TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/01/2021 14:42

MÁY TÍNH HAY XE ĐẠP ĐIỆN?

 

 

 Thưa cùng quý vị!

Theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, con cái có quyền có tài sản riêng nhưng không phải bậc cha, mẹ nào cũng nắm rõ quy định này.

 Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con. Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập. Con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình theo quy định. Tuy nhiên, do con chưa thành niên là người chưa hoàn toàn trưởng thành về tâm, sinh lý nên rất cần sự quản lý, hướng dẫn của cha, mẹ hoặc người giám hộ để các em có điều kiện phát triển một cách tốt nhất. Tiểu phẩm pháp luật “Máy tính hay xe đạp điện?” dưới đây sẽ gửi tới Quý vị những thông tin pháp luật liên quan đến việc quản lý tài sản của con chưa thành niên.

I. Nhân vật:

- Ông Huy: Bố

- Bà Hạnh: Mẹ

- Hoàng: cậu con trai

- Hải: anh họ của Huy

- Cô Diệp: chủ cửa hàng bán xe đạp điện.

II. Nội dung tiểu phẩm:

1. Ở cửa hàng bán xe đạp điện

 Ông Huy đến chơi nhà một người bạn thân. Bạn ông đang có ý định đi mua chiếc xe máy nên hai ông rủ nhau qua cửa hàng bán xe trên huyện cùng xem. Vừa vào đến cửa hàng, ông nhìn sau thấy dáng ai quen quen. Nhìn kỹ đúng là thằng Hoàng con ông cũng đang ở đó. Ông không gọi con ngay mà đứng ngoài quan sát, nghe cuộc nói chuyện của con và người bán xe.

Diệp: Xe màu này đẹp cháu này, năm nay đang là mốt đó, cô bán kiểu này chạy lắm.

Hoàng: Cháu thích cái màu xanh dương kia hơn. Xe này giá bao nhiêu hả cô?

Diệp: Xe màu bạc này thì 12 triệu, xe màu xanh dương thì 10 triệu.

Hoàng: (Vừa lúc Hoàng quay ra nhìn thấy bố, tỏ vẻ ngạc nhiên): Ơ, bố cũng ở đây à? Con chào bố!

Ông Huy: Con làm gì ở đây thế?

Hoàng: Con đang định xem cái xe đạp điện nào đẹp thì mua.

Ông Huy: Ơ, tiền đâu ra mà con mua xe?

Hoàng: Thì tiền cô Hằng cho con từ Tết lúc cô về Việt Nam thăm gia đình mình đấy bố.

Thì ra số tiền đó có được là do dịp Tết năm trước cô em gái ông từ nước ngoài về Việt Nam ăn tết, biết con ông thi học sinh giỏi được giải Nhì môn tiếng Anh cấp huyện nên cô thưởng “nóng” cho con 10 triệu. Ông đã dặn vợ cất đi cho con. Ông định để cho con lên cấp 3 thì mua cho nó cái xe đạp mới hoặc cái máy tính để học hành. Vậy mà không hiểu sao vợ ông lại đưa cho con số tiền đó.

Ông Huy: Tiền ấy con không thể tùy ý mua cái gì cũng được. Mua xe là tài sản có giá trị lớn. Dù con có mua chăng nữa thì trước khi mua, con cũng cần hỏi ý kiến của bố mẹ. Mà bố nhớ đã dặn mẹ con cầm tiền đó rồi cơ mà?

Hoàng: Tiền mẹ cầm hộ thôi, chứ cô cho con là của con mà. Con muốn mua xe để đi chứ có mua gì linh tinh đâu. Con đi cái xe đạp cào cào đã mấy năm nay, bạn bè con nó cười cho.

Ông Huy: Về nhà ngay, không có mua, bán gì hết. Mua bán gì cũng phải hỏi ý kiến bố mẹ chứ!

Cô Diệp: Tiền riêng của nó, nó muốn mua gì thì bố mẹ cũng không cấm được đâu ông anh ạ!

Ông Huy (cáu kỉnh): Cô không phải xui dại nó. Chuyện nhà tôi, để tôi tự giải quyết.

Cô Diệp: Làm gì cáu thế ông anh. Cháu nó 16 tuổi rồi. Pháp luật quy định là nó được tự định đoạt tài sản riêng của nó đấy.

Ông Tòa: Cô nói vậy nhưng ở nhà tôi, bất kể việc gì hay con cái muốn mua gì cũng phải hỏi ý kiến bố mẹ.

Cô Diệp: Tùy bố, con anh thôi!

Hoàng ( chút hậm hực): Bố thật

Ông Huy: Không nói nhiều, lên xe đi về nhà mau lên.

2. Thấy hai bố con cùng về nhà cùng lúc, bà Hạnh trong nhà gọi với ra:

Bà Hạnh: Hai bố con gặp nhau trên đường rồi về cùng về à?

Ông Huy (bực bội): Hai mẹ con bà không bàn bạc gì với tôi, sao bà lại cho con tự ý mua xe?

Bà Hạnh (ngạc nhiên): Mua xe nào?

Hoàng: Con định mua xe đạp điện nhưng bố không cho mua.

Bà Hạnh: Con lấy tiền đâu ra mà mua?

Hoàng: Tiền cô Hằng cho con hồi Tết, mẹ bảo mẹ giữ hộ con đó mẹ.

Bà Hạnh ngớ người ra. Đúng là số tiền đó cô nó cho, ông dặn bà cất đi cho con. Bà đã để riêng vào góc tủ cho khỏi tiêu “lẹm” vào của con, rồi cứ bận việc nọ, mải việc kia nên cũng quên bẵng đi.

Bà Hạnh: Sao con định mua xe mà không bảo với bố mẹ?

Ông Huy vào nhà uống hớp nước chè, rồi nói vọng ra sân:

Ông Huy: Bà cất tiền đó đi. Không có mua, bán gì cả. Để sang năm lên cấp 3, bố sẽ mua cho cái xe đạp khác. Đừng có mà đua đòi. Xe đạp điện đi khác gì xe máy, nguy hiểm lắm. Nếu không thích mua xe đạp mới thì mua dàn máy tính mà phục vụ học tập.

Hoàng: Tiền cô Hạnh cho riêng con, bố mẹ cho con sử dụng chứ.

Bà Hạnh: Con nghe bố mẹ, khi nào con đủ lớn…

Ông Huy: Không cần nói lằng nhằng, tôi cấm bà đưa tiền cho nó, cứ để đấy hẵng.

Hoàng: Con muốn mua xe đạp điện. Cô bán xe nói con có quyền dùng tiền của con mua xe.

Ông Huy: Bố, mẹ nói thì không nghe, toàn nghe người ngoài chợ.

Bà Hạnh biết tính chồng, bình thường thì rất hiền nhưng một khi đã cục lên thì có thể vác gậy đánh con. Bà liền can ngăn.

Bà Hạnh: Thôi, thôi, tôi xin hai bố con ông. Có gì cứ từ từ rồi nói. Mua máy tính cũng tốt, mà mua xe đạp điện cũng được. Xem cái nào cần thiết hơn thì mua trước.

Hoàng: Mua máy tính lại phải nối mạng Internet, mỗi tháng lại tốn thêm bao tiền. Bố thì còn lâu mới cho lắp mạng, thế thì mua làm gì.

Ông Huy (quay sang bà Hạnh): Bà chỉ được cái ba phải... (Rồi quay sang con): Mày dám cãi tay đôi với bố thế à?

Hoàng: Con không có…

3.Vừa lúc ấy, có anh Hải gọi ông Huy bằng chú ruột sang nhà.

Anh Hải: Cô Hạnh, chú Huy có nhà không ạ?

Bà Hạnh: Ai đấy? Thằng Hải đấy à, vào nhà đi cháu!

Anh Hải: Bố cháu bảo cháu sang nhà mượn cô chú cái thang về để thay cái bóng đèn mới bị hỏng.

Ông Huy: À, anh sinh viên đại học mới về thăm bố mẹ đấy à? May quá, vào đây, vào đây đã. Chú có chuyện đang muốn hỏi anh đây. Mày học trên trường Luật Hà Nội con nhỉ?

Anh Hải: Dạ vâng chú. Nhà mình ăn cơm chưa ạ?

Bà Hạnh: đang nấu cơm còn bố con thằng Hoàng nói chuyện mà cứ ầm ĩ hết cả nhà lên.

Anh Hải: Có chuyện gì thế ạ?

Ông Huy (chậm rãi kể lại câu chuyện với anh Hải, xong ông bảo): Tiền cô nó cho nó nhưng giá trị lớn thì bố mẹ quản lý chứ đưa cho nó làm sao được phải không cháu?

Anh Hải (cười): Cháu hiểu câu chuyện rồi. Chú nghĩ thế, nhưng đấy là nếp nghĩ ở nhà mình thôi. Theo quy định của pháp luật thì em nó có quyền có tài sản riêng đấy.

Ông Huy: Tài sản riêng là riêng thế nào? Trên 18 tuổi mới có quyền có tài sản riêng chứ?

Anh Hải: Để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của trẻ chưa thành niên trong gia đình, pháp luật quy định người con có quyền có tài sản riêng. Em Hoàng ở cùng với bố mẹ ruột là cô, chú thì không nói, nhưng trong trường hợp bố, mẹ ly hôn hay có chồng mới, vợ mới, đứa trẻ phải có quyền có tài sản chứ ạ.

Bà Hạnh: Đúng rồi, chẳng hạn như mẹ mất, bố lấy vợ mới, con ở với mẹ kế, tài sản của mẹ nó để lại nó phải được hưởng chứ, không cho con có tài sản riêng thì ra đường ở là cái chắc.

Ông Huy (quay sang lườm sang vợ): Cái tính lanh chanh, lắm điều của bà mãi không sửa được.

Anh Hải:  Thưa cô chú, Luật Hôn nhân và Gia đình quy định thế này ạ: Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.

Ông Huy: Cứ coi như con có quyền có tài sản riêng đi. Thế bố, mẹ không có quyền gì à? Con có tài sản riêng nó muốn làm gì thì làm à?

Anh Hải: Không phải chú ạ! Khoản 2, Điều 77 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định: Cha, mẹ có quyền quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

Ông Huy: Thằng Hoàng nhà mình 16 tuổi rồi thì tiền cô nó cho riêng nó, cô chú phải đưa tiền cho nó à?

Anh Hải: Theo quy định của luật thì đúng là như vậy ạ!

Ông Huy: Thế chả nhẽ nó được tặng số tiền lớn hơn, khoảng vài chục triệu  cũng đưa hết cho nó à? Rồi nó tiêu pha linh tinh thì sao?

Anh Hải: Thì pháp luật quy định cha, mẹ vẫn quyền quản lý tài sản của con chưa thành niên và còn quy định quyền sử dụng tài sản của con trong trường hợp đó nữa.

Bà Hạnh: Quản lý thì là cầm tiền, muốn tiêu gì thì tiêu còn gì!

Anh Hải: Không phải lúc nào cũng thế cô ạ!  Khi con chưa thành niên, Luật chia ra làm hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất là con dưới 15 tuổi và trường hợp thứ hai là con từ  đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi. Cha mẹ có quyền sử dụng tài sản riêng của con dưới 15 tuổi nhưng phải vì lợi ích của con; giả sử cô, chú sử dụng tài sản riêng của con để đi chơi lô, đề chẳng hạn thì không được. Nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên phải hỏi ý kiến con khi định đoạt tài sản riêng của con. Còn con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ  hoặc người giám hộ.

Ông Huy: Đấy, đấy! Thằng Hoàng nghe anh mày nói rõ chưa? Xe đạp điện phải đăng ký sở hữu, muốn mua phải được bố mẹ đồng ý bằng văn bản cơ con ạ!

Hoàng: Đâu bố, lớp con các bạn đi nhiều, có ai phải đăng ký đâu?

Ông Huy: Mày không biết, chứ tao thấy người ta mua đều có đăng ký, có biển số đàng hoàng.

Hoàng: Bố nhầm với xe máy điện rồi. Xe máy điện mới phải đăng ký biển số. Xe đạp điện không phải đăng ký đâu ạ!

Anh Hải: Em nó nói đúng đấy chú ạ! Người ta chỉ quy định phải đăng ký biển số với xe máy điện thôi.

Ông Huy: Dù thế thì chú cũng chưa đồng ý cho nó mua xe đạp điện.

Hoàng: Bố ơi, con học cuối cấp rồi, hôm nào cũng đạp xe cả đi và hơn 10 cây số, mệt ơi là mệt. Chưa kể, nhiều hôm con còn đi học thêm thì còn sức đâu mà học nữa.

Ông Huy: Ơ hay, ngày xưa bằng tuổi mày, tao đi học cũng gần chục cây số mà toàn đi bộ đấy, làm gì có xe đạp mà đi. Bây giờ nông thôn mới, đường nhựa thẳng tắp, nhẵn bóng mày còn kêu nỗi gì!

Bà Hạnh (cười): Ông cứ so điều kiện của con cái bây giờ với thời ông và tôi thì có mà so cả ngày. Con nó nói cũng có lý. Tôi nghĩ nên mua cho con nó cái xe đạp điện cho con đi học cũng được ông ạ.

Ông Huy: Bà chỉ được cái bênh con. Các cụ nói “con hư tại mẹ” cấm có sai câu nào!

Anh Hải (cười): Cháu thấy cũng phải, chứ đạp xe chả chục cây số thế mệt lắm. Em nó học giỏi thế, hay cô, chú đầu tư cả dàn máy tính với xe cho em nó cũng được.

Ông Huy (cười với Hải): Lại được cả anh cũng vào “hùa” với nó à? Thôi được rồi, lý luận thì làm sao tôi bằng anh cử nhân trường Luật được phải không anh Hải? Để lúc nào thuận tiện, tôi tìm chỗ phù hợp, tôi mua cho em nó cái xe mới là được chứ gì.

(Rồi quay sang Huy): Nhưng mà con cũng nên rút kinh nghiệm, có việc gì cũng nên trao đổi với bố mẹ một câu chứ không nên tự ý làm theo ý thích của mình nghe không?

Hoàng (lý nhí): Vâng, con nhớ rồi bố ạ! Lần sau con sẽ rút kinh nghiệm.

Bà Hạnh (nói với Hải): Thế mà lâu nay cô cứ nghĩ tài sản của con chưa thành niên đương nhiên là tài sản của bố mẹ cơ đấy.

Anh Hải: Vâng, nhiều người cũng nhầm thế đấy cô, chú ạ!

Cả nhà đều cười vang vui vẻ!

Phạm Liên

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn