TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 29/01/2021 15:23

BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG LAO ĐỘNG, VIỆC LÀM

Thưa cùng quý vị!

Bình đẳng, không phân biệt đối xử về “giới” nói chung và trong lao động nói riêng là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Tư tưởng đó đã được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật, như: Luật Bình đẳng giới, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em… Trong lĩnh vực lao động, hầu hết các quy định của Bộ luật Lao động đều được áp dụng chung cho cả hai giới nam và nữ. Bên cạnh đó, xuất phát từ những đặc điểm tự nhiên và xã hội đặc thù, Bộ luật Lao động cũng đã dành riêng một chương với những quy định đối với lao động nữ. Những quy định này đảm bảo quyền và lợi ích của phụ nữ khi tham gia thị trường lao động.

Luật Bình đẳng giới có riêng một điều luật quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, theo đó: “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác”…

Tiểu phẩm pháp luật “Bình đẳng giới trong lao động, việc làm” dưới đây sẽ gửi tới Quý vị những thông tin về điều đó.

I. Nhân vật:

- Anh Sơn: Chồng

- Chị Linh: Vợ

- Anh Hùng: Trưởng Văn phòng Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm.

- Chị Hà: Trưởng phòng nhân sự Công ty Công nghệ X.

 

   II. Nội dung tiểu phẩm:

    Anh Sơn và chị Linh kết hôn đã được 7-8 năm nay và có với nhau thằng cu Tít kháu khỉnh hơn 5 tuổi. Cả hai anh, chị đều là dân tỉnh lẻ về thành phố lập nghiệp. Bố mẹ hai bên lại ở xa, kinh tế cũng không mấy dư dả nên anh, chị xác định phải “thân lập thân”. Chưa có nhà riêng, hai người phải đi thuê nhà. Như mọi năm, tình hình kinh tế ổn định, vợ chồng anh thống nhất cả hai đi làm thì chỉ chi tiêu lương của một người, số còn lại dành dụm định để cuối năm vay mượn thêm rồi mua căn chung cư trả góp cho đỡ phải đi thuê nhà. Kế hoạch là vậy mà bỗng chốc phải thay đổi. Từ đầu năm nay, dịch bệnh Covid xuất hiện kéo dài, những lao động phổ thông như anh, chị đều gặp khó khăn. Anh không may thuộc đối tượng dôi dư phải nghỉ việc. Vợ anh vẫn đi làm nhưng thu nhập cũng giảm sút. Tất cả chi tiêu trong gia đình đều trông vào mỗi thu nhập của chị nên cũng bí bách. Anh đã đọc báo, đăng ký các vị trí tuyển dụng nhưng vẫn chưa đâu vào đâu cả…

          1.Tại căn nhà của anh Sơn, chị Linh

Cầm tờ báo trên tay, anh Sơn vừa chạy xuống bếp vừa gọi vợ: Em ơi! Em xem này, anh vừa thấy có thông tin tuyển công nhân phù hợp với anh này.

          Đang nấu cơm, nghe chồng gọi, chị Linh vội quay người lại, lau nhanh tay vào cái tạp dề rồi đón lấy tờ báo chồng đưa, chị đọc to thành tiếng:

 Công ty Công nghệ XYZ chuyên gia công lắp ráp linh kiện điện thoại cần tuyển công nhân, yêu cầu: Độ tuổi: 18-35 tuổi. Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp THCS trở lên. Tình trạng sức khỏe: Tốt. Người lao động sẽ được hưởng mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp và chế độ Bảo hiểm xã hội theo Bộ luật Lao động…

          Chị Linh (Ngẩng lên nhìn khuôn mặt đang tràn đầy hy vọng của chồng, rồi ngần ngừ): Nhưng anh ơi, anh không để ý à, họ ghi “chỉ tuyển lao động nữ

Anh Sơn (không đợi vợ nói hết câu, anh vội lấy tờ báo đọc lại rồi ngồi thừ xuống ghế, nét mặt buồn bã): Sao lại chỉ tuyển nữ nhỉ, nam giới làm vị trí này cũng làm tốt mà. Anh có thâm niên 07 năm làm công nhân lắp ráp linh kiện rồi. Sao họ không cho thử việc đã rồi hãy quyết định nhận hay không nhận? Sao lại có thể…

          Thấy chồng căng thẳng, chị Linh nhẹ nhàng động viên:

          - Còn nhiều việc phù hợp với năng lực và kinh nghiệm của anh mà. Mình cứ kiên nhẫn tìm kiếm nhất định sẽ tìm được việc làm như ý anh ạ!

          Nói rồi chị lại tiếp tục với công việc bếp núc, vừa làm chị vừa nghĩ thầm: Anh chị từ nông thôn ra thành phố này lập nghiệp cũng mấy năm rồi mà chưa có năm nào công việc lại khó khăn như năm nay. Nhưng rất nhanh chóng, chị tự động viên mình: Mọi việc chắc sẽ ổn thôi. Anh ấy đang sốt ruột thì mình phải làm “hậu phương” vững chắc để anh ấy yên tâm. Cứ ăn cơm nước hẵng rồi tính tiếp.

Chị Linh (vừa dọn cơm vừa gọi): Cu Tít xuống ăn cơm nào!

          Cu Tít nghe mẹ gọi thì chạy ào xuống bếp và hét to lên:Bố ơi, hôm nay mẹ đãi bố con mình món cánh gà rán này, con thích lắm!”.

          Chị Linh (ngồi vào mâm, gắp thức ăn cho chồng, con rồi dịu dàng nói): Vợ chồng mình chịu khó, chăm chỉ em tin là anh sẽ nhanh tìm được công việc phù hợp thôi. Anh đừng căng thẳng quá ảnh hưởng đến sức khỏe và làm cho mẹ con em lo lắng anh nhé!

          Mỉm cười trấn an vợ nhưng trong lòng Sơn vẫn đang rối như tơ vò. Chưa có giai đoạn nào mà công việc lại khó khăn với anh thế này. Cơm nước xong anh lại tiếp tục đọc báo, xem ti vi để tìm kiếm thông tin tuyển dụng. Có những công việc họ tuyển nam giới thì anh không đủ điều kiện; có những công việc phù hợp thì lại chỉ tuyển nữ. Suy nghĩ mãi, cuối cùng anh lên một kế hoạch, dự định phải tiến hành ngay trong ngày mai. Rồi giấc ngủ cũng đến với anh lúc nào không hay…

          2. Sáng dậy, anh Sơn quần áo chỉnh tề, ăn bát mỳ tôm vợ nấu xong, anh bảo vợ trước khi ra khỏi nhà:

          Anh Sơn: Chào em, anh đi xin việc đây.

Chị Linh (mỉm cười): Vâng, em chúc anh một ngày may mắn. Em cũng chuẩn bị cho cu Tít đi học để còn đến Công ty cho kịp giờ. Hôm nay em làm ca sáng.

Bước vào Văn phòng của Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm, anh Sơn gặp Trưởng Văn phòng, anh đi thẳng vào vấn đề:

          Anh Sơn: Chào anh! Tôi đang tìm việc làm và cần anh tư vấn giúp.

Anh Hùng (rót cốc nước mời khách và chậm rãi giới thiệu): Vâng, chào anh! Tôi là Lê Mạnh Hùng là người phụ trách việc đăng tuyển lao động cho các Công ty của Trung tâm. Anh cần tôi tư vấn nội dung gì?

          Anh Sơn (nhấp một ngụm nước, anh bắt đầu trình bày): Anh ạ, tôi là công nhân, hiện giờ tôi đang thất nghiệp. Lý do khiến tôi bị thất nghiệp là do tôi là nam giới mà những vị trí tôi ứng tuyển họ chỉ tuyển nữ giới. Tôi muốn hỏi anh xem các Công ty làm như vậy có đúng luật không?

Anh Hùng (nhìn thẳng vào mắt anh Sơn, trả lời): Ngoài một số công việc có tính chất đặc thù phải sử dụng lao động nữ thì doanh nghiệp có quyền tuyển dụng nữ giới. Còn các công việc khác khi tuyển dụng không được yêu cầu người ứng tuyển là nam hay nữ, vì như vậy là trái quy định của pháp luật.

          Anh Sơn (cảm thấy có chút hy vọng, anh giãi bày): Tôi có thâm niên 07 năm làm công nhân lắp ráp linh kiện rồi. Vậy mà đợt này đi xin việc, chỗ nào họ cũng nói chỉ tuyển nữ. Tôi hỏi lý do tại sao không tuyển nam thì họ chỉ trả lời không có nhu cầu.

          Anh Hùng (nhìn anh Thắng gật đầu): Đúng thế anh ạ! Cũng có vài trường hợp đến đây nhờ chúng tôi tư vấn về vấn đề này rồi. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Trước đây, các doanh nghiệp hay thích tuyển nam. Nhưng thời gian gần đây có xu hướng ngược lại. Nhiều doanh nghiệp họ không nhận lao động nam vì quá trình quản lý lao động họ nhận thấy lao động nữ có tính kỷ luật cao, chịu khó, tỉ mỉ hơn, trong khi đó, các lao động nam ít chịu khó hơn mà lại hay quậy phá, đánh nhau. Khi điều kiện tuyển dụng chỉ dành cho một giới nào đó có nghĩa là tước bỏ mất cơ hội làm việc của người lao động giới còn lại.

          Anh Sơn (nhổm người lên nói): Như vậy là không công bằng, có phải lao động nam nào cũng quậy phá, gây gổ đâu. Rất nhiều người đàng hoàng mà anh

          Anh Hùng (ngắt lời): Vâng, anh nói đúng. Đấy chỉ là một số doanh nghiệp có quan niệm như vậy chứ không phải tất cả anh nhé! Những doanh nghiệp khác vẫn làm đúng quy định của pháp luật. Là do anh chưa có duyên gặp họ hoặc trong thời điểm này họ không có nhu cầu tuyển dụng lao động mà thôi…

          Anh Sơn (giọng sốt ruột): Như anh vừa nói, doanh nghiệp phải tuyển dụng cả nam và nữ đối với những công việc không có tính chất đặc thù. Nhưng nếu họ vẫn không tuyển nam thì tôi phải làm thế nào?

          Anh Hùng (nhẹ nhàng giải thích): Tôi rất thông cảm với anh. Quy định của pháp luật là áp dụng cho toàn xã hội, ai thuộc đối tượng điều chỉnh của quy định pháp luật nào thì phải nghiêm chỉnh chấp hành. Đây, anh xem nhé:

          Vừa nói anh Hùng vừa giở tập sách trên mặt bàn:

Khoản 1 Điều 35 Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ: Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Khoản 1 Điều 7 Luật Bình đẳng giới năm 2006 cũng quy định: “Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển; đây nữa anh nhé, khoản 1 Điều 13 có nêu: “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về việc làm, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, điều kiện lao động và các điều kiện làm việc khác”. Bộ luật Lao động xác định:Bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới” và “Cấm phân biệt đối xử về giới tính”…

Anh Hùng (Dừng lại một lát rồi nói tiếp): Anh thấy đấy, có rất nhiều quy định về bình đẳng giới trong lao động, việc làm. Có điều các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng và đủ, cũng vì lợi ích của doanh nghiệp mà họ làm thế thôi.

Anh Sơn (Gương mặt trông đã dễ chịu hơn rất nhiều, anh tươi cười nói): Cảm ơn anh đã cho tôi hiểu biết thêm các quy định của pháp luật. Khi biết được những quy định như anh vừa nói thì tôi có đủ tự tin để đi xin việc rồi. Tiện đây, cho tôi hỏi thêm mới đây có Công ty nào trên địa bàn thành phố ta đang tuyển dụng lao động không ạ?

          Anh Hùng: Có đấy anh ạ! Một số công ty vừa mới gửi Thông báo tuyển dụng về Trung tâm chiều hôm qua. Tôi đã dán ở bảng Thông báo ngoài kia, anh ra xem có vị trí nào phù hợp với mình thì nộp hồ sơ sớm nhé!

          Anh Sơn: Vâng, vâng, tôi cảm ơn anh ạ!

          Anh Sơn ra bảng thông báo của Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm xem các thông báo tuyển lao động. Nhưng hầu như công việc không phù hợp với anh, chủ yếu vẫn là tuyển công nhân may, vì vậy anh đành ra về. Tuy nhiên, trong lòng anh ngập tràn niềm tin, anh nghĩ mình sẽ xin được việc trong thời gian sớm nhất.

3. Tại phòng nhân sự của Công ty Công nghệ X

Cầm hồ sơ xin việc trong tay, anh Sơn tự tin bước vào phòng Nhân sự của Công ty Công nghệ X, gặp chị Trưởng phòng, anh trình bày ngay:

          Anh Sơn: Chào chị! Tôi đọc được thông tin tuyển dụng lao động của Công ty trên báo. Hôm nay tôi đến nộp hồ sơ và hy vọng được tuyển dụng vào làm việc cho Công ty. Với kinh nghiệm 07 năm làm lắp ráp linh kiện, tôi sẽ cố gắng để không làm Công ty thất vọng.

Chị Ngân (Chờ anh Thắng trình bày xong, chị xem nhanh hồ sơ của anh và nhẹ nhàng nói): Đúng là Công ty đang đang tuyển lao động cho vị trí lắp ráp linh kiện. Mặc dù hồ sơ của anh rất ấn tượng, anh là người có kinh nghiệm, thời gian lao động cũng đã được Công ty trước xác nhận…

Ngập ngừng một lát chị Trưởng phòng nhân sự nói tiếp: Nhưng mong anh thông cảm, vị trí này chúng tôi chỉ tuyển lao động nữ.

          Anh Sơn: (Do đã có sự chuẩn bị từ trước nên anh tiếp tục trình bày rõ ràng, rành mạch): Vâng, tôi cũng đã đọc điều đó trong thông tin tuyển lao động. Nhưng thưa chị, quy định của pháp luật Việt Nam không cho phép phân biệt lao động nam và lao động nữ, trừ một số vị trí công việc đặc thù. Tôi thấy công việc lắp ráp linh kiện là công việc phổ thông, dù nam hay nữ cũng đều làm được, miễn là họ có năng lực đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động thôi chị ạ!

Trưởng phòng nhân sự biết rất rõ điều này, nhưng để có lợi cho Công ty nên vẫn Thông báo tuyển dụng lao động nữ. Nếu người lao động đã biết thì cũng không thể nói dối họ được, nghĩ vậy chị nói: Tôi không có quyền quyết định tuyển dụng lao động nên chưa thể trả lời anh ngay được. Anh để lại hồ sơ, tôi sẽ trình Ban Giám đốc. Kết quả thế nào, tôi sẽ báo cho anh sau 3 ngày. Nếu anh đồng ý thì để lại hồ sơ chúng tôi sẽ xem xét.

Anh Sơn (vui mừng): Vâng, tôi xin gửi lại Công ty hồ sơ của tôi. Rất mong chị quan tâm giúp đỡ. Xin chào chị ạ!

Trên đường về, anh nghĩ cơ hội được tuyển dụng của anh là cao vì anh là người có năng lực và kinh nghiệm trong công việc này. Nhưng anh còn vui hơn nhiều vì mình đã hiểu thêm một quy định pháp luật gắn liền với quyền lợi của người lao động mà đến nay anh mới biết. Anh nhanh chóng đi về nhà vì lúc này anh rất muốn được nhìn thấy nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt vợ, con anh./.

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn