TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:15

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT: ĐỪNG CHẠY THEO LỢI NHUẬN

Thưa cùng Quý vị!

Hiện nay, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Những hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng; làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính; làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng và tính minh bạch của thị trường hàng hóa…

Trước tình hình sản xuất và buôn bán hàng giả diễn ra phức tạp như hiện nay, cần phải áp dụng đồng thời các biện pháp, như: tăng cường vai trò điều hành quản lý của Nhà nước trong phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, vận động toàn dân tham gia phòng ngừa và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở sản xuất kinh doanh với các nhà quản lý, nhà khoa học, cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng ngừa và đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả.

Tiểu phẩm pháp luật dưới đây với tên gọi “Đừng chạy theo lợi nhuận” sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn một số quy định của pháp luật hiện hành về sản xuất, buôn bán hàng giả.

I. Nhân vật:

- Bà Bích

- Bà Hồng

- Khoa: Chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Hồng Hà

- Tùng: Anh họ của Khoa

II. Nội dung tiểu phẩm:

Thời gian đang dần trôi về những tháng cuối năm. Chẳng mấy chốc lại đến tết Dương lịch rồi Tết Nguyên Đán. Những hộ dân sống xung quanh cơ sở sản xuất của Công ty bánh kẹo Hồng lại thấy “sợ” những ngày lễ, tết vì những dịp đó, công ty tăng cường sản xuất đồng nghĩa với việc họ sẽ phải hứng chịu nhiều hơn những mùi khó chịu từ cơ sở này.

Sáng nay, bà Bích cùng bà Hồng vừa đi tập thể dục vừa nói chuyện:

Bích: Thật không thể chịu nổi cái mùi hôi thối này bà Hồng ạ! Đấy, bà xem, tôi đã bịt khẩu trang kín mít, không phải một lớp mà là hai lớp nhé, vậy mà vẫn ngửi thấy cái mùi khó chịu ấy. Có khi từ mai tôi cũng chẳng đi tập thể dục nữa bà ạ!

Bà Hồng: Nhà bà vẫn còn may mắn hơn nhà tôi vì cách xưởng sản xuất bánh kẹo xa hơn. Bà biết đấy, nhà tôi ở rất gần chỗ đó nên chịu ảnh hưởng nặng nề hơn. Nhà lúc nào cũng phải đóng kín hết các cửa rồi mà vẫn không hết mùi, thậm chí đi ngủ còn chẳng ngủ được. Nhiều lúc theo hướng gió, đưa mũi ngửi đã muốn nôn rồi. Bữa trước có đứa cháu ngoại về chơi, định ở lại ít bữa mà về được hôm trước, hôm sau mẹ nó phải cho con bé về luôn vì không chịu được mùi hôi thối đấy bà ạ.

Bích: Tôi nghĩ nếu chúng ta đã góp ý nhiều lần mà chủ cơ sở sản xuất chưa tiếp thu thì các hộ dân chúng ta sống quanh đây phải bàn nhau có một giải pháp cụ thể hơn, hiệu quả hơn để đảm bảo sức khỏe của mình chứ. Hay là tôi nghĩ thế này...

Bà Hồng: Thì bà cứ nói hết suy nghĩ của mình đi.

Bích: Bà là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ phường, bà thay mặt chúng tôi gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng xem họ có ý kiến thế nào.

Bà Hồng: Đúng là cần có biện pháp mạnh mẽ hơn mới mong khắc phục triệt để tình trạng này chứ mỗi nhắc nhở thì không ăn thua. Thôi được rồi, để tôi về chuẩn bị chút rồi qua báo cáo với Đội quản lý thị trường. Nhưng trước hết, tôi vẫn muốn gặp chủ cơ sở sản xuất bánh kẹo Hồng Hà để trao đổi cho họ biết thông tin bà ạ!

Về nhà chuẩn bị xong, bà Hồng đi qua cơ sở sản xuất bánh kẹo thì gặp Khoa là chủ quản lý cơ sở sản xuất bánh kẹo của Công ty TNHH Hồng Hà ở đó. Anh đang bắt tay với một người đàn ông ở trước cửa.

Bà Hồng (dừng lại): Chào anh Khoa! Hôm nay tôi lại sang gặp anh vì muốn nói với anh điều này: Các anh có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật nhưng người dân chúng tôi cũng có quyền được sống trong một môi trường trong lành, đảm bảo sức khỏe. Về việc cơ sở sản xuất của các anh không đảm bảo để mùi hôi thối ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ dân chúng tôi ở gần bên, tôi đã vài lần góp ý với anh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, triệt để nên tôi buộc phải có ý kiến với cơ quan chức năng. Tôi thông tin vậy để anh được biết...

Anh Khoa (xua xua tay với bà Hồng và nói nhỏ): Bác ơi, tôi đang có khách nên mong bác thông cảm cho. Tôi sẽ gặp và nói chuyện với bác sau chút nhé! Bác cứ yên tâm ạ!

Bà Hồng: Tôi không yên tâm được anh Khoa ạ! Không phải hôm nay mà tôi đã trực tiếp góp ý với anh vài lần rồi. Kéo dài tình trạng ô nhiễm thêm ngày nào chúng tôi có nguy cơ rước bệnh thêm ngày đó nên tôi buộc phải phản ánh đến cơ quan chức năng.

Nói rồi bà Hồng đi xe đạp điện vụt qua.

Khoa (thở dài quay sang nói với Tùng): Ngại với anh quá, nay mời anh đến đây lại gặp chuyện không vui để anh cười chê rồi. Mời anh vào trong nhà, chúng ta uống nước nói chuyện.

Vừa vào đến phòng của Khoa, Tùng đã bắt đầu:

Tùng: Khoa này, nói thật với cậu nhé, trước khi nghe bác gái vừa rồi phản ánh, khi vừa đến nơi, tôi cũng ngửi thấy mùi khó chịu ở cơ sở nhà mình rồi. Cậu kể tôi nghe xem tình hình cụ thể như thế nào.

Khoa (vừa rót nước mời vừa nói chậm rãi): Chẳng giấu gì anh, em mình là chỗ họ hàng nhưng cũng thân thiết như người trong gia đình nên em muốn nhờ anh tư vấn giúp cho. Chẳng là để phục vụ hàng hóa bán dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, cơ sở em quản lý phải sản xuất gấp số hàng bánh kẹo. Thực ra anh biết đấy, thời buổi khó khăn này, muốn lợi nhuận mà làm ăn “chân chỉ hạt bột” thì có khi công ty không trụ nổi mất anh ạ.

Tùng: Cậu nói vậy tức là thừa nhận cơ sở kinh doanh của cậu có sai phạm phải không?

Khoa: Thưa anh, có cái đúng và cũng có cái chưa đúng anh ạ!

Tùng: Thì cậu cứ trao đổi cụ thể cho tôi nghe xem nào?

Khoa: Về điều kiện kinh doanh thì cơ sở em tuân thủ đầy đủ rồi, có giấy tờ hợp lệ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của Công ty. Chỉ là một số thành phần của sản phẩm thực tế không đúng với thành phần được công bố trên bao bì của sản phẩm, có một số chất phụ gia cũng chưa đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định với nguồn gốc xuất xứ không rõ trên thị trường...

Khoa: Vậy đó có phải là nguyên nhân chính khiến thực phẩm bị bốc mùi không?

Tùng (lúng túng): Thú thực với anh, trong điều kiện hiện nay, kho chứa nguyên liệu và nơi sản xuất chưa đảm bảo điều kiện như yêu cầu, một số nguyên liệu sản xuất bị ẩm mốc, hoặc nhiệt độ bảo quản chưa phù hợp, một số loại phụ gia như bột mỳ, bột nở... không có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ nên không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm...

Khoa: Như vậy các mẫu hàng thành phẩm của công ty cậu đều không đạt yêu cầu về thành phần và chất lượng như công bố trên bao bì sản phẩm?

Tùng: Dạ... thì... cũng có thể nói là như vậy. Anh biết đấy, là người quản lý, em cũng nhận ra các vấn đề này, nhưng muốn tranh thủ tăng lợi nhuận trong dịp Tết sắp tới nên đành “nhắm mắt cho qua thôi anh ạ.

Khoa (nhíu mày): Cậu nói vậy là không được rồi. Người làm kinh doanh thì phải hướng đến lợi nhuận. Mình bỏ tiền bạc, công sức kinh doanh thì phải có lãi là chính đáng nhưng không phải bằng mọi giá vì như vậy là đã vi phạm pháp luật. Việc công ty cậu sản xuất sản phẩm bánh, kẹo như cậu vừa nói bị coi là sản xuất hàng giả và sẽ bị xử lý nghiêm theo các quy định của pháp luật đó.

Tùng: Anh nói sao ạ? Việc không đảm bảo nguyên liệu thành phẩm so với bao bì bị coi là sản xuất hàng giả ạ? Anh có thể phân tích cho em hiểu rõ hơn được không anh?

Khoa: Được rồi, để tôi nói cho cậu biết nhé: Ngày 26/8/2020 Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, theo đó hàng giả gồm:

- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hoá không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;

- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;

- Hàng hoá có nhãn hàng hoá hoặc bao bì hàng hoá ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hoá; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hoá hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

- Tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả…

Tùng: Như vậy, hàng giả có thể chứa một hoặc nhiều dấu hiệu giả như: giả về chất lượng, về công dụng; giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa; giả mạo về sở hữu trí tuệ… đúng không anh?

Khoa: Đúng vậy đó! Và theo quy định của pháp luật, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức…

Đối chiếu với các quy định của pháp luật thì cơ sở mà cậu quản lý đã có dấu hiệu làm hàng giả rồi đó. Cậu thử dự kiến giá trị của số hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và các phụ gia không bảo đảm chất lượng là bao nhiêu tiền?

Khoa (lo lắng): Em ước khoảng trên 25.000.000 đồng… mà chính xác hơn chắc tầm 28.000.000 đồng anh ạ!

Tùng: Với giá trị hàng hóa như cậu vừa nói thì theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nêu:

“Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng”.

Khoa: Ngoài việc bị phạt tiền, đối tượng vi phạm còn phải thực hiện nghĩa vụ nào khác không anh?

Tùng: Ngoài hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền thì tổ chức hoặc cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính…

Khoa: Như vậy, mức phạt đối với hành vi sản xuất hàng giả là vô cùng nghiêm khắc phải anh nhỉ.

Tùng: Đúng rồi đó! Không phải chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính đâu, người có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nếu đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm còn có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt tù cao nhất tới 15 năm tù giam.

 Sở dĩ pháp luật quy định mức phạt nghiêm khắc như vậy bởi việc sản xuất và kinh doanh hàng giả, nhất là loại hàng hóa là thực phẩm có thể ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của con người. Việc sản xuất của công ty cậu thực tế đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe của người dân xung quanh. Mặc dù hiện tại chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào nhưng không ai dám bảo đảm rằng trong tương lai sẽ không có và hơn nữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng nếu công ty cậu tiếp tục sản xuất như vậy.

Khoa: Nghe anh phân tích kỹ càng, em đã thấu hiểu rồi. Đúng là chỉ vì mục tiêu chạy theo lợi nhuận, em đã xem nhẹ những vấn đề liên quan và làm ảnh hưởng tới cộng đồng. Vậy theo anh, bây giờ em phải xử lý ra sao?

Tùng: Nếu người dân có ý kiến gửi tới cơ quan chức năng vào cuộc thì việc xử lý vi phạm hành chính chắc khó tránh được rồi. Giờ cậu phải nhanh chóng khắc phục hậu quả để tránh bị áp dụng mức xử lý cao hơn, đồng thời không ảnh hưởng đến người dân xung quanh, đến người tiêu dùng.

Khoa: Các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật được quy định như thế nào hả anh?

Tùng: Tùy từng hành vi vi phạm, có nhiều biện pháp khắc phục hậu quả khác nhau. Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm:

- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc tái xuất hàng hóa, vật phẩm, phương tiện;

- Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

- Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;

- Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm;

- Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng giá trị tang vật, phương tiện vi phạm đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật;

- Buộc thu hồi hàng hóa có khuyết tật;

- Buộc hủy bỏ kết quả đã mở thưởng và tổ chức mở thưởng lại đối với chương trình khuyến mại mang tính may rủi;

- Buộc sửa đổi lại hợp đồng đã giao kết hoặc buộc sửa đổi hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo đúng quy định;

- Buộc thu hồi tên miền “.vn” của website thương mại điện tử hoặc buộc gỡ bỏ ứng dụng di động trên các kho ứng dụng hoặc trên các địa chỉ đã cung cấp.

Với sản phẩm của công ty cậu, khả năng sẽ bị áp dụng biện pháp “buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng là hợp lý nhất, sau này có thể gây dựng lại hình tượng của công ty, phát triển thành cơ sở sản xuất kinh doanh theo con đường lành mạnh, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, vì lợi ích bản thân cơ sở, người tiêu dùng tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Khoa: Dù không phải người chuyên về luật nhưng nghe anh phân tích, em đã thấy sáng tỏ nhiều điều rồi, em cảm ơn anh ạ!

Vừa tiễn Tùng ra đến cửa cơ sở sản xuất thì Khoa gặp đoàn cán bộ Đội quản lý thị trường đến. Vì nghe Tùng phân tích trước đó nên Khoa đã hiểu và tích cực phối hợp với Đội quản lý thị trường để giải quyết vụ việc vi phạm.

Cũng trong ngày hôm đó, Khoa đã đến nhà gặp bà Hồng không chỉ để xin lỗi mà còn đưa ra những biện pháp cụ thể để khắc phục hậu quả và hứa sẽ thay đổi phương án kinh doanh theo hướng lành mạnh. Anh thầm cảm ơn anh Tùng đã giúp anh hiểu rõ ràng các quy định của pháp luật để tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc về sau.

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn