TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:14

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT CƠ HỘI VIỆC LÀM

          Xuất khẩu lao động đã và đang góp phần giải quyết việc làm và cải thiện đời sống cho nhiều người dân, tăng nguồn ngoại tệ cho đất nước và nhiều lợi ích kinh tế khác. Hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là chủ trương nhất quán, quan trọng và lâu dài của Chính phủ, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

          Không thể phủ nhận người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp ở một mức độ nhất định thông qua việc tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp ở những nước phát triển. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng đã có được nguồn thu nhập khá so với làm việc trong nước. Và cũng từ đây, nhiều vùng quê nông thôn có nhiều người đi xuất khẩu lao động được “thay da đổi thịt” với nhiều ngôi biệt thự mọc lên, nhiều lao động trẻ đã chọn xuất khẩu lao động là con đường để “đổi đời”.

          Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 đã có những quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; quy định về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước; về chính sách đối với người lao động; về quản lý nhà nước trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

          Tiểu phẩm pháp luật “Cơ hội việc làm” giới thiệu một số quy định của pháp luật liên quan đến việc xuất khẩu lao động, xin giới thiệu đến quý bạn đọc.

          I. Nhân vật

          - Ông Thắng

          - Bà Hoa

          - Hùng: con trai lớn ông bà Thắng, Hoa

          - Mạnh: con trai ông bà Thắng, Hoa

          - Hưng: bạn của Mạnh

          II. Nội dung tiểu phẩm

          Ông Thắng, bà Hoa là người có tiếng nói ở khu phố này. Ông Thắng mở cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, còn bà Hoa là giáo viên, kinh tế gia đình vững chắc, hai cậu con trai ông bà đều ngoan ngoãn, học hành cơ bản. Cả khu phố đều lấy gia đình ông bà làm gương để giáo dục con cái.

Buổi tối, hai ông bà đang ngồi uống trà xem ti vi thì cậu con út tên Mạnh ào vào nhà nói liếng thoắng:

Mạnh: Bố, mẹ! Con có việc này rất hay muốn nói với bố mẹ.

Miệng nói, tay Mạnh vớ được cốc nước trên bàn tu ừng ực. Ông Thắng tắt ti vi quay ra trừng mắt với con:

Ông Thắng: Có chuyện gì mà ầm ĩ thế? Con không thể từ tốn hơn một chút sao?

Không để ý đến lời trách mắng của bố, Mạnh liền nói một mạch:

Mạnh: Bố mẹ còn nhớ thằng Hưng học cùng lớp con không? Ngày còn đi học nó hay đến nhà mình ăn cơm ấy. Nó học giỏi lắm bố ạ, nhưng phải cái nhà nghèo không có điều kiện đi học đại học nên tốt nghiệp cấp ba xong nó quyết định đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản để làm kinh tế. Nó mới về chơi hôm qua, con vừa ở nhà nó về. Đấy nó đi lao động được 3 năm mà đã gửi khá nhiều tiền về xây nhà cho mẹ nó, còn hứa là sẽ nuôi em nó học đại học nữa đấy.

Bà Hoa như nhớ ra cậu bé Hưng ngày nào hay đến nhà bà, chép miệng nói:

Bà Hoa: Rõ khổ, thằng bé ngoan ngoãn, hiền lành lại thông minh mà không được theo con đường học vấn, cũng đáng tiếc quá!

Cắt ngang lời mẹ, Mạnh chen vào:

          Mạnh: Không học cũng có cái hay mà mẹ, Hưng bây giờ nó kinh tế cũng khá. Nó bảo con đi lao động thêm một thời gian nữa kiếm thêm tí vốn rồi hết thời hạn lao động thì về nước mở một cửa hàng để kinh doanh gì đó.

          Bà Hoa: Ừ, mẹ thấy nó tính thế cũng được, cứ cố gắng tích góp lấy chút vốn liếng sau này về Việt Nam làm ăn. Mà mẹ nhớ không nhầm thì nhà nó bố mất sớm, nhà chỉ có ba mẹ con, dưới nó là đứa em gái. Con bảo nó hôm nào đến nhà mình chơi nhé.

          Mạnh: Không cần phải bảo đâu mẹ, vừa con ở nhà nó chơi, nó nói mấy hôm nữa sang nhà mình chơi thăm bố mẹ đấy. Mà con cũng có chuyện muốn nói với bố mẹ, con cũng muốn đi xuất khẩu lao động như thằng Hưng.

          Nãy giờ không để tâm lắm đến câu chuyện của thằng Mạnh, nhưng nghe con trai nói muốn đi xuất khẩu lao động thì ông Thắng giật mình, nhà ông cũng đâu đến nỗi khó khăn để con phải đi làm thuê cực nhọc lại còn đi ra nước ngoài nữa chứ. Nghĩ thế ông liền phản đối ngay:

          Ông Thắng: Không được! Bố không đồng ý.

          Đang hào hứng với ý tưởng mới, nghe bố từ chối thẳng thừng Mạnh nài nỉ:

          Mạnh: Bố, con chỉ đi vài năm thôi mà bố, khi có chút vốn trong tay con sẽ về nối nghiệp kinh doanh của bố.

          Bà Hoa nghe chồng phản đối liền nhẹ nhàng nói với con:

          Bà Hoa: Con cũng học xong cao đẳng rồi, để từ từ rồi bố mẹ sẽ xin việc làm vào nhà nước cho con, đi xuất khẩu lao động không đơn giản như làm việc trong nước đâu con ạ, vất vả, áp lực, lại xa gia đình, những lúc ốm đau thì làm sao hả con? Con thấy anh trai con ấy, nó vào nhà nước công việc làm ổn định, con thấy có hơn không?

          Chỉnh tư thế ngồi ngay ngắn, Mạnh trịnh trọng nói:

          Mạnh: Bố mẹ cứ yên tâm, hôm nào Hưng sang nhà mình chơi, bố mẹ hỏi nó về điều kiện lao động, công việc và thu nhập của nó hiện nay. Con mong bố mẹ tin tưởng con, cho con cơ hội ra ngoài thể hiện khả năng của tuổi trẻ, con hứa sẽ không làm bố mẹ thất vọng. Con học cao đẳng kinh tế, nếu đi xin việc để làm ở cơ quan Nhà nước sẽ rất khó, cử nhân, thạc sỹ bây giờ cũng còn nhiều người chẳng xin được việc, đi làm nghề tay trái để mưu sinh.

          Thấy con trai có vẻ quyết tâm, ông bà Thắng Hoa không nói gì thêm nữa, cứ nghĩ một hai ngày nó chán sẽ thôi.

          Bẵng đi hai hôm sau không thấy Mạnh nói gì về việc đi xuất khẩu lao động, ông bà Thắng Hoa cũng thấy mừng. Thấy ngoài cửa có tiếng nói cười  cười vui vẻ, thì ra là Mạnh và bạn là Hưng đang đi vào.

          Hưng: Cháu chào cô chú, cháu sang chơi hỏi thăm sức khỏe cô chú

          Ông Thắng: Hưng à, mới về hả cháu!

          Hưng: Cháu về cũng được mấy hôm rồi chú ạ, nhưng từ hôm qua đến nay cháu với Mạnh bận đi đến mấy công ty tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hôm nay có kết quả rồi, cháu đến báo cáo với cô, chú luôn.

          Bà Hoa: Mạnh, hôm trước tưởng con chỉ nói chuyện vậy, thế con quyết tâm đi lao động đấy à?

          Mạnh: Bố mẹ ạ, con với Hưng mấy hôm nay đi đến các công ty xuất khẩu  lao động ở nước ngoài để tìm hiểu. Con cũng đã đến công ty mà trước đây làm thủ tục cho Hưng đi lao động và con đã tìm được công ty tuyển dụng lao động ở Nhật rồi, chuyên về sản xuất linh kiện điện tử.

          Hưng: Cô, chú đồng ý cho Mạnh đi lao động tại Nhật Bản cùng với cháu nhé. Điều kiện lao động và chế độ lương thưởng ở công ty cháu rất rõ ràng. Hơn nữa, cháu đã lao động bên đó 3 năm rồi, mọi vấn đề làm việc và sinh hoạt cháu cũng quen rồi. Mạnh sang đó ở cùng cháu và làm luôn cùng công ty với cháu, cô, chú cứ yên tâm.

          Mạnh: Hôm nay con về thưa chuyện với bố mẹ, bố mẹ đồng ý cho con đi lao động nhé. Mẹ cho con vay ít tiền để làm các thủ tục xuất khẩu lao động, nhất định con sẽ trả lại cho mẹ trong thời gian ngắn nhất. Công ty sẽ làm các thủ tục cho con và sang tuần con sẽ bắt đầu đi học tiếng Nhật. Nhanh thì khoảng 6 tháng nữa là con sẽ đi lao động

          Mạnh nói một hơi dài, ông bà Thắng Hoa nhìn nhau, biết là chẳng thể thay đổi được ý định của Mạnh nữa. Bà Hoa hỏi:

          Bà Hoa: Nhưng đi nước ngoài thủ tục phức tạp lắm, con có biết mình cần phải làm những gì không?

          Bà Hoa vừa dứt lời thì nghe thấy tiếng Hùng - con trai cả của ông bà đang làm việc tại Ủy ban nhân dân quận:

          Hùng: Bố, mẹ yên tâm, con đã lo xong đâu vào đấy rồi, chỉ còn chờ bố mẹ đồng ý cho em con đi xuất khẩu lao động thôi.

          Ông Thắng nghe thấy thế liền lớn tiếng:

          Ông Thắng: Anh em nhà anh giỏi thật đấy, dám giấu bố mẹ? Đủ lông đủ cánh rồi đúng không? Muốn làm gì thì làm không cần quan tâm đến hai thân già này đúng không?

          Đỡ bố ngồi xuống ghế, Hùng nhẹ nhàng phân giải:

          Hùng: Không phải thế đâu bố mẹ ạ, chúng con lúc nào cũng tôn trọng và biết ơn bố mẹ, nhưng em Mạnh tốt nghiệp cũng hơn 1 năm rồi, chạy vạy mấy nơi mà cũng chưa xin được việc, để nó lông bông mãi cũng không tốt, em nó có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động con thấy cũng hợp lý để em con có thời gian bươn chải cuộc sống mới thấy quý giá trị lao động bố ạ.

          Nghe con trai cả nói cũng có lý, ông Thắng mới cảm thấy nguôi nguôi, nhưng ông vẫn còn lo lắng:

          Ông Thắng: Bố nghe nói đi xuất khẩu lao động thủ tục khó khăn lắm, có nhiều loại giấy tờ phải lo, liệu nhà mình có làm được không?

          Hùng với tay rót cốc nước vừa nói:

          Hùng: Về khoản này thì bố yên tâm, con trai bố là cử nhân Luật cơ mà. Con đã tìm hiểu kỹ rồi, trước hết Mạnh phải làm hộ chiếu phổ thông ở trong nước, đây con đọc cho bố nghe:

Điều 15 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định về cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước như sau:

1. Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định tại khoản 2 Điều này; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

2. Giấy tờ liên quan đến việc cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước bao gồm:

a) Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh đi với người chưa đủ 14 tuổi;

b) Hộ chiếu phổ thông cấp lần gần nhất đối với người đã được cấp hộ chiếu; trường hợp hộ chiếu bị mt phải kèm đơn báo mất hoặc thông báo về việc đã tiếp nhận đơn của cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 28 của Luật này;

c) Bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất;

d) Bản chụp có chng thực giấy tờ do cơ quan có thm quyền của Việt Nam cấp chứng minh người đại diện hợp pháp đối vi người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người chưa đủ 14 tui. Trường hợp bản chụp không có chứng thực thì xuất trình bản chính để kiểm tra, đối chiếu.

3. Đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú; trường hợp có Thẻ căn cước công dân thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi.

4. Người đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu thuộc một trong các trường hợp sau đây có thể lựa chọn thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an:

a) Có giấy giới thiệu hoặc đề nghị của bệnh viện về việc ra nước ngoài để khám bệnh, chữa bệnh;

b) Có căn cứ xác định thân nhân ở nước ngoài bị tai nạn, bệnh tật, bị chết;

c) Có văn bản đề nghị của cơ quan trực tiếp quản lý đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong lực lượng vũ trang, người làm việc trong tổ chức cơ yếu;

d) Vì lý do nhân đạo, khẩn cấp khác do người đứng đầu Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an quyết định.

5. Đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

6. Người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận tờ khai, ảnh chân dung, giấy tờ liên quan; kiểm tra, đối chiếu với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; chụp ảnh, thu thập vân tay của người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu; cấp giấy hẹn trả kết quả.

7. Trong thời hạn 08 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh trả kết quả cho người đề nghị. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả kết quả cho người đề nghị. Đối với trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thời hạn giải quyết không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận. Trường hợp chưa cấp hộ chiếu, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh trả lời bằng văn bản, nêu lý do.

8. Người đề nghị cấp hộ chiếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với cơ quan theo quy định tại khoản 7 Điều này thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát

Đọc xong, Hùng quay sang nói với bố:

Hùng: Bố cứ yên tâm, pháp luật quy định rất đầy đủ và chặt chẽ. Mình chấp hành nghiêm chỉnh thì em con sẽ được xuất khẩu thuận lợi thôi.

Ông Thắng nghe con nói thì gật gù, nhưng như nhớ ra điều gì ông liền hỏi:

Ông Thắng: Thế có hộ chiếu rồi thì làm thế nào để ra nước ngoài được?

Hùng vẫn nhẫn nại giải thích với bố:

Hùng:  Bố ạ, khoản 1 Điều 33  Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 quy định về điều kiện xuất cảnh như sau:

1. Công dân Việt Nam được xuất cảnh khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy tờ xuất nhập cảnh còn nguyên vẹn, còn thời hạn sử dụng; đối với hộ chiếu phải còn hạn sử dụng từ đủ 6 tháng trở lên;

b) Có thị thực hoặc giấy tờ xác nhận, chứng minh được nước đến cho nhập cảnh, trừ trường hợp được miễn thị thực;

c) Không thuộc trường hợp bị cấm xuất cảnh, không được xuất cảnh, bị tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật

          Ông Thắng “à” lên một tiếng rồi quay đầu tìm vợ, ông nói với bà:

Ông Thắng: Tôi cứ nghĩ ra nước ngoài khó khăn lắm không ngờ thủ tục cũng đơn giản thôi. Nhưng bây giờ nhà mình phải tìm hiểu kỹ về công ty mà em Mạnh con lựa chọn để đi xuất khẩu lao động. Bố vẫn cứ không yên tâm, nhỡ đâu họ đưa con mình sang được đến bên đấy rồi họ không có trách nhiệm gì với mình. Đất khách quê người mình phải làm sao?

Bà Hoa: Đấy cũng là điều tôi lo lắng. Mạnh ạ, con còn trẻ, bố mẹ cũng muốn cho con thử sức một lần cũng là cơ hội cho con trưởng thành nhưng mẹ cũng cùng suy nghĩ với bố con, rất băn khoăn, lo lắng.

Hùng: Bố mẹ, vấn đề là bây giờ ngoài việc phải làm hộ chiếu phổ thông cho em Mạnh, gia đình mình cần phải tìm hiểu về công ty xuất khẩu lao động nơi em Mạnh lựa chọn. Con đã tìm hiểu và được biết công ty mà trước đây đưa em Hưng đi lao động và em Mạnh nhà mình muốn ký hợp đồng là một trong những công ty có uy tín và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép đủ điều kiện và hợp pháp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Hưng: Thông tin anh Hùng nắm bắt là đúng đấy ạ, trước đây khi cháu làm thủ tục đi lao động cũng đã tìm hiểu rất kỹ về công ty này. Cô chú cứ yên tâm.

Hùng: Bố mẹ, Điều 51 Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 cũng đã quy định rất rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết

“1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết có các quyền sau đây:

a) Được cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp thông tin chính sách, pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Được cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng lợi ích trong hợp đồng lao động;

c) Hưởng quyền lợi từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, quyền lợi khác theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan;

d) Được chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu nhập, tài sản hợp pháp khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.

2. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trực tiếp giao kết có các nghĩa vụ sau đây:

a) Đăng ký hợp đồng lao động;

b) Thực hiện các nội dung trong hợp đồng lao động và nội quy nơi làm việc;

c) Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam và các hình thức bảo hiểm theo quy định pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc;

d) Nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc;

đ) Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này;

e) Đăng ký công dân tại cơ quan đại diện Việt Nam tại nước mà người lao động đến làm việc”.

Đồng thời, khoản 2 Điều 26 Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng quy định rõ doanh nghiệp đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có những nghĩa vụ sau:

“Đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp dịch vụ thông tin về người đại diện theo pháp luật; danh sách nhân viên nghiệp vụ; địa chỉ trụ sở chính, địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; quyết định giao nhiệm vụ cho chi nhánh và cập nhật khi có sự thay đổi về những nội dung này; văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận về việc chuẩn bị nguồn lao động; thông tin đầy đủ, chính xác về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động; danh sách người lao động tham gia chuẩn bị nguồn và được tuyển chọn;

- Cam kết bằng văn bản việc ưu tiên tuyển chọn người lao động đã tham gia hoạt động chuẩn bị nguồn của doanh nghiệp; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết ưu tiên tuyển chọn người lao động sau khi đã tham gia chuẩn bị nguồn do doanh nghiệp tổ chức thì phải bồi thường theo thỏa thuận; quảng cáo, tư vấn, thông báo tuyển chọn, cung cấp thông tin chính xác với người lao động và chính quyền địa phương tại nơi tuyển chọn về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động; trực tiếp tuyển chọn và không được thu tiền của người lao động về việc tuyển chọn; thực hiện đúng các nội dung đăng ký hợp đồng cung ứng lao động đã được chấp thuận;

- Tổ chức và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này; hướng dẫn người lao động, tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;

- Cam kết bằng văn bản về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài với thời hạn không quá 180 ngày kể từ ngày người lao động trúng tuyển; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về thời gian chờ xuất cảnh thì phải bồi thường theo thỏa thuận và hoàn trả các chi phí mà người lao động đã chi trả trừ trường hợp bất khả kháng;

- Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài; có nhân viên nghiệp vụ đủ năng lực quản lý và hỗ trợ người lao động ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cung cấp trợ giúp pháp lý trong trường hợp người lao động cần đến hỗ trợ pháp lý khi bị lạm dụng, bạo lực hoặc phân biệt đối xử trong thời gian làm việc ở nước ngoài;

- Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan của nước tiếp nhận lao động giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động; giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị hoặc tình trạng khẩn cấp;

- Bồi thường cho người lao động về những thiệt hại do doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật;

- Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động;

- Tư vấn, hỗ trợ cho người lao động các thủ tục liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động, quyền lợi, chế độ và thủ tục về nước;

- Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này;

- Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo về tình hình hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người lao động xuất cảnh và hằng tháng phải cập nhật thông tin về người lao động do doanh nghiệp đưa đi trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho đến khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài”.

Do đó, bố mẹ yên tâm để em Mạnh ký hợp đồng với công ty tại Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Một nhà bốn người, mỗi người một suy nghĩ riêng nhưng đều là hy vọng về một tương lai tốt đẹp, ai nấy mỉm cười hạnh phúc.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn