hành vi khác gây cản trở, ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt bình thường của người tiêu dùng.

- Ép buộc người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một trong các hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc các biện pháp khác gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của người tiêu dùng; Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch.

- Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự.

- Yêu cầu người tiêu dùng thanh toán hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng.

- Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

- Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.

Hiền (cúi xuống, giọng hối lỗi): Vâng... thì... do thiếu hiểu biết nên em cũng không suy nghĩ sâu xa đến thế!

Đức: Chị nên nhớ, đối với hành vi lừa dối khách hàng, chị có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Tại điểm b khoản 1 Điều 61 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quy định: Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5 triệu đồng; phạt từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng; phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; phạt từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng và mức phạt tiền cao nhất phạt từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên. Không chỉ xử phạt hành chính, nếu hành vi nghiêm trọng hơn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự...

Hiền (lập bập): “Truy cứu trách nhiệm hình sự” là... là.. phải đi tù đấy hả các anh? Em biết em đã sai rồi nhưng em nghĩ cao nhất cũng là xử phạt hành chính thôi, làm gì mà... mà bị phạt tù hả anh?

Đức: Chị hỏi vậy, tôi cũng nói luôn cho chị biết thêm: Theo Điều 198 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về tội lừa dối khách hàng, theo đó: Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn xảo quyệt hoặc thu lợi bất  chính từ 50 triệu đồng trở lên còn thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Yêu cầu chị ký vào biên bản này...

Biết không thể chối cãi được trước những những nhân chứng, vật chứng cụ thể, rõ ràng, Hiền lặng lẽ ký vào biên bản.

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn