TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 08/07/2021 15:10

Hạnh phúc giản đơn

Tiếp công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua việc tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Luật Tiếp công dân được ban hành ngày 25/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2014 quy định đầy đủ về trụ sở tiếp công dân; quyền, nghĩa vụ của công dân; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp công dân… Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Hạnh phúc giản đơn” sẽ giúp bạn đọc có thêm những thông tin về điều đó.

I. Nhân vật:

- Minh.

- Mai: dì của Minh.

- Sơn: chồng dì Mai.

- Hải: Bác hàng xóm.

II. Nội dung

Nhà mẹ Minh có hai chị em gái. Từ nhỏ Minh hay ở với dì Mai nên cũng coi dì như mẹ. Sáng nay, trước lúc đi làm, Minh qua thăm dì Mai vì nghe tin mấy hôm nay dì bị ốm. Vừa lái xe, vừa suy nghĩ miên man, thoáng chốc cô đã nhìn thấy ngôi nhà quen thuộc với rặng tre đầu ngõ. Lỉnh kỉnh nào nào trái cây, nào thuốc bổ mang cho dì, cô đi vào cổng. Cô thấy nhà chú, dì hôm nay đông hơn ngày thường. “Chắc mọi người qua thăm hỏi dì đây mà”- cô thầm nghĩ.

Minh (vui vẻ, lễ phép): Cháu chào chú, dì ạ! Cháu chào các cô, các bác ạ.

Dì Mai: Cái Minh đấy à con! Mẹ con đâu không qua cùng hả con?

Minh: Dạ, mẹ con bảo tối đến dì chơi, sáng nay con tranh thủ thời gian chạy qua thăm dì chút trước khi đi làm ạ.

Dì Mai: Đây là cái Minh, con chị gái tôi ở xã bên đấy các bác ạ. Cháu nó tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội rồi về nhận công tác và làm cán bộ tư pháp của xã ta. Nó giỏi lắm đấy!  Dì Mai giới thiệu với mọi người, không giấu nổi vẻ tự hào làm Minh thấy bối rối quá.

Minh (ngượng nghịu): Ôi dì! Con đã làm được gì giúp mọi người đâu ạ!...

Bác Hải: Cứ ngồi xuống đây cháu ơi. Toàn người quen cả mà, đừng ngại. Các cô, bác đều là hàng xóm ở đây thôi.

Minh: Dạ vâng ạ!

Minh ngồi cạnh dì, nắm tay, hai dì cháu nhỏ to tâm sự. Dì đã khỏe lên nhiều, thế là cô cũng yên tâm.

Bác Hải: Hôm nay nhân tiện có đông đủ các bác ở đây, tôi cũng muốn xin ý kiến mọi người về việc bồi thường giải phóng mặt bằng của mấy hộ gia đình chúng ta trong Quyết định của Ủy ban nhân dân huyện. Các bác có ý kiến gì không?

Theo như tôi thấy, số tiền bồi thường đối với diện tích đất thu hồi của mấy gia đình chúng ta là chưa thỏa đáng. Chẳng nói đâu xa, hộ ông Quý ở xã bên, năm ngoái cũng bị thu hồi với lý do tương tự như mình, khu đất cũng ngay cạnh mình, mà số tiền bồi thường lớn hơn nhiều. Tôi cho rằng việc định giá đất chưa hợp lý chứ không thì sao có thể chênh nhiều đến vậy - Một bác trai khác lên tiếng.

- Đúng vậy, thực sự mấy hôm nay tôi không ăn uống được gì, nghĩ đi nghĩ lại về chuyện này mãi - Một bác gái thêm vào.

- Chúng ta nếu cứ ở đây nói với nhau cũng không giải quyết được vấn đề. Tôi nghĩ cần phải gặp người có thẩm quyền để nêu lên ý kiến của chúng ta - Chú Sơn lên tiếng.

Tôi đồng ý với ý kiến của chú Sơn - Các bác hàng xóm đồng tình.

Minh: Dạ, cháu xin lỗi vì xen vào câu chuyện của các bác. Cháu có ý kiến thế này ạ. Nếu các bác thấy quyết định về bồi thường giải phóng mặt bằng của Ủy ban nhân dân huyện với gia đình mình chưa thỏa đáng, các bác có thể đến trụ sở tiếp công dân của huyện để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh… bày tỏ những ý kiến, nguyện vọng của mình ạ!

Chú Sơn: Cảm ơn cháu! Vậy trụ sở tiếp công dân nơi nào cháu nhỉ?

Minh: Dạ, trụ sở tiếp công dân được quy định tại Điều 10 Luật Tiếp công dân, theo đó: Trụ sở tiếp công dân là nơi để công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương hoặc lãnh đạo Đảng, chính quyền ở địa phương; có đại diện của một số cơ quan, tổ chức tại trung ương hoặc địa phương tham gia tiếp công dân thường xuyên và là nơi để lãnh đạo Đảng, Nhà nước ở trung ương hoặc địa phương trực tiếp tiếp công dân trong những trường hợp cần thiết.

Trụ sở tiếp công dân bao gồm: Trụ sở tiếp công dân ở trung ương; Trụ sở tiếp công dân ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trụ sở tiếp công dân ở quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh.

Tại Trụ sở tiếp công dân sẽ có Ban tiếp công dân được thành lập để trực tiếp quản lý Trụ sở tiếp công dân ở mỗi cấp; phối hợp cùng đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức, thực hiện việc tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở tiếp công dân.

Bác Hải: Như vậy là các bác có thể đến trụ sở tiếp công dân để được tiếp đón cũng như phản ánh những ý kiến của bản thân cháu nhỉ!

Minh: Dạ, đúng là như vậy ạ!

Bác Hải: Thế thì tốt quá rồi, nhưng không biết cán bộ tiếp công dân họ có nghe chúng tôi trình bày không cháu nhỉ?

Minh: Dạ thưa bác, việc lắng nghe, tiếp nhận ý kiến của công dân là trách nhiệm của người tiếp công dân bác ạ. Ngoài ra, điều 8 Luật Tiếp công dân năm 2013 cũng quy định rất rõ người tiếp công dân có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền; hướng dẫn người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đến đúng cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết; Trực tiếp xử lý hoặc phân loại, chuyển đơn, trình người có thẩm quyền xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; thông báo kết quả xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cho công dân; Yêu cầu người vi phạm nội quy nơi tiếp công dân chấm dứt hành vi vi phạm; trong trường hợp cần thiết, lập biên bản về việc vi phạm và yêu cầu cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Chú Sơn: Vậy là yên tâm rồi các ông các bác ạ. Chúng ta có thể đến trụ sở tiếp công dân ở Ủy ban nhân dân huyện, xin gặp Ban tiếp công dân và sau đó sẽ trình bày những ý kiến của chúng ta để được tiếp nhận giải quyết.

Minh: Dạ vâng ạ! À, mà sang tuần sau, chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ta có lịch tiếp dân vào ngày 15 đấy ạ. Cháu nghĩ nếu có thể sắp xếp được thời gian, các bác có thể đến để gặp và trình bày với Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì sẽ càng tốt ạ!

Bác Hải: Liệu chúng tôi có gặp được Chủ tịch không cháu? Ông ấy nhiều việc, liệu có thời gian tiếp chúng tôi không?

Minh: Dạ, việc tiếp công dân đã được quy định tại Khoản 5 Điều 13 Luật Tiếp công dân năm 2013, theo đó: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện ít nhất 02 ngày trong 01 tháng và thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp theo quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện thực hiện tiếp công dân đột xuất trong các trường hợp sau đây: Vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến của các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khác nhau; Vụ việc nếu không chỉ đạo, xem xét kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản của Nhà nước, của tập thể, xâm hại đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Bác Hải: Cảm ơn thông tin của cháu nhé. Như vậy là chúng ta có cơ hội được gặp ông ấy rồi. Mọi người ai nấy đều mừng.

  • Vậy cháu ơi, liệu khiếu nại về việc bồi thường giải phóng mặt bằng có được tiếp nhận không? Một bác khác lo lắng hỏi lại
  • Minh: Dạ thưa bác, Quyết định về việc thu hồi đất và bồi thường giải phóng mặt bằng do Ủy ban nhân dân huyện ban hành. Do đó, căn cứ theo điểm c, khoản 4 Điều 13 Luật Tiếp công dân năm 2013 thì những nội dung khiếu nại của các bác thuộc phạm vi tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân cấp huyện.

Bác Hải: Vậy thì chúng ta yên tâm rồi!

Minh: Tuy nhiên, các bác có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, thì khi đến trụ sở tiếp công dân cần cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với người tiếp công dân. Người đại diện phải là người khiếu nại, người tố cáo, người kiến nghị, người phản ánh. Việc cử người đại diện phải thể hiện bằng văn bản có chữ ký của tất cả những người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trường hợp có từ năm đến mười người thì cử một hoặc hai người đại diện; trường hợp có trên mười người thì có thể cử thêm người đại diện, nhưng không quá năm người. Người đại diện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp của việc đại diện và văn bản cử người đại diện. Đây cũng chính là quy định tại Điều 29 Luật Tiếp công dân năm 2013 đó !

         Bác Hải: Thế hả cháu? Như vậy, theo ý kiến của tôi, lúc ấy chúng ta sẽ cử chú Sơn đại diện để trình bày những ý kiến của chúng ta nhé. Chú ấy là người hiểu biết nhiều, lại trình bày rõ ràng, mạch lạc.

  • Đúng đấy, đúng đấy. Chú Sơn giúp chúng tôi nhé - Mọi người cùng nói.
  • Chú Sơn: Cảm ơn các cô bác đã tin tưởng, tôi sẽ cố gắng hết sức. Vì đây cũng là việc của tôi mà.

         Bác Hải: Thế tốt quá rồi, cho bác hỏi thêm điều này. Khi tiếp nhận xong nội dung khiếu nại rồi, thì bao lâu sẽ được biết về việc xử lý khiếu nại của mình cháu nhỉ?

         Minh: Dạ thưa bác, Điều 28 Luật Tiếp công dân năm 2013 còn quy định: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, người tiếp công dân có trách nhiệm trả lời trực tiếp hoặc thông báo bằng văn bản đến người đã đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một trong các nội dung sau đây: Khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được thụ lý để giải quyết; Việc xem xét khiếu nại, tố cáo để thụ lý cần kéo dài thời gian do cần xác minh thêm theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo; Từ chối thụ lý đối với khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc không đủ điều kiện thụ lý; Nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đã được chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm thông báo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo cho người khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

         Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ban tiếp công dân có trách nhiệm thông báo cho người khiếu nại, tố cáo về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong trường hợp người đó đã có yêu cầu trước đó.

Sau khi nghe Minh giải thích, mọi người ai nấy đều vui mừng. Ai cũng có niềm tin rằng những ý kiến, phản ánh của mình sẽ được các cấp có thẩm quyền lắng nghe và sẽ được giải quyết thấu tình, đạt lý. Mọi người cảm ơn Minh rối rít, khen cô gái vừa ngoan ngoãn, lại giỏi giang.

Minh (ngại ngùng cảm ơn): Cũng chuẩn bị tới giờ đi làm rồi. Cháu chào chú, dì và các cô, các bác ạ!

Trong lòng Minh dâng lên niềm vui nhè nhẹ. Cô vui vì dì của mình đã khỏe. Vui hơn nữa khi thấy mình đã góp phần nhỏ giúp cho những người dân ở vùng quê hiểu biết thêm về những quy định của pháp luật và càng thêm tin yêu về nghề nghiệp mình đã chọn.

Hương Liên

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn