TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 10/08/2021 07:48

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT: CHỮ “TÂM” TRONG KINH DOANH

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, việc kinh doanh hàng hóa trên thị trường phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Tại khoản 6 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ” là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy tính chất, mức độ của hành vi mà người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị xử lý hành chính với mức phạt tiền cao nhất lên đến 100 triệu đồng, đồng thời buộc phải tiêu hủy tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường.  Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận, một số cơ sở kinh doanh vẫn vi phạm nội dung này. Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Chữ “tâm” trong kinh doanh” sẽ giúp người đọc có thêm những thông tin cần thiết về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

 

I. Nhân vật:

- Chị Bình: mẹ bé An

- Bé An: con chị Bình

- Anh Long: người bán hàng

- Anh Hưng: Đội trưởng Đội quản lý thị trường

- Anh Dũng: nhân viên Đội quản lý thị trường.

II. Nội dung tiểu phẩm:

Chiều Chủ nhật, chị Bình đang chuẩn bị bữa cơm chiều tại nhà thì bé An -năm nay lên lớp 2- sà vào lòng mẹ nũng nịu:

Bé An: Mẹ ơi, mẹ rán xúc xích cho con đi, lâu rồi con chưa được ăn bánh mỳ xúc xích.

Chị Bình: Xúc xích ở nhà mình hết rồi, con cầm tiền ra ngoài cửa hàng bác Vân mua 2 gói nhé. Con nhớ loại lần trước mẹ mua không?

Bé An (vui vẻ): Con nhớ rồi mẹ ạ!

Bé An đi tầm hơn 20 phút mới về nhà.

Chị Bình: Con đi đâu mà lâu thế làm mẹ mong mãi.

Bé An: Hôm nay, cửa hàng nhà bác Vân nghỉ mẹ ạ. Con thấy bác đóng cửa kín nên con phải đi đến nhà chú Long ở xa hơn mới mua được đấy.

Chị Bình: Con đi đâu cũng cần nhớ đi lại cẩn thận nhé! Con đưa gói xúc xích cho mẹ nào.

Chị Bình (cầm gói xúc xích trên tay, lật qua, lật lại nói một mình): Ơ, nhưng sao xúc xích nhà này bán không có nhãn mác gì nhỉ? Hàng như này sao biết được ngày sản xuất, hạn sử dụng chứ?

Chồng chị đang đứng gần đấy lên tiếng:

- Em cẩn thận đấy nhé! Dạo này xúc xích bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ tràn lan trên thị trường, đài, báo cảnh báo rất nhiều rồi đấy.

Chị Bình: Để em ra hỏi lại xem sao.

Tại cửa hàng tạp hóa nhà anh Long:

Chị Bình: Anh Long ơi, lúc nãy cháu An nhà em có mua 2 gói xúc xích ở đây có phải không anh?

Anh Long: Đúng rồi, con bé nó vừa mua xong, mà có việc gì đấy chị?

Chị Bình: Anh ơi, đây là xúc xích của cơ sở nào sản xuất đấy ạ?

Anh Long: Ối giào ôi, tưởng chuyện gì. Cô hỏi xúc xích nhà tôi bán loại gì à… đúng rồi, loại hen - mết[1] đấy. Tôi vừa bán, con tôi vừa ăn bao năm rồi, có sao đâu. Cô cứ yên tâm đi.

Chị Bình (miễn cưỡng): Vâng. Bây giờ tình trạng thực phẩm “bẩn” không hiếm. Xúc xích là loại thức ăn mà bọn trẻ con rất thích nên càng phải cẩn thận anh ạ! Nhưng em vẫn lăn tăn vì loại này không có nhãn mác, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng gì cả.

Anh Long (tỏ vẻ bực dọc): Cô cảm thấy ăn được thì ăn, không ăn thì thôi, đưa đây tôi trả lại tiền. Tôi buôn bán bao nhiêu năm rồi, lần đầu tiên gặp người khó tính như cô đấy.

Chị Bình tần ngần quay ra thì gặp một nhóm có 3-4 người mặc đồng phục cùng đi tới. Một người trong số họ chìa thẻ ra và giới thiệu:

Anh Hưng Chào anh Long! Xin giới thiệu với anh, tôi là Nguyễn Quang Hưng - Trưởng Đoàn công tác thuộc Đội Quản lý thị trường số 3. Hôm nay, Đoàn công tác chúng tôi tiến hành kiểm tra đột xuất cửa hàng tạp hóa của anh. Rất mong được anh hợp tác.

Anh Long: Vâng, chào các anh. Mời các anh vào nhà xơi nước đã.

Anh Hưng: Cảm ơn anh! Chúng tôi sẽ kiểm tra luôn nên đề nghị anh chuẩn bị các giấy tờ liên quan đến việc nhập hàng hóa.

Anh Hưng và các đồng nghiệp kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa trong cửa hàng, phát hiện nhiều bánh kẹo đã quá hạn sử dụng ghi trên bao bì, nhiều bánh kẹo, mỹ phẩm, sữa bột trẻ em sản xuất ở nước ngoài không dán tem phụ.

Anh Hưng: Đề nghị anh xuất trình hóa đơn, chứng từ cho những lô hàng sản xuất ở nước ngoài mà không có tem phụ.

Anh Long (ấp úng): Dạ…thì… cái này anh chờ em tìm lại.

Nói rồi, anh Long quay vào trong tìm hóa đơn, chứng từ, nhưng thực ra là chuẩn bị mấy chiếc phong bì định “bồi dưỡng” đoàn kiểm tra. Một lát sau:

Anh Long: Báo cáo các anh, hóa đơn, chứng từ vợ em để lẫn ở đâu đấy. Bây giờ, cô ấy đang đi vắng còn em chưa tìm ra được. Thôi thì các anh bỏ quá cho, gửi các anh chút quà….gọi là uống nước thôi…. Công việc của các anh vất vả quá…!

Anh Hưng: Anh Long, anh cất ngay phong bì đi. Anh đừng làm thế. Chúng tôi sẽ lập biên bản về hành vi đưa hối lộ đấy. Anh cứ tìm kỹ không thì gọi điện cho vợ anh đi. Nếu anh không xuất trình đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ thì dù không muốn, chúng tôi vẫn phải tiến hành lập biên bản của buổi kiểm tra hôm nay đấy. Đồng chí Dũng chuẩn bị biên bản đi.

Anh Long: Ôi anh ơi, cửa hàng tạp hóa nhà em chỉ buôn bán nhỏ lẻ, phục vụ bà con trong thôn này thôi. Anh xem, hàng hóa cũng có đáng giá bao nhiêu đâu. Em nghĩ các anh chỉ nên xử phạt những cơ sở sản xuất lớn thôi chứ.

Anh Hưng: Anh hiểu như vậy là chưa đúng rồi. Hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là loại hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người thì không kể là cơ sở lớn hay nhỏ, nếu vi phạm thì đều bị xử phạt.

Anh Dũng (nói với anh Hưng): Báo cáo anh, theo thống kê thì số lượng hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ cộng với hàng hết hạn sử dụng ước tính giá trị khoảng 25 triệu đồng.

Anh Hưng: Anh Long ạ, theo quy định tại khoản 6 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có số lượng hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng thì sẽ bị phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Căn cứ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP, tôi là Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 3 quyết định xử phạt hành vi này của anh 8 triệu đồng. Bây giờ chúng tôi sẽ lập biên bản, mời anh ký và ra Kho bạc Nhà nước nộp tiền phạt. Đồng thời, số lượng hàng hóa hết hạn sử dụng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ này, chúng tôi sẽ bị tịch thu để tiêu hủy theo quy định tại điểm a khoản 14 Điều 17 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP.

Anh Long (khẩn khoản, nài nỉ): Xin các anh bỏ qua cho tôi lần này, tôi hứa sẽ không vi phạm nữa.

Anh Hưng: Chúng tôi cũng mong anh không vi phạm thêm lần nào nữa. Qua đây là bài học kinh nghiệm không chỉ cho riêng anh mà còn đối với nhiều người kinh doanh khác. Trong kinh doanh cũng cần có chữ “tâm” anh ạ. Còn lần vi phạm này chúng tôi vẫn phải lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt theo đúng quy định của pháp luật vì hành vi này làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của con người.

Chị Bình nghe xong, vội nhìn xuống túi xúc xích đang cầm và chợt nghĩ cũng may khi phát hiện hàng hóa không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã kịp thời dừng lại, tránh cho người thân phải dùng thực  phẩm “bẩn”.Chị còn nghĩ phải tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người thân về việc này. Trên đường về nhà, chị cứ nhớ mãi câu nói của anh đội trưởng Đội Quản lý thị trường, rằng buôn bán hay làm gì cũng phải có cái “tâm”.

Hương Liên

 

 

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn