TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/01/2021 14:30

QUYỀN RIÊNG TƯ CỦA CON - XIN CHỚ COI THƯỜNG!

Thưa cùng Quý vị!

Năm 2016, tại kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Trẻ em, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017, trong đó có quy định về quyền bí mật đời sống riêng tư và nghiêm cấm việc đăng tải hình ảnh, tiết lộ đời tư của trẻ em. Đây là trách nhiệm của toàn xã hội trong việc tôn trọng quyền riêng tư của trẻ em, tạo điều kiện thuận lợi giúp trẻ được học tập, rèn luyện, phát triển nhân cách trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Ngày nay, với sự bùng nổ của các mạng xã hội cũng như các phương tiện truyền thông, những bí mật đời tư của cá nhân có nguy cơ bị tiết lộ. Và trẻ em là đối tượng dễ bị xâm phạm về quyền riêng tư dưới nhiều hình thức khác nhau bởi các em còn nhỏ tuổi, chưa ý thức đầy đủ về các quyền của bản thân và cũng thiếu khả năng tự bảo vệ mình khi bị xâm phạm quyền riêng tư đó.

Tôn trọng những điều riêng tư của trẻ, chính là tôn trọng nhân cách, sự phát triển lành mạnh của trẻ. Các nhà tâm lý học giáo dục đã cảnh báo, nhiều trẻ em bị tổn thương nặng nề khi bị xâm phạm thô bạo về quyền riêng tư. Từ hệ lụy khó lường của việc xâm phạm quyền riêng tư của con trẻ, bên cạnh sự hỗ trợ của luật pháp, thì chính cha, mẹ và người thân của các em cần tự ý thức về nguy cơ con mình có thể bị xâm hại quyền riêng tư, để từ đó, giáo dục và định hướng cho con em mình những kỹ năng sống cần thiết. Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Quyền riêng tư của con - Xin chớ coi thường!” giúp chúng ta hiểu rõ hơn những quy định về vấn đề này.

I. Nhân vật:

- Chị Đan: mẹ cháu Lê.

- Anh Hoàng: bố cháu Lê.

- Chị Thu: đồng nghiệp của chị Đan.

- Cháu Lê (14 tuổi).

II. Nội dung tiểu phẩm:

1. Chuyện xảy ra tại nhà anh Hoàng, chị Đan

 Anh chị có cô con gái đang học lớp 8 vừa xinh xắn, vừa học giỏi, lại ngoan ngoãn, làng xóm ai cũng quý mến. Như mọi hôm, tầm này con gái anh, chị đã đi học về rồi cả nhà quây quần bên mâm cơm gia đình. Nay, đã muộn hơn 15 phút vẫn chưa thấy con về. Chị cứ đi ra, đi vào ngóng con. Rồi đợi mãi cũng thấy con về nhưng nét mặt không vui. Lê vừa mở cổng vừa mếu máo chạy thẳng vào nhà.

Chị Đan: Ơ! Sao bây giờ con mới về? Mà sao con khóc?

Lê: (òa khóc) Tại mẹ…tất cả là tại mẹ! Tại mẹ mà con bị mấy đứa bạn mỉa mai, trêu chọc.

Chị Đan: Ơ kìa! Mẹ có làm gì đâu mà bảo tại mẹ. Rốt cuộc là có chuyện gì, con cứ bình tĩnh nói cho mẹ nghe xem nào?

Lê: Mẹ xem điện thoại thì biết. Ai bảo mẹ chụp bảng thành tích học tập của con đưa lên facebook làm gì để tụi bạn trêu trọc con. Trước khi đăng lên mạng thì mẹ cũng phải hỏi ý kiến của con chứ! Mẹ làm vậy là không tôn trọng quyền riêng tư của con. Mẹ… (Lê khóc và chạy vội lên phòng riêng đóng cửa).

Chị Đan: Lê! Con đứng lại, nghe mẹ nói chuyện đã.

Lê: Giờ con không muốn nói chuyện, mẹ hãy để con được yên!

Vừa lúc đó, anh Hoàng chồng chị Đan cũng về tới nhà.

Anh Hoàng: Hai mẹ con ăn cơm chưa em? Anh nhớ là chiều nay con còn có lịch đi học thêm Toán nữa đấy. Con đâu rồi em? Mà sao em lại thừ người ra thế?

Chị Đan: (thở dài, mặt buồn rượi): Đã cơm nước gì đâu anh. Em cũng đang mong anh về đây. Con Lê nó vừa đi học về, đang ở trên phòng. Mà con gái anh lớn rồi nên bày đặt đòi hỏi quyền riêng với chả tư đấy.

Anh Hoàng: Có chuyện gì vậy em?

Chị Đan: Anh cho em hỏi, con Lê nhà mình ngoan ngoãn, học giỏi, vợ chồng mình có quyền tự hào về điều đó đúng không?

Anh Hoàng: Ừ, thì đúng quá rồi còn gì.

Chị Đan: Đấy! Em tự hào về con nên đã đưa ảnh và kết quả học tập của con lên facebook để khoe với bạn bè. Vậy mà cái Lê lại trách em là trước khi đăng không hỏi ý kiến con, làm con bị bạn bè trêu trọc.

Anh Hoàng (vừa nói vừa cầm điện thoại của chị Đan lướt nhanh): Ừ nhỉ! Có phải kết quả học hành của con kém cỏi gì đâu mà con bảo lại bị trêu trọc? Anh thấy mọi người đều khen và chúc mừng nhiều mà.

Chị Đan: Thế mới lạ đấy anh ạ! Thôi, cũng muộn rồi, em đi chuẩn bị cơm nước đã. Anh tìm cách nói chuyện thêm với con cho em nhé!

Anh Hoàng: Sao em không nói chuyện trực tiếp với con?

Chị Đan: Cái tuổi ẩm ương này phải lựa từ từ anh ạ. Giờ con đang xúc động. Nó còn đang giận em nên sẽ không chia sẻ nhiều đâu. Hai bố con nói chuyện với nhau sẽ dễ hơn.

Anh Hoàng: Ừ, được rồi, để anh lựa.

2. Tại cơ quan chị Đan

Chị Thu: Chào cô Đan. Sao hôm nay trông cô mệt mỏi thế? Hôm qua mất ngủ à?

Chị Đan: Chị à, em chào chị. Vẫn lại chuyện con cái chị ạ. Em không hiểu mình đã sai ở đâu mà con bé Lê nhà em nó giận, không nói chuyện với em từ hôm qua đến giờ.

Chị Thu (cười): Ôi trời, tôi tưởng cô có việc gì phải suy ngẫm. Con Lê nhà cô cũng bằng tuổi thằng Nam nhà chị, đang cái tuổi dở dở ương ương ấy mà. Vui đấy rồi lại buồn đấy. Tuổi chúng rất nhạy cảm nên bố, mẹ cũng phải hết sức khéo léo và kiên trì thì mới dạy bảo con được cô ạ!

Chị Đan: Vâng! Chị nói đúng đấy ạ. Không những thế, giờ chúng nó còn đòi hỏi bố mẹ phải tôn trọng quyền riêng tư của chúng nó nữa đấy.

Chị Thu: Cái đấy thì đúng quá còn gì nữa! Chúng nó lớn rồi, đã hình thành tính cách và có những cá tính riêng, chứ đâu còn bé nhỏ để bố mẹ hay muốn nói gì thì nói nữa đâu chứ.

Chị Đan: Vâng chị, em cũng biết vậy. Chị cho em hỏi nhé! Các cụ ta vẫn có câu “tốt khoe, xấu che” đúng không ạ? Con Lê nhà em có thành tích học tập tốt, em tự hào về con nên đăng bảng thành tích học tập của con lên facebook. Bạn bè của em và cả chị nữa cũng vào khen con. Thế mà lạ là con Lê nó lại giận em. Nó bảo không thích bị là đề tài để mọi người bình luận. Và rằng em phải hỏi ý kiến nó trước khi làm việc đó. Đấy! Chị nghe có được không?

Chị Thu: À, hóa ra là vì chuyện đó. Hôm trước thằng Nam nhà chị và chị cũng đã có cuộc trao đổi về nội dung này trong sách giáo dục công dân của nó nên chị cũng biết về quyền riêng tư của trẻ em.

Chị Đan: Trẻ em cũng có quyền riêng tư hả chị? Quyền đấy chắc chỉ áp dụng đối với người ngoài thôi chứ nhỉ? Còn con của mình, mình đẻ ra thì mình có quyền chứ?

Chị Thu (cười): Cô nói vậy là chưa đúng rồi. Vì theo Hiến pháp hiện hành của Nhà nước ta quy định: Quyền riêng tư là một trong những quyền dân sự cơ bản nhất của con người, là quyền bất khả xâm phạm đó cô ạ. Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp đã nêu: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.

Như mọi công dân khác trong xã hội, trẻ em cũng cần được đối xử công bằng, được tôn trọng và được bảo vệ các quyền cơ bản, trong đó có quyền riêng tư cô ạ. Điều 21 Luật Trẻ em năm 2016 cũng quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư.

Chị Đan: Pháp luật quy định chặt chẽ quá chị. Vậy thông tin bí mật đời sống riêng tư là gì vậy chị?

Chị Thu: (Điều này tôi biết nhưng cũng chưa cụ thể lắm, để tôi và cô cùng tìm hiểu thêm nhé. Chị mở máy tính, tìm vào trang pbgdpl.haiphong.gov.vn) A, đây rồi cô ạ! Để tôi đọc cho cô nghe nhé! Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em”…

Chị Đan (tần ngần): Vậy ra kết quả học tập của con cũng có thể được xem là những thông tin đời tư chị nhỉ.

Chị Thu: Đúng vậy cô ạ! Chưa kể trong xã hội hiện nay, việc đưa thông tin  của con lên mạng còn có thể bị kẻ xấu lợi dụng để làm hại như bắt cóc, đưa đi làm những chuyện xấu hoặc bắt trẻ làm những chuyện mà trẻ không được làm… Việc bố mẹ khoe bảng điểm của con lên mạng cũng tạo tâm lý xấu hổ cho các con nếu học kém hơn các bạn hoặc ngược lại có thể làm nảy sinh tâm lý tự cao tự đại nếu con có bảng điểm tốt và nhận được nhiều lời khen đó cô, chứ không hẳn trong mọi trường hợp cứ khoe con đã là tốt đâu…

Chị Đan (bối rối): Nghe chị nói vậy, em cũng đã phần nào hiểu được tại sao con Lê nó lại giận em. Mà em làm vậy hình như cũng đã vi phạm các quy định của pháp luật rồi, có đúng không chị?

Chị Thu: Ừ, xét ở khía cạnh nào đó thì cô cũng đã vi phạm quyền riêng tư của khi chưa hỏi ý kiến con mà đã tự ý đưa thông tin lên mạng. Vì theo Luật Trẻ em đã quy định, từ ngày 01/6/2017, nghiêm cấm các hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em, mà con Lê nhà cô cũng đã 13,14 tuổi còn gì.

Chị Đan (gật gù ra vẻ hiểu ý): Vâng chị, đúng là em hành động thiếu suy nghĩ quá.

Chị Thu: Nhân đây, tôi cũng nói để cô biết: Theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ: Việc thành viên gia đình tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình (trong đó có trẻ em) nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm; sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình; phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân thì có thể bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm. Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm quyền riêng tư của trẻ em, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 nữa đấy cô ạ!

Chị Đan: Em hiểu thật rồi chị ạ. Em cảm ơn chị nhiều! Nhờ chị mà em biết được thêm nhiều thông tin hữu ích, thiết thực. Em phải vào facebook của em gỡ ngay bài kia xuống mới được.

3. Phần kết

(Anh Hoàng vừa đón Lan đi học về, nhìn hai bố con đều vui vẻ, hồ hởi).

Lê: Con chào mẹ ạ!

Chị Đan: Mẹ chào con! Con đi tay rồi vào ăn cơm. Hôm nay, mẹ nấu nhiều món ngon chiêu đãi hai bố con con đấy.

Lê: Ôi thích quá!

(Lan nhanh nhẹn đi lên tầng hai, anh Hoàng bước vào nhà).

Chị Đan: Anh à, thấy con vui vẻ trở lại mà em hạnh phúc quá! Con sắp thi cuối cấp rồi, bài vở nhiều nên em cũng muốn con thật thoải mái để còn lo học hành, thi cử anh ạ!

Anh Hoàng: Em biết không, sáng nay, khi chở con đi học, con Lê đã tâm sự mọi chuyện với anh. Anh cũng lựa lời khuyên giải để con hiểu việc em đưa hình ảnh, kết quả học tập của con lên mạng cũng xuất phát từ sự yêu thương và tự hào về con thôi. Anh còn đến trường nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm của con và nhờ cô giúp đỡ. Mà em đã tìm hiểu chưa, không phải mình là bố, là mẹ cứ muốn đưa thông tin gì về con cũng thoải mái, tự do đâu em nhé!

Chị Đan: (nhìn chồng với ánh mắt trìu mến): Vâng anh! Em hiểu rồi mà. Chiều nay đi làm, chị Thu ở cơ quan cũng đã trao đổi cặn kẽ với em về điều đó. Thôi, anh và con chuẩn bị ăn cơm không nguội hết.

(Một lát sau, tại bàn ăn trong bếp):

Chị Đan: Lê à, mẹ xin lỗi con nhé! Mẹ đã đăng bảng thành tích học tập của con lên facebook mà không hỏi ý kiến của con là chưa đúng! Hôm nay, bác Thu ở cơ quan đã giải thích cặn kẽ cho mẹ về quyền riêng tư của trẻ em. Lần sau mẹ sẽ không làm như vậy nữa nhé.

Lan: (cười cười): Vâng mẹ ạ, hôm qua con bị bạn bè trêu trọc nên cũng có những câu nói chưa đúng với mẹ.

Chị Đan: Nhưng mà con cũng phải hứa là có chuyện gì chưa hiểu hoặc khó khăn thì con phải tâm sự với bố mẹ để bố mẹ biết và sẽ tìm cách giúp con, chứ con nhất định không được giữ một mình đâu đấy.

Lan: Vâng, vâng mẹ ạ, con hiểu rồi mà. Con cũng biết là bố mẹ tự hào về con, muốn mọi người ngợi khen nhưng tính con vốn không thích khoe khoang, mà hơn nữa con còn kỳ thi cấp 3 đầy khó khăn trước mắt phải “chinh phục” nữa cơ mẹ ạ.

Chị Đan: Ừ, ừ, mẹ hiểu mà!

Lê: (quay sang anh Hoàng): À mà cả bố nữa ạ! Bố cũng hứa là sẽ tôn trọng quyền riêng tư của con bố nhé.

Anh Hoàng (xoa đầu con âu yếm): Ừ, bố hứa rồi. Bố nghiêm chỉnh hứa với cô con gái rượu được chưa nào. Hôm nay, nói chuyện với cô giáo chủ nhiệm của con nên bố cũng hiểu được những điều đó rồi. Nhưng “quyền” cũng gắn liền với nghĩa vụ của con đối với cha mẹ đó nhé “bình rượu mơ quý” của bố.

Lê: Vâng, vâng con hiểu ạ!

Cả nhà vui vẻ ăn cơm với không khí thật đầm ấm và hạnh phúc.

Phạm Liên

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn