TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/01/2021 14:37

MÙA XUÂN ĐẾN SỚM

 

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Luật Bình đẳng giới được Quốc hội ban hành năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2007. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ; đồng thời thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Gia đình là một trong những thiết chế cơ bản của xã hội. Cùng với sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội, vai trò và địa vị của người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, định kiến giới và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại không ít trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Ở khu vực nông thôn hay vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người phụ nữ ít có cơ hội để học tập, nâng cao trình độ hay tham gia các hoạt động xã hội; thời gian làm việc trong ngày khá dài cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của họ.

Để tiến tới bình đẳng giới một cách thực chất giữa nam và nữ, hãy thực hiện sự bình đẳng qua việc tôn trọng, lắng nghe, yêu thương, thấu hiểu ngay từ chính mỗi nếp nhà. Trong gia đình, vợ chồng thương yêu, tôn trọng lẫn nhau thì con cái mới được chăm sóc đầy đủ và cảm nhận được sự ấm êm, hạnh phúc. Bản thân mỗi người phụ nữ cũng cần tự học hỏi, tìm hiểu để nâng cao hiểu biết, nhận thức của chính bản thân mình trong công tác bình đẳng giới. Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Mùa xuân đến sớm” sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về điều đó.

I. Nhân vật:

- Chị Hưng: chồng

- Chị Hà: vợ

- Bác Minh: Trưởng thôn.

II. Nội dung tiểu phẩm:

1. Anh Hưng và chị Hà lấy nhau được 8 năm và đã có với nhau 4 mặt con. Lúc đầu chị Hà cũng chỉ định đẻ 2 con để có điều kiện chăm nom, dạy dỗ các con. Nhưng hai con đều là con gái mà chồng chị lại “độc đinh” nên gia đình vừa động viên vừa gây “áp lực” để chị cố tý con trai “nối dõi tông đường”. Được cái “ông trời” cũng thương nên khi chị mang thai lần thứ ba là song thai, chị đẻ sinh đôi hai đứa con trai. Ai cũng mừng cho chị “thêm con, thêm của”. Vui đấy nhưng rồi cũng lo đấy. Đứa lớn nhất mới 6 tuổi, đứa thứ thứ hai 4 tuổi, lại thêm hai đứa em mới lẫm chẫm biết đi. Gia đình chủ yếu sống bằng nghề nông với đàn con lít nhít, “trứng gà, trứng vịt” nên kinh tế cũng khó khăn.

Năm nay, đứa con gái lớn đã đến tuổi vào lớp 1. Mọi nhà đã rục rịch chuẩn bị cho con đi học. Chị nói chuyện với anh thì anh cứ ừ hữ, lần nữa. Anh còn bảo: “Nhà mình còn nghèo, con gái lớn lên cũng đi lấy chồng nên không cần học hành làm gì, bé thì ở nhà trông các em, phụ giúp việc vặt cho bố mẹ, cứ từ từ rồi tính”... Chị Hà thương con lắm nhưng cũng chưa biết làm gì hơn vì mọi việc trong nhà xưa nay đều do anh quyết định.

Sáng nay, sau khi mang chỗ rau nhà trồng vừa thu hoạch được ra chợ bán, cũng thêm được ít tiền những lúc nông nhàn, chị vội vã trở về nhà với các con. Về đến cửa, chị thấy chồng mình đang nói chuyện với một người đàn ông lạ mặt. Khi khách ra về, chị hỏi chồng:

Chị Hà: Ông khách vừa nãy là ai vậy mình?

Anh Hưng: À! Đấy là ông Vui ở thị trấn là người chuyên buôn bán bất động sản.

Chị Hà: Mà ông ấy vào nhà mình có việc gì không mình?

Anh Hưng: Chuyện là thế này, tôi định bán bán mảnh vườn để lấy vốn làm ăn. Cũng sắp Tết rồi, chú Tuấn rủ tôi lên miền ngược mua hàng khô về bán kiếm tý lời, chứ quanh năm suốt tháng “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời” mà khó khăn vẫn cứ khó mãi vậy thôi.

Chị Hà (Nghe chồng nói vậy, chị đã bủn rủn cả tay chân, chị bảo): Bố nó xem thế nào chứ việc buôn bán, mình có quen đâu. Tôi chỉ lo lời lãi đâu không thấy, khéo lại mất đất, mất vườn. Mà có mảnh vườn, mỗi năm nhà mình còn có mấy vụ rau, cũng có ít tiền thêm vào cho các con mình ạ!

Anh Hưng (xẵng giọng): Đàn bà biết gì mà ý kiến. Chưa làm đã gàn, bực cả mình! Xuống bếp lo cơm nước đi!

 Chị Hà tủi thân, khóc nấc lên.

2. Vừa lúc đó, có tiếng bác Minh ở ngoài cổng.

Bác Minh: Nhà có chuyện gì mà ồn ào vậy?

Chị Hà: Dạ, cháu chào bác! Cháu mời bác vào nhà chơi, uống nước.

Thấy bác Minh, chị Hà mừng quá. Bác vừa là bác họ của anh Tân lại vừa là trưởng thôn. Trước đây, bác là “cán bộ” làm ở Ủy ban xã. Từ khi về nghỉ hưu, bác lại tham gia công việc của thôn. Bác rất có uy tín trong dòng họ và thôn, xóm nên ai cũng quý mến, nể phục. Chị Hà vội kể cho bác Minh nghe chuyện chồng mình định bán mảnh vườn mà không hề hỏi han, bàn bạc với chị. Khi chị có ý kiến thì anh lại quát nạt. Anh cho rằng trong gia đình, mọi chuyện lớn, chuyện nhỏ đều do người người chồng quyết định, là vợ phải nghe lời chồng, chỉ cần chăm nom gia đình, con cái là được.

Nghe xong câu chuyện, bác Minh nhấp ngụm trà, chậm rãi nói nói:

Bác Minh: Chú Hưng ạ, bây giờ nam, nữ bình quyền, cả nam và nữ đều có vị trí, vai trò ngang nhau trong đời sống xã hội cũng như gia đình. Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của Nhà nước ta đã quy định tại Điều 26: Công dân nam nữ bình đẳng về mọi mặt; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội; Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”…

Luật Bình đẳng giới cũng quy định: Bình đẳng giới là mối quan hệ không có sự phân biệt đối xử với phụ nữ, ở đó phụ nữ và nam giới có vị trí, vai trò, được đối xử và được thụ hưởng ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình...

  Cô Hà là vợ của chú nên cô ấy có quyền cùng với chú bàn bạc, quyết định các công việc của gia đình. Điều 18 của Luật Bình đẳng giới đã nêu: “Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình”. Mảnh vườn là tài sản chung của hai vợ chồng cô chú, nên cô Hà có quyền nêu ý kiến. Hai vợ chồng nên cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận trên cơ sở tôn trọng ý kiến của nhau để đi đến quyết định cuối cùng làm sao có lợi nhất cho gia đình. Mà tuần trước xã ta mới tổ chức Hội nghị phổ biến về Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đấy. Các anh, chị trên thành phố về tuyên truyền hay lắm. Lần sau, chú cố gắng đi dự sẽ sáng tỏ thêm nhiều điều đó.

Anh Hưng (thủng thẳng): Vâng, bác nói thế thì cháu cũng biết thế chứ các cụ nhà ta đã chẳng dạy “Thuyền theo lái, gái theo chồng” đó thôi. Trong gia đình, việc lớn, việc nhỏ trong nhà phải do chồng quyết định chứ!

Bác Minh (giọng ôn tồn): Chú Hưng ạ, những điều tôi vừa nói với chú đều dựa trên quy định pháp luật của Nhà nước ta đó. Ngoài Hiến pháp, Luật Bình đẳng giới, còn rất nhiều các văn bản khác quy định khác về vấn đề này, như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình... Pháp luật còn quy định rõ nếu chú cứ tự ý bán mảnh vườn mà cô Hà không đồng ý thì cô ấy còn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố việc mua bán đó là vô hiệu nữa đấy.

Anh Hưng: “Vô hiệu” nghĩa là việc mua bán đó không có giá trị hả bác?

Bác Minh: Chú cứ hiểu nôm na, dân dã thế cũng đúng.

Anh Hưng (dịu giọng): Vậy mà từ trước đến giờ, cháu cứ ngỡ… Thôi, để vợ chồng cháu bàn bạc lại chuyện đất cát xem thế nào cho phù hợp nhất. Mà hôm nay bác sang nhà cháu chơi hay có việc gì nữa ạ?

Bác Minh: Tôi sang chơi thăm các cháu và cũng để hỏi cô, chú xem vì sao không cho con bé Hồng đến trường?

Anh Hưng (gãi đầu, lúng túng): Bác cũng biết hoàn cảnh nhà cháu rồi đấy. Nhà thì đông con, kinh tế khó khăn quá. Năm nay lại thêm dịch bệnh Covid, cháu có nhận được việc gì làm thêm đâu bác. Cả nhà trông vào mấy thửa ruộng nên bấn bí quá bác ạ. Bây giờ mà cho con đi học nữa thì lấy đâu tiền đóng góp. Hơn nữa, con gái lớn lên đằng nào chả đi lấy chồng hả bác.

Bác Minh: Chú nghĩ vậy lại không đúng rồi. Luật Trẻ em đã quy định tới 25 nhóm quyền của trẻ em, trong đó có những quyền hết sức cơ bản đó là quyền sống (được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển); quyền được chăm sóc sức khỏe (được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh); rồi quyền được giáo dục, học tập và phát triển (trẻ em có quyền và bình đẳng về cơ hội được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân)…

Việc cô, chú không cho con đi học là đã vi phạm các quy định pháp luật về quyền của trẻ em đó. Đồng thời, chú cũng cần thay đổi ngay tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, thay đổi cách suy nghĩ về việc con gái không cần đi học. Suy nghĩ đó đã xưa cũ, lỗi thời không còn phù hợp với xã hội ngày nay đâu chú ạ. Con gái hay con trai cũng do mình sinh ra, nuôi dạy đúng con sẽ nên người. Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái. Điều 18 Luật Bình đẳng giới của Nhà nước ta quy định rõ: “Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục và tạo điều kiện như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển”. Hơn nữa, học phí của các cháu đều được Nhà nước miễn phí nên cô, chú không phải lo vì hoàn cảnh kinh tế gia đình.

Anh Hưng: Thật vậy hả bác? Thế mà cháu cứ lo không có đủ tiền nếu cho các con đi học. Nghe bác phân tích, cháu cũng thấy sáng tỏ ra nhiều.

Bác Minh: Chú Hưng à, hôm nay có cả vợ, chồng cô chú ở đây, tôi cũng muốn nói thêm với chú nên thay đổi cách suy nghĩ, đừng coi nhẹ vai trò của người phụ nữ, người vợ trong gia đình. Họ là người “giữ lửa” trong gia đình đó chú. Cô Hà cũng đóng góp công sức với gia đình có kém gì chú đâu. Suốt từ sáng đến tối lo việc đồng áng rồi lại lo nội trợ, chăm sóc con cái, tôi thấy lúc nào cô ấy cũng luôn chân luôn tay, có phải vậy không?

Nghe bác nói, anh Hưng lúng túng gật đầu. Chị Hà cảm động cúi xuống chớp chớp mắt, giữ cho nước mắt không trào ra.

 (Quay sang chị Hà, bác Minh chậm rãi nói tiếp): Còn cô Hà, bác biết cháu là người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó, yêu chồng, thương con. Điều đó thì rất đáng quý rồi nhưng cháu cũng phải thay đổi suy nghĩ của mình cháu ạ. Phải thấy được vai trò của mình, biết được quyền của mình trong gia đình. Mình có quyền có ý kiến trong các công việc gia đình, không nên nghe theo sự mọi sự áp đặt của chồng nếu điều đó chưa hợp lý. Hội Phụ nữ xã ta cũng có nhiều chương trình hay lắm. Việc tham gia vào Hội vừa tạo điều kiện cho chị, em vay vốn làm ăn vừa mở mang tầm hiểu biết của mình cháu ạ. Hai vợ, chồng phải cùng vun vén, phải cùng nhìn về một phía thì giữ được hạnh phúc thực sự bền lâu các cháu ạ! 

Hai vợ chồng nhìn bác đầy biết ơn. Hình như không khí gần Tết đã rộn ràng, nao nức ở quanh đây…

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn