TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/01/2021 15:23

HÃY VÌ LỢI ÍCH CHUNG

Thưa cùng Quý vị!

Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động giữ gìn, phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái, cải thiện, phục hồi môi trường; khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên nhằm giữ môi trường trong lành.

Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn biến nghiêm trọng dẫn đến nhiều hệ lụy như biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mưa lũ thất thường, nước biển dâng cao… Luật Bảo vệ môi trường hiện hành năm 2014 quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; chính sách, biện pháp và nguồn lực để bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trong bảo vệ môi trường. Ngày 17/11/2020, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Bảo vệ môi trường thay thế cho Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

Môi trường có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, đồng thời có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hằng ngày của mỗi con người, do đó, mỗi cá nhân trong xã hội cần có trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường xung quanh mình bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Tiểu phẩm dưới đây với tên gọi “Hãy vì lợi ích chung” sẽ chuyển tải những thông điệp đó.

I. Nhân vật:

        - Ông Tiến: Chồng

- Bà Tân: Vợ

- Tuấn: Con trai.

II. Nội dung tiểu phẩm:

1. Tại quán nước nhỏ nhà ông Tiến

Sáng sớm, khi còn chưa tỏ mặt người, nhiều người còn đang ngon giấc bên những chiếc chăn ấm, ông Tiến đã thức dậy. Việc đầu tiên trong ngày của ông là hì hụi mang hai chiếc bếp than tổ ong ra đầu ngõ, chẻ củi nhóm lửa để đun nước bán hàng. Mấy hôm trước trời mưa, than bị ướt khó bắt lửa làm khói mù mịt. Ông vừa quạt bếp, vừa ho sặc sụa. Bên cạnh, bà Tân cũng đang lạch cạch rửa ấm tích, cốc chén và chuẩn bị những vật dụng cần thiết để bán hàng. Rửa xong, nhìn thấy thằng Tuấn ngủ ở giường kế bên vẫn chưa thức dậy, bà quay sang trách cứ cậu con trai.

Bà Tân (từ ngoài gọi với vào): Mày vẫn còn ngủ đấy à Tuấn? Không dậy đi phụ bố mày một tay dọn hàng rồi còn đi học. Mà việc tối qua mẹ dặn mày đã làm hay chưa? Cái bao bì đựng vỏ kẹo, bã mía với đống xỉ than, tối qua mẹ bảo mày đổ, mày đã mang đi đổ chưa con?

Tuấn (giọng ngái ngủ): Bọn con thanh niên lúc nào cũng cảm thấy thiếu ngủ mà mẹ. Hôm qua nhà mình dọn hàng muộn, hết giờ kẻng đổ rác, con chưa đổ được. Cứ để tạm vào góc vậy, chiều nay đi học về sớm con sẽ đem ra chỗ tập kết rác để đổ.

Mà mẹ không bảo bố, mới sáng sớm quạt than khói thế, ô nhiễm lắm. Con bảo mẹ rồi, nhà mình bớt chi tiêu những cái khác, đừng dùng bếp than tổ ong nữa, khói bụi ô nhiễm cho chính mình và những người xung quanh mẹ ạ.

Bà Tân (mắng ầm ĩ): À, mày lại còn “trứng khôn hơn vịt” à? Sao mày không mang rác ra sau sân vận động gần nhà mà vứt cho nhanh, sao phải đợi chiều với tối gì. Đầy người vẫn làm như thế đấy thôi. Còn việc nhà mình đốt than thế nào chẳng ảnh hưởng đến ai, phải tiết kiệm thì mới có thêm đồng cho mày ăn học đó con ạ.

Tuấn bước ra khỏi giường, vừa gấp chăn màn, vừa nói:

Tuấn: Vâng! Con cũng biết là bố mẹ không có lương hưu và còn vất vả vì anh em con đang ăn học. Nhưng ngoài giờ học, con cũng đi gia sư để phụ giúp thêm kinh tế với bố mẹ đó chứ. Còn rác cứ để chiều con mang đổ đúng nơi quy định, nếu ai cũng mang rác ra vứt sau sân vận động thì chẳng mấy sẽ biến nơi đó thành bãi rác công cộng mẹ ạ. Cô giáo con bảo phải biết bảo vệ môi trường, vì lợi ích chung của tất cả mọi người.

2. Vừa lúc đó, ông Tiến nhóm bếp xong. Bước vào nhà, nghe xong câu chuyện của hai mẹ con.

Ông Tiến: Con nó nói đúng đấy bà ạ. Chỉ tại mấy viên than này bị ướt hôm mưa nên nhóm bếp lâu cháy quá. Tôi phải quạt mỏi cả tay. Đúng là khói quá, tôi cũng không chịu nổi (Vừa nói ông vừa ôm ngực ho sù sụ). Có khi nhà mình đã đến lúc phải tính thêm cách khác, không dùng bếp than tổ ong nữa bà ạ!

Bà Tân: Ơ, ơ… Hôm nay ông lạ thế! Nhà mình vẫn dùng bếp than tổ ong bao lâu nay có sao đâu mà tự nhiên ông lại bảo thay đổi.

Ông Tiến (nói với con): Chiều đi học về, con lấy xe đạp chở bao rác ra chỗ tập kết rác của khu mà bỏ. Tối hôm nọ, bố đi họp tổ dân phố đã ký bản cam kết, năm nay phường ta phát động phong trào bảo vệ môi trường bằng các hoạt động tích cực cụ thể để giữ cho môi trường trong lành, sạch đẹp đó con.

(Rồi quay sang bà Tân): Tôi còn nhớ anh cán bộ phường phổ biến là theo quy định tại Điều 81 Luật Bảo vệ môi trường thì mọi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh nơi công cộng; phân loại, chuyển rác thải vào thùng chứa rác công cộng hoặc đúng nơi quy định tập trung rác thải; không để vật nuôi gây mất vệ sinh nơi công cộng.

Tuấn: (lấy từ trong túi ra một tờ gấp pháp luật): Đây mẹ ạ! Tờ gấp pháp luật này do Sở Tư pháp phát hành miễn phí tại trường con về Luật Bảo vệ môi trường mà bố con vừa nhắc đến đó còn nhiều quy định cụ thể hơn, con đọc cho mẹ nghe nhé:

Điều 82. Yêu cầu bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình: Giảm thiểu, phân loại tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đến đúng nơi quy định; Giảm thiểu, xử lý và xả nước thải sinh hoạt đúng nơi quy định; Không được phát tán khí thải, gây tiếng ồn, độ rung và tác động khác vượt quá quy chuẩn kỹ thuật môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng dân cư xung quanh; Nộp đủ và đúng thời hạn phí bảo vệ môi trường; chi trả cho dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định của pháp luật; Tham gia hoạt động bảo vệ môi trường công cộng và tại khu dân cư; Có công trình vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh, an toàn”…

Nhà mình hàng ngày cứ nhóm bếp than gây khói mù mịt như sáng nay cũng và vi phạm pháp luật đấy. Mà nếu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng thì có thể bị xử lý hành chính đó mẹ!

  Bà Tân (mắng yêu con): À, dạo này anh đi học nhiều chữ quá lại còn mang ra dọa mẹ nữa à?

Tuấn: Không phải dọa đâu mẹ ơi! Là pháp luật của nhà nước ta quy định cụ thể đó, chẳng qua mình không tìm hiểu thì không biết thôi. Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đã quy định rất chi tiết. Mọi hành vi vi phạm của cá nhân hay tổ chức, tùy theo mức độ vi phạm đều có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt rất cao. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với cá nhân cho một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng và mức phạt đó tăng gấp đối đối với tổ chức đó.

Bà Tân:Con nói sao, mức phạt đối với cá nhân cao nhất đến 1 tỷ đồng kia á?

Tuấn: Vâng, đúng đó mẹ ạ! Chưa kể, ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân hay tổ chức vi phạm còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường đã bị ô nhiễm; Buộc tháo dỡ hoặc di dời cây trồng, công trình, phần công trình xây dựng trái quy định về bảo vệ môi trường; buộc tháo dỡ công trình, trại chăn nuôi, khu nuôi trồng thủy sản, nhà ở, lán trại xây dựng trái phép trong khu bảo tồn… Thậm chí, nếu người nào có hành vi vi phạm các quy định pháp luật về môi trường mà gây hậu quả nghiêm trọng thì theo Bộ luật Hình sự có khi còn phải đi tù nữa đây chứ…

Mà con còn xem trên chương trình Thời sự tối qua, Nhà nước ta mới ban hành Luật Bảo vệ môi trường mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022 với nhiều quy định còn nghiêm khắc hơn, mức phạt còn cao hơn hiện nay nữa đó mẹ ạ!

 Bà Tân:Thôi được rồi, mẹ hiểu rồi! À, mà sao con biết những điều đó?

 Tuấn: Thì con được học ở trường, ở lớp mà mẹ! Bọn con còn tham gia vào hoạt động “Ngày chủ nhật xanh”, rồi chiến dịch “Hãy làm sạch biển” đấy mẹ ạ! Những ngày đó, chúng con sẽ cùng nhau tham gia dọn vệ sinh ở một điểm công cộng nào đó. Bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Đó cũng không phải những điều xa xôi đâu mẹ bởi nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chúng ta. Thế giới người ta còn có riêng một ngày gọi là “Ngày môi trường thế giới”, tức là ngày 5 tháng 6 hàng năm đấy mẹ để vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi người trên Trái Đất đó!

  Ông Tiến: Thỉnh thoảng trong chương trình pháp luật phát trên loa của phường, người ta vẫn phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình, tổ chức tham gia bảo vệ môi trường, bà không để ý đấy thôi.

Bà Tân: Thì ông xem, tôi suốt ngày bận rộn có lúc nào mà để ý.

Tuấn (cười, trêu mẹ): Mẹ thì chỉ để ý xem hôm nay bán được bao nhiêu hàng, bao nhiêu tiền thôi….

Bà Tân (nhìn sang con mắng yêu): Cha bố anh, thì mẹ cũng lo cho gia đình mình thôi… Mà, bố con ông nói vậy tôi cũng hiểu rồi. Tôi sẽ đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; không dùng bếp than tổ ong gây ô nhiễm môi trường là được chứ gì. Tôi lạc hậu không tìm hiểu nên thua hai bố con ông rồi. Thôi, tôi đi chuẩn bị bữa sáng đây để thằng Tuấn còn đi học.

Lát sau, chỉ nghe thấy trong nhà tiếng chuyện trò, cười đùa thật rôm rả. Vừa lúc đó, chiếc loa phóng thanh ở phường vang lên một bài hát chào ngày mới với giai điệu mượt mà “Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, có sạch đẹp mãi được không, điều đó tùy thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn mà thôi”…

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn