TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:12

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT: CHẾ ĐỘ HƯỞNG BẢO HIỂM KHI CHĂM CON ỐM

Thưa cùng Quý vị!

Cùng với lao động, việc làm, các quy định về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế là những trụ cột trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội ở mọi quốc gia trên thế giới. Bảo hiểm xã hội là công cụ giúp Nhà nước điều tiết xã hội, đảm bảo sự công bằng, tiến bộ và phát triển xã hội bền vững. Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội quan trọng, mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự tương thân, tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người có sức khỏe với người bị bệnh, giữa người trẻ với người già, người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp. Việc ban hành, thực hiện các quy định về việc làm, bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội là mối quan tâm lớn của đa số người lao động.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2018) quy định nhiều chính sách mới theo hướng bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Chế độ hưởng bảo hiểm khi chăm con ốm” sẽ giúp người đọc có thêm những thông tin cần thiết.

I. Nhân vật:

- Minh: Cán bộ phụ trách nhân sự của Công ty

- Linh: Nhân viên Công ty

- Chung: chồng chị Linh

- Chị Hà: Chủ tịch Công đoàn Công ty.

II. Nội dung tiểu phẩm:

Tại phòng nhân sự Công ty, Minh đang sắp xếp, kiểm tra sổ sách thì nghe tiếng gõ cửa.

Minh: Ai đó? Mời vào!

Linh: Dạ, em chào chị ạ!

Minh: Linh đấy à, vào đây em. Chị cũng đang định gọi điện cho em đến Công ty. Hôm nay chị vừa đi lấy tiền bảo hiểm xã hội cho em đấy. Đây là tiền chế độ con ốm, em nhận cho con nhé!

Linh: Dạ! Em cảm ơn chị ạ! Khổ quá! Bé con nhà em bị sinh non nên cứ trái gió trở trời là con ốm. Bố mẹ hai bên cũng già yếu cả rồi nên bọn em toàn phải tự xoay sở. Chị thấy đấy, từ lúc sinh con, em hay phải nghỉ ở nhà để chăm cháu. Chị thông cảm cho em nhé!

Minh: Chị biết mà. Nuôi con ở độ tuổi nào có nỗi lo riêng của độ tuổi ấy. Bé thì lo lúc bé mà đến lớn lại lo việc lớn em ạ. À, mà con em được bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Chị nhớ là cũng gần 2 tuổi đúng không?

Linh: Vâng, tính chính xác thì cháu mới được 18 tháng thôi bác ạ!

Minh: Linh ạ, chị rất thông cảm với hoàn cảnh của vợ, chồng em. Nhưng tính ra từ đầu năm đến giờ em đã nghỉ theo chế độ chăm con ốm tổng cộng là 20 ngày rồi đấy nhé!

Linh: Dạ!

Minh: Tại khoản 1 Điều 27 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) có quy định: Thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi… Theo quy định này thì trong năm nay, em đã hết thời gian hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chăm con ốm đau rồi đấy!

Linh: Chị ơi! Như vậy có nghĩa là trong năm nay, nếu không may con em ốm em muốn nghỉ thêm thì không được hưởng thêm bất cứ khoản trợ cấp nào của bảo hiểm xã hội phải không ạ?

Minh: Đúng rồi em ạ!

Linh (ngập ngừng, vừa nói vừa vẫy tay ra hiệu cho chồng đứng ngoài cửa đi vào): Chị ơi, em có điều này muốn hỏi…

Anh Chung - chồng Linh- nãy giờ đứng ngoài cửa thấy vợ ra hiệu vội đi vào.

Chnng: Dạ, em chào chị ạ!

Minh: Ơ, Chung đấy hả em? Vào phòng đi em. Người cùng Công ty, sao Linh không bảo chồng vào cùng luôn mà để chồng đứng ngoài thế em.

Chung: Dạ, chị biết rồi đấy. Con nhà em cứ đau ốm liên miên. Vợ em nghỉ nhiều cô ấy cũng ngại lắm mà không có cách nào khác. Em vừa đứng ngoài cửa, nghe chị giải thích cho cô ấy thì em cũng hiểu vợ em hết phép rồi. Bình thường con khỏe thì vợ chồng em đem con đi gửi trẻ, nhưng đợt này con em ốm quá, lại ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nguy hiểm... Ông, bà hai bên lại ở xa cũng không chăm cháu được nên vợ chồng em bàn nhau… (dừng lại)

Minh: Bàn sao chú cứ nói tiếp đi?

Chung: Vâng, em định hỏi là nếu vợ em đã hết phép, chị cho phép em nghỉ ở nhà chăm con có được không chị?

Minh: Chị nói thật với cô chú nhé! Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid như này, nhiều Công ty phải đóng cửa, công nhân không có việc làm. Công ty mình vẫn duy trì được công việc đều đặn cho người lao động là may mắn đấy. Giờ hết vợ nghỉ, lại đến chồng xin nghỉ. Ban Giám đốc biết được sẽ không bằng lòng đâu em ạ!

Chung: Dạ. Em cũng hiểu điều chị nói. Nhưng chị ơi, chị linh động giúp cho tụi em. Cũng là việc chẳng đừng được thôi chị ạ!

Linh: Chị giúp cho chúng em với. Con em ốm chưa khỏe hẳn, em thì hết phép rồi, chị tạo điều kiện cho chồng em nghỉ để chăm con với.

Minh: Giúp thì chị cũng rất muốn giúp nhưng mà theo quy định cả hai vợ chồng tham gia bảo hiểm thì chỉ 01 người được nghỉ thôi. Để chị xem lại các quy định của pháp luật nào… (Vừa nói chị vừa với tay lên giá sách tìm quyển Luật Bảo hiểm xã hội)… Mà Linh đã nghỉ hết 20 ngày rồi lại hưởng mọi chế độ bảo hiểm nữa. Nếu như bây giờ các em cứ khăng khăng xin nghỉ thì khi chú Chung nghỉ là nghỉ không lương đấy nhé.

Linh: Dạ, chị ơi, vợ chồng em khó khăn quá. Nếu nghỉ không lương thì không lấy đâu ra tiền thuốc thang cho con. Em tưởng hai vợ, chồng em cùng đóng bảo hiểm xã hội thì cùng được hưởng chế độ con ốm đau như nhau ạ?

Minh: Đóng bảo hiểm thì đóng rồi nhưng cả hai người nghỉ làm sao được…

Mọi người đang nói chuyện thì có chị Hà là Chủ tịch Công đoàn Công ty X sang tìm gặp chị Minh. Thấy cả hai vợ chồng ở đó, chị xởi lởi:

Chị Hà: Chào cô Linh, chú Chung. Nay có việc gì mà cả hai vợ chồng lại cùng ở đây thế này? Con biết làm gì rồi hả em? Nhanh nhỉ... Mới hôm nào cô Linh còn đang mang bầu. Con cún có ngoan không các em?

Linh (mừng rỡ): Chúng em chào Chủ tịch Công đoàn ạ! Chúng em cảm ơn chị đã quan tâm hỏi thăm. Con em được tuổi rưỡi, cũng biết hát líu lo rồi nhưng khổ nỗi cháu hay ốm lắm. Hôm nay may quá lại gặp được chị ở đây. Chị tạo điều kiện giúp cho vợ chồng em với...

Chị Hà (quay sang nói với Minh): Ở đây có chị Minh phụ trách nhân sự của Công ty rồi mà, có việc gì Minh cứ nói tôi nghe.

Minh: Thưa Chủ tịch công đoàn, việc là thế này ạ: Vợ, chồng cô Linh trình bày nguyện vọng nghỉ phép chăm con. Thực tế trong năm nay, cô Linh đã nghỉ đủ 20 ngày để chăm con ốm và em cũng đã hướng dẫn cô ấy nhận đầy đủ chế độ bảo hiểm. Nhưng hôm nay chú Chung - chồng cô ấy - cũng lên xin nghỉ để chăm con. Em đã giải thích cho hai vợ, chồng cô ấy là nếu giải quyết chế độ nghỉ cho chú Chung là nghỉ không lương nên cô chú ấy còn băn khoăn chị ạ!

Linh: Dạ, con em ốm chưa khỏi. Bố, mẹ hai bên không có điều kiện đỡ đần giúp được. Nếu một trong hai vợ chồng em không nghỉ thì không có ai chăm cháu. Các chị xem quy định nào của pháp luật có thể vận dụng linh hoạt giúp cho chồng em nghỉ chăm con ạ! Mà… mà nghỉ theo chế độ bảo hiểm xã hội ấy ạ, chứ nghỉ không lương thì bọn em bí quá.

Chị Hà (chậm rãi): Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh của Nhà nước nhằm hỗ trợ người lao động gặp rủi ro trong công việc và cuộc sống. Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động... trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Có hai hình thức là bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm xã hội bắt buộc: trong đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia và có các chế độ: Ốm đau; Thai sản; Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Hưu trí và Tử tuất.

Linh: Nhân đây, Chủ tịch Công đoàn có thể hướng dẫn cho chúng em biết thêm những quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội không ạ?

Chị Hà: Theo quy định của pháp luật, khi tham gia bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ được hưởng những quyền lợi cơ bản nêu sau:

- Được tham gia và hưởng các chế độ theo Luật Bảo hiểm xã hội.

- Được cấp và quản lý sổ Bảo hiểm xã hội và nhận lại sổ khi không còn làm việc.

- Nhận lương hưu và trợ cấp đầy đủ, kịp thời theo các hình thức sau: nhận trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được ủy quyền; nhận thông qua tài khoản tiền gửi của người lao động mở tại ngân hàng; nhận thông qua công ty, tổ chức nơi làm việc hay người sử dụng lao động.

- Hưởng bảo hiểm y tế trong các trường hợp: đang hưởng lương hưu, nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản, nhận con nuôi, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay trợ cấp ốm đau.

- Chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được thanh toán chi phí giám định y khoa nếu đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội.

- Ủy quyền nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người khác.

- Được cung cấp thông tin về đóng bảo hiểm xã hội theo định kỳ; yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về việc đóng và quyền được hưởng các chế độ của bảo hiểm xã hội.

- Ngoài ra, người tham gia bảo hiểm xã hội còn có quyền khiếu nại, tố cáo và khởi kiện theo quy định pháp luật nữa các em ạ!

Hiện nay, chính sách bảo hiểm ngày càng được bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi của người lao động. Vợ chồng chú Chung, cô Linh tham gia bảo hiểm xã hội và đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật bảo hiểm nên sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.

Ngừng một chút, chị Hà chậm rãi:

Nhưng tôi vừa cô Minh hướng dẫn cô Linh, chú Chung có điểm còn chưa sát với quy định pháp luật đâu nhé!

Minh: Chết, có thể do em có sơ suất, chị chỉ giúp cho em với ạ!

Chị Hà (nhấp ngụm nước, nói tiếp): Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau của mỗi người cha và người mẹ trong một năm cho mỗi con được tính theo số ngày chăm sóc con tối đa là 20 ngày làm việc nếu con dưới 03 tuổi, tối đa là 15 ngày làm việc nếu con từ đủ 03 tuổi đến dưới 07 tuổi. Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội và cùng nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau thì cả cha và mẹ đều được giải quyết hưởng chế độ khi con ốm đau nhưng không vượt quá thời gian tối đa hưởng chế độ theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Ngoài quy định trên, các em cần lưu ý thêm: Theo quy định của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc quy định thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm cho mỗi con được tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, nghỉ hằng tuần theo quy định. Thời gian này được tính kể từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 31 tháng 12 của năm dương lịch, không phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động.

Minh: Như vậy, trường hợp chú Chung nếu nghỉ phép thì vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm có phải không ạ?

Chị Hà: Đúng rồi đó em!

Linh: Chị cho em hỏi thêm, giả sử trong cùng một thời gian, người lao động có hai con cùng bị ốm đau thì giải quyết như thế nào?

Chị Hà: Trường hợp trong cùng một thời gian, người lao động có từ 2 con trở lên dưới 7 tuổi bị ốm đau thì thời gian hưởng chế độ khi con ốm đau được tính bằng thời gian thực tế người lao động nghỉ việc chăm sóc con ốm đau; thời gian tối đa người lao động nghỉ việc trong một năm cho mỗi con được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

 Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội thì tùy theo điều kiện của mỗi người để luân phiên nghỉ việc chăm sóc con ốm đau thời gian tối đa hưởng chế độ khi con ốm đau trong một năm của người cha hoặc người mẹ cho mỗi con theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Chú Chung và cô Linh đều tham gia đóng bảo hiểm xã hội nên đều được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi con ốm đau theo quy định trên. Do đó, việc chú Chung xin nghỉ để chăm con là hoàn toàn chính đáng. Chị Minh giải quyết chế độ cho cô, chú ấy nhé.

Quay sang vợ chồng Linh, chị Hà nói: Cô, chú cứ chăm sóc cho bé con nhanh khỏe và yên tâmvẫn được hưởng chế độ bảo hiểm bình thường nhé!

Minh: Dạ, vâng chị ạ! Nghe Chủ tịch Công đoàn giải thích tường tận như vậy thì em cũng hiểu rõ hơn rồi. Khi nào chú Chung muốn nghỉ thì gọi điện cho chị trước. Chị sẽ làm thủ tục để báo phân xưởng bố trí người làm việc thay vị trí của chú nhé!

Linh: Vâng, thế thì may quá! Vợ, chồng em cảm ơn chị Hà, cảm ơn chị Minh nhiều lắm ạ!

Chị Hà (quay sang Linh): Không có gì đâu, các em cứ yên tâm. Nhân đây chị có chút quà gửi thăm bé con và chúc con mau khỏe em nhé!

Chung: Vâng vợ chồng em cảm ơn chị rất nhiều! Chúng em chào các chị ạ!

Các tin cũ hơn

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn