TRANG THÔNG TIN PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Thành phố Hải Phòng

Thời gian: 22/12/2021 09:21

TIỂU PHẨM PHÁP LUẬT TRẺ EM MẦM NON, TƯƠNG LAI CỦA ĐẤT NƯỚC

Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước.

Điều 34 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”. Luật Trẻ em năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017 cũng đã ghi nhận trẻ em là công dân Việt Nam được bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của pháp luật phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội nơi trẻ em sinh sống và điều kiện của cha, mẹ hoặc người chăm sóc trẻ em.

Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh. Nhà nước có chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ để hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được chăm sóc sức khỏe, ưu tiên cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, trẻ em có quyền được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân. Trẻ em được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục; được phát triển tài năng, năng khiếu, sáng tạo, phát minh. Nhà nước có chính sách hỗ trợ, bảo đảm mọi trẻ em được đi học, giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học; có chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em đang sinh sống tại các xã biên giới, miền núi, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tiếp cận giáo dục phổ cập, giáo dục hòa nhập, được học nghề và giới thiệu việc làm phù hợp với độ tuổi và pháp luật về lao động.

Tiểu phẩm pháp luật “Trẻ em mầm non, tương lai của đất nước”sẽ giới thiệu với Quý bạn đọc nội dung trên.

I. Nhân vật

- Anh Bình (bố cháu Hương)

- Chị Ngoan (vợ anh Bình)

- Cô Na (con dâu bà Nga hàng xóm)

          II. Nội dung tiểu phẩm

          Năm học mới đã bắt đầu được 3 tháng rồi mà bé Hương nhà anh Bình chị Ngoan vẫn chưa được đi học mẫu giáo. Năm nay bé đã 3 tuổi, đủ tuổi vào học mầm non nhưng vì gia đình quá khó khăn, anh chị vẫn để con ở nhà. Những lúc có công việc thì gửi cháu sang nhà hàng xóm nhờ mọi người trông giúp .

          Anh Bình đang ngồi trong nhà thấy chị Ngoan tất tả chạy về, ngồi xuống cạnh chồng, chị Ngoan vừa thở vừa nói:

          Chị Ngoan: Anh này, em vừa ở bên nhà bà Nga về, thấy cô Na con dâu bà ấy nói chuyện bọn trẻ con đi học mầm non không phải mất tiền gì cả, em mừng quá chạy về nói với anh để mai cho bé Hương đi học anh nhé…

          Chị Ngoan chưa dứt lời anh Bình đã vội vã nói:

          Anh Bình: Sao em suy nghĩ đơn giản thế nhỉ? Làm gì có chuyện cho con đi học mà lại không mất tiền? Nhà mình khó khăn quá, ăn hôm nay lo ngày mai, sức  khỏe của hai vợ chồng đều yếu, cho con đi học lấy đâu tiền mà đóng góp?

          Thấy chồng vẫn chưa hiểu ý mình nói, chị Ngoan càng ra sức thuyết phục:

          Chị Ngoan: Con dâu bà Nga là giáo viên mầm non trên thị trấn về chơi nói thế mà, cô ấy phải biết chính xác thì mới nói thế chứ, hình như còn được cả tiền ăn nữa anh ạ…

          Ngắt ngang lời vợ, anh Bình liền nói:

          Anh Bình: Anh thì nghĩ thế này, con bé mới có 3 tuổi, chưa cần thiết phải đi học, tiền học mẫu giáo nên tiết kiệm để dành cho nó vào lớp 1. Học mẫu giáo chỉ là học ăn học nói, vợ chồng mình tự dạy cho con là được rồi, đỡ được một khoản tiền.

          Nói xong anh Bình đứng lên đi như muốn dừng cuộc nói chuyện ở đây. Chị Ngoan một mình ngồi thẫn thờ, nước mắt chảy xuống khuôn mặt sạm đen lúc nào không biết. Anh chị đều có hoàn cảnh không được may mắn như mọi người. Cả anh và chị bố mẹ đầu mất sớm, anh chị sống nhờ sự cưu mang của họ hàng, làng xóm  tại cái huyện đảo này từ nhỏ. Tuy nhiên, ở cái xã thuộc vùng ven biển và hải đảo này, thu nhập chủ yếu anh chị trông vào sản xuất nông nghiệp và làm thuê muối cho mấy chủ xưởng sản xuất muối. Mải lo làm ăn, anh Bình và chị Ngoan đều để tuổi xuân của mình trôi qua. Khi mọi người mai mối hai người đến với nhau thì cả chị và anh Bình đều là những người quá lứa lỡ thì, năm ấy chị Mai cũng đã sang tuổi 36 còn anh Bình đã 42 tuổi, mãi gần năm năm sau khi hai người kết hôn mới sinh được bé Hương. Chị Ngoan muốn chăm chút cho con ngay từ nhỏ để nó không phải thiệt thòi như chị bây giờ, đến cái tên của mình viết còn chưa thạo. Nhưng khổ nỗi lực bất tòng tâm, hai vợ chồng thay nhau đau ốm, tiền thuốc nhiều hơn tiền gạo. Chị không biết phải làm thế nào để con mình cũng được học hành như bao đứa trẻ khác.

          Buổi tối sau khi cơm nước xong, không thấy chồng mình đâu, chị Ngoan quyết định bế con sang nhà bà Nga để gặp chị Na con dâu bà Nga hỏi chi tiết về việc học mẫu giáo của con mình.

          Vừa bước vào cửa, chị Ngoan ngạc nhiên thấy anh Bình đã ngồi ở nhà bà Nga từ bao giờ đang chuyện trò với bà Nga và cô con dâu. Tiếng cô Na vang vang:

          Cô Na: Anh cứ yên tâm cho cháu đi học, 3 tuổi là độ tuổi rất quan trọng và cần thiết để cho trẻ đến trường có cơ hội tiếp cận và phát triển trí tuệ cũng như khả năng giao tiếp. Nếu như trẻ có nền tảng từ mầm non thì khi đi học tiểu học cũng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

          Anh Bình ngồi quay lưng lại phía cửa nên chị Ngoan không nhìn thấy biểu cảm trên mặt anh mà chỉ nghe thấy giọng anh trầm đục, khàn khàn:

          Anh Bình: Tôi vẫn biết là có học có hơn, nhưng điều kiện nhà tôi cô cũng biết rồi đấy, nếu bây giờ cho cháu đi học đến lúc không có tiền đong gạo lại bắt nó nghỉ học thì còn tội hơn.

          Với lại, giờ cháu còn bé, đi học lúc này chỉ là trông trẻ. Vợ chồng tôi thay nhau vừa làm, vừa trông con, cũng không mất một khoản tiền học đấy cô. Thà rằng ngay từ đầu không cho đi học thì nó cũng biết hoàn cảnh gia đình mà chấp nhận thôi, với lại nó còn bé thế chắc gì đã thích đi học hả cô?

          Ngập ngừng một lát anh Định nói tiếp:

          Anh Bình: Tôi chắc chắn với cô, nhất định khi bé Hương đủ tuổi vào lớp 1 tôi sẽ cho cháu đi học.

          Dường như đã hiểu những vướng mắc trong lòng anh Định, cô Na nhẹ nhàng nói:

          Cô Na: Em biết hoàn cảnh gia đình của anh chị. Em cũng biết anh chị đang lo lắng điều gì, nhưng anh yên tâm Nhà nước đã có chính sách phát triển cho giáo dục mầm non, có rất nhiều chính sách được ưu tiên áp dụng. Anh chị cố gắng quyết tâm thì bé Hương sẽ được đến trường như bao đứa trẻ khác.

          Thấy chị Ngoan đi vào, cô Na vui vẻ hỏi han tình hình ở nhà của cháu Hương. Nhìn con bé ngây thơ, hồn nhiên, đáng yêu, Na suy nghĩ mình phải cố gắng thuyết phục anh chị ấy để cho cháu Hương được đi học mầm non.

          Cô Na: Hôm nay, có cả anh chị ở đây, em cũng thông tin cho anh chị nắm được một số nội dung liên quan đến việc học mầm non của cháu.

          Tuần trước, giáo viên mầm non chúng em được đi tập huấn nghiệp vụ trước khi vào năm học mới. Em nói anh chị biết, ngày 08/9/2020, Chính Phủ ban hành Nghị định số 105/NĐ-CP quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non. Trong số đó có các chính sách liên quan tới trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách phát triển giáo dục mầm non quy định tại Điều 27 Luật Giáo dục. Điều 4 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ quy định cụ thể như sau:

          Chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng khó khăn:

1. Ưu tiên đầu tư kinh phí của Trung ương và địa phương từ các chương trình, dự án để xây dựng cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm yêu cầu đến năm 2025 đạt 01 phòng/nhóm, lớp và đáp ứng yêu cầu kiên cố hóa trường lớp học.

2. Cơ sở giáo dục mầm non công lập ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo, xã thuộc vùng khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được ngân sách nhà nước hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em theo quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Hỗ trợ kinh phí tổ chức nấu ăn cho trẻ em

a) Kinh phí hỗ trợ tổ chức nấu ăn cho trẻ em mầm non được tính trên số lượng trẻ em được ăn bán trú, tối thiểu bằng 2.400.000 đồng/01 tháng/45 trẻ em, số dư từ 20 trẻ em trở lên được tính thêm một lần mức hỗ trợ. Mỗi cơ sở giáo dục mầm non được hưởng không quá 05 lần mức hỗ trợ nêu trên/01 tháng và không quá 9 tháng/01 năm học.

b) Phương thức thực hiện

Hằng năm, cùng với thời điểm dự toán ngân sách nhà nước, căn cứ vào số trẻ em hiện có, cơ sở giáo dục mầm non công lập theo quy định tại khoản 2 Điều này lập dự toán theo quy định gửi về phòng giáo dục và đào tạo tổng hợp, gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

          Anh Bình, Chị Ngoan ngồi nghe như nuốt từng lời, gương mặt anh chị sáng lên khi biết được nhà nước có chính sách ưu đãi đối với học sinh mầm non ở xã có thuộc vùng khó khăn, xã thuộc vùng vien biển và hải đảo. Như vậy sẽ đỡ khó khăn hơn cho anh chị trong thời gian tới.

          Nhìn thấy sự tin tưởng và quyết tâm trong ánh mắt của hai vợ chồng nghèo hàng xóm, cô Na muốn tiếp thêm niềm tin và sức mạnh cho họ, liền nói:

Cô Na: Nhà nước quy định cụ thể, chi tiết chế độ ăn trưa của trẻ mầm non nên anh chị yên tâm, suất ăn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ phát triển, đây nhé, em đọc cho anh chị nghe, Điều 7 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo như sau:

“1. Đối tượng hưởng chính sách

Trẻ em độ tuổi mẫu giáo (không bao gồm trẻ em dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định tại Nghị định số 57/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ em mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số rất ít người) đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm một trong những điều kiện sau:

a) Có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở thôn đặc biệt khó khăn, xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

b) Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

c) Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

d) Trẻ em là con liệt sĩ, con Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, con thương binh, con người hưởng chính sách như thương binh, con bệnh binh; con một số đối tượng chính sách khác theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (nếu có).

đ) Trẻ em khuyết tật học hòa nhập.

2. Nội dung chính sách

Trẻ em thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này được hỗ trợ tiền ăn trưa là 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

3. Hồ sơ

a) Cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nộp một trong số các loại giấy tờ sau:

- Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực sổ hộ khẩu hoặc cung cấp thông tin về số định danh cá nhân của trẻ em hoặc của cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em;

- Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc đăng ký thường trú của trẻ em (trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc).

4. Trình tự và thời gian thực hiện

Tháng 8 hằng năm, cơ sở giáo dục mầm non tổ chức phổ biến, thông báo rộng rãi và hướng dẫn cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc đối tượng được hưởng chính sách nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ ăn trưa;

5. Phương thức thực hiện

a) Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa được thực hiện 2 lần trong năm học: lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 11 hoặc tháng 12 hằng năm; lần 2 chi trả đủ các tháng còn lại vào tháng 3 hoặc tháng 4 hằng năm.

b) Căn cứ vào thực tế quản lý và cách tổ chức ăn trưa của nhà trường, lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ em để lựa chọn thực hiện theo một trong hai phương thức sau:

- Phương thức 1: Cơ sở giáo dục mầm non giữ lại kinh phí hỗ trợ để tổ chức bữa ăn trưa cho trẻ em (đối với các cơ sở giáo dục mầm non có tổ chức nấu ăn cho trẻ em);

- Phương thức 2: Chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.

Sau khi đọc xong, cô Na nói thêm:

Cô Na: Anh chị thấy không, chính sách hỗ trợ rất rõ ràng, đầy đủ đảm bảo quyền lợi của trẻ em, anh chị còn chần chừ gì nữa mà không cho bé Hương đến trường? Mà em cũng thông tin cho anh chị biết, ngày 12/8/2021, Hội đồng nhân dân thành phố ban hành Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND quy định một số mức hỗ trợ thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP ngày 08/9/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 22/8/2021.

Theo đó, trẻ em đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định được hỗ trợ 200.000 đồng/trẻ/tháng.

Anh Bình quay sang nhìn vợ khẽ gật đầu, rồi nói với cô Na:

Anh Bình: Nói thật với cô, cho con được đến trường để con học được cái chữ, mong cho con sau này có một cuộc sống tươi đẹp hơn là mong muốn của vợ chồng tôi. Chúng tôi rất cảm ơn cô vì đã nhiệt tình giải thích và mang đến cơ hội cho cháu Hương được đến trường. Nếu không có cô cho biết chế độ chính sách ưu đãi của nhà nước cho trẻ mầm non thì không biết đến bao giờ chúng tôi mới có điều kiện cho con đi học.

Không biết từ lúc nào, nước mắt đã chảy tràn trên gương mặt chị Ngoan, chị khóc vì vui mừng, vì hạnh phúc, vì sự tin tưởng vào tương lai tươi sáng của con gái chị. Mùa đông giá lạnh, nhưng chị Ngoan thấy trong lòng ấm áp, chị mong chờ cuộc sống tươi sáng đang đến với gia đình chị.

 

Lượt truy cập: 632073
Trực tuyến: ...

TRANG THÔNG TIN VỀ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Cơ quan chủ quản: UBND thành phố Hải Phòng

Cơ quan quản lý: Sở Tư pháp thành phố Hải Phòng

Trưởng Ban biên tập: Giám đốc Phạm Tuyên Dương

Liên hệ

 Địa chỉ: Số 7 Lạch Tray, Ngô Quyền, Hải Phòng

 Điện thoại: 0225.3846314

 Fax: 0225.3640091

 Email: sotp@haiphong.gov.vn